Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Đã đến lúc Bắc Kinh khoe khả năng chạy đua vũ khí



Máy bay chiến đấu tàng hình J-20, biểu tượng của quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc (REUTERS /Kyodo)
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20, biểu tượng của quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc (REUTERS /Kyodo)
Khi đã vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới Trung Quốc không che giấu tham vọng quốc phòng. Tàu chiến và máy bay tàng hình, máy bay không người lái có khả năng tấn công, trực thăng chiến đấu… Ngày càng nhiều loại vũ khí mới mang nhãn hiệu “Made in China” được tung ra và đằng sau đó là một thông điệp chính trị về việc họ đang trở thành một cường quốc quân sự.
Nhật báo Le Figaro hôm nay 03/01/2013 dành nguyên một trang để nói về việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự. Tờ báo ghi nhận một sự việc diễn ra hồi tháng 12 vừa qua ở Trung Quốc, đó là một kỹ sư trước đó không mấy tiếng tăm nhưng khi qua đời ở Thẩm Dương lại được vinh danh ầm ĩ. Ông tên là La Dương, một trong những người từng tham gia chương trình chế tạo máy bay ném bom J-15 trang bị riêng cho tàu sân bay Liêu Ninh đang trong quá trình đưa vào hoạt động.

Ông qua đời sau một cơn đau tim, đúng lúc đang chứng kiến chiếc máy bay đầu tiên của Trung Quốc thử nghiệm hạ và cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Việc vinh danh kỹ sư La Dương cho thấy tầm mức quan trọng của chương trình phát triển hải quân của Trung Quốc mà rộng hơn đó là cuộc chạy đua vũ khí mới và họ muốn cho cả thế giới biết giờ đây đã có đủ trình độ để chế tạo các loại vũ khí hiện đại.
Theo Le Figaro, tuần qua bộ Quốc phòng Trung Quốc đã có nhiều thông cáo chính thức với nội dung mập mờ nói đến một loạt hệ thống vũ khí « thế hệ mới » của nước này sắp ra mắt. Đó là các loại máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công và cả máy bay không người lái. Trong cuộc triển lãm hàng không tại Châu Hải hồi tháng 11/2012. Người Trung Quốc đã trình diễn loại máy bay không người lái có tính năng chiến đấu có tên gọi là Wing Loong.
Đánh giá về chương trình vũ khí của Trung Quốc, các nhà quan sát phương Tây ghi nhận thấy có một « sự thay đổi kinh ngạc. Trong những năm 1990, người Trung Quốc không hề khoe khoang gì về kho vũ khí của họ, cũng có thể khi đó họ muốn che giấu cái nghèo khó của mình, còn bây giờ họ giới thiệu tứ tung. Điều này cho thấy họ đã tiến bộ thực sự và đang ngày càng tự tin và khả năng của mình ».
Ngoài khía cạnh công nghệ, người Trung Quốc muốn gửi đến các nước trong khu vực và cả Hoa Kỳ một tín hiệu rõ rệt về khả năng vươn lên thành cường quốc quân sự. Mọi việc làm đều được tính toán. Người ta đã thấy việc thử nghiệm cất hạ cánh máy bay trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh diễn ra giữa lúc tranh chấp biển đảo với Nhật căng thẳng cao độ và đã được quay phim chụp ảnh tỉ mỉ để phổ biến rầm rộ. Chiếc máy bay tàng hình J-20 tiến hành chuyến bay đầu tiên cũng diễn ra đúng vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate đến Bắc Kinh. Tiếp đó, khi người kế nhiệm ông Robert Gate là ông Leon Panetta tới thăm Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, nước chủ nhà cũng cho thử nghiệm loại máy bay tàng hình kiểu mới J-31.
Trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã được công bố cuối năm 2012, Lầu Năm Góc khẳng định « Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình hiện đại hóa quân sự toàn cầu trong lâu dài». Le Figaro ghi nhận, giờ đây xuất hiện tranh cãi khá gay gắt về khả năng phát triển quân sự của Trung Quốc, giữa một bên là các chuyên gia coi thường và một bên là đánh giá quá cao những tiến bộ quân sự của Trung Quốc. Nhiều nhà chuyên môn không khỏi hoài nghi về các loại vũ khí mới của Trung Quốc, cho rằng chỉ mang vẻ bề ngoài hiện đại, còn chất lượng tác chiến của nó thì chưa được kiểm chứng.
Nhiều loại vũ khí mới thực chất chỉ là Trung Quốc chế biến từ công nghệ của Liên Xô cũ. Các máy bay chiến đấu ném bom của họ vẫn sử dụng động cơ Nga. Người Trung Quốc chưa làm chủ công nghệ động cơ phản lực. Trong lĩnh vực này, Bắc Kinh dự tính đầu tư hàng chục tỷ đô la cho trong vòng hai chục năm tới.
Có một lĩnh vực quốc phòng khác còn được giữ khá kín đáo, đó là những cố gắng của Trung Quốc trong chiến tranh mạng và vũ trụ.
Nhưng theo Le Figaro, cách đây 2 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã tuyên bố rằng quân sự hóa không gian là một hiện tượng về mặt lịch sử là « không thể tránh khỏi ». Trong khi đó nhân vật tán dương « chiến tranh giữa các vì sao » này vừa được bầu làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, cấp lãnh đạo tối cao trong lĩnh vực quốc phòng ở Trung Quốc.
Bắc Kinh trả đũa New York Times ?
Trang quốc tế báo Le Monde cho biết, tờ báo « New York Times đang khổ sở vì visa ở Trung Quốc ». Như mọi người đã biết « New York Times » hồi cuối năm ngoái đã công bố nhiều bài điều tra về tài sản của các lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có bài tiết lộ gia đình thủ tướng Ôn Gia Bảo nắm giữ khối tài sản lên tới hơn 2,7 tỷ đô la. Theo Le Monde, hai ngày trước khi cho đăng bài viết nói trên, một số đại diện của chính phủ Trung Quốc đã đến gặp giám đốc xuất bản của New York Times đề nghị tờ báo ngừng đăng bài điều tra, nhưng họ đã không thuyết phục được tờ báo.
Việc làm của New York Times đã gây không ít khó chịu cho chính quyền Bắc Kinh. Giờ đây, trưởng văn phòng thường trú của tờ báo tại Bắc Kinh không được cấp visa, trong khi ông đã nộp hồ sơ xin hành nghề tại Trung Quốc từ nhiều tháng nay. Nhiều thông tín viên của tờ báo thì đang vất vả chờ đợi để được gia hạn giấy phép cư trú.
Theo Le Monde, để chống lại các thông tin truyền thông ngoại quốc như kiểu New York Times, mà Bắc Kinh vẫn cho là có hại, Trung Quốc thực thi chính sách bành trướng truyền thông ra khắp thế giới. Sau khi Tân Hoa Xã mua một biển quảng cáo tại quảng trường Times Square ở New York, đến lượt nhật báo anh ngữ China Daily phát hành tại Bắc Mỹ và châu Âu đồng thời tăng số lượng thông tín viên của mình tại nhiều khu vực. Hồi cuối năm qua, tờ báo này cũng phát hành tuần san tại khu vực châu Phi.
Ấn Độ : An toàn cuộc sống người dân bị xâm hại tràn lan
Một sự kiện ở châu Á đang được các báo Pháp quan tâm từ nhiều ngày qua đó là vụ cô sinh viên Ấn Độ bị hãm hiếp dã man giữa ban ngày tại thủ đô New Delhi. Cô gái trẻ đã qua đời sau ít ngày sau vụ tấn công. Trong những ngày qua, cả đất nước đông dân thứ 2 thế giới này sục sôi căm phẫn chống lại vấn nạn bạo lực hãm hiếp phụ nữ vẫn đang hòanh hành hàng ngày tại Ấn Độ. Một tòa án đặc biệt đã được mở ra để xét xử các thủ phạm. Vụ hãm hiếp nữ sinh đã buộc chính quyền phải hành động.
Theo Le Figaro, 6 nghi phạm phải ra trước tòa án đặc biệt hôm nay bị quy tội hiếp dâm tập thể, sát nhân và có ý đồ phi tang. Cảnh sát Ấn Độ sẽ trình trước tòa một báo cáo dầy 1000 trang về chi tiết vụ phạm tội. Trong khi đó ngoài đường phố ở thủ đô, liên tiếp trong những ngày qua, nhiều cuộc biểu tình của người dân vẫn tiếp tục diễn ra trong không khi căm phẫn tột độ. Người dân tố cáo chính phủ bất lực trong việc bảo vệ an toàn cuộc sống cho họ, đặc biệt là phụ nữ. Trước thực tế đó, trong tháng Hai tới Quốc hội nước này sẽ phải xem xét một dự luật mới nhằm nghiêm trị những kẻ phạm tội hãm hiếp.
Vụ nữ sinh bị hãm hiếp chỉ là một giọt nước làm tràn thêm ly nước về vấn đề xâm phạm nhân phẩm con người ở Ấn Độ. Nhật báo Libération nhìn rộng hơn những vấn nạn xã hội ở Ấn Độ với bài viết : « New Delhi, thành phố của những đứa trẻ bị mất tích ». Tờ báo cho biết chính quyền Ấn Độ đang phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn xã hội như trẻ vị thành niên mất tích, bị bán làm nô lệ hay mại dâm.
Tờ báo đưa ra con số chính thức đáng sợ như 53% ttrẻ em Ấn Độ khẳng định đã từng phải chịu đựng nhiều hình thức lạm dụng tình dục khác nhau. Trong năm 2011, xảy ra 256.329 vụ tội phạm bạo lực trong đó 90% nạn nhân là phụ nữ.
Phóng viên của Libération đã đến các khu phố nghèo ở ngoại ô thủ đô New Delhi và ghi nhận một thực trạng đáng lo ngại, ngày càng nhiều trẻ em ở đây bị mất tích. Nhiều tổ chức xã hội đã phải đứng ra mở chiến dịch tìm kiếm trẻ em bị mất tích mà phần đông thuộc các gia đình nghèo khó. Trẻ em bị mất tích thực ra là đã rơi vào các đường dây buôn người. Theo tổ chức phi chính phủ Smile Foudation, các em nhỏ bị bắt cóc, được đem bán lại cho các xưởng máy hay trang trại rồi bị buộc lao động như nô lệ. Những em gái thì bán cho các nhà chứa.
Thậm chí người ta còn nghi ngờ các em bị đem bán để lấy nội tạng bán lại. Mặc dù thực tế này đang ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn, nhưng cảnh sát Ấn Độ lại tỏ ra thờ ơ với vấn nạn này. Nếu các gia đình muốn được cảnh sát mở điều tra tìm con mất tích thì họ phải hối lộ. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trợ giúp tìm kiếm trẻ mất tích ở Ấn Độ đều khẳng định chính quyền không những bất lực mà còn tỏ ra rất bàng quang với nạn buôn bán trẻ em làm nô lệ đang hoành hành ở đất nước này.
Bangladesh : Cộng đồng Phật giáo lo sợ bạo lực
Vẫn liên quan đến khu vực châu Á, nhật báo Công giáo La Croix nhìn sang nước láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh với mối quan ngại « những người theo đạo Phật đang cảm thấy bị đe dọa » bởi những vụ bài xích tôn giáo của người theo Đạo Hồi.
La Croix trở lại với sự kiện xảy ra hồi 29/9/2012, khi khoảng 20 nghìn người theo Hồi giáo bất ngờ mở các cuộc tấn công, phá phách và phóng lửa nhiều ngôi chùa của người theo Phật giáo ở miền đông nam Bangladesh. Từ đó đến nay, nguồn gốc của các vụ bạo lực bài xích đạo Phật này vẫn không được làm sáng tỏ, vì thế những người theo đạo Phật ở đây vẫn luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị những tín đồ Hồi giáo tấn công.
Hơn thế nữa, chính quyền dường như thụ động trước các vụ bạo lực như vậy. Các cuộc tấn công có thể trở lại bất kỳ lúc nào, trong khi cộng đồng người theo Phật giáo ở Bangladesh chỉ là thiểu số rất nhỏ, chủ yếu tập trung ở miền đông gần biên giới với Miến Điện.

Không có nhận xét nào: