Ông Kim Jong Un có thể là nhà lãnh đạo sắp tới của Bắc Triều Tiên nhưng thế lực của ông bên trong giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên chưa được rõ rệt.


Cố thân phụ của ông là Kim Jong Il đã bổ nhiệm ông Kim Jong Un vào nhiều chức vụ cấp cao nhất, kể cả phong chức tướng 4 sao, chỉ mới trong năm ngoái.

Chuyên gia phân tích về Bắc Triều Tiên Benjamin Habib thuộc trường Đại học LaTrobe của Australia nói rằng ông Kim Jong Un không có nhiều thời gian để chiếm được lòng tin cẩn của những người môi giới quyền lực trong quân đội và Đảng Lao Động Triều Tiên cầm quyền.

Ông Habib nói: “Ông ta có đủ hậu thuẫn của các nhân vật chủ chốt để việc kế nhiệm xúc tiến êm thắm hay không? Nếu ta nhớ lại thì ông Kim Jong Il đã có 20 năm học việc để củng cố các mạng lưới ủng hộ trước khi ông lên ngôi vào năm 1994. Vì thế có một dấu hỏi lớn về việc kế nhiệm của ông Kim Jong Un sẽ xúc tiến êm thắm như thế nào.”

Hai nhân vật nổi bật mà sự hậu thuẫn sẽ giúp cho Kim Jong Un là người em gái của thân phụ ông là Kim Kyong-Hui và người chồng đầy thế lực của bà này là Jang Song-Thaek.

Ông Jang đã bành trướng thế lực của mình trong vai trò là cố vấn chính cho Kim Jong Il sau khi ông Kim cha dường như đã bị một cơn đột quỵ vào năm 2008.

Một số chuyên gia cho rằng các thân nhân lớn tuổi của Kim Jong Un có thể coi ông ta là quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để lên nắm quyền, ít nhất là vào lúc ban đầu.

Ông Habib nói tiếpVOICE (AI): “Một chọn lựa khác có thể là Kim Jong Un sẽ trở thành một người lãnh đạo tượng trưng cho một chế độ độc tài quân trị, một thứ giống như lãnh đạo quân đội tập thể mà ta thấy ở Myanmar, hoặc có thể Kim Jong Un sẽ bị loại hẳng ra để nhường chỗ cho một ban lãnh đạo độc tài quân trị.”

Ông John Swenson-Wright là một chuyên gia chính trị về Triều Tiên tại Chatham House ở London. Ông tin rằng quân đội Bắc Triều Tiên có phần chắc sẽ không tổ chức một cuộc đảo chính chống lại ông Kim trẻ trong lúc này.

Ông Swenson-Wright nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một mưu toan củng cố quyền lực và đem lại sự trấn an cho dân chúng Bắc Triều Tiên, và quan trọng nhất là giới thiệu và hợp thức hóa Kim Jong Un trong tâm trí người dân thường ở Bắc Triều Tiên. Điều này sẽ phải cần có thời gian.”

Vào lúc tiến trình chuyển tiếp diễn ra, một sự bất định khác là số phận của các cải cách kinh tế theo dự định tại quốc gia cộng sản cô lập này.

Trong những năm vừa qua, các nhà lập chính sách trẻ tuổi của Bắc Triều Tiên thuộc thế hệ Kim Jong Un đã thúc đẩy đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc. Họ cũng đã mở cửa cho các dịch vụ giới hạn về điện thoại di động và internet.

Ông Habib cho rằng một vấn đề chủ chốt mà giới lãnh đạo sắp tới của Bắc Triều Tiên phải đối phó là liệu có mở cửa thêm cho nền kinh tế đã chật vật phải nuôi ăn dân chúng từ thập niên 1990 hay không.

Ông Habib nói tiếp: “Nếu có, thì điều đó có nghĩa là cộng đồng quốc tế có cơ hội để giao thiệp với chính phủ mới này. Nếu không, và chúng ta biết rằng hệ thống này vốn dĩ là bất ổn, thì sự kiện ấy sẽ mở màn cho sự thất bại của nhà nước và sự sụp đổ của hệ thống.”

Các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn lo sợ rằng sự hỗn loạn tại quốc gia ấy có thể đẩy hàng triệu người Bắc Triều Tiên tràn qua biên giới vào nước họ. Hàng chục ngàn người Bắc Triều Tiên đã vượt biên qua Trung Quốc trong những năm vừa qua để mưu tìm thực phẩm.

Chuyên gia của trường Đại học LaTrobe, ông Habib nói rằng nguy cơ Bắc Triều Tiên trở thành một quốc gia thất bị sẽ kheín cho các cường quốc trong khu vực kiên quyết hơn trong việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên với Bình Nhưỡng như một cách để xử lý bất kỳ vụ khủng hoảng nào.

Bắc Triều Tiên đã rút ra khỏi các cuộc đàm phán vào năm 2009. Các cuộc đàm phán nhắm mục đích thuyết phục Bình Nhưỡng hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ để đổi lấy các khích lệ ngoại giao và kinh tế.

Một số chuyên gia cho rằng sự chuyển quyền bất ngờ ở Bắc Triều Tiên cũng khơi ra nguy cơ Bình Nhưỡng có thể có hành động quân sự chống lại các nước láng giềng trong cố gắn quy tụ dân chúng Bắc Triều Tiên quanh các nhà lãnh đạo mới.

Lực lượng Bắc Triều Tiên đã pháo kích vào một hòn đảo biên giới của Nam Triều Tiên hồi năm ngoái, một hành động mà Bình Nhưỡng cho là công lao của Kim Jong Un.

Nhưng chuyên gia Swenson-Wright của Chatham House nói ông trông đợi Bắc Triều Tiên sẽ theo đuổi một đường lối thực tiễn hơn trong quan hệ khu vực.

Ông Swenson-Wright cho biết: “Đây không phải là một nước mà tôi nghĩ là có khuynh hướng khiêu khích quốc tế hay cố ý tìm cách gây bất ổn trong vùng. Nước này muốn theo đuổi các lợi ích quốc gia, cho dù là tăng cường an ninh, hay cải thiện sự tiếp cận với các nguồn lực kinh tế, hay củng cố quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.”

Chính sự khu vực có thể trở nên phức tạp hơn trong năm tới, khi Nam Triều Tiên tổ chức bầu cử tổng thống và cũng trải qua một sự chuyển tiếp quyền bính.