Pages

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Vì sao Bắc Hàn tôn sùng lãnh tụ?

Người dân Bắc Hàn khóc thương lãnh tụ Kim Jong-il
Người dân Triều Tiên cảm thấy tội lỗi khi
lãnh tụ của họ được mô tả là làm việc
quá sức vì họ
Phóng viên BBC ở Seoul Lucy Williamson nhìn vào hệ thống tuyên truyền để giải thích lý do người dân Bắc Hàn tôn sùng lãnh tụ của họ. BBC Việt ngữ trân trọng giới thiệu bài viết này.
Vào mỗi buổi tối, chương trình thời sự trên đài truyền hình quốc gia Bắc Hàn bắt đầu bằng một bài hát về những phẩm chất huyền bí của lãnh tụ Kim Jong-il và ngọn núi thiêng nơi ông được cho là đã chào đời.

Người dân Bắc Hàn đã quá quen thuộc với những lời lẽ khoa trương của truyền thông nước họ với một chuỗi các câu chuyện không dứt về tài lãnh đạo kinh tế và tình thương bao la của lãnh tụ Kim Jong-il.

Thiên nhiên đau buồn

Và kể từ khi ‘lãnh tụ kính yêu’ qua đời hôm 17/12, truyền thông nước này đã tập trung sự chú ý vào một loạt các hiện tượng tự nhiên kỳ lạ trên khắp đất nước.
Một hồ băng lớn bỗng dưng vỡ làm đôi; một quầng sáng đỏ rực chiếu khắp đỉnh núi thiêng nơi lãnh tụ ra đời và mới đây nhất, hàng đàn chim bồ câu bay về đậu trên cây với dáng vẻ đau buồn, một quan chức của đảng Lao động Triều Tiên cho biết.
“Chúng ta không thể nhìn nhận chúng chỉ là hiện tượng tự nhiên,” vị quan chức này nói trên truyền hình quốc gia, “Những hiện tượng này chứng tỏ rằng không những con người trên thế giới này, mà là cả muông thú cũng không thể nào quên được lãnh tụ kính yêu của chúng ta.”
"Những hiện tượng này [thiên nhiên kỳ bí] chứng tỏ rằng không những con người trên thế giới này, mà là cả muông thú cũng không thể nào quên được lãnh tụ kính yêu của chúng ta."
Một quan chức Đảng Lao động Triều Tiên
Sự lý giải này không có gì là ngạc nhiên cho lắm khi mà hình ảnh của Kim Jong-il và của cha ông là Kim Il-sung được nhìn thấy ở khắp mọi nơi – trên các pa-nô cổ động ngoài trời, các tòa nhà, các bản tin trên tivi và trên tường của tất cả các công sở.
Bên cạnh quân đội, bộ máy tuyên truyền của Bắc Hàn có lẽ là cơ quan có vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì quyền lực của lãnh tụ.
Bộ máy này tạo dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh cả Kim Jong-il và cha ông và hiện đang bắt đầu làm điều tương tự với con trai ông và cũng là người kế vị: Kim Jong-un.
Bộ máy tuyên truyền này là một nhà máy chế tạo các điều huyền bí mà đối với hầu hết công chúng Bắc Hàn, đó là kênh thông tin duy nhất của họ.
Truyền thông Bắc Hàn thường dùng những ngôn từ đầy cảm xúc để kêu gọi lòng trung thành với lãnh tụ.

Ngôn từ hoa mỹ

Brian Myers, giáo sư quan hệ quốc tế tại ̣Đại học Dongseo của Hàn Quốc, đã nghiên cứu rất kỹ dữ liệu của truyền thông Bắc Hàn.
Ông cho biết những cách mô tả tự nhiên huyền bí như vậy đã từng được biết đến trong các hệ thống chính trị khác.
“Có một niềm tin vốn cũng rất phổ biến ở Nhật Bản thời đế chế và Đức thời Quốc xã rằng lãnh thổ tự nhiên thật sự của một quốc gia thể hiện những đặc tính của dân tộc cư trú trên lãnh thổ đó,” ông nói.
"Hình ảnh chính thức của Kim Jong-il trong các chiến dịch tuyên truyền luôn là một nhà lãnh đạo không có thời gian cho bản thân."
Brian Myers, giáo sư quan hệ quốc tế, Đại học Dongseo
“Những ngôn từ hoa mỹ mà chúng ta đã chứng kiến trong những ngày qua, nào là băng vỡ và chim hạc bay trên trời thể hiện niềm tin của người Triều Tiên về sự liên hệ giữa đất nước với chủng tộc của họ,” ông giải thích.
Và trong trường hợp của Kim Jong-il, ông nói, truyền thông nước này đã mất nhiều năm để khơi dậy những tình cảm phức tạp trong lòng người dân.
“Hình ảnh chính thức của Kim Jong-il trong các chiến dịch tuyên truyền luôn là một nhà lãnh đạo không có thời gian cho bản thân,” GS Myers nói.
“Và phần lớn chiến dịch tuyên truyền nhằm để làm cho người dân cảm thấy tội lỗi về việc lãnh tụ Kim làm việc quá sức,” ông nói thêm.
“Tôi nghĩ rằng chính cảm giác tội lỗi này là một phần của toàn bộ sự thương tiếc đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên,” ông phân tích.

Vẽ theo chỉ thị

Kim Jong-il
Kim Jong-il được truyền thông Bắc Hàn mô tả là có sức mạnh huyền bí có thể làm thay đổi thời tiết
Sunmu, một họa sỹ Bắc Hàn hiện giờ đang sống ở Seoul, từng là một phần trong bộ máy tuyên truyền của đất nước này. Ông kể lại thời gian ông còn làm việc dưới thời trị vì của Kim Il-sung, lãnh đạo đầu tiên của Bắc Triều Tiên.
Bộ máy truyền thông được kiểm soát rất chặt chẽ, ông cho biết, đến nỗi chỉ có một vài người được phép vẽ chân dung lãnh tụ.
“Tất cả những chỉ thị về việc phải vẽ cái gì và vẽ như thế nào được đưa xuống từ trên cao và những gì tôi cần làm là phải làm theo,” họa sỹ Sunmu kể lại.
“Tôi cũng muốn vẽ Chủ tịch Kim Il-sung nhưng chỉ một vài họa sỹ được chỉ định mới được phép vẽ ông ấy. Do đó tôi chỉ có thể khóa mình trong phòng kín để vẽ và sau đó đốt nó đi. Thậm chí bố mẹ tôi còn không biết tôi làm chuyện đấy,” ông nói.
Sunmu cũng nói thêm rằng ông có thể bị tống vào tù chính trị hoặc ‘thậm chí bị tử hình’ nếu có ai đó phát hiện ông đang vẽ lãnh tụ.
"Tất cả những chỉ thị về việc phải vẽ cái gì và vẽ như thế nào được đưa xuống từ trên cao và những gì tôi cần làm là phải làm theo."
Sunmu, họa sỹ Bắc Hàn đào tẩu
Tuy nhiên, sự thôi thúc vẽ tranh về lãnh tụ là rất mãnh liệt bởi vì đó là ‘vùng cấm’ đối với các họa sỹ bình thường, ông lý giải.
Vào lúc này, truyền thông Bắc Hàn có vẻ như đang tập trung vào ‘Người kế vị vĩ đại’, con trai thứ ba của Kim Jong-il và là người lãnh đạo mặc định mới của nước này.
Kim Jong-il đang ở trong độ tuổi 20 muộn và có ngoại hình rất giống ông nội Kim Il-sung, người được Bắc Hàn tôn sùng là Chủ tịch vĩnh viễn.
Chưa từng trải qua thử thách và chưa có kinh nghiệm, có lẽ Kim Jong-un sẽ phải dựa nhiều hơn vào uy quyền của dòng họ và sự sùng bái cá nhân được xây dựng bộ máy tuyên truyền có một không hai của đất nước này.

Không có nhận xét nào: