Lê Hồng Hiệp
Nghiên cứu sinh Tiến sỹ
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các triều đại phong kiến Trung Quốc thường được tạo dựng và phát triển bởi các tướng lĩnh.
Trong những triều đại khi mà các vị hoàng đế không trực tiếp cầm quân thì các tướng lĩnh tài ba luôn được trọng vọng. Đồng thời các vương triều cũng luôn hướng tới mục tiêu xây dựng một lực lượng “binh hùng tướng mạnh”.Sở dĩ như vậy là bởi lực lượng quân đội cùng các tướng lĩnh luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các vị hoàng đế Trung Hoa mở rộng bờ cõi, cai trị xã hội và trấn áp các phong trào phản loạn chống lại triều đình. Chính vì thế trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt là đối với giới cầm quyền, từ lâu đã hình thành và nuôi dưỡng một tư tưởng “sùng binh”, coi trọng quân đội và vai trò của các võ quan.
Tuy nhiên dưới sự cầm quyền của Đảng Cộ
ng sản Trung Quốc, ảnh hưởng của Giải phóng quân Trung Quốc (PLA) đối với nền chính trị trong nước đã được kiểm soát một cách cẩn thận, và các tướng lĩnh Trung Quốc ngày nay dường như được hưởng một vị thế chính trị ít đặc quyền hơn so với các võ quan thời phong kiến.
Thật vậy, kể từ năm 1949, vai trò của PLA đối với chính trị trong nước của Trung Quốc nhìn chung tương đối hạn chế, ngoại trừ thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, khi PLA được sử dụng để mang lại ảnh hưởng chính trị cho Mao Trạch Đông trong cuộc đấu tranh nội bộ với các nhà lãnh đạo khác. Kể từ giai đoạn cầm quyền của Đặng Tiểu Bình, một cựu chiến binh thời kỳ Trường Chinh, không có lãnh đạo tối cao nào của Trung Quốc xuất thân từ quân đội.
Tương tự như vậy, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện tại không có một tướng lĩnh nào, trong khi đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lương Quang Liệt thậm chí còn không phải là một thành viên của Bộ Chính trị bao gồm 25 thành viên.
Điều gì đằng sau?
Vậy điều gì đứng đằng sau sự thiếu vắng của các nhân vật xuất thân từ PLA trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, và liệu mọi thứ có khả năng thay đổi hay không?
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, mối quan hệ dân sự-quân sự đã được xác định rõ ràng để ngăn chặn các tướng lĩnh can thiệp và thao túng chính trị Trung Quốc. Điều này được phản ánh trong câu nói nổi tiếng của Mao Trạch Đông rằng "Đảng cai trị quân đội, nhưng quân đội không bao giờ được phép cai trị Đảng."
Mao và các đồng chí của ông dường như đã rút kinh nghiệm được từ nhiều ví dụ trong lịch sử Trung Quốc, rằng các tướng lĩnh quân sự hoặc có thể giúp duy trì triều đại một của hoàng đế, hoặc có thể lật đổ nó thông qua các âm mưu phản bội hoặc nổi loạn kiêu binh.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của các nhân vật xuất thân từ PLA ở hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc không có nghĩa là PLA không phải là một nhóm tác nhân quyền lực trong giới hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại của nước này, và cũng không có nghĩa rằng ảnh hưởng của PLA sẽ không được mở rộng. Ngược lại, ngay cả tại thời điểm khi mà Trung Quốc được hưởng một nền hòa bình kéo dài hơn bao giờ hết - và phát triển kinh tế chứ không phải quốc phòng trở thành mối quan tâm chủ yếu của chính quyền, thì tư tưởng sùng binh vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển ở nước này.
Và giờ đây, mặc dù không tồn tại một mối đe dọa quân sự thực sự nào từ nước ngoài đối với an ninh của Trung Quốc, thì các vấn đề nội bộ như lấy lại Đài Loan hay đối phó với các phong trào ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng đều yêu cầu PLA phải đóng một vai trò tích cực. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc kể từ cuối những năm 1970 càng mang lại tiếng nói quyền lực cho PLA khi ngành công nghiệp quốc phòng đã phát triển nhanh chóng, không những chỉ giúp phục vụ mục tiêu nâng cao sức mạnh quân sự mà còn giúp mang lại những nguồn thu lớn từ xuất khẩu vũ khí cũng như mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài.
Quá trình hiện đại hóa của PLA cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc mang dấu ấn quan trọng của Đặng Tiểu Bình. Chính dưới sự lãnh đạo Đặng, hiện đại hóa quân đội trở thành một trụ cột trong mục tiêu “Bốn hiện đại hóa” của Trung Quốc. Chính tại một cuộc diễn tập quân sự ở miền bắc Trung Quốc vào năm 1981, Đặng Tiểu Bình đã chính thức kêu gọi xây dựng một “quân đội cách mạng chính quy, hiện đại."
Nhà nghiên cứu King C. Chen trong cuốn sách “China's War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications” thậm chí còn cho rằng một lý do đằng sau quyết định của Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc chiến tranh biên giới chống lại Việt Nam năm 1979 là nhằm phơi bày những điểm yếu của PLA và qua đó vận động sự ủng hộ trong nước đối với mục tiêu hiện đại hóa quân đội nước này. Có thể nói nhờ vào sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Đặng nên quá trình hiện đại của PLA đã được khởi động từ cuối những năm 1970 và dần mang lại kết quả.
Trải qua ba thập kỷ, những thành tựu nổi bật của quá trình hiện đại hóa PLA bao gồm việc hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên mang tên Shi Lang, chuyến bay thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên mang mã hiệu J-20, và việc phát triển thành công một loại tên lửa đạn đạo chống tàu tầm trung mang tên gọi DF- 21D. Trước đó vào tháng Giêng năm 2007, PLA cũng đã gây chấn động thế giới khi tiến hành thành công một vụ thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, vụ thử nghiệm tiêu diệt vệ tinh đầu tiên thành công trên thế giới kể từ vụ thử của Hoa Kỳ năm 1985.
Công nghiệp quốc phòng
Cùng với tăng cường sức mạnh quân sự, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc cũng đã phát triển đến mức cho phép các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc trở thành những đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Theo một báo cáo của Bloomberg, bốn hãng công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc (Norinco), Công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc, và Công ty Khoa học & Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc, đã tạo ra doanh thu tổng cộng 66 tỷ USD trong năm 2008. Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm của thế giới trong năm 2010.
Sự phát triển ấn tượng của PLA, đặc biệt là trong thập kỷ vừa qua, là kết quả của một thỏa thuận giữa PLA và các lãnh đạo chính trị Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình. Theo một nhà nghiên cứu tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, trong những năm 1980 và 1990, khi Đặng Tiểu Bình muốn tập trung phần lớn nguồn lực cho các cải cách kinh tế của mình, Đặng đã yêu cầu PLA chấp nhận một nguồn ngân sách quốc phòng hạn chế hơn. Tuy nhiên giờ đây với việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ suốt ba thập kỷ qua, đã đến lúc PLA vươn vai đòi hỏi quyền lợi và khẳng định vị thế của mình.
Thực sự quá trình tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đồng nghĩa với vai trò ngày càng được nâng cao của PLA, sẽ không thể trở thành hiện thực nếu như không được hậu thuẫn bởi nguồn ngân sách quốc phòng ngày càng phình to của nước này. Theo tuyên bố chính thức của Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của nước này trong năm 2011 là khoảng 600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 94 tỷ USD), một con số mà nhiều nhà phân tích cho là không đầy đủ.
Quá trình hiện đại hóa mang lại những kết quả cụ thể đã biến PLA trở thành một biểu tượng cho lòng tự hào dân tộc của người Trung Quốc. Mặt khác, với sức mạnh ngày càng gia tăng, PLA có thể hậu thuẫn mạnh mẽ hơn cho những chính sách ngoại giao ngày càng cương quyết và có phần hiếu chiến hơn của Trung Quốc, những chính sách vốn phù hợp với lợi ích của PLA trong việc thúc đẩy tinh thần “sùng binh” trong chính giới Trung Quốc.
Mặt khác, việc làm phức tạp hơn các cuộc tranh chấp chủ quyền như ở Biển Đông càng giúp cho PLA có cơ sở để đòi hỏi những khoản đầu tư lớn từ ngân sách quốc gia. Một số nghiên cứu như của John W. Garver đã chỉ ra rằng các chính sách và sứ mệnh mà Hải quân Trung Quốc theo đuổi ở Biển Đông là nhằm không chỉ đáp ứng lợi ích quốc gia của nước này mà còn giúp Hải quân Trung Quốc giành được nhiều ngân sách hơn từ chính phủ trong việc hiện đại hóa lực lượng của mình.
Trong một hệ thống thiếu minh bạch như ở Trung Quốc thì các khoản đầu tư, mua sắm quốc phòng khổng lồ hoàn toàn có thể mang lại những lợi ích tài chính khó bị kiểm soát cho một số tầng lớp các tướng lĩnh cũng như các công ty công nghiệp quốc phòng.
Ảnh hưởng
"Nhìn chung, những chính sách của PLA đang theo đuổi, chẳng hạn như trong tranh chấp Biển Đông, có thể được xem là phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên trong một vài trường hợp khác thì lợi ích quốc gia và lợi ích của PLA dường như có sự khác biệt."
Mặc dù các quan chức Trung Quốc nói rằng chính phủ đã không hề biết về những cuộc đàm phán (vốn diễn ra ở ngay Bắc Kinh), và nhấn mạnh rằng sẽ không có bất kỳ hợp đồng hoặc việc giao hàng nào được chấp thuận trên thực tế, nhưng các nhà lãnh đạo mới của Libya đã chỉ ra rằng họ coi đây là một sự cố tiêu cực trong quan hệ với Trung Quốc. Điều này có thể gây trở ngại cho những nỗ lực của các công ty Trung Quốc trong việc tham gia các dự án tái thiết Libya trong tương lai.
Nhìn nhận một cách khách quan có thể thấy ảnh hưởng của PLA đối với nền chính trị trong nước và chính sách đối ngoại của Trung Quốc chưa thể mạnh mẽ bằng ảnh hưởng của Lầu Năm Góc đối với các chính sách của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, sau nhiều năm nuôi dưỡng tư tưởng "sùng binh" trong chính giới và dư luận Trung Quốc, ảnh hưởng của PLA chắc chắn sẽ ngày một tiếp tục phát triển và trở thành một đặc điểm bén rễ sâu trong nền chính trị và ngoại giao Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, giảng viên Đại học Quốc gia TPHCM, và hiện là Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại Đại học New South Wales, Australia. Bản bản tiếng Anh đã đăng trên The Diplomat.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét