Thư được gửi đến Ông Khổng Huyễn Hựu, Đại sứ Trung quốc tại Hà Nội, bằng đường bưu điện VExpress bảo đảm có hồi báo.
Tuy ca ngợi “sự trao đổi và dung hóa văn minh cũng như đạo giáo Trung quốc vào Việt Nam làm cho tình nghĩa nhân loại của hai dân tộc được thể hiện theo ý chí của Đức Khổng Phu tử : Tứ hải giai huynh đệ”, nhưng Đức Tăng Thống “ngỡ ngàng trước việc Cộng hòa Nhân dân Trung hoa áp dụng lại chính sách thực dân xâm chiếm của các triều đình đại Hán đã lỗi thời ở thế kỷ XXI, là thế kỷ của tương sinh và cộng tác quốc tế”.
Đức Tăng Thống xác định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa “đã được Phái đoàn Quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Trần Văn Hữu dẫn đầu xác định tại Hội nghị San Francisco ở Hoa Kỳ năm 1951, và được 51 quốc gia phó hội đồng thanh biểu quyết thông qua. (…) Thế nhưng, từ năm 1974 dưới thời Việt Nam Cộng hòa, rồi qua các năm 1988, 1992 Trung quốc đã dùng vũ lực xâm lược Hoàng Sa và tám đảo ở Trường sa”. Sự kiện xâm lấn cuối cùng là công nhiên mở thầu 9 lô dầu khí trên lãnh hải Việt Nam.
Đức Tăng Thống “mong mỏi Ngài Đại sứ sẽ để lại trong dòng lịch sử thế giới : người đã chận đứng sự chết thảm của nhân dân Trung quốc và nhân dân Việt Nam trong cuộc xâm lược vô vọng sắp tới theo chính sách bành trướng phi thời vụ của nhà cầm quyền Bắc Kinh, mà chắc chắn chỉ đưa tới thất bại”.
Sau đây là toàn văn bức thư nói trên :
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Thanh Minh Thiền Viện – 90 Trần Huy Liệu, Phường 15 Quận Phú Nhuận – Saigon
VIỆN TĂNG THỐNG
Thanh Minh Thiền Viện – 90 Trần Huy Liệu, Phường 15 Quận Phú Nhuận – Saigon
Phật lịch 2556 |
Số : 09/TT/VTT
|
Kính gửi Ngài Khổng Huyễn Hựu
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa
tại Việt Nam
48 Hoàng Diệu
Hà Nội
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa
tại Việt Nam
48 Hoàng Diệu
Hà Nội
Phật lịch 2556 – Saigon, ngày 28 tháng 6 năm 2012
Thưa Ngài Đại sứ,
Là Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, và đại diện cho Phật giáo đồ Việt Nam, tôi viết thư này gửi đến ngài nói lên nỗi âu lo và phẫn nộ của toàn dân Việt nói chung và Phật giáo đồ Việt Nam nói riêng.
Vấn đề nhạy cảm có tự nghìn xưa giữa hai dân tộc chúng ta, là sự xâm lăng và chiếm đóng Việt Nam của các triều đình phong kiến Trung quốc. Nhờ tinh thần tôn trọng lẽ phải và bảo vệ non sông của người Việt, nên đã bao lần dân Việt đẩy lùi quân xâm lược đại Hán, giữ vững chủ quyền và văn hiến Việt Nam.
Đẹp biết bao sự trao đổi và dung hóa văn minh cũng như đạo giáo Trung quốc vào Việt Nam làm cho tình nghĩa nhân loại của hai dân tộc được thể hiện theo ý chí của Đức Khổng Phu tử : Tứ hải giai huynh đệ.
Thế nhưng các sự biến mấy năm qua làm cho chúng tôi ngỡ ngàng trước việc Cộng hòa Nhân dân Trung hoa áp dụng lại chính sách thực dân xâm chiếm của các triều đình đại Hán đã lỗi thời ở thế kỷ XXI, là thế kỷ của tương sinh và cộng tác quốc tế.
Không nói, hẳn ngài Đại sứ vẫn không thể chối cãi việc hàng nghìn công nhân Trung quốc hiện hữu ở vùng yết hầu quân sự Tây nguyên Việt Nam để khai thác bô-xít, mà thảm nạn trước tiên mang đến cho nhân dân Việt Nam ở Cao nguyên, nam Trung bộ và Nam bộ là đại nạn sinh thái.
Hai Hiệp ước lãnh thổ và lãnh hải ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội năm 1999 và 2000 đã cho phép Trung quốc lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam trên hàng nghìn cây số vuông.
Chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Phái đoàn Quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Trần Văn Hữu dẫn đầu xác định tại Hội nghị San Francisco ở Hoa Kỳ năm 1951, và được 51 quốc gia phó hội đồng thanh biểu quyết thông qua. Sự phản đối của chính quyền Tưởng Giới Thạch lúc bấy giờ đã bị 48 quốc gia bác bỏ. Ngoài xác định chủ quyền lịch sử của Việt Nam còn là sự công nhận quốc tế. Thế nhưng, từ năm 1974 dưới thời Việt Nam Cộng hòa, rồi qua các năm 1988, 1992 Trung quốc đã dùng vũ lực xâm lược Hoàng Sa và tám đảo ở Trường sa.
Bao năm qua, ngư dân Việt Nam đã bị Trung quốc bắt bớ, giết chóc, đòi tiền chuộc, biến ngư dân Việt thành bia đỡ đạn trước âm mưu xâm lược Biển Đông.
Gần đây nhất, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc ngang nhiên mở thầu thăm dò dầu khí ở chín lô trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Nói cho rõ thì các lô dầu khí này chỉ cách bờ biển Việt Nam 76 hải lý ở bờ biển Quảng Ngãi, 57 hải lý cách Nha Trang và Phan thiết, và 37 hải lý cách đảo Phú Quốc, nằm trong một tổng diện tích trên 160 nghìn mét vuông.
Tiếc thay, báo chí Trung quốc còn phụ họa trong vấn đề cưỡng bức xâm lược Việt Nam theo chính sách bất thường và phi nhân của Bắc Kinh. Chẳng đại biểu cho tình cảm “tứ hải giai huynh đệ” của nhân dân Trung quốc. Ngày xưa nhân dân Trung quốc khốn đốn và chết chóc thảm thương trong những cuộc trường chinh gọi là Nam phạt, thì ngày nay dưới chủ nghĩa Cộng hòa Nhân dân, nhân dân Trung quốc vẫn tiếp tục chịu cảnh tang thương đau khổ trong mưu đồ xâm lược bất chính của nhà cầm quyền Bắc Kinh trên biển và đất Việt Nam.
Thưa Ngài Đại sứ,
Thưa Ngài Đại sứ,
Hẳn nhiên ngài là người đại diện của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, ngài phải thi hành quốc sách của nước ngài, tuy nhiên ngài còn là một nhà trí thức lớn, đại biểu cho nền văn hiến Trung quốc có tuổi thọ nhiều nghìn năm được thế giới ngưỡng mộ. Tôi hết lòng mong mỏi ngài biết lắng nghe tiếng kêu trầm thống của gần chín mươi triệu người dân Việt đang khắc khoải lo âu trước cảnh nhà tan, nước mất, như chính nhân dân Trung quốc đã luân hiểm đau thương như thế vào thế kỷ XIX khi các nước ngoại quốc xâm lăng Trung quốc.
Tôi mong mỏi ở cương vị đại biểu cho nền văn hóa thanh cao nhiều nghìn năm của Trung quốc, ngài phản ảnh nỗi lòng người dân Việt lên chính quyền nước ngài để chận đứng mưu đồ xâm lược đất và biển Việt Nam. Ngày xưa Sử gia Tư Mã Thiên không vì bị triều đình phong kiến phế thân bóp méo dòng lịch sử mà vẫn quyết tâm viết theo sự thật. Ngày nay, tôi mong mỏi Ngài Đại sứ sẽ để lại trong dòng lịch sử thế giới : người đã chận đứng sự chết thảm của nhân dân Trung quốc và nhân dân Việt Nam trong cuộc xâm lược vô vọng sắp tới theo chính sách bành trướng phi thời vụ của nhà cầm quyền Bắc Kinh, mà chắc chắn chỉ đưa tới thất bại.
Trân trọng kính chào Ngài.
Saigon, Thanh Minh Thiền Viện
Đệ Ngũ Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Đệ Ngũ Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét