Pages

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Vì sao Trung Quốc 'hào phóng' với quân đội Campuchia?

Những lợi ích về kinh tế lẫn quân sự mà Trung Quốc “đổ” vào Campuchia có nguy cơ sẽ là nguyên nhân dẫn đến bất đồng quan điểm của khối liên minh các nước Khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào Campuchia

Ngày 23/1, Moeung Samphan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia và Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc đã ký một thỏa thuận quân sự. Trong đó, phía Trung Quốc sẽ cung cấp cho Quân đội Hoàng gia Campuchia 12 chiếc trực trăng Zhi-9 do nước này chế tạo. Cũng trong bản thỏa thuận này, Quân đội giải phóng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Campuchia một chương trình huấn luyện quân sự đi kèm.
Trong một thỏa thuận trước đó, Quân đội Trung Quốc cũng đã cung cấp một chương trình huấn luyện quân sự cho Campuchia vào năm ngoái. Trong năm 2010, Bắc Kinh cũng đã tặng 250 chiếc xe jeep và xe tải quân đội cho Campuchia. 


Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đào tạo cho lực lượng vũ trang Campuchia hay tặng “quà” quân sự cho nước này. Mỹ và Australia cũng đã và đang làm những việc tương tự, dù các thỏa thuận gần đây có phần nào hạn chế hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng “khăng khít” giữa Bắc Kinh và Phnom Penh đang khiến các nước ASEAN vô cùng "cảnh giác".

Một binh lính Campuchia đang quan sát các thiết bị quân sự do Trung Quốc cung cấp ở Phnom-Phenh, Campuchia năm 2010. Theo Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia. Trên website của mình, CDC cho thấy trong năm 2011, Campuchia đã thu hút 1,15 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc, với mức tăng 71% từ 694 triệu USD năm 2010. Từ 1994 đến 2011, đầu tư của Trung Quốc đạt tổng cộng 8,7 tỷ USD. Khi so sánh với nhà đầu tư lớn thứ hai trong trong cùng thời kỳ Hàn Quốc, nước này đã đầu tư vào Campuchia khoảng 4 tỷ USD, ít hơn đầu tư của Trung Quốc trong năm 2008.
Tân Hoa Xã đã từng đưa tin đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia chủ yếu tập trung vào bất động sản, kinh doanh, chế biến khoáng sản, nhà máy lắp ráp xe máy, khai thác mỏ, nhà máy gạo và dệt may. Số liệu thương mại song phương giữa hai nước là rất đáng kể, đầu tư thương mại song phương năm 2011 đạt mức 2,5 tỷ USD, một sự gia tăng đáng kinh ngạc 73,5% so với một năm trước đó.

Rắc rối sẽ phát sinh trong khu vực ASEAN

Tuy nhiên, mối quan hệ "ấm cúng" của Bắc Kinh đã đặt Chính phủ Campuchia dưới một áp lực đáng kể, đặc biệt là sự tranh chấp trên biển Đông về một phần lãnh hải giữa Trung Quốc các nước thuộc khu vực ASEAN như Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines. Chính phủ Campuchia sẽ cảm thấy khó xử với các nước, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Các nước trong khu vực đang trở nên nghi ngại với Campuchia và xem Campuchia như là một đồng minh thân cận của Trung Quốc, sẵn sàng hành động gây thiệt hại cho lợi ích của khu vực.
Tháng 7/2012, đã có những bất đồng lớn xảy ra khi ASEAN thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Những nước tham gia hội nghị đã không thể tìm thấy được một thỏa thuận chung về việc có nên đề cập đến Biển Đông trong bản Tuyên bố chung hay không. Kết quả là, lần đầu tiên trong 45 năm thiết lập ASEAN, hội nghị thượng đỉnh của khu vực đã không thể cho ra đời một bản Tuyên bố chung và quan trọng nhất là ASEAN cũng mất luôn cơ hội làm việc trên một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mới (COC) để tránh mọi xung đột trong tương lai.
Tháng 11/2012, căng thẳng lại bùng phát lên một lần nữa trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức ở Phnom-Pênh, Campuchia. Phía Campuchia cho rằng các thành viên đã thống nhất với thỏa thuận “không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” (thực chất là không nên kêu gọi sức mạnh của bên ngoài nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Tuy nhiên, phía Philippines đã phản bác tố cáo PhnomPenh đã cố tình mạo danh các nước thành viên để đưa ra tuyên bố "theo ý Trung Quốc" này.
Với bối cảnh như vậy, sẽ không phải là một bất ngờ khi thỏa thuận quân sự của Campuchia và Trung Quốc lại thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông. Theo tờ Bangkok Post, một tờ báo của Thái Lan, trong khi chưa có bất kỳ phản ứng chính thức từ các nước láng giềng thì “đối với Thái Lan, bất kỳ sự củng cố nào cho quân đội Campuchia gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự thù địch ngày càng tăng đến từ hai đất nước theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan này, xung quanh vụ tranh chấp ngôi đền Preah Vihear. Có khả năng lực lượng quân đội Thái Lan cũng ‘nâng cấp’ để đối phó với Campuchia, quốc gia duy nhất có xung đột vũ trang với Thái Lan trong những năm gần đây.”/Minh Anh (DL)

Không có nhận xét nào: