∇ Nghe Bài Này
|
Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc 'trừng trị' hoặc 'đối xử ác', 'bất công' với nhóm người Tân Cương mới bị trả lại ngay sau vụ cướp súng gây chết người ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh hôm 18/4/2014, Việt Nam có thể bị coi là 'đồng lõa' vi phạm nhân quyền, theo một luật sư ở Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm thứ Bảy từ Sài Gòn, ông Trần Quốc Thuận, cựu quan chức Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội cho rằng việc Việt Nam 'vội vã' trả về Trung Quốc những người là nghi can, nghị phạm đến từ Tân Cương đã làm chết và bị thương 2 sỹ quan biên phòng ở tỉnh Quảng Ninh, đặt ra những dấu hỏi về việc Việt Nam có thực sự 'tôn trọng nhân quyền', 'tôn trọng nguyên tắc nhân đạo' cũng như 'tự tôn trọng độc lập chủ quyền, tự quyết về an ninh lãnh thổ' hay không.
Theo luật sư Thuận, nếu đây thực sự là nhóm người chạy trốn và muốn tìm kiếm cơ chế cư trú chính trị từ Tân Cương, khu vực mà cộng đồng Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) đang phản kháng lại nhà cầm quyền trung ương Trung Quốc vì muốn đòi 'độc lập' và 'tự trị', thì Việt Nam phải xem lại nguyên tắc tôn trọng nhân quyền của mình, vì Hiến pháp Việt Nam cũng quy định nhà nước có thể xem xét những trường hợp người nước ngoài tìm kiếm cư trú, ẩn náu vì lý do này thay vì đẩy họ trở lại nơi họ đã liều mình bỏ trốn đi.
"Phải chăng đây là một sự thỏa thuận giữa Việt Nam với Trung Quốc từ trước, nếu đây là một dân đòi hỏi quyền tự trị, quyền độc lập, họ chạy sang đất nước mình mà mình trao trả liền thì tôi nghĩ rằng cái đó về luật pháp quốc tế, phải xem xét một cách thận trọng," ông Thuận nói.
'Muốn nước ngoài xét xử hộ?'
"Phải chăng đây là một sự thỏa thuận giữa Việt Nam với Trung Quốc từ trước, nếu đây là một dân đòi hỏi quyền tự trị, quyền độc lập, họ chạy sang đất nước mình mà mình trao trả liền thì tôi nghĩ rằng cái đó về luật pháp quốc tế, phải xem xét một cách thận trọng"
LS Trần Quốc Thuận
Theo luật sư, cộng đồng cần phải tiếp tục theo dõi xem những người Tân Cương bị trả về sẽ bị Trung Quốc xử lý ra sao, và nếu họ bị 'trừng trị', bị 'đối xử độc ác', thì nhà cầm quyền Việt Nam có thể bị cộng đồng quốc tế coi là 'đồng lõa vi phạm nhân quyền' với Trung Quốc.
Cựu quan chức Quốc hội cho rằng quyết định cho trả nhóm người Trung Quốc, trong đó có 4 phụ nữ, 2 thiếu nhi còn rất nhỏ tuổi, về lại Trung Quốc hôm thứ Sáu, có thể làm dư luận đặt dấu hỏi về 'tính nhân đạo', 'nguyên tắc cư xử nhân đạo' của Việt Nam.
Luật sư Thuận cho rằng quyết định này chắc chắn phải được 'một cấp rất cao' của Việt Nam đưa ra, mà ông phỏng đoán có thể ít nhất tới cấp Trung ương Đảng, mà do đó theo ông chính quyền tỉnh Quảng Ninh và Bộ đội Biên phòng địa phương chắc chắn 'không dám làm'.
Ở phần cuối cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy, ông Thuận cũng cảnh báo việc Việt Nam 'quá vội vàng' trao trả người Trung Quốc gây án ở Việt Nam, làm thiệt mạng quân nhân, binh sỹ Việt Nam ngay trên đất của Việt Nam, mà lại không được xét xử ở Việt Nam.
Điều này theo ông có thể để lại hậu quả cho 'độc lập chủ quyền quốc gia' và 'an ninh quốc gia' trong tương lai, vì Việt Nam không thể vừa để an ninh quốc gia bị xâm phạm, đồng thời lại để nước ngoài 'xét xử hộ' các nghi can, nghi phạm cho mình.
1 nhận xét:
Cuộc phỏng vấn rất hay.
Đăng nhận xét