Pages

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Kình ngư Michael Phelps thất bại ngay ngày đầu ra quân


Vận động viên bơi nổi tiếng người Mỹ Michael Phelps
REUTERS/Tobias Schwarz
Anh Vũ
Sau lễ khai mạc tưng bừng và lộng lẫy tối 27/07/2012, Olympic Luân Đôn 2012 bước vào các cuộc tranh tài đỉnh cao đầu tiên đầy hào hứng và sôi nổi từ ngày hôm qua 28/7. Bất ngờ lớn đầu tiên đã xuất hiện trên đường đua xanh Luân Đôn. Hôm qua, « siêu kình ngư » Mỹ Michael Phelps, người đang giữ 16 huy chương vàng Olympic đã thất bại ngay trong ngày ra quân trong môn bơi 400 mét hỗn hợp.
Michael Phelps, người từng lập kỷ lục 8 huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh và đang theo đuổi mục tiêu trở thành vận động viên vĩ đại nhất các kỳ Olympic, đã thất bại cay đắng ở nội dung 400 mét hỗn hợp. Kình ngư Mỹ phải về đích thứ tư sau vận động viên Nhật Bản Kosuke Hagino huy chương đồng, tay đua Brazil Thiago Pereira huy chương bạc và người đồng hương của anh là Ryan Lochte, giành huy chương vàng với thành tích 4 phút 5,18 giây.
Đây là lần đầu tiến kể từ năm 2000, kình ngư Mỹ không được bước lên bục danh dự nhận huy chương Olympic.

Thế vận hội Luân Đôn 2012 có thể sẽ là cuộc chinh phục huy chương Olympic cuối cùng của Michael Phelps. Thất bại ngay trong ngày đầu tiên thi đấu là một cú sốc lớn với Phelps khi kình ngư đang sở hữu 16 huy chương vàng Olympic này đặt quyết tâm tại Olympic Luân Đôn sẽ vượt qua huyền thoại vận động viên thể dục Liên Xô (cũ) Larisa Latynina, người đang giữ kỷ lục số lượng huy chương vàng nhiều nhất với 18 chiếc giành được ở các kỳ Olympic từ 1956 đến 1964.
Tuy nhiên, Michael Phelps vẫn còn cơ hội khi anh sẽ tiếp tục thi đấu ở 6 nội dung nữa. Đặc biệt là ở môn bơi 200 mét bơi bướm vào ngày 31/7. Có thể nói đây là nội dung mà kình ngư Mỹ chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Với nội dung thi đấu này, anh đã giành hai huy chương vàng Olympic và 7 chức vô địch thế giới. Cũng ở nội dung này năm 2001, khi mới 15 tuổi Michael Phelps đã lập kỷ lục thế giới và từ đó đến nay, tay bơi Mỹ đã tự mình sửa kỷ lục đó đến 7 lần. Tuy nhiên hồi đầu năm 2011 hai kình ngư châu Á, Takeshi Matsuda của Nhật và Ngô Bằng của Trung Quốc đã cắt mạch chiến thắng của Michael Phelps ở cự ly này.
Còn trong ngày thi đấu 31/7, đội bơi Mỹ với sự tham dự của Michael Phelps bước vào nội dung tiếp sức 4x200 m, để thi đấu với các đối thủ lớn của họ là đội Pháp, Đức, và Trung Quốc. Hy vọng của tay bơi Mỹ có được tấm huy chương ở nội dung này không lớn.
Ở cự ly 100 m bơi bướm thi đấu vào ngày 3/8, đây không phải là nội dung chiếm ưu thế tuyệt đối dù Michael Phelpsđã có hai lần vô địch Olympic, ba lần vô địch thế giới. Ở nội dung này đối thủ của Michael Phelps chính là người đồng hương Tyler Mc Gill.
Ở nội dung 4x100 m hỗn hợp, Michael Phelps và các đồng đội của anh đang là đương kim vô địch thế giới nhưng tại kỳ Olympic Luân Đôn này có rất nhiều đội đua như Úc, Ý, Đức và Nhật được đánh gia là có đủ khả năng ngăn cản cuộc chinh phục huy chương Olympic của kình ngư Mỹ.

Bơi lội châu Á bứt phá ngay ngày đầu
Trên đường đua xanh hôm qua, các kình ngư châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đã thể hiện sức mạnh trong làng bơi lội thế giới. Ở cự ly 400 mét tự do, huy chương vàng thuộc về tay bơi Trung Quốc Tôn Dương với thành tích 3 phút 40,14 giây, lập kỷ lục Olympic. Huy chương bạc được trao cho tay bơi Hàn Quốc Park Tae-Hwan. Các vận động viên bơi lội Trung Quốc còn ghi dấu ấn nữa trong ngày thi đấu hôm qua, nữ kình ngư trẻ Diệp Thi Văn mới 16 tuổi đã đoạt huy chương vàng Olympic ở nội dung 400 mét hỗn hợp nữ, đồng thời cô còn phá kỷ lục thế giới với thành tích 4 phút 28,43 giây.
Thể thao Việt Nam thất bại trong ngày ra quân nhưng vẫn hy vọng
Tham dự Olympic Luân Đôn đoàn thể thao có 18 vận động viên tham dự 11 môn thi đấu. Khác với những lần trước, tất cả các vận động viên Việt Nam đều đến Luân Đôn bằng vé chính thức, điều này cho thấy thể thao Việt Nam đã có thể tiếp cận được với trình độ quốc tế và đã đem lại ít nhiều hy vọng có được huy chương trong kỳ Olympic Luân Đôn. Tuy nhiên ngày ra quân các vận động viên Việt Nam đều đã thất bại.
Trước tiên là nữ võ sĩ judo Văn Ngọc Tú đã thất bại 0-2 trước võ sĩ Sarah Menezes, người sau đó đã mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên cho Brazil ở hạng cân 48kg. Theo phóng viên thể thao Huy Tường tại thành phố Hồ Chí Minh thì thất bại của Văn Ngọc Tú trước đối thủ lớn này là điều đã thấy trước, tuy nhiên cũng phải ghi nhận những cố gắng của võ sĩ Việt Nam :
Huy Tường :"Trong ngày thi đấu đầu tiên thể thao Việt Nam không giành được huy chương.Điều này không có gì là bất ngờ, nếu mà chiến thắng có huy chương mới là bất ngờ. Điểm lại thì thấy Văn Ngọc Tú ở môn Judo thúc thủ ngay trận đầu trước võ sĩ của Brazil hay như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Dù đã rất nỗ lực nhưng anh không thể đi sâu hơn nữa ở nội dung của anh.Ngoài ra, Nguyễn Thị Ánh Viên, kình ngư bơi lội của Việt Nam, mặc dù về nhất nhưng cuối cùng cũng không giành được quyền vào chung kết.
Việc Văn Ngọc Tú giành được tấm vé dự Olympic 2012, có thể nói đó là một may mắn khi mà trước đó hàng loạt các giải đấu tuyển chọn vận động viên từ thế giới cho đến châu Á cô đều thúc thủ ngay từ những trận đấu đầu tiên. Tuy nhiên với số điểm tích lũy được, Văn Ngọc Tú đã được Liên đoàn Judo Quốc tế công nhận và cấp cho cô tấm vé chính thức. Với vị trí đội sổ trong tổng số 19 võ sĩ tham gia Olympic lần này, Văn Ngọc Tú là người kém nhất. Chính vì thế người ta cũng nghĩ đến một trận thua chóng vánh. Đặc biệt là trong môn Judo, các võ sĩ thường thực hiện những đòn đánh Ipon thắng điểm tuyệt đối, chỉ vài giây sau khi trận đấu bắt đầu. Viễn cảnh Ngọc Tú bị thua Ipon sớm đã được mọi người nghĩ đến. Tuy nhiên trên thực tế, võ sĩ Việt Nam đã thi đấu một trận đấu quá xuất sắc. Mặc dù không giành được chiến thắng nhưng cô cũng đã khiến cho nữ võ sĩ của Brazil phải vất vả. Đây là, nữ võ sĩ đã từng giành rất nhiêu huy chương thế giới, huy chương ở châu Mỹ và đã vô địch nhiều năm liền ở giải trẻ Judo thế giớ. Một trận đấu mà võ sĩ Brazil chỉ thắng được 2 điểm, con số khôgn quá lớn trong môn Judo. Đặc biệt là Ngọc Tú cũng đã khiến cho đối phương mệt nhoài trong 5 phút thi đấu chính thức. Tôi cho đây là mộtt hành tích thi đấu khá tốt đối với võ sĩ Việt Nam. Từ những chuyển biến như vậy, chúng ta có quyền hy vọng trong tương lai, nếu công tác đầu tư cho các vận động viên trẻ, tìm những người thay thế cho Ngọc Tú tốt thì chúng ta vẫn có thể hy vọng ở những đấu trường này. Tất nhiên đó là con đường dài ở phía trước.
Một thất bại khác được cho là đáng tiếc đó là của vận động viên bắn súng trường 10 mét Hoàng Xuân Vinh khi xạ thủ này đã đạt 582 điểm xếp thứ 9 ở vòng loại chỉ kém đối thủ xếp hạng 8 vào chung kết là vận động viên người Bồ Đào Nha, đúng 1 điểm."
Phóng viên Huy Tường nhận định về trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh :
"Xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh cũng đã để lại ấn tượng. Anh đạt được số điểm cũng tương đối cao. Tuy nhiên anh lại chỉ được xếp thứ 9 trong khi ban tổ chức chỉ chọn 8 người đứng đầu thôi. Đây là điều đáng tiếc vì Xuân Vinh chỉ thua đúng 1 điểm so với vận động viên xếp thứ 8. Nếu may mắn hơn thì Hoàng Xuân Vinh có thể lọt vào vòng chung kết và trong vòng thi cuối cùng biết đâu Xuân Vinh lại chẳng gây nên bất ngờ. Đặc biệt ở môn bắn súng, chúng ta không thể nói trước được điều gì có thể xảy ra."
Một vận động viên khác của Việt Nam là tay bơi nữ trẻ nhất đoàn Việt Nam, chưa đầy 16 tuổi, Nguyễn Thị Ánh Viên cũng đã bị loại khỏi vòng chung kết vì xếp thứ 28 ở vòng loại. Tuy hoàn toàn không có hy vọng giành huy chương nhưng Nguyễn Thị Ánh Viên đã thi đấu hết mình ở nội dung 400 mét hỗn hợp và về đích với thành tích 4 phút 50,32 giây, bỏ khá xa ba tay bơi khác người Mêhico, Phần Lan và Pakistan. Thành tích này không cho phép tay bơi Ánh Viên vào chung kết nhưng đã để lại ấn tượng cho khán giả tại nhà thi đấu ở Luân Đôn hôm qua. Sau nội dung 400m hỗn hợp, Ánh Viên sẽ còn thi đấu cự ly 200m ngửa nữ vào ngày 2/8, và đây là nội dung được cho là sở trường của Ánh Viên :
"Nên nhớ Ánh Viên mới 16 tuổi và cô làm quen với đường bơi chưa lâu. Đợt thi vòng loại 400 m nữ hỗn hợp, kình ngư Ánh Viên của Việt Nam được xếp vào nhóm bơi thứ nhất cùng với các tay bơi của Mehico, của Phần Lan… Trên đường đua thì Anh Viên liên tục dẫn đầu và sau đó đã về nhất với thành tích 4 phút 50,32 giây. Thành tích này không đủ giúp Ánh Viên lọt vào chung kết. Nhưng việc một kình ngư Việt Nam dẫn đầu một nhóm bơi ít nhiều cũng mang đến cảm giác tự hào cho người Việt Nam, cho dù để lọt vào chung kết và giành huy chương ở môn bơi, đó là mục tiêu còn quá tầm với thể thao Việt Nam hiện nay."
Ở môn thể dục dụng cụ, Phạm Phước Hưng đều bị loại ở cả hai nội dung vòng treo (xếp hạng 40) và xà kép (xếp thứ 19).
Ngày thi đấu hôm nay, đoàn Việt Nam tiếp tục có các cuộc tranh tài cùng những hy vọng có huy chương."
Niềm hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam tại Olympic Luân Đôn, lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn thi đấu ở hạng cân 56 kg với 10 đối thủ tranh huy chương. Có hai đối thủ trực tiếp của lực sĩ Việt Nam là lực sĩ người Azerbaijan và nhà đương kim vô địch thế giới , lực sĩ Trung Quốc Ngô Cảnh Bưu. Để thách thức, Quốc Toàn đăng ký mức tạ 292 kg, trong khi mức đăng ký của hai đối thủ cạnh tranh nói trên là 290 kg. Huy Tường nhận định :
"Tâm điểm hy vọng thể thao Việt Nam có thể giành huy chương được dồn vào ngày hôm nay 29/7, khi lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn ra trận, các vận độgn viên thể dục dụng cụ như Nguyễn Thị Hà Thanh, vận động viên từng giành huy chương đồng thế giới năm ngoái, rồi Đỗ Thị Ngân Thương, vận động viên đã từng thi đấu tại Olympic Bắc Kinh 2008. Ngoài ra Tiến Minh, tay vợt cầu lông cũng sẽ bước vào trận đấu đầu tiên. Nếu như gặp thuận lợi và may mắn, Việt Nam có thể có được tấm huy chương cử tạ của lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn. Hiện nay Toàn muốn gây sức ép lên đối thủ khi anh đăng ký mức tạ rất lớn, nhưng đó chỉ là con số thiên về chiến thuật nhiều hơn. Hy vọng Quốc Toàn sẽ mang lại bất ngờ, tiếp tục đàn anh của mình là Hoàng Anh Tuấn, huy chương bạc tại Olympic Bắc Kinh cách đây 4 năm.
Trong những ngày tới thể thao vẫn còn có thể nuôi hy vọng huy chương, đặc biệt với môn Taekowdo :
"Những ngày tới chúng ta vẫn còn hy vọng huy chương ở một số môn, đặc biệt là ở môn taekowndo. Môn taekowndo sẽ thi đấu bắt đầu từ ngày 8/8 với hai võ sĩ Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh. Xét về con người, lực lượng tham gia Olympic lần này kém hơn so với 4 năm trước ở Olympic Bắc Kinh. Mặc dù Lê Huỳnh Châu đã từng giành huy chương đồng giải thế giới nhưng mà anh lại ở hạng cân khác. Năm nay tại Olympic, anh thi đấu ở hạgn 58 kg nghĩa là hạng cân nhỏ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc anh phải tốn thêm sức lực để ép cân. Đối thủ của hạng cân 58 kg cũng khác với hạng 63 kg mà anh đã từng giành huy chương đồng thế giới. Khó khăn vẫn đang chờ đợi phía trước nhưng mà người ta vững tin là với kinh nghiệm của mình, Lê Huỳnh Châu có thể gây được bất ngờ. Còn Chu Hoàng Diệu Linh thì quá trẻ. Ở đấu trường quá khốc liệt như Olympic thì hy vọng rất mong manh. Theo tôi khó có bất ngờ từ võ sĩ Chu Hoàng Diệu Linh, nếu có thì từ võ sĩ Lê Huỳnh Châu".
Xin cảm ơn anh Huy Tường.

Không có nhận xét nào: