Hiện tình đất nước
Đất nước Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử với nhiều giai đoạn thăng trầm, song có thể nói là chưa có giai đoạn nào, lúc nào đất nước lâ vào tình trạng không lối thoát như hôm nay.
Về mặt kinh tế, cả đất nước đang lâm vào một cơn khủng hoảng trầm trọng và khó có đường ra. Mọi tài nguyên, khoáng sản của đất nước đã bị khai thác đến kiệt quệ, nguồn lợi tự nhiên đã bốc hơi nhanh chóng, rừng không còn, biển đang rơi vào tay quân xâm lược phương Bắc. Nợ nước ngoài tăng lên con số khổng lồ, một nền kinh tế chỉ quen tiêu thụ hàng nhập khẩu độc hại, cả nước trở thành bãi rác khổng lồ cho nền công nghiệp độc hại Trung Quốc. Đời sống nhân dân cơ cực, nạn thất nghiệp tăng nhanh chóng mặt, người dân bị cướp hết các tư liệu sản xuất mà quan trọng nhất là đất đai. Quyền sở hữu của công dân không được tôn trọng, nạn cướp đất xảy ra khắp mọi miền đất nước, lượng dân oan khiếu kiện tăng vùn vụt và ngày càng đối mặt với sự trấn áp khốc liệt của nhà cầm quyền.
Về chính trị, đất nước lâm vào cảnh bị cô lập triền miên với thế giới bên ngoài bằng nhiều phương thức khác nhau. Liên tục các quốc gia, các tổ chức quốc tế có những cảnh báo về quyền con người bị vi phạm tại Việt Nam, về việc trấn áp các tiếng nói đối lập bằng các bản án bất minh, bằng nhà tù và nhiều hình thức cưỡng bức trái lương tâm và đạo đức được quy định trong các công ước, định chế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Các nhà lãnh đạo đất nước không dám đối mặt với chính người Việt Nam mỗi khi công du đến các quốc gia có người Việt định cư. Báo chí, quan chức mỗi khi đề cập những vấn đề bị quốc tế chỉ trích đều bằng một phương thức bịt tai bịt mắt nói lấy được chỉ có tác dụng gây cười cho những người có lương tâm và tỉnh táo.
Về mặt xã hội, đất nước đang chứng kiến sự suy đồi đến cùng cực, mỗi cá nhân thể hiện sự vô cảm đối với xã hội và cộng đồng, thói cơ hội, nhũng lạm và chạy theo lối sống thực dụng, hèn nhát đang chiếm số đông trong các suy nghĩ của công dân. Xã hội đang bị suy đồi nặng nề về lối sống, đạo đức. Hai mặt được coi là quốc sách là y tế, giáo dục ngày càng xuống cấp đến mức khó tưởng tượng và không tìm được lối ra.
Những câu hỏi phải trả lời
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra mà chưa có câu trả lời: Vì sao?
Vì sao một đất nước được ca ngợi từ bao đời nay là chưa bao giờ nguội tắt ngọn lửa đấu tranh giữ chủ quyền đất nước, đã đổ biết bao máu xương nhằm giữ gìn non sông gấm vóc, nay bỗng nhiên thúc thủ trước sự xâm lược của bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc?
Vì sao một đất nước từng được chính ông Hồ Chí Minh ca ngợi là “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” bỗng dưng trở thành đất nước đói nghèo và là con nợ của thế giới? Vì sao người Việt Nam được ca ngợi là “cần cù, thông minh” nay trở thành những kẻ bán sức lao động, làm tôi đòi cho ngoại quốc không chỉ ở đất nước họ mà ngay ở chính trên mảnh đất quê hương, đất nước mình để bị bóc lột đến tận xương tủy?
Vì sao một dân tộc nổi tiếng về sự đoàn kết, yêu thương với truyền thống ngàn năm văn hiến, biết “thương người như thể thương thân” giờ đây trở thành vô cảm trước mọi nỗi đau của đồng loại và của ngay chính thân nhân mình, nhân dân và đất nước mình?
Vì sao một dân tộc, một đất nước đã tự nhận là anh hùng, là kiêu dũng trước kẻ thù nay bỗng nhiên trở thành những kẻ tự ti, khiếp nhược? Hầu hết sự tự hào, tự tin biến mất, may ra chỉ còn lớn tiếng mỗi khi tự sướng về một cuộc chiến đã lùi xa hàng mấy chục năm trước để lấy đó làm cơ sở giải thích và đổ lỗi cho sự đói nghèo và tụt hậu.
Hiến pháp và hệ thống chính trị
Nhiều câu hỏi khác đã đặt ra chưa có lời giải đáp một cách thỏa đáng. Nhưng dần dần, khi con người được tiếp xúc với thế giới văn minh, người ta đã nhận ra rằng, ở chúng ta có những điều bất bình thường đã trở thành bình thường và chính đó là tai ương, là đại họa của đất nước, của dân tộc. Ở đất nước chúng ta, tồn tại một hệ thống chính trị đã bị loại bỏ trên thế giới. Những đất nước đã từng trải qua thời kỳ mang hệ thống chính trị này đã thấy dân tộc mình, đất nước mình thoát cơn đại nạn và vĩnh viễn chia tay với nó.
Ở những đất nước có hệ thống chính trị đó, bản Hiến pháp hoặc vô tình, hoặc cố ý đưa đất nước đặt dưới tay một chế độ độc tài cai trị duy ý chí và phản khoa học.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Thế nhưng, đã bao năm qua, bản Hiến pháp của Việt Nam có thật sự phản ánh nguyện vọng của tuyệt đại đa số nguyện vọng của nhân dân hay không? Người ta đã từng mị dân bằng những con số, những hình thức lừa đảo, hào nhoáng mỗi khi áp đặt một tư duy, một mệnh lệnh hoặc một ý thức độc đoán của mình bằng nhóm ngôn từ “tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ”. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên đã quy định việc sửa đổi Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý để toàn dân phúc quyết. Thế nhưng điều đẹp đẽ đó đã không được thực hiện và quyền người dân đã bị tước đoạt ở những bản gọi là Hiến pháp sau này.
Lấy ý kiến nhân dân, vùng cấm và “lợi dụng dân chủ”
Không có vùng cấm trong góp ý. Ngăn chặn lợi dụng dân chủ trong góp ý
Để một đất nước có thể phát triển, việc có một bản Hiến pháp tiến bộ, kịp thời phản ánh nguyện vọng nhân dân, thể hiện sự chọn lựa của nhân dân là điều hết sức cần thiết.
Thời gian qua, đảng và Quốc hội đặt ra vấn đề “Lấy ý kiến nhân dân” cho bản dự thảo Hiến pháp 1992. Chỉ riêng việc đặt tên cho việc này là “lấy ý kiến nhân dân” đã thể hiện một tư tưởng coi thường nhân dân vốn luôn được xưng tụng là “người chủ thật sự”. Trong khi người dân hoặccác cơ quan “Xin ý kiến Quốc Hội, xin ý kiến lãnh đạo đảng và nhà nước”… thì đối với nhân dân chỉ việc “Lấy ý kiến”. Trong khi đó, tất cả hệ thống quan chức, công quyền, từ quốc hội đến các cơ quan đều tự nhận là cơ quan, công bộc của nhân dân(!)
Đây là sự ngược đời chăng? Thưa phải, nó vẫn ngược đời như hàng loạt khái niệm bị đánh tráo xưa nay.
Đã không có ít lý do để người dân ngại ngùng như đã bao lần ăn những quả đắng khi được “mời góp ý” hoặc “lấy ý kiến’. Đã nhiều lần Bộ Chính trị, đảng hoặc nhà nước xin góp ý kiến, song những ai ngây thơ, góp ý kiến xong thì được phong tặng danh hiệu “thế lực thù địch” hoặc “chống phá” ngay lập tức. Và cơ quan làm việc với họ không phải là Đảng hoặc Quốc hội đã xin góp ý mà là công an. Do vậy việc nhiều người dân lo ngại là điều đương nhiên.
Chừng như để người khác nhìn vào thấy việc “lấy ý kiến” lần này là thật, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý đã khẳng định với báo giới rằng sẽ không có vùng cấm khi góp ý sửa đổi Hiến pháp, kể cả khi bàn đến điều 4 – môt điều mà đảng đã cố luật hóa nhằm mục đích duy trì sự tồn tại và thâu tóm quyền hành cho mình. Theo ông Lý thì “Mục đích là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp”.
Thế nhưng, hình như không tự tin lắm về sự chính danh hoặc sợ rằng nhân dân nói thật ý nghĩ của họ thì đảng đi về đâu? Do vậy chỉ mấy ngày sau, Ủy viên Bộ Chính trị – Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã phải chỉ đạo: “… đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để chống phá, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Ở đây ông Lê Hồng Anh đã lo lắng hão huyền, vì muốn lợi dụng dân chủ, trước hết phải có dân chủ mới có thể lợi dụng, nếu cứ tình hình chưa mở mồm đã chặn họng, thì lấy đâu ra dân chủ để có thể lợi dụng? Thực chất, đó chỉ là lời hăm he đe dọa ngay từ đầu theo kiểu tao bảo vậy, nhưng mày làm vậy thì… coi chừng.
Nhớ lại cũng trên báo đảng (nhưng mang tên Nhân Dân) cách đây mấy tháng, ngay khi đảng mới khua chiêng gõ mõ vụ chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết 4, lập tức đã có bài viết tung hô “Đây là sự dũng cảm của Đảng ta, mà Ban Chấp hành Trung ương đại diện cho sự dũng cảm đó”. Vì ngay từ đầu đảng chủ trương “Nói thẳng, nói hết, không có vùng cấm, vùng tránh”. Thế nhưng, sau đó không lâu, Tổng bí thư vẫn chỉ là “không kỷ luật một đồng chí ủy viên BCT” còn Chủ tịch nước thì chỉ dám gọi là “đồng chí X”. Sự dũng cảm biến mất tự khi nào. Hài hước còn hơn cả Moliere.
Dù vậy, thì cuộc góp ý cho bản Dự thảo Hiến pháp mới vẫn được nhân dân hưởng ứng. Đặc biệt khối trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các chức sắc tôn giáo và nhân dân tâm huyết với đất nuớc. Một bản Kiến nghị 7 điểm về sửa đổi Hiến pháp 1992 đã ra đời. Những nhân sĩ, trí thức còn ý thức dân tộc, còn lo lắng cho sự tiến bộ của đất nước đã không ngần ngại đưa lên ý kiến, quan điểm của mình qua bản Kiến nghị 7 điểm này. Bản kiến nghị đã nêu lên cơ sở rõ ràng cho những ý kiến của mình góp ý xây dựng bản Hiến pháp, mong muốn đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đồng thời vì sự phát triển và sự trường tồn của đất nước muốn theo kịp thế giới.
Người giáo dân tốt cũng là công dân tốt
Ngay sau khi ra đời, bản Kiến nghị 7 điểm của các nhân sĩ, trí thức Việt Nam được đưa lên mạng, hàng ngàn chữ ký đã được gửi đến hưởng ứng bản kiến nghị này.
Trong một xã hội mà sự vô cảm đã ngấm sâu vào từng tế bào xã hội, sự thực dụng đã là phương cách sống, sự sợ hãi đã ngăn chặn những tiếng nói của lương tri, của sự thật, thì việc hàng ngàn người đã nhanh chóng hưởng ứng một bản kiến nghị được đưa lên mạng Internet trong một thời gian ngắn là điều không bình thường. Điều đó chứng tỏ rằng bản Kiến nghị đã đáp ứng được tiếng nói của lương tâm họ, của những công dân Việt Nam đang lo lắng cho tiền đồ dân tộc, cho tương lai đất nước. Và họ đã vượt qua sự sợ hãi truyền kiếp để nói lên ý nguyện chân chính của mình.
Các Đức Giám mục, linh mục và giáo dân ký tên hưởng ứng Kiến nghị
Trong số đó, không ít người là giáo dân, giáo sĩ và chức sắc Công giáo. Đến hôm nay, 28/1/2013, theo trang Boxitvn.net, trong số 1405 người trong danh sách thì đã có 2 Giám mục và 33 linh mục cùng hàng trăm giáo dân ký vào Bản Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp 1992.
Điều đáng nói ở đây là sự hưởng ứng nhanh chóng của các Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân với bản Kiến nghị này chứng tỏ bản kiến nghị đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo giáo dân nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trước hiện tình đất nước.
Với tỷ lệ này, người công giáo đã và đang thực hiện lời Đức Giáo Hoàng đã nhắc nhở và gần đây, lãnh đạo đảng và nhà nước luôn nói theo, đó là: “Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Thông thường, khi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhắc đến câu này thì khái niệm của họ về “công dân tốt” là công dân biết cúi đầu vâng lệnh và chấp hành mọi sự phán xét của đảng và nhà nước. Ở đó, công dân chỉ biết giao phó cho đảng và nhà nước từ tư tưởng, suy nghĩ và mọi tư duy, mặc cho đảng và nhà nước có thể làm bất cứ điều gì, có thể sai lầm bất cứ lúc nào cũng phải ngậm miệng mà ca tụng mà không được đưa ra ý kiến của mình, còn ngược lại thì là “thế lực thù địch”.
Sinh viên Công giáo ký tên vào bản Kiến nghị
Song, đã đến lúc, người dân biết rằng mình có quyền được tư duy, được tự do suy nghĩ và phát biểu như chính bản Hiến pháp mà nhà nước này đã đặt ra. Và họ đã lên tiếng.
Trong số đó, hai vị là Đức Giám mục Phó Chủ tịch HĐGMVN Giuse Nguyễn Chí Linh và Đức Giám mục Chủ tịch UB Công lý và Hòa Bình Phaolo Nguyễn Thái Hợp, đây là một chuyển biến lớn trong Giáo hội Công giáo. Sự hưởng ứng nhanh chóng và mạnh mẽ rộng khắp của giáo hội Công giáo nói trên, cũng chính là thực hiện theo Sứ điệp của Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á Châu mới đây tại Việt Nam: “Trở nên ngôn sứ là trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhận diện những nghịch lý tại châu Á và tố cáo bất cứ những gì làm suy yếu, hạ thấp giá trị và tước bỏ phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Những sứ giả mới của Tin Mừng phải bảo vệ phẩm giá làm người của tất cả mọi người, nhất là của phụ nữ, trẻ em và những người không có đủ điều kiện sống cho ra con người trong xã hội châu Á chúng ta…(Mt 23, 23).
Và Giáo hội Công giáo đang thực hiện những điều đó một cách thật sự theo lời giáo huấn của Đức Giáo hoàng Benedict XVI: “Người giáo dân tốt cũng là công dân tốt”.
Hà Nội, ngày 28/1/2013
- J.B Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét