Pages

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Đối tượng Nguyễn Ngọc Anh: Nữ giám đốc và vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng

http://www.cand.com.vn/Uploaded_VNCA/thuydt1/thuydt1/8_anh2295.jpgĐối tượng Nguyễn Ngọc Anh.


Trước khi bị bắt, Ngọc Anh là GĐ một doanh nghiệp lớn ở Bắc Ninh và được liệt vào hàng có máu mặt ở đất này. Có lúc, Ngọc Anh huy động được đến hàng trăm tỷ đồng tiền hàng, hay vác mấy trăm cây vàng đi rao bán cho các cửa hàng vàng bạc trên địa bàn thị xã Từ Sơn khiến nhiều người mờ mắt. Vì thế, khi Ngọc Anh hỏi vay, nhiều người đã dồn hết tiền, thậm chí huy động của người khác để cho vay.
Ngày 5/11, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC46) Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, vừa gia hạn tạm giam 4 tháng đối với bị can Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đức Thắng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Khi Ngọc Anh vào trại giam, nhiều cá nhân và doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh mới tả hỏa, bởi nữ giám đốc này còn đang ôm của họ hàng trăm tỷ đồng với những chiêu thức thu gom rất tinh vi

Mang xe Camry thế chấp cho… 2 người để vay tiền tỷ
Người rơi vào bẫy lừa đảo của Ngọc Anh là anh Trần Văn Hào, trú tại TP Bắc Ninh. Do quan hệ quen biết, ngày 8/2/2010, Ngọc Anh đã đến nhà anh Hào hỏi vay 2 tỷ đồng. Anh Hào đã cho Ngọc Anh vay 1,9 tỷ đồng mà không yêu cầu thế chấp tài sản. 3 tháng sau, ngày 16/5/2010, Ngọc Anh lại đến gặp anh Hào hỏi vay 800 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau sẽ trả. Lần này, theo yêu cầu của anh Hào, Ngọc Anh đã thế chấp chiếc xe Camry, BKS 30U-1318 với giấy cam đoan là tài sản của chị ta, chưa sang tên, chuyển nhượng cho bất cứ cá nhân, tổ chức tín dụng nào.
Sau 10 ngày, Ngọc Anh đã không trả tiền cho anh Hào. Như cam kết, anh Hào đã sử dụng chiếc xe ôtô được nữ giám đốc này thế chấp để làm phương tiện đi lại. Nhưng anh không thể ngờ rằng, ngày 25/6/2010, khi đang lưu hành trên phố, anh đã bị Công an huyện Tiên Du phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, thu giữ chiếc xe ôtô.
Sau khi xác minh, chiếc xe ôtô được chuyển giao cho người khác, đó là anh Nguyễn Đình Mùi, 44 tuổi, trú tại huyện Tiên Du. Lý do, ngày 19/3/2010 (trước thời điểm thế chấp cho anh Hào 2 tháng), Ngọc Anh đã làm hợp đồng ủy quyền tại Văn phòng công chứng Công Thành ở thị xã Từ Sơn, với nội dung ủy quyền cho anh Mùi thay mặt và nhân danh Ngọc Anh quản lý và sử dụng toàn bộ giấy tờ bản chính cùng chiếc xe ôtô BKS số 30U-1318.
Đổi lại bản ủy quyền này, anh Mùi đã phải cho Ngọc Anh vay hơn 1 tỷ đồng. Trong thời điểm bị thu xe, anh Hào nhiều lần liên lạc với Ngọc Anh để giải quyết, nhưng bị nữ giám đốc này đánh bài ỳ: không trả tiền, cũng nói rằng không thể giải quyết lấy lại xe ôtô cho anh Hào. Căn cứ vào các hành vi của Ngọc Anh, cơ quan Công an đã khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam đối với chị ta về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vào tù, để lại món nợ khoảng 200 tỷ đồng
Khi Ngọc Anh bị bắt, nhiều người dân ở Bắc Ninh mới tá hỏa vì đã trót “gửi trứng cho ác”, đem tiền cho Ngọc Anh vay với số lượng lớn. Nhiều doanh nghiệp mua bán nông sản cũng điêu đứng bởi cũng đang cho doanh nghiệp của Ngọc Anh nợ tiền hàng qua những hợp đồng mua bán nông sản.
Theo đơn tố cáo của ông Lê Mạnh Hùng, chủ doanh nghiệp Hùng Nhung, ngày 8/10/2010, Ngọc Anh đã ký hợp đồng mua của cơ sở Hùng Nhung 74.988kg mỡ cá basa với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Sau khi nhận đầy đủ số hàng trên, đến 23/10/2010, Ngọc Anh mới trả cho cơ sở Hùng Nhung 509 triệu đồng, còn nợ lại 757 triệu đồng, không chịu thanh toán. ông Hùng đã cho nhân viên nhiều lần đến doanh nghiệp Đức Thắng đòi nợ nhưng Ngọc Anh đều tìm cách tránh mặt.
Bà Đinh Thị Cứu, ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), thì tố cáo, từ tháng 2 đến tháng 4/2010, Ngọc Anh đã mua của bà mặt hàng sắn lát khô với tổng số tiền 268,6 triệu đồng. Đến nay, chị ta mới trả cho bà Cứu được một nửa số tiền hàng và bà Cứu cũng không thể nào liên lạc, làm việc được với nữ giám đốc này.
Ông Lương Xuân Hải, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Hóa chất công nghiệp Tân Long ở Hải Phòng cũng tố cáo Ngọc Anh, với tư cách Giám đốc Công ty TNHH Đức Thắng đã ký hợp đồng mua 200 tấn ngô hạt của chi nhánh với tổng trị giá 1,081 tỷ đồng. Sau khi nhận đủ số hàng trên, Ngọc Anh đã không thanh toán trả tiền như cam kết, sau đó chây ì dù nhân viên của ông Hải đã đến làm việc và đòi nợ nhiều lần.
Trước khi bị bắt, Ngọc Anh là giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Bắc Ninh và được liệt vào hàng làm ăn có máu mặt ở đất này. Có lúc, chị ta huy động được đến hàng trăm tỷ đồng tiền hàng, có lúc vác mấy trăm cây vàng đi rao bán cho các cửa hàng vàng bạc trên địa bàn thị xã Từ Sơn khiến nhiều người mờ mắt. Vì thế, khi Ngọc Anh hỏi vay, nhiều người đã dồn hết tiền, thậm chí đi huy động của người khác để cho chị ta vay.
Ngay cả những bà cụ đã ở độ tuổi 70 như bà Nguyễn Thị Kh., Nguyễn Thị N., cùng ở thị xã Từ Sơn cũng gom góp số tiền tích cóp tuổi già cho Ngọc Anh vay, để cuối cùng chị ta không chịu trả, còn cãi nhau với hai bà (bà Kh. cho vay 30 triệu đồng, bà N cho vay 70 triệu đồng)…
Trong khi Công an tỉnh Bắc Ninh đang tiến hành điều tra thì nhận được công văn của Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45) trao đổi về việc, đơn vị cũng đã xác lập chuyên án để đấu tranh làm rõ về hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Ngọc Anh.
Theo tài liệu do C45 trao đổi, trong quá trình kinh doanh, Ngọc Anh đã mời 2 người là bà T. và bà X. góp vốn, đồng thời còn vay tiền của 2 người là ông D. và bà C. với tổng số hơn 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngọc Anh đã sử dụng số tiền này không đúng mục đích ban đầu nói với mọi người là kinh doanh hàng nông sản, mà dùng vào việc kinh doanh vàng, bất động sản, dẫn đến thua lỗ không còn khả năng trả nợ.
Ngoài ra, C45 còn chuyển cho Công an tỉnh Bắc Ninh một số đơn tố cáo của các cá nhân đã cho Ngọc Anh vay với số lượng tiền lớn. Đó là bà Nguyễn Thị T. cho vay là gần 19 tỷ đồng và 36.000 USD; bà Nguyễn Thị C. cho vay gần 19 tỷ đồng và 1.000 cây vàng SJC… Đấu tranh khai thác với Ngọc Anh, chị ta đã khai nhận về việc vay nợ của các cá nhân trên. Nhưng từ lời khai của Ngọc Anh, cũng thấy sự “lạnh lùng” của dịch vụ “tín dụng đen”. Chẳng hạn theo Ngọc Anh khai, trong một trường hợp, chị ta vay 66 tỷ với lãi suất 1.200 đồng/triệu/ngày và đặt thế chấp 3.000 cây vàng từ tháng 12/2007.
Đến khoảng tháng 7/2008, Ngọc Anh bán toàn bộ 3.000 cây vàng thế chấp cho chủ nợ để thanh toán số tiền gốc 66 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số tiền lãi khoảng 8 tháng được tính là 34 tỷ, Ngọc Anh vẫn nợ lại và tiếp tục bị tính lãi suất khoản này. Đến tháng 11/2008, hai bên thống nhất quy số tiền Ngọc Anh nợ hơn 34 tỷ và tiền lãi của số tiền này thành 1.000 cây vàng và 6 tỷ đồng…
Vỡ nợ vì thua lỗ trong kinh doanh vàng và cắt chuyển ngoại tệ?
Khai khám xét chỗ ở của bị can Nguyễn Ngọc Anh, cơ quan điều tra đã thu giữ được nhiều tờ giấy ghi nội dung việc Ngọc Anh có giao dịch, mua bán vàng với một số cửa hàng vàng trên địa bàn thị xã Từ Sơn. Số lượng tiền và vàng trong những giao dịch này rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng và hàng chục nghìn cây vàng. Ngoài ra, còn có một số mã giao dịch mua vàng của Ngọc Anh với một cán bộ ngân hàng ở Hà Nội.
Ngoài việc mua bán vàng, Nguyễn Ngọc Anh còn khai nhận trong 3 tháng cuối năm 2008 đã cùng với một người khác, tạm gọi là T. thực hiện cắt chuyển tiền Trung Quốc với số lượng lớn, khoảng từ 350 đến 400 tỷ đồng. Hình thức cắt chuyển là Ngọc Anh giao tiền Việt Nam hoặc vàng cho chị T., chị này chuyển đổi sang tiền Trung Quốc (nhân dân tệ) trả cho khách hàng của Ngọc Anh ở Hồ Nam (Trung Quốc).
Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh về vấn đề này, để chứng minh Ngọc Anh có hành vi “kinh doanh trái phép” hay không? Tuy nhiên, theo Ngọc Anh đổ thừa, một trong những lý do khiến chị ta vỡ nợ cũng bắt nguồn từ việc kinh doanh vàng, bất động sản bị thua lỗ.
Theo các điều tra viên cho biết, đến lúc bị bắt, tài sản của nữ giám đốc nợ hàng trăm tỷ này chẳng còn gì. Nhà cửa, xe ôtô đã cầm cố hết. Số tiền cơ quan Công an thu giữ được chỉ vỏn vẹn khoảng 2 tỷ đồng
T. Hòa – P. Thủy

Không có nhận xét nào: