Pages

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Tây Tạng, Việt Nam



Hãy hình dung rằng, nếu Việt Nam trở thành một Tây Tạng thứ nhì, hay một Tân Cương thứ nhì. Nghĩa là lại một thời Bắc Thuộc, là nằm trong bàn tay sắt của Trung Quốc.Hãy nhìn Tây Tạng và Tân Cương để thấy rằng, quốc tế sẽ không can thiệp được gì, ngay cả khi Liên Hiệp Quốc có họp, có lên án thì cũng như không.
Sẽ không hề có nước nào trừng phạt kinh tế Trung Quốc để phản đối các đợt đàn áp nhân quyền, sắc tộc hay tôn giáo tại Tây Tạng và Tân Cương. Đơn giản, quốc tế có thể trừng phạt Iran, trừng phạt Syria… nhưng thị trường 1.3 tỷ dân TQ đã quá hấp dẫn, quá tuyệt vời để các nước quên hằng nhiều triệu dân Tây Tạng và Tân Cương ngày ngày bị nhà nước Bắc Kinh đồng hóa bằng mọi thủ đoạn.

Như thế, nếu Việt Nam trở thành một Tây Tạng hay Tân Cương thứ nhì, cơ may vùng vẫy để thoát ra rất là hiếm. Hãy nhìn cuộc chiến tuyệt vọng của dân Tây Tạng thì biết.
Sikyong Dr Lobsang Sangay, người được bầu làm Thủ Tướng lưu vong cuả cộng đồng Tây Tạng hải ngoại, hôm Thứ Năm 24-1-2013 phổ biến bản văn kêu gọi tất cả những người Tây Tạng trong và ngoaì nước tẩy chay các lễ hội trong Lễ Losar (Năm mới Tây Tạng), năm nay sẽ rơi vào ngày 11-2-2013 vì “tình hình tiếp tục bi thảm” ở Tây Tạng.
Bản văn của Thủ Tướng lưu vong này nói rằng, thay vì tham dự Lễ Hội Losar ngày 11-2, hãy nên thực hiện các nghi lễ tôn giáo như thăm chùa và cúngd ường.
Ngài Sikyong Sangay nhắc rằng mọi người nên mặc trang phục truyền thống Chuba để bày tỏ bản sắc dân tộc, “hãy cầu nguyện cho tất cả những ai đã hy sinh thân mạng và cho bất kỳ ai tiếp tục bị đau khổ ở vùng Tây Tạng bị chiếm đóng.”
Khi tính từ năm 2009, đã có 98 người Tây Tạng tự thiêu trong lãnh thổ Tây Tạng để phản đối việc TQ chiếm đóng Tây  Tạng và đòi hỏi tự do và sự trở về của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Riêng trong năm 2013 đã có 3 người tự thiêu, trong đó gần nhất là Kunchok Kyab, 26 tuổi, ở khu vực Labrang, phía Tây Tây Tạng.
Chính phủ Tây Tạng lưu vong, bản doanh ở thành phố Dharamshala, lập lại lời kêu gọi hãy biến năm 2013 là năm “Đoàn Kết Với Vận Động Tây Tạng.”
Theo chương trình, nhiều ngàn người Tây Tạng sẽ đổ về New Delhi các ngày từ 30-1-2013 tới 2-2-2013 để dự chiến dịch 4 ngày — một phần của chiến dịch đoàn kết Tây Tạng.
Tương tự, vào ngày 10-3-2013, dân Tây Tạng từ khắp Châu Âu cũng sẽ đổ về Brussels, thủ đô Liên Âu, để tưởng niệm lễ Ngày Nổi Dậy Toàn Quốc Tây Tạng năm thứ 54.
Ngài Sikyong Sangay cũng kêu gọi tất cả mọi người trên thế giới, mọi hội đoàn toàn cầu giúp tăng nỗ lực vận động các chính giới, viết thư, lên tiếng, tìm gặp các chính giới, các dân cử điạ phương để nói giùm dân tộc Tây Tạng đau khổ.
Ông cũng kêu gọi “các anh, các chị người Trung Hoa” hãy liên kết với người Tây Tạng để hỗ trợ cuộc chiến chính đáng của dân Tây Tạng.
Ông cũng nói rằng chính phủ lưu vong giữ lập trường trung đạo để giải quyết vấn đề Tây Tạng qua đối thoại ôn hòa.
Tết của dân Tây Tạng thường là tháng 2 hay tháng 3 mỗi năm, theo âm lịch Tây Tạng.
Và kể từ cuộc đàn áp đẫm máu năm 2008, năm nay là năm thứ 5 liên tục người Tây Tạng ăn Tết Losar thầm lặng.
Hãy thấy đó mà sợ, nếu Việt Nam trở thành một Tây Tạng thứ nhì.
Thế giới bênh vực được gì không?
Hãy nhìn Tây Tạng và Tân Cương mà biết sợ.
Tuần lễ này cũng là tròn 40 năm ngaỳ ký Hòa Ước Paris 1973. Xin noí rõ là Hòa ước, nghĩa là để tìm hòa bình, chứ không đơn giản là Hiệp định Ngưng bắn hay thứ gì tương tự. Đó cũng là ý kiến nhấn mạnh của GS Nguyễn Ngọc Bích khi Giáo Sư ghé thăm Việt Báo để nói về những ngày chuyển biến lịch sử của VN.
Đài RFI hôm Thứ Sáu cũng ghi nhận về dấu mốc này:
“Hôm nay, 25/01/2013, tại Hà Nội, các lãnh đạo Việt Nam đã dự lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris 27/01/1973, chấm dứt sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ ở Việt Nam và tạm dừng chiến sự giữa hai miền Nam – Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ, chủ tịch nước Truơng Tấn Sang mô tả các cuộc đàm phán về Hiệp định Paris là “đấu tranh ngoại giao khó khắn nhất, lâu dài nhất đối với Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ca ngợi Hiệp định Paris là “thắng lợi có ý nghĩa chiến lược dẫn đến chiến thắng năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được mở ra tại Paris ngày 10/05/1968, nhưng đàm phán đã kéo dài đến 5 năm và trong khoảng thời gian đó, chiến tranh đã leo thang, vì bên nào cũng chủ trương “vừa đánh vừa đàm”, với hy vọng biến chiến thắng quân sự thành lợi thế ngoại giao.
Chiếu theo Hiệp định Paris, các bên đồng ý ngừng bắn và Hoa Kỳ cam kết rút quân khỏi Việt Nam trong vòng 60 ngày và trong cùng thời gian các tù binh sẽ được phóng thích. Hai miền Nam Bắc cũng cam kết sẽ đi đến thống nhất đất nước trong hòa bình.
Theo nhận định của AFP, do không có giải pháp chính trị nào, chiến sự lại bùng nổ, Hà Nội phá vỡ Hiệp định Paris, tung lực lượng chính quy dùng vũ lực để chiếm trọn miền Nam.
Tuy gọi là “Hiệp định Hòa bình Paris”, nhưng hiệp định này đã không mang lại ngay hòa bình cho Việt Nam và chiến tranh chỉ chấm dứt vào tháng 4/1975, với kết quả hoàn toàn không giống như dự trù của Hiệp định Paris.”(hết trích)
Đúng vậy, đó là Hiệp định Hòa bình Paris, nhưng không hề hòa bình tí nào.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích hôm Thứ Sáu tại tòa soạn Việt Báo đã nói rằng, lúc đó Giáo sư giữ chức Cục Trưởng Cục Thông Tin Đối Ngoại, văn phòng ở Sài Gòn, nên quan sát tình hình hòa đàm Paris rất kỹ.
GS Bích nói rằng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu phía Mỹ cung cấp bản Việt ngữ của bản văn dự thảo nhưng Kissinger liên tục lờ đi. Tuy nhiên, TT thiệu cũng có được một bản dự thảo Việt ngữ là nhờ tình báo VNCH lấy một bản từ Cục R đưa ra.
Nhờ bản Việt ngữ để đối chiếu đó, phía VNCH mới đưa ra yêu cầu Mỹ phải sửa 72 điểm trong bản văn, bởi vì bản Việt Ngữ và bản Anh Ngữ khác biệt tới 72 điểm — trong đó có 20 điểm quan trọng, theo lời GS Nguyễn Ngọc Bích.
GS Bích nói,trong Chương 4 Hòa Ước, Điều 9-A nói rằng các nước phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ VN theo Hiệp Định Geneva 1954, trong đó Hoàng Sa và Trường Sa là của VN. GS Bích nói, chính ông Nguyễn Tấn Dũng cũng công nhận như thế năm 2011, khi nói 3 lần rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của VNCH (nói rõ, VNCH, lời ông Dũng).
Và Điều 9-B trong Chương 4 nói rằng dân Miền Nam có quyền tự quyết qua bầu cử, và sau đó kế tiếp còn có một định ước 1973 gồm 12 quốc gia ký tên, có cả Trung Quốc, cùng ký vào.
Và bây giờ thì Hoàng Sa mất luôn, Trường Sa mất một phần.
Và bây giờ, tròn 40 năm ngày ký Hiệp định Hòa bình Paris.
Không khéo, quê nhà sẽ tới một lúc mất trọn vào tay Trung Quốc — hung hiểm là thế.
Một Tây Tạng thứ nhì là cơ nguy có thật vậy.

Không có nhận xét nào: