Pages

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Bắc Hàn thời hậu Kim Jong-il

PJ Crowley
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ
 
Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên
Trong một năm có nhiều nhà độc tài bị lật đổ thì ông Kim Jong-il
 lại chết vì lý do tự nhiên.
Có nhiều chỉ dấu cho thấy rằng dân chúng Bắc Hàn, những người vẫn bị cô lập với phần còn lại của thế giới, sẽ thương tiếc ông.

Chỉ điều này đã nói lên rất nhiều về Bắc Triều Tiên và tại sao nước này khác với các quốc gia toàn trị khác như Libya và Syria -- một đang trong giai đoạn chuyển giao và một đang bị sức ép từ mọi phía.

Điều khiến Bắc Triều Tiên khác biệt với Iraq là Bình Nhưỡng thực sự có trong tay vũ khí hạt nhân.                    

Đây cũng là lý do tại sao sẽ không xảy ra một 'Mùa xuân Bình Nhưỡng' trong tương lai gần. Có thể là một ngày nào đó, nhưng không phải bây giờ.


Trong thời gian trước mắt, Hoa Kỳ và những nước mà sự an nguy có liên quan đến Bắc Triều Tiên còn đang phải phòng tránh một Mùa đông Bình Nhưỡng - khi mà Bắc Hàn hoặc là sẽ bị phá tan với các hậu quả thảm khốc đối với Hàn Quốc, hoặc là tự bùng nổ, khiến người tị nạn tứ tán.
Trung Quốc sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để ngăn chặn kịch bản này.

Sự sống còn của chế độ

Tuy cái chết của lãnh tụ Kim Jong-il quả là cú sốc đối với thể chế hiện hành, Bắc Hàn thực ra cũng đã có kế hoạch chuyển giao quyền lực.
Người dân Bắc Hàn khóc thương lãnh tụ
Kim Jong-il ra đi trong sự khóc thương của người dân Bắc Hàn
Vị 'Lãnh tụ kính yêu' gần đây đã yếu đi nhiều và cách đây hơn một năm đã chỉ định người con trai út của mình, Kim Jong-un, một thanh niên chưa qua thử thách và không được biết tới nhiều, làm người kế vị.

Thêm nữa, Bắc Hàn đã từng trải qua việc này ít nhất một lần trong quá khứ không xa khi vị 'Lãnh tụ vĩ đại' Kim Il-sung, cha của Kim Jong-il, người sáng lập nước CHDCND Triều Tiên, qua đời năm 1994.

Chưa nói tới sự sùng bái cá nhân ở Bắc Hàn, gia đình họ Kim, các quan chức cao cấp và tướng lĩnh quân đội đã tạo thành một cơ chế lãnh đạo tập thể ở bên trong Đảng Lao Động Triều Tiên.

Kim Jong-un đã được phong quân hàm đại tướng, thật không tồi cho một người mới hai mấy tuổi đầu, nhưng ông ta còn lâu mới sẵn sàng để có thể lãnh đạo Vương quốc Ẩn dật vốn bị cô lập, suy thoái và đang đói khát theo đúng nghĩa đen.

Quá trình chuyển giao sẽ mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, như đã từng xảy ra với ông Kim cha. Theo quan điểm của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, sự sống còn của chế độ mới là điều quan trọng nhất.

Giới lãnh đạo Bắc Hàn đã chứng tỏ là họ cũng rất giỏi xoay sở cũng như giỏi tàn bạo.
Trong thời đại với những biến chuyển lớn lao trên toàn cầu - từ kết thúc Chiến tranh lạnh cho tới sự hình thành một cộng đồng các quốc gia dân chủ, một thế giới đang toàn cầu hóa và sự kiện Mùa xuân Ả Rập trong năm nay - Bắc Hàn vẫn cứ mãi bám giữ thể chế của mình như một đứa trẻ bướng mãi không thấy lớn trên trường quốc tế.
Đối phó với Bắc Triều Tiên là cả một sự lặp đi lặp lại chu kỳ nhượng bộ lấy lòng rồi lại gây gổ hung hăng, khi nước này đang cố vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa có được quan hệ bình thường với cộng đồng quốc tế, nhất là với Hoa Kỳ.

Các hành động khiêu khích, các cuộc phóng tên lửa, thử nghiệm hạt nhân và gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu chiến và pháo kích tới một hòn đảo của Hàn Quốc thế nào rồi cũng được nối tiếp bằng động thái ngoại giao và những lời hứa hẹn rằng Bắc Hàn sẽ có hành động về chương trình hạt nhân của họ.
Người dân Bắc Hàn
Quốc tế tin rằng người dân Bắc Hàn vẫn sống trong đói khổ
Thế rồi các động thái nửa vời này chắc chắn sẽ lại được tiếp nối bằng các hành động khiêu khích, và một chu kỳ nữa lại bắt đầu.

Trong vòng bí mật

Trong khi có thể kiềm chế Bắc Hàn, thế giới vẫn không thể coi nhẹ quốc gia này, bởi vì công nghệ hạt nhân là công cụ hái ra tiền duy nhất mà Bình Nhưỡng sẵn sàng bán cho một số quốc gia đang mong muốn sở hữu, từ Pakistan cho đến Iran và Libya.

Trong khi điều này có thể mang lợi cho ông Kim Jong-il và các thuộc hạ của ông, nó không giúp ích gì cho người dân Bắc Triều Tiên.

Ngoài sự cố gắng sống còn, một đặc điểm khác của chế độ Kim Jong-il là bỏ mặc người dân.

Dù không ai biết chắc chắn, người ta vẫn cho rằng hàng triệu người Bắc Hàn đã chết vì đói khổ, và đây thực sự là tội ác chống lại nhân loại.
"Miền Nam, sau khi đã trải qua vụ chìm tàu Cheonan và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong, có thể sẽ không còn kiên nhẫn thêm nữa."
Sự tương phản rõ rệt giữa hai miền Triều Tiên trong phương diện phát triển có thể quy về một yếu tố đó là bản chất và chất lượng của chính quyền.

Trong nửa thế kỷ qua, Hàn Quốc đã phát triển như một nền kinh tế toàn cầu và trở thành một cường quốc dẫn đầu khu vực.

Trong khi đó, Bắc Hàn, vốn từng có thời phát triển hơn Nam Hàn, đã phá hỏng nền kinh tế tới mức không còn khả năng nuôi sống người dân của mình.

Một phái đoàn Hoa Kỳ do đặc phái viên mới về Bắc Hàn Glyn Davies dẫn đầu dự kiến ​​sẽ gặp gỡ những người đồng nhiệm Bắc Triều Tiên, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan, ở Bắc Kinh vào tuần này.

Tin cho hay Mỹ hy vọng sẽ (một lần nữa) đạt thỏa thuận về các biện pháp chứng tỏ Bắc Hàn nghiêm túc trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân của mình.

Đổi lại, Bắc Hàn sẽ được hỗ trợ lương thực, tuy nước này cần chấp thuận cho quốc tế giám sát quá trình phân phối để bảo đảm lương thực đến tay những người đang cần chứ không phải quân đội.

Hai bên sẽ thống nhất một lộ trình quay trở lại bàn đàm phán sáu bên, trong đó Hoa Kỳ sẽ có đối thoại trực tiếp với Bắc Hàn.

Tất cả điều này chắc sẽ phải tạm ngưng khi Bắc Hàn tiến hành quá trình chuyển giao.

Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán nhanh chóng như thế nào và liệu Bình Nhưỡng có tiếp tục công việc của các cuộc đàm phán đang dang dở hay không - trả lời cho các câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào hiệu quả của quá trình chuyển giao, quyền lực của lãnh đạo nước này đối với người dân và sự cấp bách của nhu cầu lương thực.

Trước mắt, có khả năng dễ dàng gia tăng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Miền Bắc có thể tung ra các lời lẽ đao to búa lớn hoặc có hành động khiêu khích để chứng tỏ rằng ban lãnh đạo vẫn duy trì quyền lực bất chấp cái chết của lãnh tụ Kim Jong-il.

Miền Nam, sau khi đã trải qua vụ chìm tàu Cheonan và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong, có thể sẽ không còn kiên nhẫn thêm nữa.

Các nỗ lực ngoại giao nay sẽ phải tập trung vào để ngăn chặn hiểu lầm hoặc leo thang căng thẳng.

Ở mức độ chiến lược, các sự kiện đang diễn ra tại Iraq, Libya, Syria và Iran - những quốc gia mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân - có thể sẽ càng khiến lãnh đạo Bắc Hàn tin rằng công nghệ hạt nhân có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với sự tồn tại chế độ của họ.

Do vậy cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên, vốn chưa bao giờ dễ dàng, sẽ có khả năng bế tắc thêm một lần nữa.

Thật ra thì chẳng ai đoán trước được Bắc Hàn sẽ làm gì.

Khi Kim Jong-il còn sống chúng ta đã không biết mấy về những gì xảy ra ở Bình Nhưỡng. Bây giờ, khi ông ta chết đi, chúng ta chắc còn biết ít hơn.

Không có nhận xét nào: