Pages

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Vì sao Mỹ không thể ‘mạnh tay’ với Triều Tiên?


Phản ứng thách thức của Triều Tiên trước dự thảo trừng phạt của LHQ với vụ phóng tên lửa là hoàn toàn dễ hiểu bởi việc sử dụng “cây gậy” đối phó Triều Tiên lần nào cũng chỉ khiến nước này tỏ ra hiếu chiến hơn.
Triều Tiên chưa một lần khuất phục trước “cây gậy” mà Mỹ và đồng minh áp dụng đối với nước này.
Mỗi khi Mỹ và đồng minh sử dụng đến biện pháp mạnh, vốn được ví von là “cây gậy”, như thông qua các hình thức như tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc tế hoặc đe dọa hành động quân sự để đối phó với Triều Tiên thì đều chỉ chuốc lấy thất bại.

Không những vậy, “cây gậy” còn làm cho Triều Tiên trở nên khiêu khích hơn và đe dọa ngược trở lại bằng việc triển khai các hành động cực đoan, hiếu chiến. Năm 1994, lần đầu tiên Mỹ đề nghị đưa vấn đề hạt nhân của Triều Tiên ra thảo luận tại Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng đã không ngần ngại mà quyết liệt tuyên bố bất cứ động thái áp đặt các biện pháp trừng phạt nào của Liên Hiệp Quốc đối với họ sẽ bị xem là “hành vi chiến tranh”.
Năm 2006 và một lần nữa trong năm 2009, Triều Tiên đáp trả các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc không phải bằng cách từ bỏ giấc mơ tên lửa hạt nhân mà cũng bằng những hành động “ngang ngược”.
Ngược lại, trước đó, những cam kết viện trợ kinh tế và an ninh đôi khi có tác dụng thuyết phục Bình Nhưỡng đóng băng hoặc làm chậm lại chương trình tên lửa, hạt nhân. Đó là vào năm 1994, Triều Tiên đã tạm ngừng chương trình plutonium trong 8 năm theo sau một thỏa thuận với Mỹ.
Trong giai đoạn từ năm 1998 tới năm 2006, họ đã tôn trọng và tuân thủ một lệnh cấm các hoạt động thử tên lửa. Tiếp đó, vào năm 2007, Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon theo một thỏa thuận đa phương. Nói cách khác, “củ cà rốt” đôi khi có tác dụng trong việc đối phó với Bình Nhưỡng.
Những ngày gần đây, trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc thông báo dự thảo lên án và tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh tháng 12 đầu tranh cãi, nhiều người quan ngại, chính quyền Bình Nhưỡng có khả năng sẽ thử hạt nhân lần 3 và “hiện thức hóa” những tuyên bố đe dọa chống lại Mỹ và Hàn Quốc. Từ lâu, Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố, Mỹ “là kẻ thù không đội trời chung” và nhấn mạnh khả năng tấn công nước Mỹ.
Nay cũng như vậy. Bình Nhưỡng không ngừng lên án “chính sách thù địch” Washington nhắm vào họ đồng thời khẳng định quyết tâm duy trì, theo đuổi chương trình hạt nhân là nhằm tự vệ và chống lại một cuộc tấn công tiềm năng từ Mỹ.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên nhiều lần tuyên bố khó lòng xác thực. Bình Nhưỡng dường như cũng chưa thể đạt được những tiến bộ về mặt công nghệ và kỹ thuật để chế tạo tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, lúc này cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều không có ý định nhượng bộ và rõ ràng, những tuyên bố dọa dẫm lẫn nhau cũng như các biện pháp trừng phạt không phải là cách giải quyết mâu thuẫn giữa họ.
Về phía Bình Nhưỡng, không có gì phải ngạc nhiên khi trong năm đầu nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi cha mình, cố Chủ tịch Kim Jong-ill qua đời vào cuối năm ngoái, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un tập trung củng cố quyền lực nội bộ. Có một điều rõ ràng là, phần lớn quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ đến từ các tuyên bố duy trì và tăng cường sức mạnh quân sự, bao gồm cả chương trình hạt nhân.Triều Tiên dường như quyết tâm để được công nhận là cường quốc hạt nhân bất chấp sự phản đối và lên án quyết liệt của Mỹ, Hàn Quốc và nhiều đồng minh khác của họ.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un cũng tỏ ra rất quan tâm tới các cuộc thảo luận về cải cách kinh tế đồng thời tuyên bố chắc nịch sẽ điều hành đất nước theo hướng cải cách và mở cửa. Theo đó, một sự kiện quan trọng là, Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt tới thăm Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này được nhận định có khả năng “đưa đường chỉ lối” cho Triều Tiên để mở cửa và hội nhập toàn cầu. Dù Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích chuyến thăm trên nhưng sự cho phép của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un dường như chứng tỏ ông đang bắt đầu quan tâm đến việc hiện đại hóa công nghệ cho đất nước, nhằm mục đích cải tổ nền kinh tế bằng cách kết nối với thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, không may là khao khát cải cách kinh tế và mục tiêu an ninh của Triều Tiên lại mâu thuẫn với nhau. Không nghi ngờ gì về việc chính quyền Bình Nhưỡng muốn cải cách kinh tế nhưng họ lại lo ngại quá trình mở cửa, hội nhập có khả năng tạo ra nhiều biến động về chính trị và xã hội, đe dọa đến sự ổn định và tính hợp pháp của chế độ. Trong khi đó, việc duy trì và theo đuổi chính sách an ninh lâu nay dựa trên răn đe hạt nhân, tên lửa khiến nước này ngày càng bị cộng đồng quốc tế cô lập và xa lánh hơn.
Do đó, Bình Nhưỡng dường như lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Còn Mỹ, Liên Hiệp Quốc không có nhiều khả năng thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên khi mà thực tế, chúng không thể ngăn chặn sự khiêu khích và thách thức của nước này. Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên do Mỹ giật dây xưa nay rõ ràng chỉ mạnh trên bàn giấy chứ không hề hiệu quả khi được đưa vào thực thi. Tất cả là bởi Trung Quốc, đồng minh số 1 của Triều Tiên. Cho tới nay, Bắc Kinh luôn tỏ ra “phớt lờ”, bất chấp hoặc có đủ cách để “né” việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Lý do đơn giản là, Trung Quốc muốn duy trì sự ổn định của láng giềng hơn là tạo ra sự bất ổn tại biên giới của họ.
Do đó, các nỗ lực ngoại giao, hoàn toàn không xuất hiện bóng dáng của những tuyên bố dọa dẫm hoặc các biện pháp trừng phạt được giải pháp khả thi nhất để giải quyết mâu thuẫn. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng chính là tình trạng căng thẳng, đối đầu gần đây có thể khiến các bên bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản bình tĩnh ngồi lại với nhau, để thảo luận xây dựng nhằm tìm ra biện pháp giải quyết bất đồng.
Phương Đăng

Không có nhận xét nào: