Pages

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo giới lãnh đạo Bắc Kinh nên lắng nghe người dân


Dân chúng biểu tình chiếm công sở tại thành phố Khải Đông (tỉnh Giang Tô) để phản đối doanh nghiệp ô nhiễm môi trường, 28/07/2012
Dân chúng biểu tình chiếm công sở tại thành phố Khải Đông (tỉnh Giang Tô) để phản đối doanh nghiệp ô nhiễm môi trường, 28/07/2012
REUTERS/Carlos Barria

Đức Tâm
Hai ngày sau khi chính quyền phải hủy bỏ một dự án gây ô nhiễm ở Khải Đông (Qidong), phía đông Trung Quốc, do có sự phản đối mạnh mẽ của người dân, hôm nay, 30/07/2012, Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo giới lãnh đạo là nên chú ý lắng nghe các mối quan tâm của người dân.

Xã luận Nhân dân nhật báo viết, « người dân đang ý thức một cách nhanh chóng những vấn đề môi trường và các quyền của mình ». Do vậy, Trung Quốc cần phải nỗ lực « thiết lập một cơ chế ra quyết định công khai, minh bạch và tạo ra một môi trường chú ý tới công luận ».

Hôm thứ Bẩy, 28/07, hàng chục ngàn cư dân ở thành phố Khải Đông, tỉnh Giang Tô, gần Thượng Hải đã biểu tình chống lại một dự án xây đường ống dẫn nước thải từ một nhà máy giấy của Nhật Bản đổ ra một bến cảng của thành phố duyên hải này. Sự bức tức của người biểu tình có lúc đã dẫn đến những hành động bạo lực, đập phá và xô xát với lực lượng công an. Chính quyền địa phương đã phải ra quyết định hủy bỏ dự án này.
Nhân dân nhật báo cho rằng, sự bất bình ngày càng cao của người dân trước tình trạng môi trường xuống cấp nhanh chóng là cơ hội để Trung Quốc phái triển các ngành công nghiệp ít ô nhiễm.
Mặt khác, tờ báo cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có « đối thoại giữa công dân và chính phủ » trước khi tiến hành các dự án công nghiệp.
Trong các thập niên qua, chính quyền Trung Quốc đã chạy theo mục tiêu tăng trưởng cao bất chấp các hậu quả môi trường. Thế nhưng, từ vài năm gần đây, ngày càng có nhiều các cuộc biểu tình phản đối những dự án gây ô nhiễm. Trong nhiều trường hợp, nếu cuộc biểu tình tập hợp được đông đảo người tham gia, thì chính quyền phải lùi bước.
Đầu tháng Bẩy, người dân ở thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, đã biểu tình trong nhiều ngày, buộc chính quyền phải từ bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy luyện kim gây ô nhiễm.
Năm ngoái, một dự án xây nhà máy hóa dầu đã phải di dời đi nơi khác do có sự phản đối quyết liệt của người dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Không có nhận xét nào: