Pages

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

VN khởi động 'tái cấu trúc ngân hàng'

Giới lãnh đạo NHNN trấn an người gửi tiền
vào các ngân hàng thuộc diện sáp nhập.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mô tả việc hợp nhất ba ngân hàng thương mại cổ phần "hoạt động không tốt" là bước đi cụ thể trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình được truyền thông Việt Nam trích dẫn nói Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ Nhất (Ficombank) đã có sự lạm dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dẫn đến những khó khăn thanh khoản tạm thời.


Tổng số tài sản của cả ba ngân hàng vào khoảng 154 nghìn tỷ đồng (khoảng 7,33 tỷ USD) tính đến ngày 30 tháng Chín, theo Reuters.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ đứng ra đại diện phần vốn của nhà nước và thực hiện hợp nhất ba ngân hàng thương mại.

Thời báo Kinh tế Việt Nam mô tả điều họ gọi là một số ngân hàng thuộc diện phải sáp nhập "chủ yếu tập trung vào tín dụng khu vực bất động sản và chứng khoán".
"Có những đơn vị, dư nợ tín dụng phi sản xuất tới 70% - 80%/tổng dư nợ, thậm chí trở thành kênh dẫn vốn cho tín dụng đen".
Trong bước đi được giới quan sát xem là bước giải cứu tài chính đầu tiên có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình nói “Sẵn sàng đảm bảo quyền lợi của người dân khi nhà nước tiến hành sắp xếp, cải tổ hệ thống ngân hàng”.
"Nếu rơi vào thế bị động mất bò mới lo làm chuồng thì việc hợp nhất, sáp nhập mang ý nghĩa rất thấp"
TS Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TpHCM
Lời trấn an được đưa ra kèm theo điều được mô tả là nhà nước đảm bảo lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền lợi của các cổ đông.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua giới lãnh đạo ngành ngân hàng tại Việt Nam tuyên bố điều họ gọi là "không để ngân hàng nào bị phá sản" và rằng “khi tiến hành tái cấu trúc ngân hàng là đánh chuột không để vỡ bình".
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - ĐH Ngân hàng TPHCM được truyền thông trong nước trích dẫn nói trong bối cảnh hiện nay, việc hợp nhất ba ngân hàng kể trên "là bước đi đầu tiên để đạt được mục tiêu bình ổn niềm tin".
"Còn nếu rơi vào thế bị động mất bò mới lo làm chuồng thì việc hợp nhất, sáp nhập mang ý nghĩa rất thấp", ông Dương nói thêm.
Trong khi đó Thời báo Kinh tế Việt Nam trích dẫn một chuyên gia trong ngành ngân hàng nói câu chuyện sáp nhập những ngân hàng yếu kém về một mối chưa hoàn toàn chấm dứt ở đó.

"Ba ông yếu nhập với nhau, sẽ thành một ông lớn nhưng rất yếu và sẽ không giải quyết triệt để những rủi ro tiềm ẩn cho cả hệ thống”, người muốn ẩn danh nói thêm.

Không có nhận xét nào: