Pages

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Trung Quốc đang xâm lược Việt Nam!



Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - Thật vậy, và, đầy đủ hơn còn phải viết: Trung Quốc đã và đang xâm lược Việt Nam. Chữ đã ở đây không phải nói về thời Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung… mà đến cả thời Hồ Chí Minh. Và, ngay trong thời ĐCSVN đang trị vì. 
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa “xâm lược” là: “Xâm chiếm lãnh thổ, cướp đoạt chủ quyền của nước khác bằng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn chính trị, kinh tế”.
Thời cha ông, ngoại trừ Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, ai cũng rạch ròi “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, và khi cần thì thẳng tay “Đánh một trận sạch sanh kình ngạc”.
Bội phản cha ông, thời ĐCSVN trị vì, các cuộc xâm lược từ Phương Bắc đều do các lãnh tụ ĐCSVN “mời”:
Thời Hồ Chí Minh có công hàm 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
- Thời Lê Duẩn, không biết có mời không nhưng, năm 1974, khi binh lính đồng bào mình (Việt Nam Cộng hòa) bị Trung Quốc diệt để chiếm Hoàng Sa thì lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt chỉ đứng nhìn và vỗ tay.
Năm 1975, ông TBT này vừa huênh hoang “từ nay đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân xâm lược” thì năm 1979 được đồng chí Đặng Tiểu Bình dạy cho một bài học đầm đìa máu và nước mắt trên biển giới Việt – Trung.
- Thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc” ký ngày 30/12/1999 “mời Trung Quốc xơi” 1500 km2 lãnh thổ (bằng diện tích cả tỉnh Thái Bình) trong đó có các địa danh lịch sử nổi tiếng: Ải Nam Quan, thác Bản Giốc… cùng các cao điểm có tính chiến lược quốc phòng như điểm cao 1509 Vị Xuyên, Hà Giang…
“Hiệp định Vịnh Bắc Bộ” ký kết ngày 25/12/2000, cắt dâng 10% diện tích phần lãnh hải ở đây (so với diện tích đã được người Pháp minh định trong Công ước Pháp-Thanh 1887) cho Trung Quốc.
- Thời Nông Đức Mạnh, Trung Quốc được ông Tổng Bí thư này mời vào đóng chốt ở Tây Nguyên dưới danh nghĩa khai thác bauxite.
- Thời TBT Nguyễn Phú Trọng lời “mời” (xâm lược) còn toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Hãy điểm lại nội dung chính của bản Tuyên bố chung do Nguyễn Phú Trọng ký với Hồ Cẩm Đào ngày 15 tháng 10 năm 2011:
“- Hai bên khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài.
- Hai bên nhất trí cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến sâu sắc, phức tạp, việc hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Đi sâu hợp tác giữa hai quân đội, tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước; tiếp tục tổ chức tốt Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng; thúc đẩy thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước; tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ; triển khai thí điểm tuần tra chung biên giới đất liền vào thời điểm thích hợp; tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; tăng cường hợp tác trong các mặt như tàu hải quân hai nước thăm nhau.
- Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Buộc nhau phải kiên trì phương châm nọ phương châm kia đâu phải vì quyền lợi dân tộc, vì đời sống của nhân dân mình mà “vì tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục”, và vì để “có lợi cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội”!
Nước nhỏ, còn nghèo, còn yếu thì phải lo làm cho nước giầu, dân mạnh đã, hơi sức đâu mà lo tầm cao chiến lược cái chi chi đâu đâu kia. Hơn nửa thế kỷ vác súng, nương cờ làm lính lệ cho thiên hạ, đổ hàng núi xương sông máu để đất nước vẫn khổ nghèo, tụt hậu mà chưa thấy đau, thấy tủi, thấy có lỗi với dân tộc hay sao mà nay vẫn tiếp tục lú lẫn úp mặt vào quá khứ mãi vậy.
Cướp rừng đoạt biển của nhau trắng trợn đến thế thì rõ ràng là kẻ thù rồi. Chưa choảng cho họ một trận chẳng qua chỉ vì chưa dám đánh, chưa muốn đánh, chưa đến lúc đánh chứ “Đi sâu hợp tác giữa hai quân đội” để làm gì? Để đi đánh ai? Hay để lập Thiên An Môn ở Việt Nam?
“Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển” thì phải chăng hợp tác quân sự Trung-Việt chỉ nhằm “không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước”. “Các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng” là ai? Phải chăng là nhân dân ngoài Đảng ở hai nước, và nhân dân không theo lý tưởng Cộng sản ở những nước khác. …
Lại còn “thúc đẩy thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước”, “tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ”. Rõ là trò rước cáo vào chuồng gà nhà chứ chẳng sai!
Cáo được rước với “sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện” như bản Tuyên bố chung đã ghi nên dưới thời TBT Nguyễn Phú Trọng Trung Quốc có đầy đủ các điều kiện để xâm lược toàn diện,
Bằng cách “tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước”; bằng cách “tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước” thông qua một ông Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam do Trung Quốc chọn (lẽ ra phải là tiếp xúc qua ngoại giao chứ); bằng cách “thúc đẩy thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước”; thông qua các cuộc Hội thảo thường xuyên do Ban Tuyên giáo TW ĐCSVN tổ chức… Việt Nam được thụ giáo thật quán triệt chủ trương đường lối chính trị từ Trung Quốc.
Dưới thời TBT Nguyễn Phú Trọng, trong lục phủ ngũ tạng Việt Nam nhan nhản Trung Quốc: Trung Quốc ở các cánh rừng đầu nguồn, Trung Quốc lập bè nuôi cá nhìn vào Cam Ranh, Vũng Rô. Rồi phố đèn lồng Trung Quốc, chè bẩn do Trung Quốc “xui” làm, đỉa do Trung Quốc “chỉ đạo” bò cả vào cơm công nhân …
Người ta cứ đổ tội cho các chính quyền địa phương sơ hở, cho Chính phủ quản lý kém.
Chẳng phải!
Chính là do ông Trọng và ông Đào nhân danh Đảng lãnh đạo chỉ thị phải tin rằng Trung Quốc là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Lại bảo phải: “tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện”. Thật là khốn khổ! Nguy cơ chết đến nơi thật rồi!
Định nghĩa của tự điển: xâm lược là: “Xâm chiếm lãnh thổ, cướp đoạt chủ quyền của nước khác bằng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn chính trị, kinh tế”. Để phản ánh tình hình thực tế Việt Nam hiện nay phải chữa chữ hoặc bằng chữ và thì mới đúng.
Không biết ông Trọng đã tỉnh ngộ chưa?
Mới ngày nào, vì muốn lấp liếm hay vì quan liêu, ông tuyên bố “tình hình Biển Đông không có gì mới” để gạt bỏ yêu cầu khẩn thiết được quan tâm đến Biển Đông của Quốc hội … thì đây này:
Ngày 23.6.2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa VN, trên một diện tích rộng tới 160.129,38km2. Các lô mà CNOOC công bố chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà PetroVietnam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ nhiều năm nay. Tại lô 129 – 132 đang có hợp đồng với Tập đoàn Công nghiệp khí Gazprom của Nga; tại lô 128 đang có hợp đồng với Cty dầu khí quốc gia của Ấn Độ ONGC; tại lô 148 – 149 PVN đã ký hợp đồng với TCty Thăm dò và khai thác dầu khí VN; tại lô 156 – 159 có khu vực PVN đang làm việc với ExxonMobil của Hoa Kỳ.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã phê chuẩn quyết định thành lập thành phố Tam Sa trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sáng ngày 26 tháng 6 năm 2012 họ đã cho bốn tàu chiến tiến ra biển đông để thành lập trung tâm chỉ huy quân sự trên biển Đông.
Làm sao có thể để như vậy được. Hoàng Sa, Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt bảo đảm an toàn lãnh hải cho ta, ngăn chặn tấn công của bọn xâm lược từ khơi xa. Trong kỷ nguyên biển, thế kỷ 21, khi mà diện tích các châu thổ bị thu hẹp do nước biển dâng thì Biển Đông có tiềm năng và phải đảm nhiệm 45% GDP cho Việt Nam. Bởi vậy, dứt khoát không thể để họ tước đi quyền sống của dân tộc ta.
Nước đã sôi rồi, lửa đã bỏng rồi. Ông André Menras Hồ Cương Quyết – một người Việt gốc Pháp – quá bức bối, quá phẫn nộ đã xuống đường biểu tinh dương cao biểu ngữ: “Thế giới căm ghét bọn ăn cướp! Không có một “chữ vàng”, không có một “cái tốt” với kẻ ăn cướp! Hãy tôn trọng luật pháp quốc tế! Hãy tôn trọng dân tộc Việt Nam! Biển Đông không phải là cái ao nhà của mày! – Hãy quay về Hải Nam của các ngươi đi! Cút đi!”. 
Thực tế cho thấy ở Việt Nam ngày nay quan trí thấp hơn dân trí khá xa. Trong hàng ngũ lãnh đạo thì chức vụ Đảng càng cao, trí càng thấp.
Cách đây hơn chục năm, một số nhà dân chủ đã cảnh báo thiết tha. Cách đây hơn một năm đồng bào đã rầm rộ xuống đường. Cuối năm ngoái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lên tiếng. Bây giờ, sau khi có Luật Biển, ông TBT Nguyễn Phú Trọng mới rón rén, rón rén nói được một câu!
May sao, Bộ Luật Biển của Việt Nam mong chờ từ bấy lâu nay cuối cùng đã được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012 với đa số tuyệt đối 495/496.
Kể cũng đã rất muộn. Năm 1966 Malaysia đã có luật về thềm lục địa và năm 1984 có luật về vùng đặc quyền kinh tế. Indônêxia có luật về vùng đặc quyền kinh tế (năm 1983) và luật về lãnh hải, vùng nước quần đảo và nội thủy (năm 1996). Phillípine có luật năm 2009 về đường cơ sở.
Không thể ù lì được nữa, không được bảo mạng, không được vì ơn sâu nghĩa nặng cái ghế của mình mà bỏ Tổ quốc. Hãy tỏ bản lĩnh dân tộc, hãy sáng suốt và can trường ít nhất như Phillipine. Nội lực là chính nhưng trước một tên khùng khổng lồ không thể không thiết lập các mối liên minh, liên kết ngoại cần thiết để đủ sức mạnh đương đầu.
Quốc tế đang sẵn sàng đứng bên ta, tuần trước tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tổ chức ở thủ đô Washington. một số học giả quốc tế có uy tín lớn như Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia, tiến sỹ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ với những chứng cứ khoa học rất thuyết phục đã khẳng định các lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò và khai thác trên Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hoa Kỳ không có quyền sở hữu và khai thác tài nguyên Biển Đông Việt Nam nhưng đường hàng hải huyết mạch tại đây rất quan trọng với họ, được sử dụng để vận chuyển và phối hợp các hoạt động quân sự từ Á Châu, qua Ấn Độ Dương và vùng Trung Đông.
Nếu từ trước tới nay Mỹ chỉ đặt trọng tâm lớn nhất vào quan hệ liên Đại tây dương (giữa Mỹ với Tây Âu) và Trung Đông thì nay, chính phủ Obama đã xếp Á Châu vào ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao và an ninh toàn cầu.
Có thể tìm được cái “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” đấy. Đừng bỏ lỡ cơ hội.
Yêu cầu cải thiện dân chủ, nhân quyền của Hoa Kỳ là yêu cầu vì nhân dân Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam. Những lãnh đạo ĐCSVN hãy vì dân tộc mà tự tước bỏ bớt quyền độc tôn, độc đoán, độc tài để có thể nắm chặt tay Hoa Kỳ, tăng cường sức mạnh chống Bắc triều xâm lược.
Khẩn khoản lắm, và tha thiết lắm.
Hà Nội 4 tháng 7 năm 2012 
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165

Không có nhận xét nào: