Pages

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Căng thẳng trên biển Đông năm 2011- phần 1

AFP photo
Đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa.
Việt Hà, phóng viên RFA 

Năm 2011 có thể nói là một năm của những căng thẳng trên biển Đông với một loạt các vụ va chạm, kéo theo một loạt các phản ứng về mặt ngoại giao giữa các nước có liên quan.

Trung Quốc hung hăng

Tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Việt Nam và Philippines đã trở nên hết sức căng thẳng trong năm 2011 với một loạt các sự kiện được các nhà phân tích cho là nghiêm trọng nhất kể từ sau khi bản tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông được ký kết vào năm 2002 giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Vụ việc nghiêm trọng đầu tiên phải kể đến là vào ngày 25 tháng 2, hai tàu cá của Philippines khi đang hoạt động cách đảo Palawan của Philippines khoảng 140 hải lý đã bị một tàu chiến có hỏa tiễn điều khiển của Trung Quốc đe dọa và yêu cầu phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức.


Không lâu sau đó, vào ngày 2 tháng 3, 2 tàu hải giám khác của Trung Quốc đã đe dọa và yêu cầu một tàu thăm dò của Philippines phải rời khỏi khu vực hoạt động gần Bãi Cỏ Rong ngoài khơi đảo Palawan.
Chỉ khoảng 3 tháng sau, vào ngày 26 tháng 5, đã xảy ra một vụ đụng độ nghiêm trọng khác khi tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh 2 của PetroVietnam khi tàu này đang hoạt động tại lô 148 nằm trong vòng 200 hải lý từ bờ của Việt Nam.
Điều đáng nói là vụ đụng độ này xảy ra chỉ khoảng 10 ngày trước khi diễn đàn đối thoại Shangri-La hàng năm được tổ chức từ ngày 3 đến 5 tháng 6 tại Singapore với sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates và người đồng nhiệm Trung Quốc là Bộ trưởng Lương Quang Liệt.
Trung Quốc đang muốn cho chúng ta thấy rằng họ là một cường quốc đang nổi lên và chúng ta phải tôn trọng cái gọi là quyền trên biển của họcũng như sức mạnh trên biển của họ.
GS Renato Cruz De Castro
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã đưa vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 vào trong phát biểu của mình tại diễn đàn đối thoại Shangri-La. Ông bày tỏ quan ngại về sự kiện này và yêu cầu các bên duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Thậm chí Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng lên tiếng khẳng định quyền lợi quốc gia của Mỹ trong vấn đề tự do hàng hải trong khu vực.
Thế những chỉ chưa đầy một tuần sau Shangri-La, vào ngày 9 tháng 6, một tàu hải giám khác của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Viking II thuộc PetroVietnam khi tàu này đang hoạt động trong lô 136/3 thuộc khu vực thềm lục địa của Việt Nam.
Tiếp theo sau hai vụ đụng độ này, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng nói rằng đây là những hành động có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm mục đích biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện kế hoạch đường lưỡi bò hay đường chữ U trên biển Đông.
Nhận định về những hành động liên tiếp này của Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2011, giáo sư Renato Cruz De Castro, giáo sư môn quan hệ quốc tế thuộc đại học De La Salle của Philippines nói:
"Rất nghiêm trọng, nó cho thấy sự leo thang hơn nữa trong việc khẳng định sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Nếu chúng ta nói về đối thoại Shangri La, tất nhiên chúng ta có thể bàn về chuyện biển Đông và các vấn đề liên quan ở đó, nhưng những gì đang xảy ra bây giờ là thực tế. Trung Quốc đang muốn cho chúng ta thấy rằng họ là một cường quốc đang nổi lên và chúng ta phải tôn trọng cái gọi là quyền trên biển của họ cũng như sức mạnh trên biển của họ."
Vào ngày 15 tháng 6, Philippines cho biết hải quân nước này đã nhổ một số cọc lạ tại các bãi đá ngầm trong khu vực tranh chấp trên biển Đông. Phát ngôn viên của Hải quân nước này nói với báo giới là các cọc gỗ này không có dấu hiệu cho thấy thuộc về nước nào.
Trước đó, tại diễn đàn đối thoại Shangri la, Bộ trưởng Quốc phòng Phi cho biết nước này đã phát hiện một tàu của Trung Quốc đổ vật liệu xây dựng và thả phao ở vùng gần Amy Douglas Bank phía tây nam bãi Cỏ Rong mà Phillippines đòi chủ quyền. Nhận định về hành động này, tiến sĩ Ian Story thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết:
"Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông hồi năm 2002 chỉ rõ là cấm các bên chiếm đóng các đảo và bãi đá chưa chiếm đóng. Từ năm 2002, tất cả các bên đều tuân thủ điều này. Nhưng nếu đúng là Trung Quốc đã đổ vật liệu và có dự định xây dựng trên đó thì cho đến giờ đó là hành động vi phạm DOC nghiêm trọng nhất kể từ năm 2002."

Phản ứng của các nước


000_Hkg5160539-250.jpg
Trưởng hải quân các nước khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội vào ngày 27 Tháng 7 năm 2011. AFP
Những động thái liên tiếp này của Trung Quốc đã bị một số nhà nghiên cứu trong khu vực gọi là hung hăng và hiếu chiến. Thậm chí đã có lo ngại về khả năng một vụ đụng độ quân sự có thể xảy ra tại đây như đã từng xảy ra trước kia vào năm 1988 giữa hải quân Việt Nam và hải quân Trung Quốc tại đảo Gạc Ma. Trả lời đài Á châu Tự do vào tháng 6 vừa qua, Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc Phòng Úc nhận định:

"Không loại trừ khả năng một đụng độ kiểu như vậy, những nhà phân tích chính trường Trung Quốc cho biết có nhiều người tham gia vào việc đưa ra quyết định tại Trung Quốc. Có đến 5 cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề biển, chưa kể hải quân của quân đội nhân dân Trung Quốc.
Các phân tích gia cho rằng những nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối đầu với những vấn đề trong nội địa cho nên dẫn đến cái gọi là thái độ không chắc chắn từ phía Trung Quốc. Bởi vì rõ ràng là ở Trung ương thì lãnh đạo Trung Quốc muốn giảm nhẹ vấn đề, đi theo cách hòa bình hơn tuy nhiên chúng ta thấy các căng thẳng vẫn xảy ra cho nên theo tôi Bắc Kinh đã mất một phần kiểm soát vấn đề ở đây."
Tiếp theo sau những hành động lấn áp của Trung Quốc, vào ngày 13 tháng 6, hải quân Việt Nam diễn tập bắn đạn thật ngoài khơi miền Trung gần đảo Hòn Ông. Bộ ngoại giao Việt Nam lúc đó nói rằng đây là hoạt động luyện tập thường niên của hải quân Việt Nam trong khu vực.
Tổng thống Phillipines vào hồi tháng 5 cũng lên tiếng quan ngại về những căng thẳng trong khu vực và nói đến khả năng gia tăng trang bị quốc phòng cho mình để phòng vệ trước những đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi đồng minh quân sự Mỹ bảo vệ nước này trước khả năng tấn công từ bên ngoài.
Tuy nhiên vào nửa sau của năm 2011, tình hình căng thẳng trên biển Đông có chiều hướng giảm bớt, tiếp theo sau việc ASEAN và Trung Quốc ký bản hướng dẫn thực hiện bản tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông vào ngày 21 tháng 7. Mặc dù bản hướng dẫn không có tính ràng buộc về pháp lý nhưng đã được Hoa Kỳ ca ngợi như một bước tiến trong việc xây dựng lòng tin giữa các bên, điều quan trọng để tiến tới việc đạt được một bộ quy tắc về ứng xử mà các bên đang mong đợi. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton viết trong bản tuyên bố của bà ngay sau khi bản hướng dẫn được ký kết như sau:
"Hoa Kỳ khen ngợi tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc về việc thực hiện bản hướng dẫn để tiến tới xây dựng lòng tin và thực hiện các dự án hợp tác trên biển Đông. Đây là một bước đi đầu quan trọng hướng tới thực hiện một bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông và thể hiện một quá trình được thực hiện qua đối thoại và ngoại giao đa phương."
Nửa cuối năm 2011 cũng chứng kiến những chuyến thăm ngoại giao giữa quan chức các nước Việt Nam, Philippines và Trung Quốc trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giảm căng thẳng trên biển.
Mở đầu là chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Philippines, Benigno Aquino vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Sau cuộc gặp này, Tổng thống Phi cho biết lãnh đạo hai nước đều nhất trí về sự cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông và rõ ràng là không có sự gia tăng căng thẳng giữa các nước trong khu vực tranh chấp.
Vào tháng 10, tân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc và gặp gỡ với Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào. Chủ đề bàn thảo là biển Đông. Hai bên đã có thông cáo chung sau đó, trong đó nhấn mạnh hợp tác chiều sâu giữa quân đội và lãnh đạo hai nước và tiếp tục các đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng hai nước. Hai bên cũng ký kết thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề biển Đông theo nguyên tắc phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
Hoa Kỳ khen ngợi tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc về việc thực hiện bản hướng dẫn để tiến tới xây dựng lòng tin và thực hiện các dự án hợp tác trên biển Đông.
NT Hoa Kỳ Hillary Clinton
Vào ngày 20 tháng 12, ông Tập Cận Bình, Phó chủ tịch Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Theo các phân tích gia thì vấn đề biển Đông sẽ là một chủ đề được bàn thảo trong chuyến đi này của ông Tập Cận Bình nhằm giảm căng thẳng.
Đã có so sánh năm 2011 như một trận bóng đá mà nửa hiệp đầu Trung Quốc là người chơi hung hăng nhất và phạm lỗi. Tuy nhiên nửa năm sau là lúc người chơi Trung Quốc bớt dần hung hăng và các bên tập trung nhiều hơn vào các biện pháp ngoại giao.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng có nhiều khả năng sẽ không có những xung đột tương tự năm 2011 vào nửa đầu năm 2012 và thậm chí là cả năm, nhưng để có thể giải quyết được vấn đề tranh chấp trên biển giữa các nước thì còn là một chặng đường rất dài. Mặc dù vậy vẫn có những hy vọng vào khả năng một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý được hình thành, bởi năm 2012 cũng đánh dấu 10 năm bản tuyên bố về ứng xử của các bên được ký kết.

Không có nhận xét nào: