Pages

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Xúc phạm, gây hấn và bạo lực do đâu mà có?

 Lâm Đồng – Tôi dùng lại các chữ “xúc phạm, gây hấn và bạo lực” trong thư của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội gởi cho cha Nguyễn Văn Phượng và giáo dân Thái Hà, lá thư phản đối cách giải quyết vấn đề Thái Hà như đã xảy ra ngày 3/11/2011: “một toán người ùa vào sân nhà thờ Thái Hà cầm loa tay chửi bới các tu sĩ linh mục. Họ xô xát với các linh mục, tu sĩ và giáo dân”. Tôi muốn góp suy nghĩ ý kiến của mình về tình trạng này trong đất nước chúng ta.
Dân ta hiếu hòa, yêu chuộng hòa bình, mong muốn cuộc sống an lành, nghĩa tình thủy chung với với nhau,… nét văn hóa này in sâu vào đời sống dân Việt. Chúng ta có rất nhiều địa danh lấy tên mang ý nghĩa như thế: Hòa Bình, Thái Bình, An Bình, Ái Nghĩa, Qui Đức, Xuân Lộc, Hòa Lộc, Phú Cường, Thái Thiện, Hòa Lạc, An Giang, Hòa Vang, Hiếu Nghĩa, Quảng Bình, Đức Hòa, Lương Hòa, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Long An, An Bằng, Bình An, Phúc Lộc, Phú Lộc, Bình Sơn, Bình Thạnh, Bình Hòa, Bình Hưng Hòa, Bình Lợi, Thái Hà,…
Tên người cũng vậy, những tên như Hòa, Ái, Minh, Hiền, Hiếu, Thương, Mến, Xuân, Nghĩa, Trung, Bình, Tâm, Liêm, Quang, Hiệp, Khiêm, Nhường, Hợp, An, Hạnh, Dung, Thảo,… được dùng rất nhiều. Tên cho người, cho vùng,… nói lên ước muốn hoặc phản ánh chính địa danh đó. Những tên vừa kể trên và những tên mang tính hiếu hòa khác nữa nói lên tinh thần của người Việt.

Người dân tộc cao nguyên không mấy hệ trọng về ngôn ngữ, nhưng chính cuộc sống của chúng tôi hòa vào trong thiên nhiên, chúng tôi sống chung với núi rừng cây cỏ, chúng tôi sống dựa vào thiên nhiên, trong thiên nhiên, thiên nhiên nuôi chúng tôi, chúng tôi gìn giữ thiên nhiên thêm giàu có, chúng tôi lấy từ thiên nhiên những của ăn nuôi sống chúng tôi, lấy vừa đủ khi cần, không bao giờ lấy dư bỏ phí, không tận diệt thiên nhiên. Chúng tôi sống chung với nhau, dựa vào nhau, hoàn toàn tùy thuộc vào nhau. Trong làng bản của chúng tôi không hề có hung hãn, chẳng bao giờ gây hấn để đi đến hận thù nhau, Bòn này ở chỗ này thì bòn kia di chuyển đến chỗ khác, rừng núi mênh mông, rừng là nhà của chúng tôi, ở đâu cũng có nhà, mọi người ở chung một nhà, chia nhau để sống.
Tại sao có xúc phạm, gây hấn và bạo lực? Tôi theo dõi việc Thái Hà, việc Tòa Khâm Sứ, Tam Tòa, Đồng Chiêm,… đã lâu những nơi này chung một bài, bạo lực và gây hấn. Người dân việt không bao giờ tự nhiên gây hấn, kéo nhau đến đập phá, la mắng người khác nhất là chốn tôn nghiêm, nên không ai tin có chuyện “quần chúng tự phát”, đó chỉ là một cách nói che giấu sự thật, quần chúng tự phát không thể hành động có bài bản, có máy quay phim của đài truyền hình, có thanh niên được huấn luyện và chó nghiệp vụ, có công an dàn sẵn chờ xung kích.
Nhìn lại cách giáo dục và tổ chức giáo dục nhiều năm qua, từ giáo dục nơi trường học cho đến giáo dục quần chúng theo từng địa phương, chúng tôi không tìm thấy có giá trị hiếu hòa, mọi giáo trình đều được soạn để gây hận thù, các cuộc đấu tố gây căm phẫn trong mọi tầng lớp, căm phẫn lẫn nhau, hận thù lẫn nhau, con cái với cha mẹ, hằng xóm hận nhau vì nợ máu, anh em ruột thịt giết lẫn nhau. Hai lần đổi tiền, vài lần kiểm tra dân số làm hộ khẩu, mỗi lần xin phép xây nhà cần chữ ký của hàng xóm, các bất đồng có dịp xoáy sâu, càng ngày càng sâu thêm. Bài hát chào cờ có những lời bạo lực “say máu quân thù”! Còn đâu giá trị đạo đức cha ông để lại : “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”!
Có một nguyên nhân khác, đó là che giấu sự thật rồi kích động, việc ở Thái Hà mấy ngày nay là bằng chứng, những người không có đủ thông tin, nghe một chiều, sự thật bị che giấu, rồi bị mua chuộc, bị kích động đến gây hấn ở Thái Hà, đến khi được nghe các cha giải thích, họ biết và họ hiểu, họ rút lui. Từ đó chúng ta có bài học, sự thật giải thoát tất cả, tiếng nói lương tri mạnh mẽ hơn cả.
Vậy để giảm bớt sự xúc phạm, gây hấn và bạo lực, bài học về sự thật, lòng yêu thương, ôn hòa, nhẫn nại và tiếng nói của lương tri là lời giải hiệu nghiệm.
Mỗi gia đình phải tự trang bị lại cho con em mình lời giải này trước khi những đổ vỡ xảy ra hàng loạt tiêu diệt phá hoại cả dân tộc chúng ta.
Lâm Đồng, ngày 6 tháng 11 năm 2011
K’Quy
Nguồn: VRNs

Không có nhận xét nào: