Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Băng đảng hoành hành trên đường phố Việt Nam

Văn Chánh
Vào những ngày cuối năm 2011, tình trạng bất ổn xã hội ngày càng tăng. Trong đó phải kể đến hiện tượng những băng nhóm thanh niên hung bạo hoành hành khắp phố phường.


Số dao kiếm mà công an tịch thu được trên một xe taxi ở Bình Dương, theo bản tin về thanh toán giang hồ trên VNExpress ngày 5 tháng 12, 2011. (Hình: VNExpress)

Một nhà báo kể rằng con đường nội bộ thuộc chung cư nơi anh ở, cứ mỗi đêm tiếng xe gắn máy của bọn đua xe rú ga suốt. Dường như chúng chỉ cần chờ có người dân nào phản ứng là tụ nhau lại diễu hành đe dọa thêm.
Một người dân khác ở quận 6 kể. Ông dắt chó đi vệ sinh. Tay cầm theo cái cây để đề phòng bọn bắt chó. Vậy mà có mấy thằng tấp xe vào nói: “Ê, lão già, muốn chơi hả. Thèm ăn dao hả?” Ông hoảng hồn chạy về nhà.

Hai mẩu chuyện bị đe dọa nêu trên chỉ là những vấn nạn thường ngày của những người dân sống gần khu trung tâm Sài Gòn, nơi được cho là có mật độ công an thường xuyên nhất so với các khu đô thị hỗn tạp như Bình Tân, quận 7, quận 12... Bởi lẽ do tính càn quấy, bạo ngược của các nhóm thanh niên này ngày càng tăng nên hầu hết người dân lương thiện đều có phương châm sống cúi mặt, không biết, không nghe, không thấy. Người ta không hiểu với đà này thì đời sống của dân lương thiện sẽ ra sao, cũng như với đà này thì tất yếu những nhóm cực đoan sẽ làm chủ đường phố và cả những vùng nông thôn sẽ là điều tất yếu.
Thanh niên Sài Gòn hiện nay gần như mỗi người đều sở hữu một chiếc xe gắn máy, nên không khó để nhận diện những nhóm cực đoan này, vì bất cứ giờ phút nào trong ngày hãy nghe tiếng gầm rú của xe gắn máy là đoán biết “bão” đang tới. Với tóc nhuộm màu, quần áo theo mốt Hàn Quốc, Hồng Kông... đa số họ ốm tong, ốm teo vì đã “đầu tư” sức lực ở các quán cà phê, các điểm chơi game, quán nhậu,...
Ðã qua rồi thời kỳ họ chỉ tụ tập nơi vắng vẻ hoặc với lý do ăn mừng một trận bóng đá. Giờ đây họ càn lướt, ngang ngược trên đường phố vào bất cứ lúc nào họ muốn, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần. Qua điện thoại di động, có khi chỉ trong chốc lát họ tập họp cả hàng trăm chiếc xe làm thành những cơn “bão lớn.” Người dân đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khu vực gần cầu Thanh Ða cho biết, khoảng mấy tháng trước một bà chủ tạp hóa, khi băng qua đường bị bọn đua xe cán chết, còn tai nạn bình thường thì vô số kể.
Một cựu cầu thủ bóng đá nói:
“Tướng mấy thằng đó tôi đẩy nhẹ một cái cũng té. Nhưng không dám phản ứng vì sợ chúng xả mã tấu. Chúng với chúng mà còn giết nhau dễ như giết gà huống gì mình.”
Thật vậy, khi đọc những thông tin gần đây trên báo chí lề phải về những vụ giết người vu vơ ai cũng thấy lạnh lưng: ngày 2 tháng 12, 2011. Ở Ðắc Nông. Nguyễn Khắc Thúy nhậu cùng Ðiểu Doan. Thúy đưa chân gà mời Ðiểu Doan nhưng sơ ý làm rơi. Ðiểu Doan cho rằng Thúy chơi xỏ đấm vào mặt Thúy. Thúy đánh lại. Cuối cùng Thúy chạy xuống bếp lấy dao đâm chết Ðiểu Doan.
Từ đua xe, chơi bời cho đến trộm cướp là một công thức thể hiện “trào lưu”của một bộ phận thanh niên Việt Nam hiện nay. Có một thời đường phố Sài Gòn mỗi khi có tiếng một nạn nhân nào đó la lên: Cướp, cướp là có người dân phản ứng cứu giúp... Nhưng lúc này tiếng cầu cứu của nạn nhân rơi vào vô vọng giữa ở đô thị lớn nhất nước này.
Ngay giữa ban ngày, trên đường 3 tháng 2 đông nghẹt người, cô gái làm nghề điều dưỡng vừa bị giật mất túi xách với trọn số tiền đi sắm đồ cưới của cô. Với vẻ mặt thất thần, cô kể:
“Em la cướp thiệt lớn nhưng không ai cứu. Có người chạy xe ngang nói. Thí cho nó đi, la làng có khi nó còn quay lại cho ăn đòn nữa là.”
Một trường hợp khác mà chính báo công an của chế độ đưa tin: Ngày 2 tháng 12, một băng nhóm gồm 10 thanh thiếu niên gây ra một 100 vụ cướp ở Hà Nội và các vùng phụ cận. Hẳn nhiên, khi những nạn nhân không được hệ thống công an khổng lồ ở đất nước này bảo vệ, và nếu họ “ngủ không được” thì tất nhiên các anh công an “ngủ ngon giấc” để bảo toàn sinh mạng và tài sản. Ðều đó cho thấy những người dân lương thiện đang trơ trọi trước làn sóng cô đồ tội phạm.
Một nhà xã hội học muốn giấu tên phát biểu:
“Không phải do thất nghiệp hay đời sống thiếu thốn, làn sóng quậy phá của thanh niên là biểu hiện của một thế hệ trẻ dư thừa năng lượng.”
Từ phát biểu của ông nhiều người nhận định rằng: Chính chế độ này cũng muốn thanh niên sử dụng năng lượng dư thừa vào các biểu hiện quậy phá côn đồ. Vì chỉ có như vậy mới tránh được nguy cơ thanh niên châm lửa làm bùng phát các cuộc biểu tình vì dân chủ và dân quyền.

Không có nhận xét nào: