Tường thuật Lễ tưởng niệm và thọ tang Hòa thượng Hộ Giác - Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Huỳnh Ngọc Tuấn (Danlambao) - Hôm nay đã là ngày cuối của tháng mười âm lịch nhưng trời vẫn trong sáng và không lạnh. Nắng vàng như hổ phách dưới chân đèo Hải Vân, và những làn gió nhẹ từ biển thổi vào chỉ đủ làm cho rừng trên đỉnh Hải Vân rực rỡ lao xao. Ở đây trời và biển bao la, tôi thầm cám ơn tiền nhân đã để lại cho chúng ta một di sản thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ. Nếu không có viễn kiến và lòng tự tôn dân tộc làm sao cha ông chúng ta đủ dũng lược để tiến về phương Nam mở nước, và làm sao để ngày hôm nay chúng ta có được một giang sơn gấm vóc hiên ngang và đẹp huy hoàng như minh châu trời Đông?
Vậy mà ngày hôm nay nước non hùng vĩ tráng lệ này đang bị đe dọa bởi kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc mà đảng CS cầm quyền lại nhu nhược với hy vọng cúi đầu, nín thở “để qua sông”?
Với tâm trạng nặng nề đó tôi đi Huế lần này là để dự Lễ tưởng niệm và thọ tang Đức cố Phó Viện trưởng Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Thích Hộ Giác vừa viên tịch tai Hoa Kỳ.
Tôi viết bài này như một nén tâm hương của người Phật tử dâng lên Giác linh Ngài để cảm niệm ân đức của Ngài đã một đời hy hiến cho Dân tộc và Đạo pháp, trong khả năng của một con người, dù đó là một nhân vật lỗi lạc.
Đây có lẽ là lần đầu tiên của hơn hai mươi năm qua mà mùa đông lại không bị gió mưa dai dẳng và lũ lụt hoành hành, những năm trước vào tháng này mưa tầm tã suốt hàng tháng trời và khắp nơi là biển nước mênh mông cộng với không khí lạnh tràn về làm mọi người chán ngán ủ ê, cảnh vật tiêu điều.
Năm nay thời tiết có sự thay đổi bất ngờ vì cả tháng mười trời đẹp, nắng dịu dàng mơn man trên những sắc màu của cỏ cây hoa lá. Ai cũng hân hoan vì một mùa đông dể chịu và ấm áp.
Tôi đến Tổ đình Quốc Ân vào lúc 5h chiều, trong cái nắng hoe vàng của xứ Huế thơ mộng làm lòng mình không khỏi bâng khuân một nỗi buồn xa vắng dậy lên trong ký ức từ câu hát của ai đó trên dòng sông Hương thuở nào khi còn là một thư sinh đất Quảng.
Tổ đình Quốc Ân là một kiến trúc cổ hoành tráng, tọa lạc trên một khu đất rộng và cao của một triền đồi, chánh điện nhìn xuống đường Đặng Huy Trứ và bên kia đường là một thung lũng hẹp. Phía sau Tổ đình là vườn cây và những ngôi tháp cổ kính rêu phong.
Tôi bước vào chùa cung kính chào một vị sư trẻ, sau một vài câu thăm hỏi về tôi vị sư trẻ dẫn tôi đến đảnh lễ với môt vị Hòa thượng.
Hòa thượng ngạc nhiên không biết tôi là ai, là Phật tử hay là Công an.
Ngài tiếp tôi lịch sự nhưng dè dặt, sau khi xác minh về tôi thì Ngài yên tâm, tôi ngồi đối diện với Ngài để “tâm sự” và một ấn tượng của tôi về Ngài thật mãnh liệt, đó là một vị chân tu với phong thái nhu hòa nhưng đĩnh đạc.
Tôi hỏi Ngài : Thưa, Hòa thượng trụ trì chùa này phải không ạ?
Hòa thượng nhẹ nhàng với một nụ cười hiền
-Tôi cũng là khách thôi.
Sau đó tôi mới biết đó là Đại lão Hòa thượng Thiện Hạnh - chánh thư ký Viện Tăng thống.
Một lát sau khi biết tôi đã có mặt tại chùa Quốc Ân, anh Lê Công Cầu, Huynh trưởng gia đình Phật tử đến để tôi khỏi phải “khó xử”.
7h tối Hòa thượng Viên Định, viện trưởng Viện Hóa đạo và Hòa thương Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện - Xã hội, và Đại đức Thích Đồng Minh từ Sài Gòn ra cũng đến chùa Quốc ân nghỉ lại.
Tôi và Huynh trưởng Lê Công Cầu ra tận sân để cung nghinh nhị vị Hòa thượng, thầy trò chúng tôi lại được gặp nhau trong niềm vui và sự ân cần.
Tối hôm đó tôi ở lại chùa Quốc ân và được sự “chiếu cố” đặc biệt của mấy anh an ninh và công an phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, họ còn đe dọa sẽ kiểm tra chùa vào lúc 11h khuya, tuy chùa đã đến báo có người lưu trú.
Tôi nghĩ thật lạ đời cho cách hành xử của công an VN, tôi có phải là người “nước lạ” đâu, và đây là đất nước của tôi, tôi được quyền ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ VN này, hay VN ngày hôm nay đã là “nước lạ” đối với tôi ?
Chư vị Hòa thượng đã “đáp trả” lời đe dọa đó với thái độ ung dung bình thản, các Ngài chỉ nói : Họ có quyền mà, muốn làm gì chẳng được !
Không ngủ được vì lạ chỗ, tôi thầm mong họ cho công an đến kiểm tra chùa để tôi viết bài phóng sự này hay hơn! Nhưng việc đó đã không xảy ra.
Sáng 12/12 /2012 nhằm ngày 29/10 âm lịch, trời âm u và mưa lất phất, không khí lạnh tràn về, đây cũng lại là một chướng duyên để Phật tử quy tụ đông đủ cho Lễ tưởng niệm và Thọ tang cộng với nhiều chướng duyên khác mà tôi nghe mấy vị Phật tử nói với nhau: nào là khuyên nhủ đừng đi dự lễ, hoặc đe dọa xa gần gì đó.
Đúng 9h Phật tử đến tham dự đông hơn tôi nghĩ, cả chục nhân viên an ninh mặc thường phục với máy chụp ảnh và camera cũng đứng trước Chánh điện và lãng vãng chung quanh.
Thượng tọa Thích Kế Viên điều hợp chương trình buổi Lễ.
Sau khi chư vị tăng ni và Phật tử đã tề tựu trang nghiêm trong chánh điện, vị Thượng tọa dẫn chương trình cung thỉnh chư vị Hòa thượng, Thượng tọa đại diện Hội đồng Lưỡng viện quang lâm trong không khí cung kính và long trọng. Đại diện Hội đồng Lưỡng viện gồm có:
- Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hạnh – Chánh thư ký viện Tăng thống.
- Hòa thượng Thích Viên Định- Viện trưởng Viện Hóa đạo.
- Đại lão Hòa thượng Thích như Đạt- Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Tăng sự.
- Hòa thượng Thích Không Tánh -Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Từ thiện Xã hội
- Hòa thượng Thích Thanh Quang- Tổng thư ký Viện Hóa đạo kiêm Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Thanh niên.
- Hòa thượng Thích Chí Thắng- Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Kiến thiết.
- Hòa thượng Thích Chơn Niệm- Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ.
- Hòa thượng Thích Diệu Tánh-Thành viên Hội đồng Trưởng lão- Viện Tăng thống
-Hòa thượng Thích Nguyên Lý- Tổng thủ quỹ Viện Hóa đạo.
- Đại đức Thích Đồng Minh- Phụ tá Chánh văn phòng Viện Hóa đạo.
Ba hồi chuông trống Bát nhã vang lên làm rúng động lòng người và rúng động cả một góc trời, tôi cảm nhận cái uy lực của thập phương chư Phật bao trùm cả vũ trụ.
Tôi nhận thấy quan điểm của Giáo hội PGVNTN được trình bày trong bản tiểu sử của cố Hòa thượng Thích Hộ Giác do Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hạnh đọc, trong Điếu văn của Hội đồng Lưỡng viện do Hòa thượng Thích Viên Định đọc hay trong thư tưởng niệm của Hội đồng Lưỡng viện do Hòa thượng Thích Không Tánh trình bày, không hề tránh né hiện tình của đất nước và dân tộc, trong đó sự sống còn của tổ quốc bị đe dọa, vấn nạn nhân quyền bị chà đạp và đạo đức bị suy đồi, lòng dân ly tán. Và khẳng định sứ mệnh của Giáo hội PGVNTN trong trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc và trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn.
Trong không khí trang nghiêm và cảm động của buổi Lễ, sự hiện diện và hành tung của mấy nhân viên an ninh mặc thường phục thật là lạc lõng, lạc lõng đến lố bịch, họ chĩa camera về phía chư tăng và Phật tử để quay phim, chụp ảnh, đi đi, lại lại lăng xăng trước Chánh điện, vẻ mặt ai cũng lạnh lùng như đe dọa mặc cho vị Thượng tọa dẫn chương trình đã nhiều lần nhắc nhở họ phải tôn trọng sự tôn nghiêm và thanh tịnh của buổi Lễ, của Thiền viện.
Ai cũng hiểu đây là việc làm thường xuyên của công an cộng sản để đối phó với những cuộc biểu tình của dân oan, của những người yêu nước chống Tàu xâm lược và với những ngày Lễ của Giáo hội Phật giáo VN thống nhất. Họ cố tình tạo nên một không khí đe dọa để người dân sợ hãi. Nhưng tôi thấy ý đồ của họ đã thất bại vì không một vị tăng sĩ hoặc Phật tử nào tỏ ra sợ hãi hay nao núng khi công an chĩa camera về phía họ, chư Tăng và Phật tử vẫn an nhiên tự tại hành Lễ.
Nhìn ra tôi thấy Huynh trưởng Lê Công Cầu trang nghiêm đứng dưới thềm trước chánh điện rất gần chổ mấy nhân viên an ninh đang quay phim chụp ảnh, trông anh vững vàng như một cây đại thụ trước gió.
Đến nghi thức Thọ tang là cảm động nhất, mọi người hai tay kính cẩn tiếp nhận và cài miếng vải màu vàng lên ngực áo trước cái nhìn xoi mói và tức giận của công an.
Buổi Lễ kết thúc bằng ba hồi chuông trống Bát nhã, tăng ni và Phật tử nghiêm trang cung tiễn chư vị Hòa thượng và Thượng tọa đại diện của Hội đồng Lưỡng viện hồi an.
Tôi bước ra ngoài, đứng trên thềm Chánh điện nhìn ra, trời quang mây tạnh, lòng thấy nhẹ nhàng vì buổi Lễ diễn ra trang trọng và tốt đẹp và mấy nhân viên an ninh cũng biến đâu mất.
Tôi tự hỏi tại sao Giáo hội Phật giáo Việt nam thống nhất lại bị đảng CS coi như thù địch và luôn bị đàn áp, khủng bố? Câu trả lời thật đơn giản vì Giáo hội Phật giáo VN thống nhất luôn đồng hành cùng dân tộc, không làm chính trị nhưng có thái độ (và thái độ dứt khoát) về chính trị, Giáo hội là một phần xương thịt của dân tộc và đất nước và từ dân tộc mà ra, Giáo hội không thể tồn tại bên ngoài vận mệnh dân tộc và đất nước được, sinh mệnh của Giáo hội và dân tộc, đất nước này gắn bó sinh tử với nhau.
Nếu Giáo hội từ bỏ hay quay lưng lại với dân tộc và đất nước thì sinh mệnh của Giáo hội cũng sẽ kết thúc. Không chỉ là Giáo hội PGVNTN mà tất cả người dân VN đều sống trong dòng sinh mệnh dân tộc.
Chính vì vậy mà Giáo hội phải dấn thân vì dân tộc và đất nước, phải góp phần bảo vệ Tổ quốc như trước đây ngàn năm Giáo hội đã làm như vậy, phải đấu tranh để thăng tiến nhân quyền và dân chủ, vì Giáo hội là một thực thể của đất nước này nếu đất nước không có dân chủ, người dân không hưởng được nhân quyền thì Giáo hội sẽ tiêu vong vì nhân tâm phân hóa, đạo đức suy đồi, tiến trình này có thể chậm và khó nhìn thấy nhưng là tất yếu.
Giáo hội PGVNTN mãi mãi hy hiến và đồng hành cùng dân tộc, đây chính là lý do mà Giáo hội luôn sống trong tâm thức dân tộc tự ngàn xưa.
14/12/2012
Huỳnh Ngọc Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét