Pages

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Thái Hà lại trở thành tâm điểm của tranh chấp đất đai Giáo hội-Nhà nước

Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình, chủ quyền của Việt Nam và ủng hộ các nhà dân chủ, Nhà thờ Thái Hà, Hà Nội, 30/7/2011.
Thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình, chủ quyền của Việt Nam và ủng hộ các nhà dân chủ, Nhà thờ Thái Hà, Hà Nội, 30/7/2011.
Thanh Phương
 
Trong những ngày qua, tình hình tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội lại nóng lên, sau vụ một đám đông cả trăm người, được mô tả là « quần chúng tự phát », xông vào uy hiếp, hành hung các linh mục, tu sĩ trong sân nhà thờ ngày 3/11 vừa qua. Vụ này là diễn biến mới của tranh chấp nhà đất đã kéo dài từ nhiều năm qua giữa Dòng Chúa Cứu thế ( DCCT ) Hà Nội với chính quyền địa phương.
Vụ việc xảy ra sau khi các linh mục, tu sĩ giáo xứ Thái Hà ngày 27/10 vừa qua nộp đơn đòi trả lại cơ sở của tu viện DCCT Hà Nội mà theo họ, chính quyền thành phố Hà Nội đã mượn từ 40 năm nay để làm bệnh viện Đống Đa, nhưng đã sử dụng sai mục đích, thậm chí trái với tâm linh, đạo đức tôn giáo. Ngoài việc nộp đơn, DCCT đã lắp trên nóc tu viện trong nhà thờ Thái Hà một bản điện tử với hàng chữ : « Yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội trả lại tu viện đang mượn làm bệnh viện Đống Đa ». Yêu cầu này càng bức thiết vì bệnh viện này đang chuẩn bị thực hiện dự án trạm xử lý nước thải ngay trên đất của giáo xứ Thái Hà.

Nhưng báo chí chính thức ở Việt Nam thì lại không nhắc gì đến yêu cầu nói trên của DCCT, mà trình bày sự việc như là « vụ cản trở xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa », một công trình « phúc lợi xã hội ». Riêng tờ Hà Nội Mới, trong hai ngày 2 và 3/11 đã đăng liên tiếp những ý kiến của một số « bạn đọc », tất cả đều « bất bình » với « hành vi vi phạm pháp luật » của các linh mục Giáo xứ Thái Hà và đều yêu cầu chính quyền phải nghiêm trị các linh mục đó.
Theo tường thuật của đài truyền hình Hà Nội, chính là do « cực kỳ bức xúc » trước việc « cản trở xây dựng Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa », nên chiều ngày 3/11, nhân dân phường Quang Trung, quận Đống Đa, gồm các « cựu chiến binh, đại diện Mặt trận Tổ quốc, phụ nữ cơ sở » đã kéo đến nhà thờ Thái Hà để « đối thoại » với linh mục chánh xứ Nguyễn Văn Phượng. Nhưng các linh mục và một số giáo dân đã đáp lại bằng những « hành vi hung hãn ».
Tuy nhiên, theo báo cáo của linh mục chánh xứ Nguyễn Văn Phượng với Tổng giám mục Hà Nội thì chính những người dân đó đã cầm loa tay chửi bới các tu sĩ, linh mục và xô xát với các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Những hình ảnh được phổ biến trên mạng Internet về sự việc ngày 3/11 cũng cho thấy là đi kèm theo đám « quần chúng tự phát » nói trên là một số người quay phim, chụp ảnh, mà trong đó nghe nói có một số công an mặc thường phục, chứng tỏ là hành động của đám đông này đã được chuẩn bị trước.
Bên cạnh việc huy động « quần chúng tự phát », theo tin của tờ Người Lao Động ngày 31/10, chính quyền quận Đống Đa còn ra quyết định xử phạt hành chính đối với linh mục Nguyễn Văn Phượng về « hành vi vi phạm trật tự công cộng » và xem việc lắp đặt bảng điện tử trên nóc tu viện là sai phạm vì « không có giấy phép quảng cáo và lợi dụng quảng cáo để xúc phạm danh dự lợi ích của tổ chức ».
Nhưng vụ việc nay không chỉ liên hệ đến quận Đống Đa và giáo xứ Thái Hà, vì Tòa Tổng giám mục Hà Nội ngày 4/11 vừa qua bày tỏ sự ủng hộ với tu viện và giáo xứ Thái Hà, tuyên bố « không chấp nhận những hành vi thiếu văn hóa và vi phạm pháp luật » của những người đã xâm nhập khuôn viên nhà thờ với những lời lẽ, xúc phạm và gây hấn. Đặc biệt, Tổng giáo phận Hà Nội khẳng định quyền sở hữu của DCCT trên khu đất của tu viện, « bao gồm cả cơ sở và những phần đất mà cơ quan Nhà nước đang sử dụng trên diện tích này ».
Không chỉ ở Thái Hà, mà tranh chấp nhà đất giữa Giáo hội Công giáo với Nhà nước vẫn còn dai dẳng ở nhiều nơi khác, nhưng có lẽ là do ở Hà Nội áp lực về nhà đất rất lớn, cho nên tranh chấp tại đây gay gắt hơn hết, thêm vào đó là thái độ kiên quyết của các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà, cho nên giáo xứ này lại trở thành trung tâm điểm của những tranh chấp này. Trong cuộc chiến không cân sức đó, truyền thông vẫn đóng vai trò trọng yếu, vì rõ ràng là nhờ mạng Internet mà giáo xứ Thái Hà có thể nhanh chóng phổ biến thông tin đáp lại những tuyên truyền trên báo chí chính thức.

Không có nhận xét nào: