Pages

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Anh 'không nên hăng hái về Biển Đông’

Cuộc đối thoại Anh - Việt lần 3 về Đối tác Chiến lược diễn ra ở London.
Quốc Vụ khanh Anh Quốc, Hugo Swire vừa nói hôm 22/10 ở London rằng Anh không nên có 'vai trò hăng hái' trong chủ đề Biển Đông và nên để các cường quốc khu vực quyết định.
Trả lời BBC Tiếng Việt trong ngày ông và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có Đối thoại Đối tác Chiến lược lần ba, ông Swire cũng nói về thách thức nhập siêu của Anh với Việt Nam và “vòng luẩn quẩn” của nạn buôn người Việt lậu vào Anh Quốc.


Quốc vụ khanh Hugo Swire:
 Trong chiều hôm nay chúng tôi sẽ trao đổi nhiều hơn về chủ đề mà chúng tôi gọi là Biển Nam Trung Hoa và phía Việt Nam gọi là Biển Đông. Có khoảng 40% hàng hóa thế giới được vận chuyển qua khu vực này và đó là điểm mà Anh Quốc quan tâm và chúng tôi muốn biết xem các vấn đề phát sinh tại khu vực này được giải quyết ra sao.BBC: Ông nói rằng trong đối thoại chiến lược lần này hai phía trao đổi về địa chính trị tại châu Á, ông có thể cho biết cụ thể hơn đó là gì?
Chúng tôi tin rằng đây là chủ đề có tính khu vực và cần phải có được các cường quốc trong khu vực quyết định. Anh Quốc vẫn duy trì quan điểm là ở tư thế sẵn sàng để giúp đỡ về mặt luật hàng hải nhưng chúng tôi không thấy Anh nên có vai trò hăng hái trong vùng. Có những chủ đề khác mà tôi sẽ trao đổi với thứ trưởng Sơn đặc biệt là chủ đề Bắc Hàn và tôi muốn biết quan điểm của phía Việt Nam như thế nào.
BBC: Trong Bấmbài diễn văn vào tháng này về phòng chống buôn người lậu, ông nói rằng cần phải cắt đứt các mắt xích trong đường dây buôn người, từ phòng ngừa cho tới hồi hương những đối tượng nhập cư lậu. Vậy trong khi hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực này thì mắt xích nào là khó cắt nhất?
Vào tuần trước tại văn phòng làm việc của tôi ở Bộ Ngoại Giao Anh tôi đã gặp một người Việt được đưa lậu vào Anh. Anh ta đã kể cho tôi tình cảnh của anh ta và đó là một câu chuyện rất bi thảm. Nhưng rất không may là câu chuyện này chằng phải là ngoại lệ. Việt Nam là một nước mà không may chúng tôi có thấy có người được đưa lậu vào nước Anh và chúng tôi có các chương trình được thực hiện tại Việt Nam để giúp đỡ những người được đưa từ Anh trở về Việt Nam để hội nhập lại với xã hội.
"Ta cần cắt đứt mắt xích bằng cách giúp họ tái hòa nhập vào xã hội và có được công ăn việc làm để họ không một lần nữa trở thành con mồi của nạn buôn người lậu"
Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta càng làm nhiều hơn về việc cảnh báo về nạn buôn lậu người thì càng tốt. Tức là không chỉ tuyên truyền và giáo dục ở thủ đô mà nên làm như vậy ở các khu vực nông thôn đối với người dân, làm sao để người ta không để người nhà của mình bỏ đất nước ra đi cùng với người khác để với lời hứa là sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn tại Anh. Chúng ta cần làm nhiều hơn về việc này và đó là khâu phòng ngừa.
Chúng ta cần làm nhiều hơn tại Anh ở góc độ phát hiện những người này và truy tố họ và theo suốt quá trình truy tố một cách triệt để. Nhưng tôi nghĩ rằng điểm hết sức quan trọng mà chúng ta cần tập trung giải quyết hơn là khi họ trở về quê hương họ thì họ đoàn tụ với gia đình của mình và tái hòa nhập với cộng đồng và họ được hỗ trợ để có thể tự kinh doanh chẳng hạn.
Tức là giúp họ khỏi rơi vào cái bẫy đó một lần nữa bởi vì không may là thống kê cho thấy những người đã bị đưa lậu vào Anh một lần thì lại bị đưa lại vào Anh thêm như một cái vòng luẩn quẩn và con số này là rất cao. Do đó cắt đứt mắt xích là ngăn không cho họ tới Anh là bước đầu, tức là không đi được thì khỏi phải lo các mắt xích khác. Còn khi đã phát hiện họ đã ở Anh rồi thì gửi trả họ về Việt Nam và cắt đứt mắt xích bằng cách giúp họ tái hòa nhập vào xã hội và có được công ăn việc làm để họ không một lần nữa trở thành con mồi của nạn buôn người lậu.
BBC: Trong các lĩnh vực hai nước hợp tác thì lĩnh vực nào là có nhiều thách thức nhất và tại sao như vậy?
Lĩnh vực có thể thấy rõ ràng nhất đó là mậu dịch, chúng tôi đạt được về con số trao đổi mậu dịch, thậm chí đạt được trước mục tiêu trước một năm. Vấn đề hiện nay đó là Anh Quốc đang nhập khẩu từ Việt Nam nhiều hơn là xuất khẩu sang Việt Nam do đó chúng tôi muốn cân bằng lại cán cân mậu dịch song phương và đó là thách thức có thể xem là lớn hơn đối với chúng tôi hơn là Việt Nam.
Chúng tôi muốn có thêm các công ty Anh tìm ra thêm các cơ hội tại Việt Nam và chúng tôi muốn biết từ chính phủ Việt Nam xem có cơ hội nào như liên doanh, hợp tác và đầu tư tại Việt Nam để cải thiện quan hệ song phương về mặt mậu dịch.
BBC sẽ tiếp tục có các bài về chủ đề quan hệ Anh - Việt cũng như quan hệ của Anh với các nước châu Á.

Không có nhận xét nào: