Mỹ vẫn đang duy trì nhiều biện pháp chế tài đối với các lãnh đạo cao cấp ở Miến Điện.
Thế nhưng một loạt các cải cách đưa ra trong năm nay đã dẫn đến đồn đoán rằng những thập niên cô lập đã tới hồi kết thúc.
Mặc dù vậy, giới chức Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng sẽ chưa có tuyên bố gì to tát trong chuyến thăm của bà ngoại trưởng.
Các phân tích gia bình luận rằng Hoa Kỳ có lẽ sẽ chỉ đưa ra một số hành động có tính tượng trưng như mở rộng phái bộ của nước này tại Miến Điện thành một đại sứ quán với đầy đủ chức năng.
Hôm thứ Năm 1/12 bà Clinton có cuộc gặp với Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin trước khi tiếp kiến Tổng thống Thein Sein.
Phóng viên BBC chuyên trách Bộ Ngoại giao Mỹ Kim Ghattas, người đi tháp tùng bà Hillary Clinton, nói chuyến thăm của bà có hai ý nghĩa: vừa là khen ngợi các cải cách đã diễn ra, vừa là khuyến khích chính quyền Nay Pi Taw nỗ lực thêm nữa.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói bà hy vọng rằng "các tín hiệu cải cách" sẽ chuyển biến thành một sự thay đổi thực sự.
Tuy nhiên phóng viên của chúng tôi cho biết nhiều quan chức Mỹ và giới đối lập ở Miến Điện tỏ ra lạc quan một cách thận trọng.
Lần đầu trong 50 năm
Bà Hillary Clinton là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Miến Điện kể từ năm 1955.Phe quân sự chiếm chính quyền ở đây năm 1962 và áp đặt một chế độ hà khắc và khó đoán, cho tới tận năm ngoái, khi quyền điều hành được chuyển giao cho một ban lãnh đạo dân sự.
Tuy nội các chính phủ phần đông vẫn là các nhân vật từ chính quyền quân sự cũ, Miến Điện đã thực hiện một số cải cách đáng kể và trả tự do cho nhiều tù chính trị.
Chuyến thăm của bà Clinton diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Barack Obama thăm Á châu và có một số tuyên bố khẳng định cam kết của Mỹ trong khu vực.
Các nhà quan sát mô tả sự chú ý mới của Hoa Kỳ đối với châu Á như nỗ lực đối trọng với việc Trung Quốc đang muốn trở thành cường quốc thống trị khu vực này.
Báo chí Trung Quốc phản ứng dữ dội trước chuyến thăm của bà Hillary Clinton tới Miến Điện.
Hoàn cầu Thời báo, vốn nổi danh về lập trường dân tộc chủ nghĩa, cảnh báo Mỹ không nên đụng tới quyền lợi của Trung Quốc.
Tờ này viết: "Trung Quốc không phản đối việc Miến Điện cải thiện quan hệ với Phương Tây, nhưng sẽ không chấp nhận điều này nếu như quyền lợi của Trung Quốc bị phương hại".
Trung Quốc đầu tư lớn vào Miến Điện, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.
Thế nhưng các dự án lớn mà Trung Quốc đầu tư, như đập thủy điện ở miền bắc đất nước, đã khiến người dân bất bình và dẫn tới tình trạng xung đột giữa phiến quân người sắc tộc thiểu số và quân đội Miến Điện.
Bà Clinton đã tới Thủ đô Nay Pyi Taw chiều thứ Tư 30/11.
Sau khi gặp ông Thein Sein vào thứ Năm, theo kế hoạch bà sẽ đi Rangoon để găp lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi.
Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi mới đây đã đăng ký hoạt động với tư cách đảng chính trị và bà được trông đợi sẽ ra tranh cử trong đợt bầu Quốc hội bất thường tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét