Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Vụ án VINASHIN: Truy tố Phạm Thanh Bình và tám bị cáo phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

http://tintuchangngay4.files.wordpress.com/2011/10/vinashin_466x262_nocredit1.jpg?w=320&h=262&h=179Theo: Báo Nhân dân
 
LTS – Vừa qua, tại phiên họp thứ 16, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 là, tập trung giải quyết những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo T.Ư đang chỉ đạo, đôn đốc và những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo T.Ư giao Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư theo dõi, đôn đốc, không để kéo dài.
Trong số những vụ án nói trên, có vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Ngày 14-11-2011, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có cáo trạng, truy tố Phạm Thanh Bình và tám bị cáo khác ra trước Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng để xét xử về tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Ðiều 165 Bộ luật Hình sự.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được thành lập theo Quyết định số 94/TTg ngày 7-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18-10-2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1106/TTg phê duyệt Ðề án điều chỉnh phát triển tổng công ty này giai đoạn 2005 – 2010 và định hướng đến năm 2015. Ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ lại có Quyết định phê duyệt Ðề án thí điểm hình thành Tập đoàn Vinashin và Quyết định số 104/2006/QÐ-TTg thành lập Công ty mẹ – Tập đoàn Vinashin, trên cơ sở tổ chức lại cơ quan quản lý, điều hành và các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Vinashin. Tập đoàn Vinashin được tổ chức hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con, với định hướng phát triển kinh doanh đa ngành, trong đó ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính.
Trong quá trình hoạt động, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình, và một số cán bộ của Tập đoàn này đã không tuân thủ quy định của pháp luật, không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, trong đó có các Dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng – Nam Ðịnh; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện đi-ê-den Cái Lân – Quảng Ninh; Việc bán vỏ tàu Bạch Ðằng Giang ở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu – Hải Phòng và Dự án đầu tư thuê mua tài chính tàu Bình Ðịnh Star. Tổng số thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án đã gây ra là 910.471.130.854 đồng.
Quá trình điều tra vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ, từ đầu năm 2007, Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo các bị can Trần Văn Liêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Hồ Ngọc Tùng và Giang Kim Ðạt thực hiện không đúng sự chỉ đạo về chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ là đóng mới tàu biển chở khách Bắc – Nam, phê duyệt Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen trước khi lập và thẩm định dự án, không thực hiện chào hàng cạnh tranh khi mua tàu, cho vay và thực hiện các thủ tục bảo lãnh để mua tàu sai quy định của Nhà nước, đã gây thiệt hại số tiền là: 469.564.547.716 đồng.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng: Trong các năm: 2006, 2007 Phạm Thanh Bình đã không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư dự án nhóm A, quyết định phê duyệt dự án không có trong quy hoạch phát triển ngành điện, không lập hồ sơ thiết kế cơ sở để thực hiện thủ tục thẩm định, không tổ chức đấu thầu mà chỉ định đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty Cổ phần chế tạo lắp máy Cửu Long không có giấy phép hoạt động điện lực, cho phép sử dụng vốn vay để thực hiện dự án sai mục đích. Bị can Phạm Thanh Bình với vai trò chính đã cùng các bị can Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Ðỗ Ðình Côn gây thiệt hại số tiền là 316.523.439.425 đồng.
Từ năm 2001 đến năm 2005, Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo Hồ Ngọc Tùng và Tô Nghiêm thực hiện các hành vi: Ðiều chỉnh tổng mức đầu tư trái quy định của Nhà nước, thông đồng với nhà thầu là Công ty Jacobsen để nhập dây chuyền máy móc, thiết bị đã qua sử dụng lắp đặt tại Trung Quốc không đúng yêu cầu thông số kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án và cam kết trong hợp đồng giao thầu, thanh toán hết số tiền 3.595.000 USD (tương đương 10% giá trị còn lại của hợp đồng giao thầu) cho Công ty Jacobsen khi dự án chưa hoàn thành, chưa chạy thử tải. Bị can Phạm Thanh Bình với vai trò chính đã cùng các bị can Tô Nghiêm và Hồ Ngọc Tùng gây thiệt hại tổng số tiền là: 66.575.536.228 đồng.
Theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Bình, từ đầu năm 2007, Trần Văn Liêm (ở thời điểm đó là Giám đốc Công ty Viễn Dương) đã ký hợp đồng mua tàu Hoa Sen trong khi chưa lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự án chưa được thẩm định, phê duyệt, không thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, không thực hiện chào hàng cạnh tranh khi mua tàu, đồng ý cho Giang Kim Ðạt thực hiện việc kiểm tra chất lượng của tàu trước khi nhận bàn giao không bảo đảm tính khách quan. Hành vi của Trần Văn Liêm đồng phạm cùng các bị can Phạm Thanh Bình, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Hồ Ngọc Tùng và Giang Kim Ðạt, gây thiệt hại số tiền là: 469.564.547.716 đồng.
Bị can Nguyễn Văn Tuyên (ở thời điểm đó là Giám đốc Công ty Hoàng Anh Vinashin), với tư cách là chủ đầu tư của Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, trong các năm 2006, 2007 mặc dù biết rõ Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng không nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện quốc gia, dự án này chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuẩn bị đầu tư và phê duyệt, vẫn ký thỏa thuận chọn Công ty Cửu Long làm tổng thầu theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Bên cạnh đó, không lập báo cáo đầu tư, không lập hồ sơ thiết kế cơ sở và thực hiện thủ tục thẩm định, khởi công xây dựng công trình khi chưa có giấy phép và chưa đủ điều kiện. Lập hồ sơ mua bán thép khống để vay tiền Trái phiếu Quốc tế (TPQT) của Chính phủ sử dụng sai mục đích; Chuyển đặt cọc và cho Công ty Cửu Long vay số tiền 201 tỷ đồng để đầu tư vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng sai mục đích vay vốn.
Bị can Trịnh Thị Hậu ở thời điểm đó là Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy (VFC) đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại tổng số tiền là 549.966.200.034 đồng liên quan Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng; Dự án đầu tư tàu Bình Ðịnh Star.
Trong Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng năm 2006 – 2007, bị can Ðỗ Ðình Côn (ở thời điểm đó là Kế toán trưởng Công ty Hoàng Anh) biết dự án chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai nhưng theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Tuyên vẫn làm thủ tục thanh toán chi phí vào dự án. Thực hiện các thủ tục vay vốn ngắn hạn từ Ban Tài chính Tập đoàn Vinashin và làm giả hồ sơ vay 42,8 tỷ đồng từ nguồn vốn TPQT để chuyển cho Công ty Cửu Long sử dụng vào Dự án nhiệt điện Sông Hồng sai mục đích sử dụng vốn vay. Bị can Ðỗ Ðình Côn với vai trò thực hành, đồng phạm với các bị can khác gây thiệt hại số tiền là 296.523.439.425 đồng.
Trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện đi-ê-den Cái Lân từ năm 2001 đến 2005, theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Bình và Hồ Ngọc Tùng, bị can Tô Nghiêm (ở thời điểm đó là Giám đốc Công ty CNTT Cái Lân) đã điều chỉnh tổng mức đầu tư trái quy định của Nhà nước, thông đồng với nhà thầu là Công ty Jacobsen để nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng lắp đặt tại Trung Quốc cho Dự án nhà máy nhiệt điện đi-ê-den Cái Lân không đúng với yêu cầu, thông số kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án và cam kết trong hợp đồng giao thầu. Khi nhà máy chưa được lắp đặt hoàn chỉnh, chưa tiến hành thử nghiệm có tải, chưa có hồ sơ hoàn công của nhà thầu, nhưng đã ký biên bản chứng nhận nghiệm thu chạy thử, chứng nhận bàn giao công trình để thanh toán hết số tiền 3.595.000 USD (tương đương 10% giá trị còn lại của hợp đồng giao thầu) cho Công ty Jacobsen.
Trong Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng năm 2006 – 2007, bị can Nguyễn Tuấn Dương (ở thời điểm đó là Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long) biết Công ty Hoàng Anh của Nguyễn Văn Tuyên chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để được phép đầu tư vẫn ký thỏa thuận làm tổng thầu theo hình thức “chìa khóa trao tay” và nhận tiền đặt cọc để mua sắm thiết bị cho dự án. Dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng đã tiến hành khởi công xây dựng, giao cho Trần Ðức Hưng và Công ty cổ phần Chế tạo lắp máy Cửu Long không có giấy phép hoạt động tư vấn công trình điện lập hồ sơ dự án, vay vốn lưu động và sử dụng 20 tỷ đồng của Tập đoàn Vinashin để thanh toán tiền mua thiết bị khi Dự án đã bị đình chỉ.
Trong dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen, theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Bình và Hồ Ngọc Tùng, bị can Hoàng Gia Hiệp (ở thời điểm đó là Phó Tổng giám đốc VFC) đã ký hợp đồng cho Công ty Viễn Dương vay 1.390.900.000.000 đồng mua tàu Hoa Sen và thực hiện giải ngân 2.750.000.000 đồng để Công ty Viễn Dương ký quỹ cho Ngân hàng Ðầu tư và phát triển Bắc Hà Nội phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua tàu, khi dự án chưa lập xong và chưa được thẩm định. Bị can Hoàng Gia Hiệp và các đồng phạm gây thiệt hại số tiền là: 469.564.547.716 đồng.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao còn truy tố bị can Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Nam Triệu cùng về tội danh nói trên.
Những người khác có hành vi liên quan đến các dự án của Vinashin có vi phạm kể trên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì được chuyển đến cơ quan chức năng xử lý hành chính. Một số người khác sẽ được Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Không có nhận xét nào: