Pages

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SẢN PHẨM “MADE IN CHINA” TẠI MỸ

TTXVN (Hồng Công 12/11)
Trước đây, các sản phẩm của Trung Quốc từng chiếm ưu thế tuyệt đối tại thị trường Âu – Mỹ, song hiện nay, hàng hoá Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ và thách thức khá nghiêm trọng. Theo “Tuần san châu Á” số đầu tháng 11, lý do không phải là hàng hoá Trung Quốc ngày càng nhiều, cũng không phải do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới buộc thị trường phương Tây phải thu hẹp tiêu dùng, mà là khủng hoảng lòng tin đối với các sản phẩm “made in China” (sản xuất tại Trung Quốc). Thực tế này đang đòi hỏi Bắc Kinh cần có những điều chỉnh về mặt chiến lược tổng thể.
Trần Hiểu Dương, một du khách Thượng Hải lần đầu tiên đến Mỹ, trong tay cầm một danh sách mua hàng và lựa chọn hàng tại cửa hàng Marshalls chuyên bán đồ hiệu giảm giá. Cô đã rất thích một chiếc túi xách, song vẫn phải bỏ lại bởi nó được sản xuất tại Trung Quốc. Trần Hiếu Dương cho biết, “đến Mỹ mua hàng, nguyên tắc thứ nhất là không được mua nhầm sản phẩm “made in China” bởi nếu không sẽ bị người khác chê cười”. Susan, một cư dân Mỹ cho “Tuần san châu Á” biết mua hàng ở siêu thị, nếu như có thể lựa chọn, mọi người nói chung tránh mua sản phẩm “made in China”, điều này đã trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người Mỹ. Người Trung Quốc ra nước ngoài không chịu mua hàng hoá do Trung Quốc sản xuất, ngay người Mỹ cũng kiêng kị điều này, thực tế này đang tạo ra thách thức to lớn đối với sản phẩm “made in China” từng một thời vang dội trên thị trường Mỹ.
Mặc dù trong 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đạt 23,6%, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng tăng khoảng 20%, song các sản phẩm dệt may (vốn đại diện cho “nhãn mác” Trung Quốc) lại bắt đầu tụt dốc tại thị trường phương Tây.
Sau khi phân tích tính toán số liệu nhập khẩu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong sáu tháng đầu năm nay, Jonathan Anderson, nhà kinh tế học của Công ty Dịch vụ Tài chính Toàn cầu Thuỵ Sĩ (UBS), đã phát hiện thấy rằng số định mức của ngành sản xuất công nghiệp nhẹ Trung Quốc bắt đầu tụt dốc, từ 50% xuống còn 48%. Các phân tích nói chung cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã buộc xã hội phương Tây thu hẹp tiêu dùng, dẫn đến thị trường ảm đạm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Nhạc Vân, Chủ nhiệm Khoa Quản lý doanh nghiệp thuộc University of the West của Mỹ lại chỉ ra rằng tình hình không phải đơn giản như vậy, các sản phẩm “made in China” trên thực tế đang gặp phải khủng hoảng lòng tin, Trung Quốc cần phải có sự điều chỉnh về mặt chiến lược tổng thể.
Tài liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc trong tháng 8 đạt 25,451 tỉ USD, giảm 2,51% so với tháng trước, bắt đầu xuất hiện xu thế giảm sút. Được biết, tình hình xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm nay vẫn sẽ tiếp tục bi đát như vậy. Trần Nhạc Vân cho biết trong vài năm trước, tại một số siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Mỹ, sản phẩm “made in China” chiếm ưu thế tuyệt đối, nhưng nay, những sản phẩm được sản xuất từ các nước khác ngày càng nhiều hơn, từ chiếc bấm móng tay đến các sản phẩm điện máy bắt đầu tiến vào thị trường Mỹ một cách có quy mô. Quy mô nhập khẩu của thị trường Mỹ trong năm 2010 đã tăng 23% so với năm 2009, nhưng sắt thép của Trung Quốc xuất sang Mỹ chỉ tăng 4,4%, đồ chơi và máy chơi game chỉ tăng 7,7%, may mặc tăng 18,1%.
Trong khi đó, tỉ lệ gia tăng hàng xuất khẩu của một số nước châu Á khác sang thị trường Mỹ lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Giày dép Trung Quốc trước đây vốn cơ bản chiếm vị trí “lũng đoạn” trên thị trường Mỹ, song trong năm ngoái, Inđônêxia đã chuyển vào Mỹ số lượng giày dép trị giá 2,1 tỉ USD, tăng 42% so với năm trước. Các sản phẩm của hàng NIKE trước đây đa phần đều do Trung Quốc gia công, đến năm 2009, 51% sản phẩm thương hiệu này đã được gia công tại Việt Nam. Trần Nhạc Vân cho rằng ở một ý nghĩa nào đó, các nước khác đang gặm nhấm thị trường của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc bị định hướng sai
Không phải là do các sản phẩm “made in China” ngày càng nhiều trên thị trường Mỹ, nguyên nhân có rất nhiều. Các nhà kinh tế học Trung Quốc phổ biến đi tìm nguyên nhân ở tỉ giá hối đoái và sự suy yếu của thị trường Mỹ, hô hào các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, chuyển từ tiêu thụ ngoài nước sang tiêu thụ trong nước. Theo Trần Nhạc Vân, việc làm này đang định hướng sai các doanh nghiệp và định hướng sai cả giới quyết sách Trung Quốc. Tất nhiên, một số công ty xuyên quốc gia vẫn lựa chọn gia công tại Trung Quốc bởi giá thành thấp và chất lượng tốt. Tuy nhiên, sự thay đổi tỉ giá hối đoái và hành lang pháp lý của Trung Quốc đang khiến các nhà mua hàng của Mỹ bắt đầu phải lựa chọn lại.
Điều đáng nghiên cứu là Mỹ kiện Trung Quốc bán phá giá một số mặt hàng may mặc, xem xét đến vấn đề tranh chấp như vậy, một số doanh nghiệp đã phải từ bỏ ý định đến Trung Quốc gia công. Ví dụ như Wal-Mart, hệ thống siêu thị loại lớn từng coi Trung Quốc là nơi mua hàng chủ yếu, bắt đầu từ năm 2009 đã chuyển đơn đặt hàng trị giá 11 tỉ USD sang Ấn Độ, đồng thời từng bước tăng tỷ lệ mua hàng từ Ấn Độ lên 30%. Các mặt hàng Wal-Mart bán ra từng có tới 70% nhân tố Trung Quốc trong đó, song xét đến các yếu tố tranh chấp (thương mại), giá thành tăng và lựa chọn của người tiêu dùng…, tập đoàn này đã bắt đầu gia tăng các sản phẩm không phải do Trung Quốc sản xuất.
Theo cách lý giải thông thường, đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc duy trì sản phẩm Trung Quốc tiến vào thị trường Mỹ, giá thành sản phẩm quá cao đã ảnh hưởng đến sự cạnh tranh. Có số liệu cho thấy kể từ khi nới lỏng tỉ giá năm 2005 đến năm 2009, giá trị đồng NDT đã tăng 19%, trong khi giá hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ chỉ tăng 2,5%. Trần Nhạc Vân cho rằng tỉ giá hối đoái không phải là nhân tố chủ chốt nhất ảnh hưởng tới hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, “đồng NDT tăng giá có thể ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành chế tạo Trung Quốc, ảnh hưởng tới lạm phát của Mỹ, ảnh hưởng tới lợi nhuận của Wal-Mart, nhưng số liệu cho thấy vấn đề không nằm ở đây”.
Những năm gần đây, chất lượng sản phẩm của Trung Quốc không ổn định, thậm chí có vấn đề về an toàn, điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc. Theo Trần Nhạc Vân, “số lượng đồ chơi nhập khẩu vào Mỹ tăng lên rất nhiều, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đồ chơi, trò chơi điện tử của Trung Quốc sang Mỹ thì lại giảm, nguyên nhân là do nhân tố chất lượng. Một số gia đình Mỹ không yên tâm, hạn chế mua, chất lượng hàng hoá có thể ảnh hưởng tới ý nguyện mua hàng của người tiêu dùng Mỹ, ý nguyện của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng tới ý nguyện thu mua của các hãng kinh doanh, ảnh hưởng tới toàn thể hình tượng, ảnh hưởng tới hình tượng trong lòng người tiêu dùng.
Trong 10 sự kiện thế giới năm 2007 do hãng tin AFP lựa chọn, việc các sản phẩm của Trung Quốc bị thu hồi đứng ở vị trí thứ 5, ngay trước sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ. Loạt sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc bị thu hồi bao gồm đồ chơi có chứa chì, lốp ôtô có vấn đề, kem đánh răng và thực phẩm có chất độc hại. Tháng 5/2008, Uỷ ban An toàn hàng tiêu dùng Mỹ (CPSC) đã tuyên bố thu hồi 5 loại sản phẩm của Trung Quốc, lý do của bốn loại trong số đó là có chứa hàm lượng chì vượt quá mức cho phép, lò nướng bằng gas có lỗi thiết kế có khả năng dẫn tới rò rỉ khí mêtan, có rủi ro an toàn. Tháng 1 năm nay, CPSC đưa ra thông báo yêu cầu thu hồi 34 loại sản phẩm, trong đó hàng hoá xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới hơn 20 loại…
Trong khi đó, các sản phẩm của Nhật Bản và châu Âu chịu ảnh hưởng khá ít bởi tác động của đợt sóng gió kinh tế vừa qua. Theo Trần Nhạc Vân, nguyên nhân là do các nước này có kỹ thuật và hàng hoá của họ đã có thương hiệu. Có thương hiệu đã trở thành mặt hàng cố định đối với cả nhóm người tiêu dùng, thậm chí nó còn ảnh hưởng tới cả thế hệ sau. Sản phẩm của Trung Quốc rất nhiều, cả về số lượng lẫn chủng loại, song đều không có thương hiệu, Wal-Mart sau khi mua hàng hoá của Trung Quốc về đã cho dán lên đó những tiêu chí thương hiệu khác nhau, vào bất kỳ lúc nào, hãng này luôn có quyền chủ động mua hàng đối với Trung Quốc. Trung Quốc chỉ có một thương hiệu, đó là “made in China”, thương hiệu này đã bị tổn hại, các sản phẩm của nó đều bị ảnh hưởng. Theo quan sát của Trần Nhạc Vân, sản phẩm của Trung Quốc từng mang danh từ “giá rẻ hàng đẹp”, song hiện nay giá cũng không còn rẻ và hàng cũng chẳng đẹp. Sau khi chịu hiệu ứng “rập khuôn”, hàng hoá Trung Quốc đã trở thành một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.
Mùa Thu năm 2002, hãng Sony Nhật Bản đã chuyển dây chuyền sản xuất máy ảnh kỹ thuật số cho thị trường Mỹ vốn đặt tại Thượng Hải về Nhật Bản, hãng Olympus cũng tiến hành điều chỉnh sản xuất đối với máy ảnh kỹ thuật số tại các nước Đông Nam Á, chuyển một số hạng mục sản xuất của sản phẩm cao cấp quay trở về trong nước; hãng Canon cũng đã đưa một phần công việc sản xuất máy ảnh kỹ thuật số và máy in chuyển từ Trung Quốc về Nhật Bản.
Giá trị phụ của hàng hoá Trung Quốc thấp
Trần Nhạc Vân cho rằng có hai nguyên nhân: một là giá thành sản xuất của Trung Quốc đang tăng lên, sự chênh lệch với Nhật Bản không còn quá lớn; hai là nếu như trên sản phẩm có dòng chữ “made in China” thì giá bán ra sẽ giảm đi rất nhiều, nếu là “made in Japan” thì giá trị nhờ uy tín của sản phẩm có thể tăng lên rất nhiều.
Năm 1990, Trần Nhạc Vân đã theo học tại phân hiệu Santa Babara thuộc Đại học California và đã đạt được học vị Tiến sĩ tài chính học. Trong thời gian hơn hai mươi năm du học và làm việc ở Mỹ, Trần đã từng đón tiếp rất nhiều khách Trung Quốc, đại đa số đều không mua hàng do Trung Quốc sản xuất. Bạn bè Trung Quốc muốn mua máy ảnh tại Mỹ, nhất định đòi mua hàng sản xuất tại Nhật Bản, dù giá cả có thể cao hơn nhưng tuyệt đối không mua hàng sản xuất tại Trung Quốc. “Tại thị trường Mỹ, hàng hoá xuất xứ từ Trung Quốc không phải là sản phẩm hoặc thương hiệu được ưa chuộng”.
Giới lý luận Trung Quốc luôn nhấn mạnh lượng tiêu dùng của Mỹ giảm sút, vì vậy cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Trần Nhạc Vân cho rằng “cách nghĩ này không hoàn toàn chính xác, lượng nhập khẩu của Mỹ vẫn đang tăng lên, nếu Trung Quốc muốn bỏ qua, Trung Quốc có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước nhưng không thể bỏ đi thị trường xuất khẩu. Nắm chắc chất lượng sản phẩm Trung Quốc, tạo dựng lại uy tín cho sản phẩm Trung Quốc, vẫn giữ chắc thị trường này mới là hướng kinh doanh đúng đắn”. Quan niệm tiêu dùng của Mỹ chủ yếu không nằm ở giá trị cao thấp mà nằm ở sự ưu khuyết của chất lượng. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước, cọ sát thương mại giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với thị trường Mỹ rất nghiêm trọng. Về sau, người Nhật hiểu rõ được, ít xuất khẩu một chút, giá cao lên một chút, chất lượng tốt hơn nữa một chút, lợi nhuận sẽ càng nhiều hơn. Trần Nhạc Vân kiến nghị Trung Quốc nên học tập Nhật Bản, cần khống chế và thay đổi bản thân trước sự bảo hộ mậu dịch của Mỹ./.

Không có nhận xét nào: