Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Việt Nam nhắc Trung Quốc về chủ quyền biển đảo

HÀ NỘI (NV) -Phía Việt Nam, qua bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), nói rằng ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong khi tiếp phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, đã nhắc lại lập trường về chủ quyền biển đảo.

Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) đứng bắt tay để chụp hình với Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng ngày 22 tháng 12, 2011 ở Hà Nội trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ bị sứt mẻ vì các chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo. (Hình: Nason/AFP/Getty Images)

“Ðề cập vấn đề trên biển, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Ðông, đồng thời đề nghị hai bên trên tinh thần đồng chí anh em, láng giềng hữu nghị, cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần DOC, để giải quyết thỏa đáng các vấn đề tranh chấp trên biển, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh của khu vực và thế giới.”

TTXVN tường thuật như vậy về cuộc gặp mặt giữa ông Dũng và ông Bình vào ngày 22 tháng 12, 2011 trước khi ông khách lên đường thăm Thái Lan.
Như vậy phó chủ tịch Trung Quốc đã gặp mặt đủ cả “tứ trụ triều đình” Việt Nam gồm cả tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng. Những người này được coi như nắm vận mệnh của cả nước.
Bản tin Tân Hoa Xã tường thuật cuộc gặp mặt giữa ông Tập Cận Bình và Nguyễn Tấn Dũng không hề viết một chữ gì về “Biển Ðông” theo cách gọi của Việt Nam hay Biển Nam Trung Quốc, theo cách gọi của họ. Tân Hoa Xã chỉ nêu ra “3 nguyên tắc ưu tiên” trong mối quan hệ giữa hai nước để thúc hối Hà Nội thi hành, tất cả đều là kinh tế. Ðó là “phối hợp chiến lược phát triển,” “gia tăng mậu dịch,” và “đặt trọng tâm vào một số dự án ưu tiên.”
Bản tin Tân Hoa Xã viết rằng Hà Nội qua lời ông Dũng “sẵn sàng có những nỗ lực phối hợp với Trung Quốc để bảo vệ và phát triển tình bạn song phương.” Tân Hoa Xã còn nói ông Dũng nói “người Việt Nam sẽ không bao giờ quên ơn sự hậu thuẫn và viện trợ khổng lồ mà người Trung Quốc đã chi viện cho Việt Nam trong quá khứ.”
TTXVN đặt tựa đề cho bản tin Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tập Cận Bình là “Việt Nam-Trung Quốc nhất trí củng cố sự tin cậy chính trị.”
Khi ra Quốc Hội điều trần ngày 25 tháng 11, 2011, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố sẽ đòi lại quần đảo Hoàng Sa, đang bị Trung Quốc chiếm giữ từ 1974 đến nay, “bằng các biện pháp hòa bình.” Nhưng những gì ông nói với ông Tập Cận Bình ngày 22 tháng 12, 2011 thì không ai nghe thấy và cũng không biết ông khách nói gì ngoại trừ những chữ thấy ghi lại trên bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam và Tân Hoa Xã.
Ít nhất có một điểm giống nhau của hai hãng thông tấn nhà nước là TTXVN cũng viết: “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ quí báu của nhân dân Trung Quốc trong những năm đấu tranh giành độc lập cũng như trong quá trình xây dựng đất nước; khẳng định chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng và mong muốn cùng với chính phủ Trung Quốc triển khai có hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.”
Hồi tháng 6, Trung Quốc đã cho một số tàu tới quấy rối và cắt cáp của hai tàu thăm dò dầu khí trên biển Ðông của Việt Nam, ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Quan hệ giữa hai nước được mô tả là chùng xuống thấp nhất sau các biến số này. Người dân ở Hà Nội đã liên tục biểu tình từ tháng 6 đến tháng 8 để phản đối Trung Quốc bá quyền bành trướng. Tuy nhiên, trừ lần biểu tình đầu tiên là được công an để yên cho khoảng 2 giờ, những lần sau đều bị cản trở và càng về sau nhiều người còn bị bắt giữ. Có lần công an đạp vào mặt người biểu tình khi bị khiêng ném lên xe buýt.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, một trong những người phụ nữ biểu tình chống Trung Quốc hiện bị nhốt trong “Trung tâm phục hồi nhân phẩm” thời hạn hai năm, một hình thức tù không có án. (TN)

Không có nhận xét nào: