Pages

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Nghĩ về “lệnh thu hồi” và cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”

http://nhathonguyentrongtao.files.wordpress.com/2011/10/satthu.jpg?w=200&h=150&h=200Thanh Chung
 

Tối qua chỉ vì mình buột miệng câu: “Đã sida còn xông pha hiến máu” đã khiến cho con gái phải Googled và đọc hết cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”. Con gái mình thắc mắc, không hiểu vì sao một cuốn sách “sành điệu tuổi teen” như thế lại bị cấm.
Mình nghĩ, không nhất thiết tất cả mọi cuốn sách được xuất bản đều phải lãnh trách nhiệm cao cả “giáo dục thẩm mỹ, hướng độc giả vươn tới cái đẹp”. Người ta đọc sách vì nhiều lý do. Đọc để nâng cao kiến thức; đọc để tự hoàn thiện bản thân; đọc để giết thời gian, và rất nhiều khi đọc chỉ để giải trí, giảm stress. Chỉ cần đáp ứng được một trong số những nhu cầu trên thì một cuốn sách có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường. Thật buồn cười khi nhiều bậc cha mẹ tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng không tốt của cuốn “Sát thủ…” đối với con cái mình. Chẳng lẽ họ không đóng vai trò gì trong việc giúp con chọn sách?



380961-image_thumb.png
Một thành ngữ và minh họa trong cuốn sách…
Mình có thói quen lần nào về nước cũng lượn phố Tràng Tiền và Đinh Lễ để mua sách mang đi. Ngoài những tác giả đã có tiếng trên văn đàn, nhiều lúc việc lựa chọn các đầu sách hoàn toàn mang tính ngẫu hứng. Nguồn cảm hứng đó thường bắt đầu bằng một cái tên. Cuốn “Xin cạch đàn ông” của nữ văn sĩ Ba Lan – Katarzyna Grochola là một ví dụ. Ngang tàng, gợi mở mà không gây sốc. Cũng không ít lần, mình suýt bỏ qua một cuốn sách hay chỉ vì cái tựa đề rất “sến” như kiểu “Gặp nhau ở thiên đường” hay “Cô đơn trên mạng”.
Nếu không có lệnh thu hồi của nhà xuất bản Mỹ thuật thì có lẽ chẳng bao giờ mình sờ đến cuốn “Sát thủ…”. Tựa đề “Sát thủ đầu mưng mủ” với mình vừa “bạo lực” lại vừa gây cảm giác “mất vệ sinh”. Hồi bé đi sơ tán, mình bị ghẻ kềnh ghẻ càng do ngã nước. Đến bây giờ vẫn còn bị ám ảnh bởi “đầu mưng mủ”.
Cảm nhận chung sau khi đọc xong là không phải câu nào cũng “bất hủ cười rung tủ”, nhưng cũng không chứa đựng quá nhiều nguy cơ làm suy đồi văn hóa hoặc làm mất đi sự trong sáng của ngôn ngữ như nhiều ý kiến đăng trên báo chí chính thống. Nhóm “Quê Choa Fan Club” trên Face Book – toàn những nhà “văn hóa gộc” – còn có cả một bài viết lấy cảm hứng từ “Đen như con Mèo Hen” để “định dạng” các thành viên nhóm mình. Bài “đồng dao” sau đây là của bác giai “Cú đỉn”:
Khắm khú Cú đỉn
Bịn rịn Cải quỳ
Nhu mì cu Hiếu
Lếu tếu Sao hồng
Tồng ngồng lão Chuối
Đắm đuối Đồ gàn
Càm ràm Xinh phạm
Lảm nhảm Mục đồng
Lông bông Thành Đạt
Mặn nhạt Minh Châu
Gâu gâu o Cún
Lún phún Mèo hen
Hay khen o Nụ
Lụ khụ Ku Tìm
Bim bim Mai Vũ
Hư hự Mai Vân
Không quần Cá gỗ
lỗ mỗ Trà hâm
Tẩm ngẩm Tiến sĩ
Ý nhị Mùa đông
Mặn nồng Chung Lé
He he hú hú
khắm khú Cú đỉn
Lệnh thu hồi một số cuốn sách đã xuất bản gần đây khiến mình nghi ngờ. Như thể có sự “ăn cánh” giữa tác giả và người ký lệnh. Mình từng cạy cục nhờ tìm “Sợi xích”, “Thời của thánh thần”, “Cọng rêu dưới đáy ao”, “Ba người khác”… chỉ vì muốn biết lý do vì sao lại bị cấm. Danh tiếng của tác giả bỗng nhiên nổi như cồn nhờ hiệu ứng ngược. Cuốn “Chuyện đời vớ vẩn” của nhà văn Nguyễn Quang Lập vì không có scandal nên giá bìa 90.000 nhưng mua ở Đinh Lễ chỉ phải trả 72.000. Cuốn “Sát thủ…” giá đã đội lên gấp đôi. Nhiều quầy sách, sau lệnh cấm mới nhập hàng về bán. Mình nghĩ tác giả cuốn “Sát thủ…” nên viết thư ngỏ cảm ơn Nhà xuất bản Mỹ Thuật mới là phải đạo (!)

Không có nhận xét nào: