Pages

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Căng thẳng trên biển Đông năm 2011- phần 2

RFA PHOTO
Tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc Học viện
Quan hệ Quốc tế Việt Nam, đang thuyết
trình tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông ở
Washington DC hôm 20-06-2011.
Việt Hà, phóng viên RFA 

Cùng với sự gia tăng căng thẳng trên biển Đông, năm 2011 cũng là năm của những cuộc hội thảo quốc tế liên tục ở nhiều nước từ châu Á đến Hoa Kỳ trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cho tranh chấp tại khu vực.

Quốc tế hóa vấn đề biển Đông

Năm 2011 đã là năm thứ 3, Việt Nam nỗ lực đưa vấn đề biển Đông vào các hội thảo quốc tế và cũng là năm được coi là có nhiều hội thảo quốc tế về biển Đông nhất được tổ chức ở nhiều nước giữa lúc có những căng thẳng gia tăng liên quan đến tranh chấp của các nước về chủ quyền trên biển Đông.
Hội thảo quốc tế đầu tiên về biển Đông thu hút được sự chú ý đông đảo của công luận phải kể đến là hội thảo về an ninh hàng hải tại biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức ở Washington trong hai ngày từ 20 đến 21 tháng 6. Đây là cuộc hội thảo quy tụ được rất nhiều các học giả quốc tế đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Úc, Mỹ, Ấn Độ và châu Âu.


Cuộc hội thảo diễn ra giữa lúc những căng thẳng trên biển Đông đang gia tăng sau một lọat các vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và các tàu cá, tàu thăm dò của hai nước Philipines và Việt Nam. Phát biểu sau buổi hội thảo, tiến sĩ Trần Trường Thủy, thuộc học viện quan hệ quốc tế Việt Nam nói:
"Hội thảo này là một hội thảo rất hay trong việc nêu bật vấn đề biển Đông trong cộng đồng học giả quốc tế nói riêng cũng như trong cộng đồng thế giới nói chung, làm thế giới quan tâm càng nhiều đến biển Đông thì càng có lợi."
Đây cũng chính là quan điểm của Việt Nam ngay từ hội thảo quốc tế đầu tiên do học viện ngoại giao Việt Nam tổ chức vào năm 2009, tức là quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Điều này cũng nằm trong chính sách của Việt Nam về vấn đề biển Đông theo lời của tiến sĩ Trần Trường Thủy:
"Chính sách của Việt Nam được thực hiện trên cơ sở là hệ thống. Thứ nhất là công khai những vấn đề mà Trung Quốc chèn ép Việt Nam để cho thế giới thấy là các hành động phi pháp của Trung Quốc làm cản trở các hoạt động hợp pháp của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Bằng cách như thế thì ta có thể thu hút được sự ủng hộ của công luận. Điều thứ hai là tùy theo tình hình và sự kiện làm ta có thể đưa các vấn đề ra diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác và càng nhiều tiếng nói nêu quan ngại đối với Trung Quốc thì Trung Quốc phải tính kỹ hơn các hành động của mình."
Hội thảo này là một hội thảo rất hay trong việc nêu bật vấn đề biểnĐông trong cộng đồng học giả quốc tế nói riêng cũng như trong cộng đồng thế giới nói chung, làm thế giới quan tâm càng nhiều đến biển Đông thì càng có lợi.
TS Trần Trường Thủy
Ngay tại buổi hội thảo này, người ta có thể thấy có rất nhiều bài phát biểu từ các học giả quốc tế có phần nghiêng về việc lên án các hành động bị cho là hiếu chiến của Trung Quốc và thông cảm với Việt Nam, mà mở đầu là bài phát biểu của đại diện ASEAN là ông Termsak Chalermpalanupap khi ông này gọi hành động của Trung Quốc là ‘talk and take’ xin tạm dịch là ‘miệng nói mà tay thì vồ’.
Tiếp theo sau hội thảo tháng 6 của CSIS, Học Viện Ngoại Giao Việt Nam tổ chức hai hội thảo khác vào tháng 10 ở Manila, Phillippines và tháng đầu tháng 11 ở Hà Nội, trong đó hội thảo vào tháng 11 là hội thảo lần 3 do Học Viện ngoại giao phối hợp cùng Hội luật gia Việt Nam tổ chức hàng năm từ năm 2009 đến nay.

Giải pháp ngoại giao

Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý trong bài phát biểu khai mạc hội thảo tháng 11 ở Hà Nội đã nhìn nhận những hội thảo như vậy với sự đóng góp ý kiến, thảo luận của các học giả quốc tế nghiên cứu về biển Đông đã góp phần quan trọng đưa biển Đông vào ‘ra đa’ kiểm soát của cộng đồng quốc tế, giúp dư luận quốc tế có thông tin đầy đủ và nhiều chiều hơn.

000_Hkg5132146-250.jpg
Ông Phạm Quang Vinh (P) và đối tác Trung Quốc Lin Zhen Min (T) tại cuộc họp về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tổ chức trên đảo Bali ngày 20 tháng 7 năm 2011. AFP
Đánh giá về những gì đã đạt được qua các hội thảo do Việt Nam tổ chức trong suốt 3 năm qua, Giáo sư Carl Thayer, người đã tham gia vào rất nhiều các hội thảo quốc tế về biển Đông trong khu vực cho biết:

"Việt Nam nói chung là đã thành công trong việc quốc tế hóa vấn đề biển đông và những ảnh hưởng của nó có thể nhận thấy ở các hội thảo khác, và đã lôi kéo được sự quan tâm của những người gần gũi với các nhà làm chính sách. Cho nên xét về khía cạnh này thì Việt nam đã thành công."
Sự thành công bước đầu của các hội thảo do Việt Nam tổ chức kể từ năm 2009 đến nay cũng khiến một số nước có liên quan trong tranh chấp biển Đông tham gia tổ chức hội thảo. Vào các ngày 7 và 8 tháng 10, Đài Loan cũng đã tổ chức một hội thảo quốc tế về biển Đông có tên gọi các vấn đề liên quan đến luật pháp và chính sách tại biển Đông, quan điểm của châu Âu và Mỹ. Và theo nhận xét của giáo sư Carl Thayer, một diễn giả tại hội thảo thì đây cũng giống như một phiên bản khác của các hội thảo mà Việt Nam đã tổ chức, chỉ có điều mục đích của Đài Loan khi tổ chức hội thảo này là muốn cho quốc tế thấy quyền lợi của nước này trên biển Đông.
Hiện Đài Loan đang chiếm giữ đảo Ba Bình là một đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa và vì vậy Đài Loan cũng có những quyền lợi tại khu vực đang tranh chấp này.
Việt Nam nói chung là đã thành công trong việc quốc tế hóa vấn đề biểnđông và những ảnh hưởng của nó có thể nhận thấy ở các hội thảo khác, vàđã lôi kéo được sự quan tâm của những người gần gũi với các nhà làm chính sách.
Giáo sư Carl Thayer
Các tháng nửa cuối năm 2011 cũng là các tháng của nhiều các hội thảo biển Đông khác tại các nước như Malaysia, Philippines và Trung Quốc. Ông Đặng Đình Quý trong bài phát biểu của mình tại hội thảo ở Hà Nội vào tháng 11 nhìn nhận năm 2009 chỉ có 3 hội thảo quốc tế về biển Đông thì đến năm 2010 số cuộc hội thảo như vậy đã tăng lên con số 7 và đến năm 2011 là 15 hội thảo.
Cùng với những hội thảo quốc tế về biển Đông diễn ra dồn dập vào các tháng cuối năm 2011, thế giới cũng nhìn thấy nhiều hơn các nỗ lực ngoại giao từ các nước có liên quan nhằm làm giảm căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp. ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý vào một bản hướng dẫn thực hiện bản tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông vào tháng 7. Đầu tháng 1 tới đây, Trung Quốc sẽ là nước chủ nhà cho cuộc họp đầu tiên của nhóm làm việc ASEAN Trung Quốc liên quan đến việc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc.
Có rất nhiều khả năng những cuộc hội thảo tương tự sẽ diễn ra trong năm mới 2012. Và chắc chắn các hội thảo, nếu có, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi thông tin, và quốc tế hóa vấn đề biển Đông như Việt Nam mong muốn. Thế nhưng cho đến lúc này, có lẽ điều mà nhiều người trông đợi từ những hội thảo chính là những sáng kiến, hay ý tưởng mới để giải quyết tranh chấp đã kéo dài quá lâu.

Không có nhận xét nào: