Pages

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Trung Quốc chơi lá bài CNXH để cải thiện mối quan hệ với Việt Nam


Đặng Khương chuyển ngữ

Trong một chuyến thăm nhằm cải thiện mối quan hệ với Việt Nam trong lúc có nhiều tranh cãi trỗi dậy về vấn đề Biển Đông, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng lá bài chủ nghĩa xã hội, nhắc lại các mối quan hệ kể từ những năm còn lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh giữa hai Đảng Cộng sản anh em của hai nước.
“Tình hữu nghị Việt–Trung là một kho báo quý báu đã được tạo dựng và nuôi dưỡng bởi các thế hệ lãnh đạo trước đây của chúng ta. Chúng ta nên trân trọng tình hữu nghị này”, ông Tập Cận Bình, người được cho là sẽ thay thế ông Hồ Cẩm Đào vào năm 2013, cho biết trong cuộc họp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày hôm qua.
Ông nhớ lại những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh, người đã qua đời vào năm 1969, và nói rằng bình thường hóa quan hệ song phương trong hai thập kỷ qua cho thấy tình hữu nghị giữa hai nước sẽ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, miễn là cả hai bên tin tưởng vào các nguyên tắc chung của tình hữu nghị, đó là hợp tác và cùng có lợi.


Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) ôm Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Văn phòng Đảng ở Hà Nội ngày 21 tháng 12, 2011, trong chuyến thăm 3-ngày đến Việt Nam. Ảnh: REUTERS
Cơ quan báo chí nhà nước Tân Hoa Xã đã trích dẫn lời của ông Tập Cận Bình rằng, hai nước xử lý đúng các mâu thuẫn một cách tích cực và dựa trên nguyên tắc ưu tiên quan hệ hữu nghị và phát triển để bảo vệ sự ổn định trong khu vực.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam trong bối cảnh ngày càng có nhiều căng thẳng liên quan đến các quần đào Hoàng Sa-Trường Sa giàu dầu khí ở Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố có chủ quyền.
Việt Nam cùng với Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều không thừa nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi Trung Quốc kêu gọi đàm phán song phương thì các quốc gia Đông Á đã xù lông với Bắc Kinh bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ nhằm tăng tốc tìm kiếm một giải pháp ôn hòa.
Trung Quốc cũng phản đối việc tập đoàn Videsh ONGC của Ấn Độ hợp tác với Việt Nam để thăm dò dầu khí trong các lô mà Việt Nam đã tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông. New Delhi đáp lại bằng cách nói rằng đó chỉ là một thỏa thuận thương mại được thực hiện theo luật pháp quốc tế.
Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tiến lại gần gũi hơn trong thời gian vừa qua, trong bối cảnh Ấn Độ đưa ra chính sách “Đông tiến” nhằm cải thiện quan hệ với các nước Đông Á, và việt này đã làm cho Trung Quốc lo ngại.
Vần phần mình, ông Nguyễn Phú Trọng nói với ông Tập Cận Bình rằng trong Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội đã đặt chính sách chiến lược ngoại giao với Trung Quốc lên hàng đầu, trong đó bao gồm cả việc thực hiện phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
“Chúng tôi cũng đã học được và rút ra được rất nhiều kinh nghiệm tốt từ chính sách cải cách và mở cửa ra với thế giới bên ngoài của Trung Quốc”, ông Trọng nói. “Đảng Cộng sản Việt Nam, chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên điều này.”
Mặc dù cai trị bởi cả hai Đảng Cộng sản, nhưng Trung Quốc và Việt Nam đã trải qua một quá khứ đau thương. Trung Quốc có thời gian đã hỗ trợ Bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng mối quan hệ của họ trở nên căng thẳng sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, và hai nước đã lao vào một cuộc chiến ngắn vào năm 1979.
Kể từ đó, cả hai nước đã cố gắng cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế của họ.
© Bản Tiếng Việt TCPT

Không có nhận xét nào: