Pages

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Doanh nghiệp Mỹ muốn gì ở Việt Nam?

Lê Quỳnh
BBCVietnamese.com


Ông John Goyer nhấn mạnh vấn đề ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ (U.S. Chamber of Commerce) nói với BBC rằng Việt Nam cần cải tổ doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng để có thể phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Phỏng vấn được thực hiện hôm 6/11 với ông John Goyer, giám đốc cao cấp phụ trách Đông Nam Á tại văn phòng ở Washington DC
Đại diện của tổ chức vận động kinh doanh lớn nhất thế giới cho rằng từ nhiều năm qua, Việt Nam đã là thị trường quan trọng cho các công ty Mỹ.


John Goyer: Từ khi bình thường hóa quan hệ chính trị và kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đã tăng lên.
Dẫu vậy, cảm giác của các công ty Mỹ và các công ty nước ngoài ở tại chỗ là Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng. Họ có thể làm tốt hơn nhiều, nhưng thay vì thế, lại đang đối diện nhiều vấn đề. Những vấn đề này sẽ phần nào kiềm hãm tăng trưởng kinh tế, ít nhất về ngắn hạn.
BBC:Cho đến gần đây, tận năm 2008, giới đầu tư nước ngoài vẫn rất lạc quan về Việt Nam. Theo ông, chuyện gì đã xảy ra?
Tôi nghĩ vấn đề nổi cộm nhất là ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. Các công ty nhà nước, hưởng lợi từ đầu tư nước ngoài những năm đầu, đã mở rộng hoạt động, có lẽ là thiếu khôn ngoan, vào những lĩnh vực không liên quan. Kết quả là nợ nần của công ty nhà nước tăng lên đáng kể - theo một ước tính mà tôi được đọc, có thể lên đến 16% GDP.
Nợ nần của doanh nghiệp nhà nước lại gây khó cho khu vực ngân hàng. Ước tính mà tôi đọc cho rằng nợ xấu của khu vực ngân hàng khoảng từ 8% đến 16%, có người lại cho là lên đến 20% trên tổng dư nợ.
BBC:Đây có phải là lỗi của chính phủ Việt Nam không, thưa ông?
Chính phủ Việt Nam cần phải tập trung vào việc cải tổ khu vực doanh nghiệp nhà nước, làm sạch và cải tổ hệ thống ngân hàng. Họ đã bắt đầu rồi đấy, nhưng sẽ không dễ dàng. Sẽ mất thời gian để thi hành những biện pháp cải tổ cần thiết để Việt Nam có thể trở lại con đường tăng trưởng cao, bền vững hơn.

Hệ thống ngân hàng ở Việt Nam gặp nhiều vấn đề

BBC:Dự đoán Việt Nam sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Liệu TPP có góp phần giúp giải quyết các vấn đề của kinh tế nhà nước và khu vực ngân hàng?
Tôi nghĩ là có. Một khía cạnh mới mẻ của TPP là đề xuất siết chặt kỷ luật với các doanh nghiệp nhà nước. “Kỷ luật” ở đây có nghĩa là để họ cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân trên thị trường.
Nhưng đây cũng là thách thức cho tất cả các bên liên quan vì nó là lĩnh vực mới trong đàm phán thương mại. Người ta không có hình mẫu sẵn. Vì vậy, đàm phán về chương này đang diễn biến chậm chạp.
BBC:Những năm trước, khi Việt Nam mới gia nhập WTO, một số người nói nó sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề của Việt Nam. Nhưng bây giờ một số ‎ý kiến lại cho rằng dường như việc vào WTO cũng không tác động gì nhiều. Vậy TPP sẽ thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ việc Việt Nam gia nhập WTO là rất cần thiết để Việt Nam đặt chân vào vị trí bắt đầu đàm phán. TPP sẽ có hình phạt với một số ràng buộc mà Việt Nam có với WTO. Vì vậy, việc làm thành viên của WTO là căn bản có ích cho những đàm phán thương mại trong tương lai.
BBC:Tham nhũng được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng nó có phải là vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài?
"Nợ nần của doanh nghiệp nhà nước lại gây khó cho khu vực ngân hàng. Ước tính mà tôi đọc cho rằng nợ xấu của khu vực ngân hàng khoảng từ 8% đến 16%, có người lại cho là lên đến 20% trên tổng dư nợ."
Tham nhũng là lo ngại rất lớn cho các công ty Mỹ và công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Mới đây Phòng Thương mại Hoa Kỳ, hợp tác với Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở khu vực Asean, thực hiện khảo sát với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ở Đông Nam Á.
Ở nhiều nước, dĩ nhiên có Việt Nam, tham nhũng nổi lên như một trong những vấn đề hàng đầu. Tham nhũng phải được giải quyết nếu Việt Nam muốn duy trì tính cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài.
BBC:Ông có tin là Việt Nam sẽ có thể cải tổ thành công?
Chúng tôi có niềm tin họ có thể làm được, nhưng cũng không đánh giá thấp tầm mức thách thức trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Trước khi kinh tế chậm lại mấy năm qua, Việt Nam trong nhiều năm đã có thành tích tăng trưởng kinh tế tốt. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã phải thực hiện không ít cam kết với WTO. Hiệp định thương mại Việt – Mỹ cũng đòi hỏi Việt Nam làm không ít. Nên tôi nghĩ lịch sử cho thấy Việt Nam có thể làm được. Ý chí cải tổ đã có, nhưng có thách thức về khả năng họ thực hiện cải tổ./BBC

Không có nhận xét nào: