Pages

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Tranh chấp Biển Đông: Cần một giải quyết

Nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.John HemmingsDiễn đàn Đông Á

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Tại cả hai hội nghị APEC và ASEAN, đã có những cố gắng để giải quyết bế tắc đang tồn đọng về vấn đề biển Đông.
Căng thẳng trong vùng đã tăng liên tục từ năm 2009, sau khi Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia trình bày đòi hỏi chủ quyền của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Những hoạt động hải quân của Trung Quốc trong khu vực và sự sự mong muốn lộ liễu nhằm phô trương khả năng quân sự để hỗ trợ cho đòi hỏi chủ quyền của mình cũng đã làm trầm trọng hoá những căng thẳng này.
Hiện tại, các quốc gia tại Đông Nam Á đang sử dụng bốn chiến lược khác nhau để giải quyết vấn đề.

Thứ nhất, các quốc gia đang thúc đẩy những giải pháp song phương tăng theo từng giai đoạn. Bắc Kinh đã liên tục tuyên bố rằng họ ưa chuộng giải pháp này hơn, nhưng các nước trong khu vực đều cho rằng đây là một nỗ lực nhằm ngăn cản việc khai thác tài nguyên, trong khi chẳng làm gì để thật sự giải quyết những đòi hỏi chủ quyền khác nhau. Mặt khác, vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã sử dụng biện pháp ngoại giao song phương để giảm bớt căng thẳng.
Thứ hai, đã có những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề trên mức độ đa phương với hy vọng qua khối ASEAN; nhiều người cho rằng đây là thử thách lớn nhất của ASEAN. Cho đến nay vẫn còn khó khăn để đạt được nhiều vì chỉ có bốn trong 10 thành viên ASEAN liên quan đến vấn đề biển Đông, và trong những thời điểm khác nhau, Trung Quốc đã có thể phân hoá quan điểm của sáu thành viên còn lại để chúng không cùng với Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.
Thứ ba, việc xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ vẫn là một lựa chọn, khi Washington vẫn là cường quốc thống lĩnh trong khu vực. Philippines và Việt Nam đặc biệt đã tìm kiếm sự trấn an chiến lược qua những thoả thuận an ninh mới hoặc được tái ký kết với Hoa Kỳ; và Washington – lo ngại rằng Trung Quốc đang thèm muốn có được đường thông tin trên biển này – đã nồng nhiệt đáp ứng. Ví dụ như chuyến viếng thăm vừa qua của Hillary Clinton nhằm tái xác nhận Hiệp ước Phòng vệ Chung Hoa Kỳ – Philippines, trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam đang dự định mở rộng hợp tác và thao diễn quân sự.
Và thứ tư, các quốc gia Đông Nam Á đang lôi kéo những quốc gia không nằm trong khu vực vào vấn đề này. Thoả thuận giữa Việt Nam và Ấn Độ trong việc khoan dầu tại những vùng biển đang bị tranh chấp nằm trong chiến lược này, và tiếp theo một tổng chiến dịch của Hà Nội trong việc cam kết với những chính phủ và công ty nước ngoài – ví dụ như Chevron, Exxon Mobil, BP và Zarubezhneft – như là một hình thức nhằm gây áp lực đến Bắc Kinh.
Tuy nhiên những chiến lược này lại chẳng thay đổi được điều gì, và chỉ khiến làm tăng thêm căng thẳng. Thay vì thế, một giải pháp thứ năm hợp lý hơn, vốn từ lâu đã bị các nhà phân tích trong khu vực loại bỏ: việc soạn thảo một cơ cấu pháp lý cho vấn đề biển Đông.
Rõ ràng là việc tranh chấp không thể giải quyết được bằng phương pháp ngoại giao hoặc chính trị. Trong khi những thảo luận chung quanh vùng biển này thường nhắm vào những thềm lục địa, tuyến đường biển, vùng đặc quyền kinh tế, quyền lợi toàn cầu, những cân nhắc chiến lược trong việc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trọng tâm của vấn đề vẫn là chủ quyền lãnh thổ. Vì thế, nó giữ một vị trí nhất định trong quan điểm công chúng của người dân trong sáu quốc gia đòi hỏi chủ quyền. Không thể nào những nhà ngoại giao có thể nhượng bộ về những vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà không làm tổn hại vật chất đến chính quyền của họ. Điều này đặc biệt đúng đối với Trung Quốc, nơi có quan điểm công chúng mạnh mẽ đối với vấn đề này.
Lựa chọn một trong những cơ cấu pháp lý hiện đang được đưa ra – toà án UNCLOS, Toà án Quốc tế về Luật Biển, hoặc Toà án Công lý Quốc tế – sẽ hầu như bỏ qua thách thức trên, đặt trách nhiệm quyết định lên một thành phần thứ ba. Thời hạn lâu dài để giải quyết những vụ kiện quốc tế loại này cũng có thể có lợi cho các nước trong khu vực: ASEAN và các nước thành viên có thể từ từ cung cấp nguồn lực vào việc giáo dục và nhận thức công cộng về luật lệ hàng hải, đầu tư vào những hội thảo, khoá đào tạo và hướng dẫn pháp lý cho các nhà báo, chính trị gia và các nhà ngoại giao. Ít nhất điều này cũng khiến công chúng nhận thức được tính công bình của quá trình pháp lý.
Việc thúc đẩy một nguyên tắc hành xử hiện tại chẳng làm được gì nhiều để giải quyết vấn đề về lâu dài – nó chỉ giúp cầm máu. Việc cấp bách là các quốc gia trong khu vực cần thúc đẩy một giải pháp về pháp lý. Đúng là Bắc Kinh vẫn tiếp tục phản đối lựa chọn này, nhưng hó không phải là kẻ duy nhất, và có thể giúp nó giảm thái độ nếu ASEAN có quan điểm rõ ràng và nhất quán về vấn đề này. Trong khi Trung Quốc kiên quyết về vấn đề này, nó cũng quan tâm đến hình ảnh của mình trong khu vực và trên toàn cầu.
Rất có ích khi các nước trong khu vực tìm cách đòi chủ quyền riêng cho mình bằng cách sử dụng những cơ cấu pháp lý như là bước đi đầu tiên. Các quốc gia nên nhớ rằng tại sao luật quốc tế được thành lập từ trước. Khi thiếu vắng luật pháp, việc áp dụng quyền lực – cứng hoặc mềm – đã là công cụ chủ yếu cho các quốc gia theo đuổi quyền lợi của mình. Khi sức mạnh của Trung Quốc tăng, các nước trong vùng nên tìm cách chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy lợi ích đa phương của một hệ thống có nền tảng pháp lý. Cũng như trật tự đa phương của Đông Nam Á, việc tôn trọng luật pháp quốc tế cho phép bảo toàn những nước yếu hơn trước những nước mạnh, và cũng cho phép Trung Quốc biểu lộ được khả năng của một cường quốc có trách nhiệm.
Các quốc gia trong khu vực nên nhận thức rằng bằng cách theo đuổi con đường pháp lý, họ đã đưa pháp luật lên trên quyền lợi riêng và nguyên tắc lên trên quyền lực. Đây là một hành động phục vụ cho quyền lợi của mọi bên.

Không có nhận xét nào: