Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

KHÔNG TAM QUYỀN PHÂN LẬP LÀ QUAY LƯNG VỚI VĂN MINH NHÂN LOẠI

Dù nước ta hiện vẫn là nước kém phát triển so với thế giơi, còn nhiều vấn đề bức xúc về kinh tế- xã hội, nhưng phải khẳng định rằng, nhờ đổi mới, mở cửa hội nhập 25 năm qua, kinh tế nước ta tăng trưởng khá, đời sống nhân dân đỡ hơn, Những thành tựu đó đều bắt nguồn từ sự nhận thức mới về lý luận về xây dựng CNXH, mà trước đó chưa từng có. Khâu đột phá lớn nhất là từ bỏ nền kinh tế tập trung bao cấp , phi hàng hóa, chủ trương phát triển kinh tế thị trường : Đó là nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều với thành phần kinh tế tham gia. Cơ sở của nhận thức này chính là quan niệm : kinh tế thị trường là một thành tựu của văn minh nhân loại, không phải riêng có của chủ nghĩa tư bản (CNTB), được vận dụng để xây dựng nước ta.

Thời còn “phe CNXH” đông đảo, tất cả các Đảng đều chủ trương đối lập CNXH và CNTB. Các Đảng cho rằng tất cả cái gì thuộc về CNTB đều xấu xa, có hại, phải bài trừ tận gốc. Những khái niệm như kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị, quy luật cung cầu, thị trường chứng khoán, nhà nước pháp quyền.v.v..đều là những thành tựu văn minh nhân loại đều bị cho là của CNTB, kiên quyết từ bỏ . Do nhận thức kinh tế kế hoạch là duy nhất, không chấp nhận kinh tế tư nhân , nên từ năm 1954 đến năm 1980, ta đã quá chú trọng “cải tạo tư sản”, “xóa bỏ giai cấp bóc lột”, làm cho nền sản xuất xã hội bị sút giảm , có nơi bị đình đốn, đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Cho nên nhận thức lý luận cho rằng các thành tựu của nền văn minh nhân loại về thị trường, về nhà nước không đối lập với CNXH, có thể vận dụng để xây dựng CNXH là nguồn gốc sâu xa của những đổi mới trong 25 năm qua. Nếu nhận thức sớm hơn vấn đề hệ trọng này, thì đến nay, nước ta đã có thể trở thành một nước công nghiệp hiện đại rồi ! Đảng phải tổng kết vấn đề này, để mạnh dạn vận dụng những thành tựu văn minh nhân loại về kinh tế, về quản lý xã hội, nhằm đưa đất nước ta, từ một nước lạc hậu ở Đông Nam Á hiện nay, tiến nhanh đến văn minh, như các nước trong khu vực và thế giới.
Đáng tiếc là sau 25 năm đổi mới, trong việc vận dụng các thành tựu của văn minh nhân loại nói ở trên, chúng ta còn nhiều e ngại và bất bất cập , làm chậm tốc độ phát triển của đất nước. Chúng ta chưa tiếp cận một cách toàn diện với những tiến bộ của loài người .Quán tính của hệ thống chính trị còn ảnh hưởng nặng của cơ chế tập trung bao cấp. Bộ máy Đảng, chính quyền từ trung ương đến cơ sở quá cồng kềnh, trùng lặp, cứ như là “hai bộ máy nhà nước song trùng”, gây lãng phí lớn cho xã hội. Chính quyền có cơ quan gì thì Đảng cũng có cơ quan ấy như Ban kinh tế, Ban dân tộc.v.v..Tại sao ta không thành lập một ban chung ? Cả những tổ chức hội đoàn từ trung ương đến địa phương đáng lý là nơi để nhân dân đề đạt ý kiến với Đảng, là cầu nối, phản biện đối với các chủ trương chính sách của Đảng đã bị biến thành “ tổ chức chính trị” của Đảng , được Đảng trả lương, chỉ được nói theo, làm theo. Trong kinh tế ta vẫn coi nhẹ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Các Bộ, các địa phương vẫn rất trì trệ, chậm chạp trong việc cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN. Đối với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác thì gây khó khăn trong vay vốn tín dụng, cấp đất, nhà nước thì nặng về chế tài, thiếu sự hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại, đầu tư. Các ngành độc quyền như điện, xăng dầu, đang hoạt động kinh doanh trái với quy luật thị trường từ nhiều năm nay vẫn không thay đổi gây khốn khó cho người tiêu dùng.
Có rất nhiều vấn đề về thực tiễn và lý luận về sử sụng các thành tựu văn minh nhân loại để xây dựng CNXH đang đặt ra hàng ngày. Các vấn đề về thể chế, bộ máy nhà nước cần phải tổ chức lại cho năng động hơn, xóa bỏ tận gốc dấu ấn tập trung quan liêu bao cấp, cơ chế ”xin cho” nặng nề trong tất cả các ngành đang cản trở quá trình đổi mới. Đảng ta đã nêu rõ :” CNXH mà chúng ta đang xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là xã hội do nhân dân làm chủ…”. Về nhận thức lý luận, đó là mục tiêu vô cùng tốt đẹp. Còn cơ chế cụ thể để “nhân dân làm chủ” trên thực tế chưa được khẳng định . Người dân được làm chủ những nội dung gì, công việc gì, những gì người dân không có quyền làm chủ; cách thức để làm chủ như thế nào ? Chưa có luật nào quy định cụ thể. Đảng Công sản VN đã khẳng định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam . Nhà nước pháp quyền là một thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại mà một trong những đặc trưng của nó là : Tam quyền phân lập . Các “quyền” này phải độc lập với nhau mới tạo nên cơ chế đối trọng nhau, kiểm soát nhau để chống lại việc lạm quyền, chống tham nhũng, chống việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhưng Đảng lại nói : Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ! Đó là sự lập lờ. Đảng là đảng cầm quyền, có thể tạo ra tam quyền phân lập một cách chủ động. Nhưng hiện nay ở nước ta cán bộ chính quyền, cán bộ tư pháp đều là đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh, tham gia biểu quyết các điều luật mà mình sẽ thực thi sau này, có khoa học và khách quan không ? Rồi các Bộ, ngành lại đứng ra soạn thảo và trình Quốc hội các luật lệ về ngành mình như điện, xây dựng.v.v..có nên không ?. Do không có tam quyền phân lập, xã hội nước ta đang thành một mớ hỗn độn, không ai sợ ai, mặc sức các lợi ích nhóm tung tác, phá hoại đất nước. Không có tam quyền phân lập thì đất nước còn xác xơ vì bọn tham những ngày càng trắng trợn vì chúng vừa quần quyền vừa cầm tiền !
Một vấn đề trọng yếu nhất để xây đất nước giàu mạnh là cán bộ. Muốn có cán bộ giỏi, tâm huyết với đất nước với nhân dân, làm lãnh đạo các cấp , các ngành, phải thông qua bầu cử dân chủ. Nền văn minh nhân loại đã đúc kết nên nhiều phương pháp bầu cử hữu hiệu. “Văn minh bầu cử” đó không chỉ riêng có của CNTB. Ta có nên áp dụng những thành tựu bầu cử, tranh cử đó để lựa chọn nhân tài đích thực không? Hiện chúng ta đang áp dụng chế độ bầu cử theo thành phần cơ cấu. Thậm chí có Đảng bộ, có Hội đồng nhân dân còn cơ cấu đến từng người. Bầu cử theo cơ cấu được cái là có đủ mặt các thành phần xã hội, nam, nữ, dân tộc ít người.., nhưng có nguy cơ sẽ biến Quốc hội, Đảng, Chính quyền thành mặt trận, bè phái, lợi ích nhóm, thành các tậpd doàn tham nhũng ! Nhưng liệu có chọn được người tài nhất vào các vị trí cao nhất không? Liệu bọn bè phái, bọn tham nhũng có lợi dụng “cơ cấu” để đưa người thân, đồng hương , đệ tử của mình vào các vị trí chủ chốt, để dễ bề thao túng bộ máy, đục khóet của nhà nước của nhân dân không ? Tôi biết ở một số tỉnh tất cả vị trí giám đốc các sở, ban , ngành đều là đồng hương, người thân, thậm chí bồ bịch của ông đứng đầu tỉnh. Làm sao để có một phương thức bầu cử khoa học và văn minh , chọn được người tài, chống được nạn bè phái, cục bộ ?. Cơ chế nào để Thủ tướng Chính phủ cách chức tỉnh trưởng nếu không làm tốt công việc ? Cơ chế nào để cho người dân được trực tiếp bầu ra người đứng đầu nhà nước ?
Rõ ràng có rất nhiều thành tựu văn minh nhân loại mà ĐCS cần đầu tư nghiên cứu thật khoa học và dám vận dụng mới đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước, làm cho nước ta thoát khỏi nước chậm tiến, tiến kịp các nước trong khu vực. Tại sao Đảng không muốn vận dụng các thành tựu văn minh nhân loại để đưa nước Việt Nam sánh vai với các nước năm châu như Bác Hồ mong mỏi?

Không có nhận xét nào: