Ảnh: Oceans and Law of the Sea. Căn cứ xác định thềm lục địa mở rộng
Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
Báo chí trong nước đưa tin tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Khoa Pháp Luật Quốc Tế thuộc Viện Đại Học Luật Hà Nội, nói rằng Việt Nam cần tăng cường năng lực chấp pháp ở biển Đông.
Báo chí trong nước đưa tin tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Khoa Pháp Luật Quốc Tế thuộc Viện Đại Học Luật Hà Nội, nói rằng Việt Nam cần tăng cường năng lực chấp pháp ở biển Đông.
Câu hỏi ở đây là trước giờ Việt Nam có đủ thực lực trên biển Đông hay chưa, nhất là tại khu vực thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình, và cần hiểu tăng cường năng lực chấp pháp như thế nào. Thanh Trúc có bài chi tiết sau đây:
Luật Biển Việt Nam
Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển gồm bảy chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng Giêng 2013.
Chương I trong Luật Biển Việt Nam bao gồm các qui định chung về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa.
Chương II qui định về vùng biển Việt Nam với các quí định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo..
Chương III qui định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, quan trọng nhất là vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải, trách nhiệm của tàu quân sự và tàu thuyền công vụ nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài, quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài.
Chương IV gồm những điều khoản và qui định dành cho kinh tế biển.
Ranh giới thềm lục địa. File photo
Chương V qui định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, nhiệm vụ và và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển, cờ , sắc phục, phù hiệu…
Chương VI qui định về sự xử lý vi phạm, bao gồm các điều khoản dẫn giải và địa điểm xứ lý vi phạm, biện pháp ngăn chận, thông báo cho Bộ Ngoại Giao và xử lý vi phạm.
Những điều trong Chương III, IV, V và VI của Luật Biển được coi là những qui định quan trọng mà Việt Nam sẽ dùng để ứng phó với nhữntg “tàu lạ” , cách gọi của báo chí trong nước khi tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập hải phận Việt Nam trái phép.
Hiện đại hoá và gia tăng lực lượng chấp pháp trên biển
Phát biểu trên tờ VNExpress số ra hôm nay, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Luật Biển ở Bỉ, hiện là giảng viên Khoa Pháp Luật Quốc Tế thuộc Đại Học Luật Hà Nội, cho rằng Việt Nam đã chuyển được thông điệp quan trọng qua Luật Biển.
Với 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế qui định trong Luật Biển, ông nhấn mạnh, Việt Nam phải nâng cao năng lực chấp pháp , biết và ngăn chặn những hành động vi phạm trong vùng biển của mình.
Thạc sĩ Hoàng Việt, đang dạy Luật tại Đại Học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định về lời phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng :
Tăng năng lực chấp pháp không có nghĩa rằng trước đây chúng ta không có lực lượng chấp pháp hay không có những quyền khai thác khác nhau. Chúng ta thứ nhất là có chủ quyền và có quyền tài phán trên các vùng biển mà nó tương ứng với Công Ước Về Luật Biển, và sau này theo Luật Biển Việt Nam thì nó cũng tương ứng và cái đấy không có gì phải bàn luận.
…ý tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng muốn nói rằng Việt Nam muốn bảo vệ các lực lượng hoặc là bảo vệ trước các tàu lạ mà họ đánh cá trong vùng biển của Việt Nam, thì Việt Nam cần phải có những lực lượng mạnh như kiểm ngư và cảnh sát biển .Thạc sĩ Hoàng Việt
Tuy nhiên ở đây thì ý tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng , theo như tôi hiểu, muốn nói rằng Việt Nam muốn bảo vệ các lực lượng hoặc là bảo vệ trước các tàu lạ mà họ đánh cá trong vùng biển của Việt Nam, thì Việt Nam cần phải có những lực lượng mạnh như kiểm ngư và cảnh sát biển . Nhưng mà lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam cũng mới thành lập được chưa lâu và tầm hoạt động cũng như các biện pháp hoặc các phương tiện để hoạt động vẫn còn hạn chế.
Tôi nghĩ có lẽ anh Nguyễn Toàn Thắng muốn nhắc tới việc là phải tăng cường sức mạnh cho lực lượng chấp pháp của Việt Nam ở trên biển, không cho tàu lạ xâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta, hoặc những vùng biển mà chúng ta có quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Và để xây dựng một lực lượng chấp pháp hùng mạnh trên biển, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng cho rằng Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia lân bang trong khu vực như Malaysia, Singapore, hoặc thậm chí từ Trung Quốc.
Đối với thạc sĩ Hoàng Việt, trong vấn đề Việt Nam trên biển Đông người ta có thể dựa vào Luật để nói rất nhiều nhưng cái quan trọng hơn nữa và hơn hết là hành động thực tiễn và sức mạnh thật sự của mình trên biển bằng lực lượng chấp pháp về mặt dân sự. Ông giải thích:
Tàu Trung Quốc chặn đuổi tàu công vụ của Viêt Nam ra khỏi khu vực lãnh hải của VN ở khu vực quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp trên CCTV của TQ
Không phải chỉ là lời nói là những những qui định nằm trên giấy mà thôi. Tai sao lại tăng cường chấp pháp, trong đó chú trọng đến lực lượng kiểm ngư và lực lượng cảnh sát biển, thì trở lại với vụ tranh chấp Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc. Đầu tiên khi Philippines phát hiện ra có một số tàu lạ xâm nhập vùng biển Philippines cho là thuộc chủ quyền của mình, Philippines đã phái một tàu hải quân ra bởi vì lực lượng tương tự về dân sự thì Philippines không có, mà như vậy thì những lực lượng về quân sự đó lại dấy lên sự lo ngại về xung đột quân sự.
Trong khi đó, vẫn theo lời thạc sĩ Hoàng Việt, nếu gọi là quyền chấp pháp trên biển Đông, thì Trung Quốc lại có những lực lượng về dân sự như hải giám, ngư chính:
Điều đó gọi đúng như là từ chấp pháp trên biển, lực lượng này của họ mang cái mác dân sự do cơ quan quản lý chứ không phải thuộc về quân đội. Chính vì vậy cho nên Việt Nam muốn bảo vệ tốt vùng biển thì phải xây dựng các lực lượng kiểm ngư rồi cảnh sát biển để tránh những chuyện xung đột quân sự. Đấy là cái ý tưởng tôi hiểu nó là như vậy.
Một câu hỏi khác là thực tế trong quá trình thường xuyên bị Trung Quốc lấn áp tranh giành lãnh hải, chủ quyền cũng như quyền tài phán trên vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế của mình, Việt Nam có từng nghĩ đến hay chưa từng nghĩ đến một lực lượng mạnh hơn, tương xứng hơn về nguyên tắc lẫn thực lực đối trọng với Trung Quốc hay phải chờ tới khi hoàn tất và thông qua Luật Biển mới đây. Thạc sĩ Hoàng Việt trả lời:
Hãy nói một cách gọi là khách quan thế này: chính quyền Việt Nam có làm chứ chẳng phải là không làm. Như ngay từ đầu tôi đã trao đổi là lực lượng kiểm ngư và lực lượng cảnh sát biển ở Việt Nam thành lập chưa lâu lắm, cũng chưa được huấn luyện, chưa được đào tạo cũng như là chưa được cung cấp những phương tiện hiện đại.Thạc sĩ Hoàng Việt
Hãy nói một cách gọi là khách quan thế này: chính quyền Việt Nam có làm chứ chẳng phải là không làm. Như ngay từ đầu tôi đã trao đổi là lực lượng kiểm ngư và lực lượng cảnh sát biển ở Việt Nam thành lập chưa lâu lắm, cũng chưa được huấn luyện, chưa được đào tạo cũng như là chưa được cung cấp những phương tiện hiện đại.
Và lực lượng của Trung Quốc thì họ có tới năm sáu cơ quan khác nhau được trang bị rất hùng hậu. Trước sự hùng hậu đó thì phải nói rằng tiềm lực Việt Nam còn nhiều hạn chế, không bảo vệ được cho ngư dân của mình. .
Phải chăng vì khả năng chấp pháp hạn chế đó mà ngư dân Việt đánh bắt ca tại Trường Sa vẫn thường bị Trung Quốc uy hiếp, trong lúc chính quyền vẫn khuyến khích người đánh cá ra khơi và bám biển như môt cách khẳng định chủ quyền của đất nước mình mà chẳng có gì bảo đảm sinh mạng và tài sản của họ. Lại nữa, Luật Biển của Việt Nam hình thàng dựa trên nguyên tắc công ước quốc tế năm 1982 mà cũng không tránh khỏi bị phản ứng của phía Trung Quốc. Bằng con mắt phân tích, thạc sĩ Hoàng Việt lý giải:
Với Trung Quốc thì bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào làm cái gì trên vùng biển mà họ bảo là quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ thì Trung Quốc đều phản đối vì cho rằng đó là vùng biển truyền thống của họ.
Chuyện Trung Quốc phản ứng thì đương nhiên rồi, nhưng mà chúng ta căn cứ trên luật pháp quốc tế thì chúng ta vẫn cứ thông qua Luật Biển, cho thấy quyết tâm phải làm những gì những gì chúng ta được hưởng theo luật pháp quốc tế.Thạc sĩ Hoàng Việt
Việt Nam ra Luật Biển là một điều hết sức bình thường, Luật Biển Việt Nam hoàn toàn dựa rất nhiều trên Công Ước Về Luật Biển UNCLOS, thế nhưng Trung Quốc vẫn phản đối và cho rằng Việt Nam đẩy mạnh căng thẳng. Trung Quốc luôn tìm cách thực thi cái nhiệm vụ họ muốn là độc quyền trên biển Đông.
Chuyện Trung Quốc phản ứng thì đương nhiên rồi, nhưng mà chúng ta căn cứ trên luật pháp quốc tế thì chúng ta vẫn cứ thông qua Luật Biển, cho thấy quyết tâm phải làm những gì những gì chúng ta được hưởng theo luật pháp quốc tế.
Mặt khác , theo thạc sĩ Hoàng Việt, về vấn đề biển Đông thì mỗi một quốc gia có cách thức để hoàn tất mục đích của mình nhưng quan trọng là phải dẫn tới hiệu quả :
Đặt vấn đề là nếu chúng ta không có những hoạt động ngoại giao thì chúng ta sẽ làm gì? Cứ nhìn thấy một nước rất kiên quyết như Philippines, hai ba lần đòi đưa Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển, mà thực chất là Philippines đã dám đưa ra chưa hay cũng chỉ là tuyên bố và mà mặc dầu tôi đánh gia rất cao về những lời phát biểu của Philippines. Nó dẫn tới là mỗi một bên phải dò xét thực lực và bước đi của riêng mình. Tôi vẫn cho rằng Việt Nam có một chính sách ngoại giao đúng hướng và đã cam kết phải bằng đường lối ngoại giao chứ không thể sử dụng biện pháp khác. Chính vì vậy cũng khó nhận xét được ngay Việt Nam cương hay là nhu . Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là vấn đề hiệu quả. Hiệu quả tới đâu cũng chưa thể đánh giá đúng mức nhưng mà cá nhân thì tôi vẫn cho rằng Việt Nam có những bước đi đúng hướng trong việc tiếp cận vấn đề và giải quyết các bất đồng như vậy.
Để kết luận, thạc sĩ Hoàng Việt đồng ý với tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng rằng nhà nước, trong nhiệm vụ đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền biển đảo đối với Trung Quốc, luôn phải thận trọng cân nhắc từng bước về mặt pháp lý, phải tìm cách tăng cường vai trò chấp pháp trên biển song song với mục tiêu giải quyết bằng đường lối ngoại giao chứ không thể hành động theo cảm tính mà được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét