Pages

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Trung Cộng Dân Chủ Hoa Để Tồn Tại


TS Nguyễn ngọc Sẵng
 
    
 Thế hệ lãnh đạo thứ năm, do Tập Cận Bình, đang đứng trước sự lựa chọn sanh tử cho Trung Cộng.  Dân chủ hoá để tồn tại hay bị nhân dân đào thải. 

Năm 2011,  đứng trước học viện khoa học Hoàng Gia Anh, ông Ôn Gia Bảo tuyên bố: “Đất nước Trung Hoa ngày mai là đất nước có tự do, theo pháp trị, có bình đẳng, và công bằng, nếu không bảo đảm được quyền tự do kinh tế, tự do chính trị là không có tự do”. Tháng Ba năm 2012 ông cũng tuyên bố “nếu không thay đổi về chính trị thì một thảm hoạ như Cách Mạng Văn Hoá sẽ tái diễn.  Ông cũng đã từng tuyên bố để cổ xúy cho tự do, dân chủ, nhưng đó chỉ mới là tuyên bố.  


Sự đàn áp ở Thiên An Môn năm 1989 đã dập tắt đòi hỏi dân chủ hoá Trung Quốc, nhưng gần đây những đòi hỏi dân chủ đã tạo được nhiều ảnh hưởng, nhất là những đòi hỏi sự trung thực, sự trong sáng, và tinh thần trách nhiệm từ hàng trăm triệu cư dân mạng Trung Quốc.  Những nhà quan sát quốc tế nhận định rằng đòi hỏi của người dân rất nhiều, nhưng sự đáp ứng từ nhà cầm quyền còn rất ít, và họ hy vọng rằng trong vòng mười năm tới sự đòi hỏi và sự đáp ứng sẽ gần nhau hơn.

Hiện nay tại Trung Quốc hình thành ba thành phần xã hội với ba ưu tư khác nhau.  Thành phần thứ nhất, thành phần bình dân bày tỏ sự bất mãn về sự bất công xã hội, nạn tham nhũng lộng hành, nạn ô nhiễm môi sinh và việc nhà nước cướp đất đai họ.  Thành phần thứ hai là thành phần trung lưu, họ lo âu về thực phẩm độc hại họ dùng hằng ngày, họ lo lắng về khoảng tiền mà họ ký thác trong ngân hàng đầy rủi ro, nên một số họ tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài, bên cạnh đó họ xin sẳn hộ chiếu ra nước ngoài cho toàn gia đình.  Thành phần thứ ba là thành phần giàu có và quyền lực tìm mọi cách để làm giàu thêm.  Đa số học giả nhận định rằng tại Trung Cộng thành phần bình dân không ổn định, thành phần trung lưu chán nản, thành phần thượng tầng hỗn loạn.

 Được bầu vào vị trí lãnh đạo đất nước, ông Tập Cận Bình được xem như “người của quần chúng” và “người đại diện cho đám đông” có thể xoa dịu phần nào sự phẫn nộ của người dân bằng cách nới rộng một số quyền hạn cho dân chúng, tư hữu hoá đất đai cho nông dân, hệ thống tư pháp nhà nước sẽ đưa ra những giải pháp để xoa dịu những thống khổ của người dân, bãi bỏ chế độ hộ khẩu và chú ý hơn vấn đề sức khoẻ của người dân.  Bên cạnh đó, ông cũng sẽ giảm bớt quyền hành của đảng cộng sản, nới lỏng điều kiện để ngân hàng tư nhân cạnh tranh với hệ thống ngân hàng quốc doanh, nhà nước không được độc quyền trên thị trường tài chánh, nhất là phải có tự do báo chí để góp phần chống tham nhũng.  Theo giới quan sát viên ngoại quốc thì ông cần phải có một cương lĩnh chính trị đổi mới đầy mạo hiểm.

Mặc dù có nhiều sai lầm nghiêm trọng, nhưng đảng cộng sản Trung Cộng còn làm được một việc mà khó có thể phủ nhận được là làm cho nền kinh tế phát triển đứng hàng thứ hai trên thế giới.  Nếu mạnh dạn thay đổi đảng cộng sản sẽ tạo nên hình ảnh thân thiện hơn từ giới bình dân.  Ông Tập Cận Bình xuất hiện trong thời khắc quan trọng để thay đổi như là người hùng, người dám làm.  Và thế giới sẽ lo âu nếu Trung Cộng trở nên suy yếu và mất ổn định.  Vì vậy thay đổi là điều cần thiết để tạo sự ổn định cho Trung Cộng và cho cả thế giới, theo nhận định của một số nhà phân tích chính trị Mỹ.

Cũng theo sự phân tách của một số nhà bình luận Mỹ thì kinh tếTrung Cộng đang báo hiệu hai tình huống cho sự thay đổi chính trị, một là mức thu nhập bình quân cá nhân trong khoảng 4,000 đến 6,000 đô la hàng năm, mà hiện tại là 8,400 ở Trung Quốc, thì xã hội không tránh khỏi việc dân chủ hoá.  Khoảng năm năm gần đây có những giải thích từ những chuyên gia Việt Nam, họ cho rằng điều đó đúng với các nước trong khối cộng sản Đông Âu, nhưng không đúng với các nước cộng sản châu Á.  Có phải chăng ở vào thời điểm đó các nước cộng sản châu Á mới đạt được điều kiện cần mà chưa có điều kiện đủ để dân chủ hoá?   Báo hiệu thứ hai là khi kinh tế bị chậm lại đưa đến những mâu thuẩn nội tại trong khi đó nạn tham nhũng vượt sự chịu đựng của người dân.  Lúc đó sự thay đổi sẽ diễn ra.   Điều nầy đang xảy ra tại Trung Cộng.  Kinh tế tăng trưởng từ hai con số trong khoảng ba thập niên, nhưng trong những năm gần đây chỉ số tăng trưởng chỉ còn một con số.  Và theo dự đoán của các kinh tế gia thì từ năm 2005 đến 2025 chỉ số nầy chỉ trong khoảng từ 7 đến 9%.  Trong khi đó những vấn nạn xã hội càng ngày càng tăng cao và nạn tham nhũng chưa thấy có cơ hội giảm bớt.  Liệu Trung Cộng có dân chủ hoá trong tình huống nầy không? (theo Foreign Affairs số tháng 1 & 2 năm 2013).

Theo giáo sư Minxin Pei ở Mỹ, thì một bộ phận lớn trí thức Trung Cộng cho rằng chánh sách an ninh của Mỹ nhằm kìm hãm sự phát triển của Trung Cộng.  Quan điểm nầy khó mà thay đổi, tuy nhiên, cũng theo ông, nên tránh những đối đầu không cần thiết với Trung Cộng sẽ có lợi cho quyền lợi Mỹ hơn.  Trên đường dài, Mỹ sẽ đạt nhiều lợi ích cốt lõi nếu biết thúc đẩy chuyển hoá dân chủ tại Trung Quốc, và nếu ông Tập Cận Bình vẫn tiếp tục đường hướng cởi mở hơn tại quốc gia nầy.

Bước kế tiếp, cũng theo ông Pei, là bên cạnh sự làm dịu chánh sách an ninh, Mỹ phải đẩy mạnh mặt trận nhân quyền.  Đẩy mạnh vấn đề dân chủ hoá và nhân quyền sẽ phục vụ lợi ích Mỹ trên đường dài, đồng thời làm tăng giá trị nhân bản Mỹ trên trường quốc tế.

Bên cạnh Tập Cận Bình là ông Li Keqiang, người sẽ thay thế ông Ôn Gia Bảo trong chức vụ Thủ Tướng.  Theo ký giả Bob Davis viết trong The Wall Street Journal ngày 17-18 tháng 12 năm 2012 với tựa đề: “Next Premier Came of Age in Era of Openness” (tạm dịch: Vị Thủ Tướng Kế Nhiệm Xuất Hiện trong Kỷ Nguyên Cởi Mở), cho biết trong chuyến du khảo Nam Kinh năm 1978 của đoàn  sinh viên trường luật, trong đó có ông Li, khi nghe tin những nhà đối kháng Trung Quốc đưa những khẩu hiệu đòi thay đổi lên Bức Tường Dân Chủ ở Bắc Kinh, những sinh viên nầy xin được đến để tham gia, nhưng vị giáo sư hướng dẩn ngăn cản.  Theo Bob thì ông Li bắt đầu tiếp cận với luật pháp và chánh trị phương Tây từ năm 1978 đến 1982 tại đại học Bắc Kinh, một thời kỳ cởi mở bất thường sau khi Chủ Tịch Mao qua đời.  

Tưởng cùng cần biết thêm những ngưòi cùng khoá và thân cận với ông Li trong nhóm 77 gồm có:
Ông Wang Shaoguang- Tân tả khuynh, giáo sư tại đại học Hồng Kông.

Ông Zhang Wei- một thời là đảng viên cao cấp, nhưng từ nhiệm sau vụ Thiên An Môn, đang dạy môn kinh tế học tại Cambridge.

Ông He Qinhua- Khoa trưởng trường luật và khoa học chánh trị tại đại học Đông Trung Quốc.

Ông Wang Juntao- người xuất bản tạp chí bí mật thập kỷ 80, ngồi tù bốn năm sau vụ Thiên An Môn, và hiện sống lưu vong tại Mỹ.

Ông Du Chu- Giám đốc ngành luật sư và công chứng tại bộ Tư Pháp.

Ông Yang Baiku- ngồi tù vì tội chống cách mạng và giúp soạn thảo bản kiến nghị cho nhóm biểu tình ở Thiên An Môn.

Nhìn chung, cả hai ông Tập Cận Bình và ông Li Keqiang đều biết những vấn nạn của đất nước họ, nhưng không biết hai ông sẽ thay đổi những vấn nạn nầy hay những vấn nạn nầy sẽ thay đổi hai ông.

Điều gì sẽ xảy ra cho Việt Nam nếu thay đổi ở Trung Cộng xảy ra?

Chúng ta có thể đoán được rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ áp dụng hầu hết những gì Trung Cộng làm, nhất là trên lãnh vực chánh trị và kinh tế.  Nói khác đi, Việt Nam sẽ thay đổi và đó cũng là sự tiếp nối tấn bi kịch đang diễn ra hơn bảy chục năm nay trên quê hương bất hạnh, trên thân phận đau thương của người Việt.  Cả nước chống lại điều đó.  Chúng ta không muốn họ thay đổi để duy trì sự cầm quyền quá lâu của những người cộng sản kém học và tham lam.  Chúng ta muốn thay thế chế độ đó bằng một chế độ tự do, dân chủ, không cộng sản.  Vậy chúng ta phải làm gì? 

Câu trả lời đã có cả ngàn người nói rồi, người Việt đều biết phải làm gì, làm cách nào, nhất là người Việt ở nước ngoài có nhiều điều kiện tiếp cận với thông tin toàn cầu.  Ở đây người viết xin lập lại một số ít trong những điều mà những bậc thầy, bậc đàn anh chúng ta đã nhiều lần khuyên nhủ:

1-    Qúy vị trong các đảng phái/ đoàn thể chánh trị.  Xin tránh sự phân hóa.  Đó là nổi đau của quí vị, cũng là nổi đau của những người tranh đấu.  Ngoài trừ trường hợp thực sự bất khả kháng.

2-    Tha thiết kêu gọi một số nhỏ, đừng vì lợi ích riêng mà xé nát những cộng đồng quốc gia ra để làm cộng đồng mới cho phe mình, để làm hậu thuẩn chánh trị cho phe mình, hoặc để tạo danh vị cho riêng mình.

3-    Xin quí vị nhớ cho là chúng ta đang mang căn cước tị nạn chánh trị, xin bỏ chút ít thì giờ để hỗ trở cho đồng bào nơi quê nhà đang đấu tranh từng ngày, từng giờ với bạo quyền cộng sản.  Đừng khoáng trắng công việc tranh đấu cho người trong nước, đừng ngồi đó chờ người cộng sản đấu đá nhau rồi tự sụp đổ.  Tự do, dân chủ phải tranh đấu mới có được.

4-    Phải mạnh dạn vạch mặt những tên Việt cộng nằm vùng, bọn thân cộng, bọn Việt gian.  Tẩy chay, cô lập, không chơi, không làm ăn với bọn họ.  Hành động như quí vị trong hội luật gia Việt Nam San Jose tống khứ tên Nguyễn Hữu Liêm và vợ y ra khỏi buổi tiệc.

5-    Xin có những hành động trợ giúp cụ thể với những người tranh đấu trong nước.  Họ đang bị Việt cộng bao vây kinh tế, cắt đứt sự sống để tiêu diệt mầm mống tranh đấu.  Xin đề nghị ủng hộ kế hoạch trợ giúp người tranh đấu trong nước của nhạc sĩ Trúc Hồ.  Mỗi người chúng ta chỉ nhín chút ít trong sinh hoạt để chia xẻ tấm lòng với những người đang đương đầu với bọn ác.  Và tiếp tục hỗ trợ cho đến khi chế độ cộng sản hoàn toàn bị sụp đổ.
Ngày mà đất nước thoát khỏi ách cộng sản, ngày mà ngưới dân Việt có tự do, dân chủ, ngày mà người Việt lưu vong trở về, có hay không, nhanh hay châm phần lớn tùy thuộc vào ý thức, thái độ chánh trị quyết liệt của mọi con dân Việt.

Không có nhận xét nào: