Ngô Nhân Dụng
Ngày Thứ Tư, 11 Tháng Bẩy 2012 vừa qua, hải quân tuần phòng Nhật Bản nhìn thấy ba chiếc tầu tuần duyên của Trung Cộng đi tới gần quần đảo Sensaku, người Trung Hoa gọi là Ðiếu Ngư Ðài, là nơi hai nước đang tranh chấp.
Ba chiếc tầu Trung Quốc chỉ xuất hiện thoáng qua (báo Economist viết là briefly). Chỉ có thế. Nhưng chính phủ Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo tới Bộ Ngoại Giao để chính thức phản đối hành động xâm phạm chủ quyền này. Tại cuộc họp của khối ASEAN ở Phnom Penh, Camphuchia, ngoại trưởng Nhật đã yêu cầu gặp riêng ngoại trưởng Trung Quốc để nhắc lại lời phản đối.
Chủ quyền của Nhật Bản trên các đảo Ðiếu Ngư không có căn bản vững chắc bằng chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhật chiếm các đảo Ðiếu Ngư này sau khi đánh thắng quân nhà Thanh năm 1895, cùng lúc cũng chiếm cả Ðài Loan. Khi Nhật Bản bại trận năm 1945, Mỹ đã trả Ðài Loan lại cho Trung Quốc; nhưng Ðiếu Ngư Ðài vẫn coi như thuộc quần đảo Okinawa của Nhật, do quân Mỹ quản trị. Khi Mỹ ký hiệp ước chấm dứt việc quản trị Okinawa, Nhật Bản coi Sensaku thuộc nước mình. Cả chính phủ Ðài Loan lẫn Bắc Kinh đều không chịu, coi Ðiếu Ngư thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Cuộc tranh chấp về Sensaku đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, chưa biết bao giờ mới chấm dứt; mà người ngoại cuộc cũng không thể đồng ý với nhau là bên nào có lý. Hai chính quyền Trung Quốc và Ðài Loan cũng như Nhật Bản đều “hưu chiến.” Nhưng chính phủ Nhật Bản đã hành xử đúng với tư cách một quốc gia tự trọng. Hễ thấy đối phương xúc phạm đến chủ quyền của nước mình thì phản đối ngay, với các hành động ngoại giao mạnh mẽ, quyết liệt. Người Việt Nam có thể so sánh mà cảm thấy tủi hổ về các hành động rụt rè, nhút nhát của chính quyền cộng sản Việt Nam trong hàng chục năm qua, mỗi lần tầu Trung Cộng xâm phạm hải phận Việt Nam, bắt cóc ngư dân Việt Nam, vân vân. Gần đây, trước lòng dân phẫn nộ, chế độ cộng sản đã phải đổi giọng, lâu lâu nói những lời cứng rắn. Ðó chỉ là những lời nói suông nhằm xoa dịu lòng dân phẫn uất; còn trong hành động thì họ vẫn né tránh, không dám cưỡng lại các “đồng chí anh em” Trung Cộng.
Gần đây một lãnh tụ cấp trung đã tuyên bố rất hăng, nói ông ta sẽ cương quyết chống lại Trung Cộng nếu xâm phạm vùng biển thuộc thành phố Ðà Nẵng. Ðây cũng chỉ là một lời nói “không tốn tiền,” với mục đích mị dân. Người dân dốt đến đâu cũng biết: Một thành phố không có lính tráng, không hải quân, không cả một đoàn tầu tuần duyên, thì lấy sức đâu ra chọi với quân xâm lược?
Người dân Nhật lại được tự do bày tỏ thái độ chống Trung Quốc. Thông thường, chủ quyền kinh tế trong vùng biển chung quanh các hòn đảo chỉ được quốc tế công nhận kéo ra xa vài trăm cây số nếu trên hòn đảo có dân cư sinh sống. Cho nên một gia đình người Nhật, Kurihara, trong thập niên 1970, đã mua bốn trong số 5 hòn đảo ở Sensaku, để chứng tỏ họ đang có dự án sinh nhai tại chỗ. Một số thanh niên Nhật Bản yêu nước đã tự động kéo nhau đến Sensaku, mang theo hai con dê thả đó cho sống, coi như đang thực sự khai thác hòn đảo này. Ông Shintaro Ishihara, thị trưởng Tokyo đã bày tỏ ý muốn mua lại các hòn đảo từ tay gia đình Kurihara cho thành phố; với mục đích thúc đẩy chính phủ Nhật phải đưa hải quân ra bảo vệ. Lời hô hào của ông Ishihara được dân Nhật ủng hộ, người ta tự nguyện góp tiền cho thành phố Tokyo mua đảo, số tiền lạc quyên được đã lên tới 1.3 tỷ yen; tương đương với 16.4 triệu đô la Mỹ. Từ bao lâu nay, người dân Nhật Bản bày tỏ lòng yêu nước như vậy, không một người nào bị công an ngăn cấm, bắt bớ khi biểu tình chống Trung Cộng; giống như Huỳnh Thục Vy bị bắt cóc ở Sài Gòn, chở ra Quảng Nam, rồi lại thả về. Không một blogger nào bên Nhật Bản bị công an bắt hỏi cung về những bài phản đối Trung Cộng.
Tại sao người dân Việt Nam lại chịu khốn khổ như vậy? Một lý do là đảng Cộng Sản Việt Nam lỡ nằm trong giọ của Trung Cộng rồi, không cựa quậy được. Từ thời Hồ Chí Minh đã trót theo Trung Cộng, đã thần phục Mao Trạch Ðông, bắt cả nước theo bác Mao ngay từ năm 1950. Bây giờ tất cả đảng cộng sản bị há miệng mắc quai.
Hồ Chí Minh đã ca tụng công ơn của Stalin, Mao Trạch Ðông tại Ðại hội Toàn quốc Ðảng (Lao Ðộng) tại Việt Bắc vào tháng 3 năm 1951. Hồ nói, tất cả các chiến sĩ Việt Nam kháng chiến chống Pháp lúc đó đều liều chết là nhờ “giác ngộ chủ nghĩa cộng sản” và được các đồng chí vĩ đại khuyến khích. Các lời tuyên bố của Hồ Chí Minh đã được một phóng viên của tờ Học Tập liên khu 4 ghi lại nguyên văn như sau: “Ông Mao ở cách đây mấy nghìn dặm. Còn ông Staline thì xa những muôn dặm... Ông theo dõi từng bước cuộc chiến đấu cách mạng của chúng ta.” Hồ Chí Minh không hề nói tới lòng yêu nước thương nòi, mà đó mới là động cơ chính thúc đẩy các thanh niên Việt Nam hy sinh chiến đấu. Tấm lòng trung thành với Mao Trạch Ðông và Trung Cộng được tiếp diễn đến những năm cuối đời, năm nào Hồ Chí Minh cũng sang Trung Quốc nghỉ dưỡng bệnh rất lâu để được các bác sĩ và hộ lý Trung Cộng săn sóc.
Một hậu quả của thái độ thần phục và tinh thần nô lệ đó là bức công hàm của Phạm Văn Ðồng năm 1958. Ngày 4 tháng 9 năm đó chính quyền Bắc Kinh đã phát hành bản “Công bố của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về lãnh hải.” Ðoạn đầu viết rất rõ ràng: “Lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Ðài Loan cùng..., quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa...”
Chính phủ Bắc Kinh liệt kê tên các đảo quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của nước ta), Nam Sa (Trường Sa của nước ta), coi như thuộc nước Tàu hết. Vậy mà, mười ngày sau, ông Phạm Văn Ðồng ký công hàm gửi Chu Ân Lai viết rằng chính phủ cộng sản Việt Nam “ghi nhận và tán thành” bản công bố đó; lại nói sẽ “tôn trọng quyết định ấy” và ra lệnh các cơ quan nhà nước “triệt để tôn trọng và thi hành” vân vân.
Bây giờ, mỗi lần có tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa, Cộng sản Trung Quốc chỉ cần đưa bức công hàm của Phạm Văn Ðồng ra để bịt miệng!
Năm 1992 ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, họp báo tại Hà Nội giải thích rằng: “Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do theo Hiệp Ðịnh Genève năm 1954 về vấn đề Ðông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.” Ông Cầm quên một điều này: Sau năm 1954, Hiến Pháp cả hai miền Nam, Bắc đều định nghĩa nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, và họ tự có quyền trên cả nước Việt Nam chứ không phải chỉ có một nửa lãnh thổ. Nếu lý luận như ông Cầm thì ví thử bản Công bố về hải phận năm 1958 của Trung Cộng ghi tên Phú Quốc, Côn Sơn thuộc vào nước họ, đảng cộng sản Việt Nam cũng gật đầu “ghi nhận và tán thành” nốt hay sao?
Hồ Chí Minh, Phạm Văn Ðồng đã di họa cho dân tộc Việt Nam, vì họ tôn thờ chủ nghĩa Cộng sản. Ðối với người Cộng sản theo một chủ nghĩa quốc tế, thì không cần đến quốc gia, dân tộc nữa. Hồ Chí Minh viết: “...Nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình” (Hồ Chí Minh toàn tập, Hà Nội, năm 2000, tập 11, trang 166). Ông cũng ngưỡng mộ Mao không khác; các cố vấn Trung Cộng viết hồi ký kể rằng trong nhiều trận đánh việc chọn một ngọn đồi làm mục tiêu chiến thuật ông Hồ cũng thỉnh thị ý kiến Mao Trạch Ðông trước khi ra lệnh tấn công.
Tinh thần nô lệ các “đồng chí anh em” Trung Cộng đã gây ra phản ứng ngược ngay trong đảng Cộng sản. Chịu không được nỗi nhục đó nên sau năm 1975 Lê Duẩn phản phúc, chống Trung Cộng triệt để, tuyên bố nước Nga mới là tổ quốc thứ hai. Ðiều này Lê Duẩn cũng chỉ lập lại lời Hồ. Năm 1990, Liên xô tan rã, viện trợ cạn kiệt, đảng Cộng sản Việt Nam trước nguy cơ sụp đổ phải quay trở lại xin thần phục Bắc Kinh. Trong tình cảnh “không đánh đã xin quy hàng” như vậy, Cộng sản Trung Quốc có thế đặt để các điều kiện. Một điều kiện cụ thể: Phái đoàn đi thần phục phải đem Phạm Văn Ðồng cùng sang Thành Ðô. Ðó là một cách nhắc nhở lại bức công hàm năm 1958 do ông Ðồng ký!
Khi nào đảng Cộng sản vẫn còn cai trị nước Việt Nam thì những di họa do Hồ Chí Minh và Phạm Văn Ðồng gây ra không thể xóa bỏ được. Muốn có một chính quyền đủ tư cách nói chuyện ngang hàng với Trung Quốc như chính phủ Nhật Bản; muốn người dân Việt Nam được tự do phản đối các hành động xâm lăng của Trung Quốc như người dân Nhật vẫn làm; thì nước Việt Nam cần phải dân chủ hóa, thiết lập một chính quyền do người dân tự do bầu cử. Người Việt Nam phải tự quyết định thân phận mình. Hàng triệu thanh niên đã hy sinh trong cuộc chiến tranh phi nghĩa gọi là “giải phóng miền Nam” Ðem xương máu hàng triệu con người để xây dự và củng cố bộ máy cường quyền, cho một lũ tham ô hưởng thụ, chia chác với nhau những của cải do tài nguyên và sức lực của toàn dân đóng góp. Dân Việt Nam không thể để cho đảng Cộng sản tiếp tục lừa dối và đè nén được nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét