Pages

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Trong lịch sử, người Pháp đã đánh giá người Trung Hoa như thế nào?


Nông dân ra phố

Lời giới thiệu: Đây là một tư liệu được trích từ cuốn “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”. Quyển 1 tập 1. NXB Đà Nẵng – 2001. Cuốn sách này, như tên gọi của nó mục đích không phải giới thiệu những tư liệu của người Pháp nói về người Trung Hoa, mà nói về cụ Phan Châu Trinh. 

 Tuy nhiên, lí do mà chúng tôi (tức Nông dân ra phố) giới thiệu là trong một tư liệu cụ thể này, đã thể hiện rất rõ cách nhìn nhận và đánh giá của một Viện sĩ người Pháp đối với người Trung Hoa trong mối quan hệ với người An Nam cũng như Đông Dương. 
Hơn nữa, cũng phần nào hiểu thêm về con người Hoàng Cao Khải trong những nội dung trình bày của nhân vật còn nhiều ý kiến đánh giá này.

Trong tình hình ở Biển Đông, nước Trung Quốc hiện tại đang có những hành động gây hấn, âm mưu xâm lược biển đảo, xâm phạm vùng biển tài nguyên của Việt Nam; ở trong đất liền thì những công dân Trung Quốc liên tiếp có những hoạt động và hành động có tính gian dối, thủ đoạn, lũng đoạn thị trường như buôn bán nông sản với bà con nông dân với các chiêu ghìm giá, đẩy giá rồi chạy làng; rồi tại các phòng khám đa khoa Trung Quốc tại VN cũng có liên tiếp các vụ chết người, bác sĩ người Trung Quốc bỏ chạy,… khiến chúng ta không thể không nghĩ kĩ hơn về người Trung Hoa hiện tại cũng như trong lịch sử trong mối quan hệ với Việt Nam ta. 

Từ thực tế đó, đọc lại những gì mà viện sĩ De Brieux  viết trong cuốn Thăm Ấn Độ và Đông Dương mà chúng  tôi giới thiệu dưới đây thì thấy cái BẢN CHẤT CỐ HỮU của người Trung Quốc từ 1909 đến nay vẫn có những nét không thay đổi. Hành động, động cơ, âm mưu của họ trong một số lĩnh vực dù trong 1909 hay trong 2012 vẫn có nét tương đồng về bản chất, chỉ có khác về hiện tượng. 
Điều đó cho thấy, cảnh giác với người Trung Hoa trong bảo vệ tài nguyên, lãnh thổ,(cả về văn hóa nữa) là không thừa và cần kíp khẩn trương hơn bao giờ hết. 

Tôn trọng các tư liệu lịch sử và không quên những khó khăn của đất nước trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi xin được trích lại nguyên văn đoạn trích Thăm Ấn Độ và Đông Dương của Viện sĩ De Brieux  in trong cuốn sách trên.

 Nông dân ra phố xin trân trọng giới thiệu: 

---------------

VIỆN SĨ DE BRIEUX VIẾT VỀ CUỘC GẶP HOÀNG CAO KHẢI

(Trích “ Thăm Ấn Độ và Đông Dương”)

…”Ông Jules Roux quan ba bộ binh đã dịch và tôi đã có được một văn kiện của ông phó vương. Ông là thành viên của Hội đồng cao cấp Đông Dương có Huy chương Bắc đẩu Bội tinh.
Ông Phó vương trước tiên đặt nguyên tắc là hiện nay các dân tộc ở vào địa vị thấp kém hơn bắt buộc phải dựa vào những nước thuân lợi hơn. Ví dụ như nước Pháp ngày xưa đã bị La Mã đô hộ 400 năm nhờ đó mà văn minh lên… Và ông nói tiếp:

“Nước chúng tôi có sai lầm là không sớm mở cửa buôn bán với các vị ngay từ thời của Louis XIV có yêu cầu. Và năm 1858 đã chống nhưng không chống nổi để mất Nam Kỳ, năm 1884 đã chống đi đến phải chịu bảo hộ.

Đất nước đã sai lầm để cho cả dân tộc phải gánh chịu. Nhưng Pháp khong đến chiếm thì chắc chắn sẽ có cường quốc khác chiếm thôi”

Sau khi kể qua quá trình thiết lập chế độ cai trị, ông kể qua những ơn nghĩa của nước Pháp:
“Nhìn chung có nhiều việc lớn và có ích: như xây dựng các thành phố Saigon, Tourance, Hải Phòng… ngày xưa chỉ là những vũng lầy và cát trắng, bây giờ thành những thành phố lớn có tàu thuyền các nước đến buôn bán. Đó là những công trình vĩ đại.

Đường sá ngày xưa rất kém, đi chủ yếu là đi bộ và chir có đường quốc lộ. Đường thủy thì trước chỉ có thuyền bè, bây giờ có đủ tàu xuồng máy đi trên sông và biển, cả tàu vượt đại dương. Lại có đường sắt, có tàu điện. Ở trên bộ, dưới nước đều có phương tiện đi lại.

Ngày xưa con cái chúng tôi khi có dịch đậu mùa thì chết hàng loạt, dân ốm đau không có nhà thương chữa trị, bây giờ có chủng đậu thường kỳ. Các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng v.v… đều có nhà thương, người bệnh không có tiền cũng được đến chữa trị không mất tiền.

Chính phủ Bảo hộ đã lập ra một trường Y cho người An nam. Trong tương lai sẽ có nhiều người An nam làm nghề chữa trị cho người An nam, sẽ giảm bớt ốm đau, tăng thêm dân số.

Ngày sưa sản vật làm ra khó tiêu thụ và phải bán rẻ.

Bây giờ đường sá thông thương, có thể bán ra cả nước ngoài như lúa gạo, Nam Kỳ xuất 732.000 tấn/năm; Bắc Kỳ xuất 114.000 tấn/năm. Và còn nhiều nông sản, sản phẩm công nghiệp khác. Ngày càng tăng tiến trong sản xuất và buôn bán.

Không cần nói, ai cũng thấy nhờ Chính phủ Bảo hộ dân được một số lợi ích…”.

“Nhưng tuy vậy, do cách cai trị chưa tốt mà cho đến nay, Chính phủ Bảo hộ không chiếm được trái tim của mọi người.

Chúng tôi thấy có 3 nguyên nhân:

    Thuế má quá nặng
    Chọn lựa quan lại Nam không đủ tiêu chuẩn bảo đảm, nhiều người không xứng đáng với chức vụ của họ.
    Cố gắng của chính phủ trong mở mang trường học cho dân còn kém. 


Tôi thấy dân Nam cần nhìn và dựa vào nước Pháp vì: 
Trong 5 năm qua, sau khi thấy Nhật thắng Nga, người ta có tư tưởng một dân tộc nhỏ có thể thắng một cường quốc to. Từ đó mà có những hội, những đảng hoạt động trong nước, đồng thời có những hội, những đảng hoạt động ngoài nước…

Nhưng có thể khẳng định là nếu dùng bạo loạn, nước Pháp sẽ thắng, kết quả sẽ không đến đâu cả.

Vấn đề cuối cùng nóng bỏng nhất là: Chúng tôi tự hỏi, một ngày kia có thể độc lập được không?

Đã có 2 cơ hội mà đã bị bỏ qua đi rồi…

Bây giờ có cơ hội thứ 3 không biết có hi vọng được không? Đó là vấn đề dựa hẳn vào nước Pháp để cải tạo nền giáo dục của mình và tiến bộ lên.

Nếu làm được như vậy, thì nhờ sự tiến bộ của mình, chúng tôi nghĩ là nước Pháp trước tiên sẽ cho chúng tôi quyền tự trị, chỉ giữ lại quyền đại diện chúng tôi ở bên ngoài với các nước mà thôi…

Chúng tôi sẽ được như Canada và Úc vậy…”

Ông De Brieux bình luận và kết luận:

“Tôi cho là tham vọng đó hoàn toàn chính đáng, đáng khen và cao thượng. Chúng ta phải yên trí là từ nay chính phủ Pháp sẽ trả lại quyền tự trị cho họ. Để họ tự cai quản một cách hoàn toàn độc lập.

Chúng ta không thể thờ ơ trước một sự biểu thị đẹp đẽ như vậy về lòng tin cậy. Chúng ta không thể đánh lừa hi vọng đó…

Vai trò mà vị Phó vương yêu cầu ta làm là hoàn toàn hợp với truyền thống, với tinh thần đại lượng và nghĩa vụ chúng ta trước nhân loại.

Hiểu như vậy thì công cuộc chiếm thuộc địa không còn mang tính chất hành động kẻ cướp nữa.

Nếu sức mạnh và sự cao đẳng cho phép một nước có quyền can thiệp bằng vũ lực vào số mệnh của một dân tộc khác  thì quyền đó sẽ đưa lại những nghĩa vụ không thể trốn tránh được để đáp lại. Nghĩa vụ đó là làm cho dân tộc bị trị những điều kiện sớm nhất để xứng đáng được độc lập.

Một hành động chính trị cao đẹp nhất là nói với người An nam”

“Chúng ta không phải là chủ mà là kẻ đỡ đầu của các người. Khi các người đủ mạnh về tinh thần để khỏi cần sự đỡ đầu đó, đủ mạnh để không trở thành miếng mồi, đủ giàu để không thể mất mặt với thiên hạ, thì chúng ta trả lại quyền cho các người, chúng ta không cầm tay dắt đi nữa mà, như người cha thấy con đủ sức đương đầu với cuộc sống, sẽ để cho con tự mình cai quản lấy mình, để cho con mình tự đi trên con đường mà chúng ta đã chỉ lối cho. Và chúng ta sẽ nhìn theo như cha nhìn con, anh nhìn em, tự hào về các người…

Chính do các người ự quyết định lấy ngày giải thoát. Nền tự do đã ở đó, các người phải giành lấy. Đây là trường học. Đó là những vũ khí cần thiết hiện nay. Hãy cầm lấy. Chúng ta mang đến cho các người và bày cho cách sử dụng. Đừng ham độc lập quá sớm. Nếu hôm nay thoát ngay khỏi sự giúp đỡ của chúng ta, các người sẽ rơi vào tay những tên chủ không đại lượng bằng. Hãy tin chúng ta và làm việc đi. Sẽ là một ngày vinh quang cho các người mà chúng ta có thể  thôi không coi các người là con trẻ mà là những người em…”

…Phải nghĩ và làm quen với ý nghĩ là dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng không thể mãi mãi giữ Đông Dương được.

Nếu chúng ta không trả cho người An nam thì có kẻ sẽ giành lấy.

Và kẻ đó chính là nước Trung Hoa.

Và ngày mà ở châu Âu chúng ta phải đương đầu với một cường quốc thì ngày đó người Trung Hoa sẽ nhẹ nhàng chiếm Đông Dương như người Ý năm 1870 đã chiếm lấy đất đai của Gíao hoàng. Nếu người Sài Gòn muốn chống lại thì với 100 nghìn người Trung Hoa ở chợ Lớn họ không cần súng ống cũng trị được. Ở đâu trên đất Đông Dương cũng vậy, cứ 1 người Pháp thì đã có 20 người Trung Hoa.

Và ngay người An nam, nếu ta không cảm hóa họ, cũng sẽ đưa tay ra đón những người Tàu mà họ gọi là “các chú”chưa quên những người đó đã là chủ cũ của nước này.

Nhưng Trung Quốc có cần xâm chiếm không? Đông Dương đã là của họ rồi. Chúng ta là chủ danh nghĩa, họ là chủ thật sự. Chúng ta đưa lính đến, họ đưa con buôn đến. Chúng ta mơ có thuộc địa để đến làm giàu, nhưng chính họ thực hiện giấc mơ đó. Chúng ta cai trị thuộc địa, họ khai thác nó.

Ta coi người nông dân An nam là xa lạ, họ quen biết, họ nói cùng tiếng nói, họ dùng tiền mua thốc lúa non, lúa già, mua trả sòng phẳng. Họ biết tính để cho người nông dân đủ sống để cày cuốc làm ra thóc gạo.

Thương nghiệp nằm trong tay họ. Họ tuồn thóc gạo cả xứ theo các kênh rạch về các hãng xay xát ở chợ Lớn và, bán gạo xong họ nhét tiền đầy túi, trở về xứ sở nằm nghỉ.

Sức mua bán của dân tộc này thật kỳ quặc. Trong một làng nghèo đói không mua bán gì, có một người Tàu đến, nhân làm  thuê vất vả… Chỉ 2 năm sau, y có một cửa hàng nhỏ, cả làng đều vay mượn y. Và những người Tàu khác sẽ đến theo.

Sự đoàn kết của họ ngoài sức tưởng tượng: trong cửa hàng, đến giờ ăn họ xúm lại quanh bàn, ở trần như nhau, không phân biệt chủ và người làm. Ăn xong là làm việc, kỷ luật ra trò. Họ biết chia nhau quyền lợi, không tranh chấp, đoàn kết chặt chẽ. Ví dụ ở Rangoom họ quyết định không để cho ngời Tàu kéo xe, thế là không có người Tàu kéo xe. Thợ Tàu đến được dùng vào làm việc khác.

Họ không sợ khổ, không sợ chết. Họ chèo thuyền ra đánh cá trong lúc sóng to gió lớn…
Họ bất chấp toán học và vẫn tính toán đâu vào đấy. Họ thông minh và rất nhạy cảm với cái mới. Cái gì họ không mời nước ngoài đến làm là họ tính để tự làm. Quân lính họ sử dụng vũ khí thành thạo, hành quân cả sư đoàn…

Làm sao ta có thể bảo vệ Bắc Kì khi họ cảm thấy bị chật chội hay buôn bán khó khăn và đưa một quân đoàn vượt qua Lạng Sơn? Suốt dọc biên giới chúng ta không có hành lũy pháo đài nào để chống trả cả.

Với biển người của họ, ta làm sao chống được bằng máy tiểu đoàn? Nếu có thủy quân họ sẽ vào thẳng Nam kỳ, qua Cap Saint Jacques có khó hơn chút ít thôi. Chúng ta không có phòng thủ gì hết trên sông Sài Gòn…

Trong khi tính toán tất cả các vấn đề đó, chúng ta phải cố gắng đặt dấu ấn trên người An nam, càng sâu càng tốt để sẽ còn một cái gì đó của trí tuệ chúng ta tiếp tục được duy trì…”

(Theo: Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Kim): Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới. Quyển 1 tập 1. NXB Đà Nẵng – 2001. Từ trang 139 đến 145.)

Theo: Blog NDRP

Không có nhận xét nào: