Pages

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Kiểm tra phố “lạ” ở Bình Dương

Ngày 30.7, Công an Bình Dương và Công an TX.Dĩ An đồng loạt ra quân kiểm tra phố “lạ” ở Bình Dương mà Báo Thanh Niên đã phản ánh.Khoảng 3 giờ sáng, lực lượng kiểm tra liên ngành (gồm Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TX.Dĩ An, Quản lý thị trường…) đồng loạt kiểm tra các căn hộ, nhà hàng, tiệm kinh doanh tạp hóa của người nước ngoài tại Trung tâm thương mại Sóng Thần.
Cửa hiệu của người nước ngoài đóng cửa
Cửa hiệu của người nước ngoài đóng cửa trong ngày hôm qua - Ảnh: Đỗ Trường
Tại phòng 306, lực lượng liên ngành nhiều lần gõ cửa để kiểm tra nhưng người ở bên trong chốt cửa, không chịu mở. Theo hộ dân sinh sống bên cạnh, căn phòng này thường xuyên có khoảng 10 người Trung Quốc ra vào. Khoảng 10 giờ vẫn chưa có người mở cửa, lực lượng kiểm tra quyết định sử dụng nghiệp vụ để mở cửa phòng. Khi cửa phòng được mở ra, bên trong không có một bóng người. Hàng chục bộ bài được vứt ngổn ngang. Kiểm tra phía sau, công an phát hiện có một cửa nhỏ dẫn ra lan can. Theo nhận định của công an, nhiều khả năng những người trong phòng đã thoát ra ngoài bằng cửa sổ này.

Tương tự, khi lực lượng kiểm tra phòng A310, những người ở trong phòng cũng không chịu mở cửa. Phải mất hơn 30 phút sau, công an sử dụng nghiệp vụ để mở cửa thì phát hiện bên trong có một thanh niên Trung Quốc ở cùng với đôi nam nữ người Việt Nam. Công an đã lập biên bản và đưa người Trung Quốc về Công an TX.Dĩ An để làm rõ.
Tính đến 13 giờ, công an đã huy động khoảng hơn 50 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt kiểm tra các căn hộ trong khu dân cư Sóng Thần từ lầu 3 cho đến tầng 7. Ghi nhận của PV, tại đây có khoảng 12 phòng do người nước ngoài thuê, không chịu mở cửa cho kiểm tra. Nhiều phòng tại lầu 7, sau hàng tiếng đồng hồ gọi cửa vẫn không có người mở, công an cũng đành ra về. Một cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Bình Dương) nói: “Sau khi thuê thợ đến mở khóa, lực lượng gặp phải sự chống đối của họ bằng cách chốt cửa ở bên trong. Chúng tôi không thể phá hỏng cửa để vào kiểm tra được”.
Cũng trong ngày hôm qua, nhiều quán xá, nhà hàng của người nước ngoài ở khu dân cư Hoàng Long, Sóng Thần… vắng vẻ đến lạ thường. Chủ quán cơm của người Việt bên cạnh cho biết: “Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, những quán này tự động đóng cửa, một số quán thì buôn bán cầm chừng. Sáng nay, thấy công an xuất hiện đông, họ đóng cửa luôn”.
Sáng cùng ngày, lực lượng liên ngành đã kiểm tra các cửa hàng kinh doanh có biển hiệu bằng tiếng nước ngoài tại Trung tâm thương mại Sóng Thần. Qua kiểm tra, QLTT phát hiện nhiều sai phạm về nhãn mác hàng hóa đồng thời tịch thu một số lượng lớn hàng hóa có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc.
Đỗ Trường
*******************************************
-Người nước ngoài đến Việt Nam cư trú, kinh doanh, học tập… bao giờ cũng được hoan nghênh một khi chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật. Nhưng cái kiểu “chào đón” của các cơ quan chức năng ở Bình Dương mà Thanh Niên phản ánh trong bài Phố “lạ” ở Bình Dương thì quả thật là… lạ.
Theo người dân phản ánh, việc mất trật tự ở phố “lạ” tại thị xã Dĩ An thường xuyên diễn ra. Đơn cử như tình trạng người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp, thường tụ tập ăn nhậu, la hét, đánh bạc, mại dâm… thậm chí nghiêm trọng hơn còn có cả hành vi bắt cóc, đòi nợ thuê. Tệ nạn không còn là manh mún, nhưng khi bị kiểm tra, thì người Trung Quốc lại chốt cửa “cố thủ” bên trong các căn hộ, thế là cơ quan chức năng bất lực. Thế nên trong 6 tháng đầu năm 2012, Công an thị xã Dĩ An chỉ mới xử phạt được 37 trường hợp người nước ngoài (36 người Trung Quốc và 1 người Hàn Quốc) vi phạm về đăng ký tạm trú. Con số này còn quá ít so với tình hình thực tế.
Sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đã gây ức chế và dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ người dân sinh sống ở khu vực này. Khi chúng tôi tiếp xúc để tìm hiểu về phố “lạ”, một người dân ngụ tại Khu dân cư Hoàng Long, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An bức xúc nói: “Nhiều lần bị người Trung Quốc quậy phá, ức hiếp; báo cơ quan chức năng không giải quyết được nên chúng tôi tự động đáp trả bằng cách vây đánh cho bỏ tức”.
Sự quản lý yếu kém còn thể hiện qua việc đùn đẩy trách nhiệm quản lý cho nhau. Công an thị xã Dĩ An cho rằng những người nước ngoài cư trú trên địa bàn hầu hết đang làm việc tại doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc mở nhà hàng, quán ăn… để kinh doanh; trách nhiệm quản lý thuộc về Sở LĐ-TB-XH. Sở này lại nói chỉ quản lý doanh nghiệp có 10 lao động (có tay nghề) trở lên, còn trách nhiệm “canh” những người này thì chưa biết ban ngành nào. Trên thực tế, việc quản lý người nước ngoài lao động, cư trú, kinh doanh… đều được phân cấp quản lý cụ thể cho từng ngành ở mỗi lĩnh vực khác nhau. Chính vì thế, khi “đổ” cho việc thiếu hành lang pháp lý về quản lý thì thật khó chấp nhận.
Ngay cả việc người Trung Quốc mở nhà hàng, quán ăn… để kinh doanh trong phố “lạ” cũng thể hiện sự buông lỏng quản lý. Theo một cán bộ QLTT Bình Dương, việc kinh doanh niêm yết giá ở các quán ăn Trung Quốc bằng ngoại tệ và tiếng nước ngoài là vi phạm quy định. Hành vi  này có thể bị xử phạt từ 20 đến 25 triệu đồng. Còn các biển hiệu viết bằng chữ Trung Quốc to hơn chữ Việt Nam cũng sai quy định. Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề kiểm tra, xử lý thì cán bộ này lại nói: “Muốn kiểm tra phải có ý kiến của UBND cấp huyện thị trở lên và phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành”.
Chuyện lạ trong kiểm tra và xử lý người nước ngoài cư trú và kinh doanh bất hợp pháp tại Bình Dương không phải là lần đầu. Dạo trước, cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra và phát hiện nhiều lao động Trung Quốc trên công trình xây dựng thủy lợi Phước Hòa (H.Phú Giáo) không có giấy phép. Khi phát hiện lực lượng chức năng, nhiều lao động Trung Quốc trốn vào trong rừng rồi sau đó tự rút về nước. Vào thời điểm đó, PV đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, thì nhận được phản hồi: “Sự việc chưa đến mức nghiêm trọng nên để cho doanh nghiệp tự điều chỉnh”.
Nếu không thay đổi kiểu quản lý rất “lạ” này, thì trong tương lai, không chỉ một mà chắc chắn rất nhiều phố “lạ” sẽ lại mọc lên.
-Nhiều khu vực ở TX.Dĩ An (Bình Dương) đang hình thành những “phố” có nhiều người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, khiến tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp.
Phố “lạ” ở Bình Dương
Hàng quán và người TQ “vây” quanh trung tâm thương mại Sóng Thần – Ảnh: Đỗ Trường
Bắt cóc, đòi nợ thuê
Công an TX.Dĩ An đang hoàn tất kết luận điều tra vụ 1 người Trung Quốc (TQ) cầm đầu băng nhóm xã hội đen, thuê nhà ở để thực hiện bắt cóc và đòi nợ thuê. Theo điều tra, Chen Chi Yung (42 tuổi, quốc tịch TQ) sang VN từ 2009. Quá trình ở VN, Chen Chi Yung thu nạp các đàn em là Hứa Kiến Hào (38 tuổi), Vương Gia Hào (34 tuổi), Lý Hoàng Phong (36 tuổi, cùng là người Việt), thành lập băng nhóm đòi nợ thuê. Ngày 2.3, băng nhóm này thuê nhà ở P.Dĩ An (TX.Dĩ An) sắm roi điện, súng nhựa, kiếm… để thực hiện vụ bắt cóc đòi nợ thuê 1,6 tỉ đồng (tỷ lệ ăn chia 50-50). Khi nhóm này chuẩn bị ra tay thì bị Công an Dĩ An phát hiện, bắt giữ. Theo nguồn tin của Thanh Niên, hiện Cảnh sát TQ đang đề nghị dẫn độ Chen Chi Yung về nước để xét xử, vì ở TQ, y cũng đang bị truy nã về tội cưỡng đoạt tài sản.
Mới đây, đêm 18.7, chị T.M.L (25 tuổi) ở một mình trong căn hộ thuê tại chung cư Hoàng Long (P.Dĩ An) thì bị 2 người TQ đập cửa nhiều lần, quấy rối khiến chị hoảng sợ. Theo tường trình của chị L., khoảng 20 giờ, chị nghe có tiếng gõ cửa, khi nhìn qua khe hở thì người ở ngoài lấy tay che lại không nhìn được. Chị L. sợ không dám mở cửa. Đến khoảng nửa đêm, chị L. tiếp tục nghe tiếng gõ và đập cửa rầm rầm. Nghe ồn ào, bà N.T.D từ trên lầu 8 đi xuống thấy 2 người TQ đang đập cửa phòng của chị L. Khi bà D. lên tiếng thì bị 2 người TQ lao tới bóp cổ. Nghe tiếng kêu cứu, chồng, con bà D. và bảo vệ chung cư chạy lại giải vây. Sau đó, Công an phường Dĩ An đã có mặt lập biên bản xử lý một người TQ về hành vi không đăng ký tạm trú theo quy định. Ngoài ra, lãnh đạo công an phường cho biết đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho An ninh Công an thị xã Dĩ An thụ lý.
Người dân KP.Nhị Đồng, P.Dĩ An (TX.Dĩ An) phản ánh, việc người TQ tạm trú bất hợp pháp đã gây ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự. Một thành viên Ban Quản lý chung cư An Bình (P.An Bình, TX.Dĩ An) cũng bức xức: “Họ xả rác tràn lan. Đêm đến thì kéo nhau về chỗ ở ăn nhậu rồi la ó, đập rầm rầm cả đêm. Khi chúng tôi gọi công an tới kiểm tra thì họ nhất quyết không mở cửa”. Theo thành viên Ban Quản lý chung cư An Bình, hiện trong chung cư có gần 40 căn hộ đang cho người nước ngoài thuê, hầu hết là người TQ.
Phố “lạ” ở Bình Dương
Quán ăn TQ trong khu dân cư Hoàng Long
Không có cơ quan nào quản lý ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, trung tá Phan Thành Trung, Đội trưởng Đội An ninh Công an TX.Dĩ An thừa nhận: “Việc quản lý người nước ngoài tạm trú trên địa bàn hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong các khu dân cư, chung cư. Kể cả việc người dân phản ánh, khi công an kiểm tra họ đều tìm đủ mọi cách tránh né”. Theo trung tá Trung, trong 6 tháng đầu năm 2012, Công an TX.Dĩ An đã kiểm tra và xử phạt 36 người TQ và 1 người Hàn Quốc với số tiền gần 100 triệu đồng về các hành vi cư trú bất hợp pháp, visa hết hạn…
Theo Công an TX.Dĩ An, những người nước ngoài đang cư trú tại các khu dân cư, chung cư trên địa bàn phần lớn là lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc tự mở nhà hàng, quán ăn… để kinh doanh. Những người này sang VN đa số bằng con đường du lịch và sau đó tìm đủ mọi cách để ở lại, kể cả việc lấy vợ, “cặp” với phụ nữ người Việt để hợp thức hóa việc kinh doanh, thuê nhà ở. Tuy nhiên, việc quản lý lao động người nước ngoài này thuộc thẩm quyền của Sở LĐ-TB-XH.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cho rằng: “Chúng tôi chỉ quản lý những doanh nghiệp có số lao động người nước ngoài từ 10 người trở lên. Sở không quản lý người nước ngoài kinh doanh, buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, tồn tại rất nhiều người nước ngoài, đặc biệt là người TQ đang làm việc ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh nhỏ lẻ. Những dạng này hiện chưa có một cơ quan nào quản lý”.
Không dùng tiếng Việt
Tại KP.Nhị Đồng, P.Dĩ An (TX.Dĩ An), có rất nhiều quán ăn, nhà hàng, khách sạn, tiệm massage… mọc lên để phục vụ người nước ngoài. Tối 14.7, PV Thanh Niên vào một  địa điểm có tên “quán ăn TQ” thì bất ngờ cả chủ quán và phục vụ đều không nói tiếng Việt, giá cả các món ăn đều niêm yết bằng tiền TQ. Tương tự, tại khu vực Trung tâm thương mại Sóng Thần (P.Dĩ An) hiện cũng có khoảng 20 quán ăn, nhà hàng, tiệm massage… do người TQ trực tiếp kinh doanh. Vào một quán ăn, người bán hàng ra dấu cho chúng tôi rằng chỉ phục vụ cho người TQ. Chúng tôi, cố gắng ra hiệu cần mua một lon nước ngọt thì được phục vụ một cách miễn cưỡng…
Đỗ Trường

Không có nhận xét nào: