Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc cần thỏa hiệp với Việt Nam về Hoàng Sa

HONG KONG (NV) -Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn từ chối nói chuyện với Việt Nam về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, coi như không có gì để thảo luận.


Ðảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1974 đã được xây dựng phi trường và cảng biển.

Tuy nhiên, một chuyên gia về luật của Hoa Kỳ được coi là chuyên viên về luật Trung Quốc phát biểu rằng Bắc Kinh cần thỏa hiệp với Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa.
Giáo Sư Jerome Cohen, giám đốc Viện Luật Pháp Mỹ-Á tại đại học luật ở New York phát biểu ở Hongkong hôm 9 tháng 12 rằng một lãnh tụ mới như ông Lý Khắc Cường có thể thấy dễ dàng hơn các lãnh tụ hiện nay để giải quyết vấn đề đang được các nước trong khu vực quan tâm.
Lý Khắc Cường (Li Keqiang), 56 tuổi, hiện là đệ nhất phó thủ tướng, đứng hàng thứ 7 trong hệ thống quyền lực ở Trung Quốc, được coi là người sẽ thay thế Ôn Gia Bảo ở ghế thủ tướng vào Tháng Ba năm 2013. Ông tốt nghiệp đại học luật ở Bắc Kinh và có bằng tiến sĩ kinh tế.

“Tất cả các nước hiện nay đang âu lo.” Ông Cohen nói với cử tọa ở Câu Lạc Bộ Ký Giả Ngoại Quốc tại Hongkong. Trung Quốc đã “sai lầm nghiêm trọng” về biển Hoa Nam (Việt Nam gọi là Biển Ðông) và nên để cho người ta nhìn thấy là kẻ biết điều, theo ý kiến Cohen.
“Mọi người nên bắt đầu đưa ra một vài nhượng bộ và xem Trung Quốc có tin cậy được không.” Ông nói. Ông đề cập nhiều lần đến vấn đề quần đảo Hoàng Sa như một bước đi khởi sự. “Liệu người ta có tin vào một thỏa hiệp hòa bình không? Có thể có cơ hội.”
Ông Cohen nói ông Lý Khắc Cường vốn là một người từng học luật, ông nói thêm là “Tôi nghĩ ông (Cường) có thể thuyết phục được. Ðối phó với vấn đề này (Hoàng Sa) dễ hơn cho ông là đối phó với vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.”
Việt Nam lập lại rất nhiều lần rằng nước mình có chủ quyền với các bằng chứng lịch sử và pháp lý không thể tranh cãi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thập niên 1950, Trung Quốc đến chiếm một vài đảo ở quần đảo Hoàng Sa nhưng đã bị đánh đuổi. Tháng Giêng 1974 thì xua một lực lượng hải quân hùng hậu hơn, chiếm toàn bộ quần đảo này khi đang do các lực lượng VNCH bảo vệ.
Năm 1988 và những năm sau, Bắc Kinh xâm lấn tiếp một số đảo nhỏ và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa trong tay Việt Nam và Phi Luật Tân. Bây giờ, với lực lượng quân sự hùng mạnh hàng cường quốc trên thế giới, Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Ðông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Bắc Kinh bịa ra các bằng chứng lịch sử từ thời cổ đại để tuyên truyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ “không thể tranh cãi.”
Trước các áp lực quốc tế, Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo qua các cuộc đàm phán song phương để có lợi thế nước lớn mà ép buộc.
Sau các cuộc thương thuyết về biên giới trên bộ, Việt Nam và Trung Quốc đã mở nhiều vòng đàm phán liên quan đến Biển Ðông. Hà Nội cũng như Bắc Kinh không hề tiết lộ chi tiết nào về các cuộc đàm phán. Nhưng chuyên viên về các vấn đề Việt Nam cho hay Bắc Kinh luôn luôn từ chối thảo luận với Hà Nội về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, coi như đã cướp xong rồi thì không còn gì để nói chuyện.
Ngư dân Việt Nam khi đánh cá hay khai thác hải sản gần Hoàng Sa đều bị bắt giữ đòi tiền chuộc hoặc đâm chìm tàu. Thậm chí, tàu nghiên cứu dò tìm dầu khí của Việt Nam ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo công ước quốc tế UNCLOS về luật biển, cũng bị Bắc Kinh cản trở, coi như xâm phạm vùng biển Trung Quốc.
Trong khi đó, hàng đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác hải sản, vẫn chỉ bị nhà cầm quyền CSVN 'xua đuổi” chứ không dám có biện pháp mạnh hơn.
Ông Cohen nói ở Hongkong rằng năm 1974 Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa vào lúc VNCH đang quá yếu nên để lại hậu quả “căng thẳng và oán hận.”
“Kẻ chiếm đoạt thì không nhìn nhận là có tranh chấp hay chiếm đóng trong 90% mọi trường hợp xâm lăng.” Ông nói.
“Tình thế đã tới giai đoạn là các nước cần phải nhất quán trong lời nói cũng như hành động.” Cohen nói. “Ngày nay anh không thể chạy thoát khi nói một đàng làm một nẻo.”
Ngày 6 tháng 12, 2011, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào kêu gọi lực lượng hải quân hùng mạnh của họ “tăng cường chuẩn bị để chiến đấu.” Ðiều này gây lo ngại cho mọi người nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 9 tháng 12, 2011 lên tiếng chữa cháy khi viết bài bình luận nói “thế giới nghĩ quá xa về ý đồ quân sự của Trung Quốc.”

Không có nhận xét nào: