Đồng Phụng Việt - Vài năm nay, mỗi khi bàn về Đảng trong tương quan giữa “ta” và “địch”, giữa “trong” và “ngoài”, người ta thường khái quát rằng, Đảng “hèn với giặc, ác với dân”.
Mình không đồng tình với lối khái quát này. Đã khái quát thì cần chuẩn xác về bản chất. Theo mình, khái quát, Đảng “hèn với giặc, ác với dân”, chỉ đúng ở vế sau (ác với dân). Có nhiều lý do để mình tin vế đầu (hèn với giặc) là sai.
Nếu hiểu hèn là biết nhưng không dám nói những điều nên nói, hoặc không dám làm những điều cần làm thì Đảng không hèn! Cho rằng Đảng hèn có thể là một ngộ nhận hết sức tai hại.
1.
Sự kiện gần nhất khiến nhiều người khẳng định Đảng “hèn với giặc” là chuyện cải táng liệt sĩ Lê Đình Chinh, đưa hài cốt của anh từ Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, Thanh Hóa.
Liệt sĩ Lê Đình Chinh vẫn được xem là người lính Việt Nam đầu tiên hy sinh trong cuộc xung đột giữa Việt Nam với Trung Quốc, chấm dứt giai đoạn “mối tình hữu nghị sáng như rạng đông”.
Xem lại vài tài liệu, đối chiếu chúng với thực tế, mình tin rằng, sở dĩ, hồi đó, Đảng đề cao liệt sĩ Lê Đình Chinh, vì Đảng vừa cần một lời “đính chính”, để người Việt không xem quan hệ giữa Đảng với Trung Quốc theo kiểu “Bên ni biên giới là mình. Bên kia biên giới cũng tình quê hương” như trước nữa, vừa cần một biểu tượng, động viên người Việt chống lại “bọn bành trướng”.
Chỉ hai tháng sau ngày bị kẻ thù sát hại (26/8/1978), liệt sĩ Lê Đình Chinh đã được Đảng phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (31/10/1978), một kỷ lục hiếm có về thời gian xét – tặng danh hiệu này.
Khoảng ba tháng sau ngày liệt sĩ Lê Đình Chinh được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, hôm 17/2/1979, Trung Quốc xua quân tràn qua biên giới, đòi “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Một thập niên sau, khi quan hệ giữa Đảng với Trung Quốc đã được “bình thường hóa”, Đảng quyết định dẹp bỏ biểu tượng Lê Đình Chinh. Bài hát “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” thôi không được phát, không được diễn nữa. Sách giáo khoa với những bài viết về Lê Đình Chinh, hoặc phê phán “bọn bành trướng” mang “tham vọng bá quyền” cũng bị thu hồi. Song song với việc dẹp bỏ biểu tượng Lê Đình Chinh, Đảng bắt đầu tiến trình phi tang tất cả những gì có liên quan đến giai đoạn xung đột với Trung Quốc. Hàng chục ngàn người lính Việt Nam hy sinh ở biên giới phía Bắc từ 1979-1988, ở biên giới Tây Nam và chiến trường Campuchia từ 1977-1989, không những không được nhắc đến, mà bia tưởng niệm, bia ghi công cũng bị đục bỏ, các nghĩa trang liệt sĩ hoang tàn, vắng lạnh…
Ngặt là Đảng muốn “lặng” nhưng Trung Quốc không “ngừng”, thực tế quan hệ Việt -Trung rõ ràng là càng ngày càng khác “tinh thần bốn tốt” và “16 chữ vàng”. Càng ngày càng có nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước thái độ, cách hành xử của Đảng đối với Trung Quốc, cũng như sự bạc bẽo đối với những người đã hy sinh cả trong cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, lẫn cuộc chiến liên quan đến Trung Quốc ở biên giới phía Tây Nam…
Khi những giọt nước mấp mé miệng ly thì xuất hiện chuyện tổ chức cải táng liệt sĩ Lê Đình Chinh.
Mình không tin việc tổ chức cải táng liệt sĩ Lê Đình Chinh là chuyện ngẫu nhiên, phát xuất từ thiện ý. Nếu mình không lầm, từ lúc quan hệ giữa Đảng với Trung Quốc được “bình thường hóa” cho tới bây giờ, đây là lần đầu tiên, hệ thống truyền thông mới đồng loạt loan tin cải táng một liệt sĩ, hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc, bảo vệ tổ quốc.
“Kịch bản” cải táng liệt sĩ Lê Đình Chinh không đạt hiệu quả “xoa dịu dư luận” là điều nằm ngoài dự trù. Vì liệt sĩ Lê Đình Chinh vốn là biểu tượng của giai đoạn chống sự xâm lược của Trung Quốc nên việc cải táng, đưa hài cốt của anh về an táng tại quê nhà thu hút sự chú ý của nhiều người và mọi người dễ dàng phát hiện, hệ thống truyền thông đã không dám gọi tên, chỉ mặt kẻ thù.
Trong vụ này, mình tin Đảng chủ động tổ chức sự kiện để xoa dịu dư luận và thất bại là do… đạo diễn dở chứ Đảng không hèn! Đảng nói gì, làm gì cũng có chủ định.
2.
Trước sự kiện cải táng liệt sĩ Lê Đình Chinh một chút, có một sự kiện khác, xảy ra hồi cuối tháng 11 năm ngoái, cũng được nhiều người xem như bằng chứng về chuyện Đảng “hèn với giặc”. Đó là vụ cáp của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị đứt, khi đang chuẩn bị khảo sát đáy biển khu vực Vịnh Bắc bộ.
Lúc đầu, hệ thống truyền thông loan tin cáp của tàu Bình Minh 02 bị đứt là do tàu của Trung Quốc “cắt”, sau đó, hệ thống truyền thông đột ngột sửa tình tiết “cắt” trong sự kiện này thành… “làm đứt”. “Cắt” tất nhiên là cố ý – khó có thể chấp nhận, còn “làm đứt” thì có thể do vô tình và có thể… thông cảm, bỏ qua.
Mục kích hệ thống truyền thông đồng loạt loan báo tàu Trung Quốc “cắt” cáp tàu Bình Minh, rồi đồng loạt sửa “cắt” thành “làm đứt”, nhiều người tiếp tục nhận định Đảng hèn, mình vẫn tin Đảng không hèn. Bằng chứng? Phát biểu của ông Nguyễn Thế Kỷ – Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, trong cuộc họp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông, với lãnh đạo các cơ quan truyền thông, được tổ chức chừng mươi ngày sau sự kiện cáp của tàu Bình Minh 02 đứt, do trang web Ba Sàm công bố (1), cho thấy, Đảng tìm mọi cách để kiềm chế sự phẫn nộ của người Việt trước những hành động càng lúc càng càn rỡ của Trung Quốc, để người Việt đừng phản đối, đừng biểu tình, chứ Đảng đâu có hèn!
Trong cuộc họp vừa đề cập, ông Kỷ bảo rằng, việc hệ thống truyền thông “bất tuân thượng lệnh”, loan báo sự kiện tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc “cắt” cáp đã khiến những ngày cuối của tuần đó, cả công an lẫn quân đội phải “căng lực lượng ra, để ngăn chặn, ngăn cản tụ tập đông người” vì “nếu mà số người tụ tập quá đông thì sẽ bất lợi, thậm chí là có thể đảo chiều, cho an ninh chính trị và trật tự xã hội”.
Mình tin ông Kỷ đã nói rất thật về một sự thật, đó là, Đảng không ngại Trung Quốc! Đảng chỉ sợ sự phẫn nộ, thất vọng của người Việt về Đảng lên tới cực đại. Nếu điều đó xảy ra, Đảng sẽ không còn cơ hội duy trì vai trò “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” như trước nay nữa.
3.
Sau các cuộc biểu tình phản đối những hành động ngang ngược của Trung Quốc, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, thực tế cho thấy, Đảng đã làm nhiều chuyện để hóa giải dư luận Đàng “hèn với giặc”.
Các cuộc thi (thi viết, thi ảnh, thi hùng biện), triển lãm (hình ảnh, tài liệu, hiện vật) về biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, các cuộc vận động (đóng góp tài chính, hỗ trợ vật chất – tinh thần cho những người lính đang trấn giữ biển, đảo), được tổ chức vừa rộng rãi từ trung ương tới địa phương, vừa rầm rộ hướng đến tất cả các giới. Các bài viết có tính chất phê phán Trung Quốc, thông tin mua sắm vũ khí và phương tiện chiến tranh để phòng vệ trên biến – những chủ đề vốn thuộc loại cấm kỵ – xuất hiện ngày một nhiều trên hệ thống truyền thông chính thống. Tất cả những nỗ lực khác thường ấy đều xuất hiện sau tháng 12 năm 2007 – thời điểm xảy ra cuộc biểu tình đầu tiên chống Trung Quốc đụng tới biển Đông của người Việt – và chúng tỷ lệ thuận với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc sau đó.
Quan sát thực tế và trò chuyện với nhiều người, mình có cảm giác rằng, những nỗ lực khác thường của Đảng trong thời gian vừa qua để hóa giải dư luận Đàng “hèn với giặc”, rõ ràng là có tác dụng nhất định, đặc biệt là với cán bộ, đảng viên và công an, quân đội. Trong chừng mực nào đó, vì cảm thấy hình như Đảng chưa hèn tới mức đáng ngại cho tiền đồ của tổ quốc, lợi ích của dân tộc, nhiều người tiếp tục “tọa thủ bàng quan”, đứng ngoài cuộc, tiếp tục để mọi thứ cho “Đảng lo”, giống như các thế hệ cha, anh đã từng chấp nhận để “Đảng lo” theo kiểu: “Bắt phanh trần phải phanh trần. Cho may ô mới được phần may ô”!
Đảng, tất nhiên, luôn muốn như vậy và làm mọi cách để được như vậy nên không ngại xuống tay ngăn chặn, trấn áp, thậm chí bắt giam, kết án bất kỳ ai tự phát cổ vũ cho sự thật vốn dĩ hiển nhiên: “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”. Nhìn lại lịch sử Đảng, mình tin ai cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng, Đảng không bao giờ chấp nhận bất kỳ hình thức tự phát “tụ tập quá đông” nào có thể gây “bất lợi, thậm chí là có thể đảo chiều, cho an ninh chính trị và trật tự xã hội”, đe dọa vai trò “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” của Đảng. Cũng vì vậy, mình tin, ngay cả khi biểu tình tự phát chỉ nhằm cổ vũ: “Việt Nam là của Việt Nam”, Đảng cũng sẽ không nương tay!
Dẫu cho chính đáng, các hành vi tự phát nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng sẽ không bao giờ được Đảng chấp nhận. Việt Nam, từ lâu đã là của riêng Đảng! Nói gì, làm gì, ở đâu, với ai là quyền của Đảng. Tự phát gạt bỏ yếu tố này, đồng nghĩa với tự sát.
Vậy thì có nên để cho “Đảng lo” mọi thứ? Mình nghĩ là không!
4.
Theo hệ thống truyền thông chính thống, vị trí mà cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc “làm đứt”, hôm 30 tháng 11 năm 2012 là 17.26 độ vĩ Bắc và 108.02 độ kinh Đông, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía Đông Nam. Nói cách khác, tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc “làm đứt” cáp khi đang trong khu vực vịnh Bắc bộ.
Tám năm trước, cũng có một sự kiện đặc biệt, từng khiến nhiều người Việt uất nghẹn, xảy ra trong khu vực vịnh Bắc bộ: Sáng 8 tháng 1 năm 2005, con tàu của ông Nguyễn Phi Phường – Chủ nhiệm HTX Đánh cá Hùng Cường (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), đang đánh cá trong khu vực vịnh Bắc bộ thì bị một số tàu Trung Quốc bao vây rồi xả súng bắn. Ông Lê Văn Xuyên – thuyền trưởng vừa phát tín hiệu kêu cứu, vừa lái tàu chạy vào đất liền nhưng giữa đường tàu hỏng máy, 8 ngư dân trên con tàu này bị bắn chết tại chỗ, 8 ngư dân khác (trong đó có hai người bị thương) bị bắt cùng với con tàu của họ. Cũng trong ngày hôm đó, tại vịnh Bắc bộ, phía Trung Quốc còn truy sát thêm ba con tàu đánh cá khác của ngư dân Việt Nam. Chỉ có hai trong số ba con tàu này “bình an, vô sự”. Tuy cũng chạy thoát nhưng con tàu thứ ba, của ông Nguyễn Văn Hoàn, cũng ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, có một thủy thủ bị bắn chết, năm thủy thủ khác bị thương.
Nếu dùng Google Earth, đem so 21 điểm được xác định trong Hiệp định Phân định vịnh Bắc bộ mà Đảng ký với Trung Quốc hồi năm 2000 (2), để dựa vào đó vạch đường phân định vịnh Bắc bộ, với vị trí tàu của ông Nguyễn Văn Hoàn khi bị tấn công (19.16 độ vĩ Bắc, 107.06 độ kinh Đông) thì tàu của ông Nguyễn Văn Hoàn nằm gần điểm 15 (19°16’04″ Bắc, 107°11’23″ Đông) và điểm 16 (19°12’55″ Bắc, 107°09’34″ Đông). Tương tự, vị trí của tàu Bình Minh 02 lúc bị tàu Trung Quốc làm đứt cáp ở gần điểm 21 (17°47’00″ Bắc, 107°58’00″ Đông). Không có con tàu nào của phía Việt Nam lấn sang phía bên kia đường phân định. Trong cả hai vụ, chỉ có tàu Trung Quốc lấn sang phần biển thuộc phía Việt Nam. Tuy nhiên, xem thêm… Hiệp định Hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc bộ mà Đảng ký với Trung Quốc năm 2000 (3) thì… tàu Trung Quốc có thể làm điều đó!
Năm 2011, sau khi nghiên cứu Hiệp định Phân định vịnh Bắc bộ, Tiến sĩ Dương Danh Huy – thành viên Qũy Nghiên cứu biển Đông, công bố bài “Nhìn lại Hiệp định Vịnh Bắc Bộ sau 10 năm”. Ông nhận định, quan điểm cho rằng hiệp định này công bằng hơn Công ước Pháp Thanh 1887 là chưa thuyết phục. Các điểm để vạch đường phân định, từ 9 đến 18 đều có xu hướng lấn sang phía Việt Nam từ 3 đến 27 hải lý!
Ít ai hiểu tại sao vì Đảng không giải thích. Đây là hệ quả của chuyện để “Đảng lo” mọi thứ. Dẫu thế, theo mình, vẫn không nên dựa vào đó để nhận định Đảng sợ Trung Quốc và trở thành hèn.
Cho dù thực tế quan hệ Việt – Trung là một sự thóa mạ “tinh thần 4 tốt” và “16 chữ vàng” nhưng mới đây, thay mặt Đảng, tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa khẳng định thêm một lần nữa rằng, sự “tương đồng ý thức hệ” là “di sản quý báu hàng đầu mà Việt Nam và Trung Quốc cùng có”. Sự tương đồng ấy giúp Đảng kiên trì đeo đuổi “chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình” để giữ cho bằng được sự “ổn định chính trị”. Trung Quốc có thể là kẻ thù đối với tiền đồ tổ quốc, vận mệnh dân tộc nhưng với Đảng, Trung Quốc là “một người bạn XHCN rất lớn ở sát bên cạnh” (6).
Viết tới đây, mình chợt nhớ đến trường hợp Phạm Thanh Nghiên, một cô gái sống ở Hải Phòng. Tháng 9 năm 2008, Phạm Thanh Nghiên bị bắt vì “Tuyên truyền chống nhà nước XHCN”. Lúc đầu, cơ quan điều tra xác định Nghiên “Tuyên truyền chống nhà nước XHCN” vì cô… tọa kháng tại tư gia với băng rôn “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Phản đối công hàm bán nước 14/9/1958”. Đến khi ra tòa, tuy Viện Kiểm sát rút lại cáo buộc về hành vi này nhưng Phạm Thanh Nghiên vẫn bị kết án 4 năm tù vì đã viết – phổ biến bài “Uất ức biển ta ơi!” (5).
Trong “Uất ức biển ta ơi!”, Phạm Thanh Nghiên kể về cuộc gặp những nhân chứng là ngư dân huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị Trung Quốc truy sát, bắt giữ hôm 8 tháng 1 năm 2005 ở vịnh Bắc bộ. Theo đó, hai ngư dân trên con tàu của ông Nguyễn Phi Phường, bị thương, được phía Trung Quốc “làm sống” (khoét thịt lấy đạn, khâu vết thương không có thuốc tê, thuốc mê) sau khi bị bắt. Theo đó, khi đến gặp cả 8 ngư dân, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, khuyên họ thế này: “Cố gắng cải tạo cho tốt, đừng cãi lời người ta. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa các anh về trước Tết”. “Uất ức biển ta ơi!” còn kể thêm về thảm cảnh của những người mẹ, người vợ, con cái các nạn dân đã thiệt mạng rồi kết luận: “Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã gây nợ xương máu với người Việt Nam! Cùng với việc để mất Hoàng Sa, mất nhiều đảo ở Trường Sa, mất hàng vạn cây số vuông ở biên giới phía Bắc, ở vịnh Bắc bộ, mất sinh mạng của con dân trên biển, chính quyền cộng sản Việt Nam nợ nhân dân Việt Nam lòng ái quốc!”.
Khi Đảng vẫn muốn “có sự ủng hộ của Trung Quốc”, muốn “hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc” vì điều đó “vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam” thì Phạm Thanh Nghiên không thể vô tội. Chưa ai biết diện mạo của CNXH tròn méo thế nào nhưng Việt Nam còn xây dựng CNXH thì Đảng còn cơ hội duy trì vai trò “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”! Nghiên phải vào tù vì cô chỉ ra sự bất cập nếu để “Đảng lo” mọi thứ.
5.
Vài ngày qua, nhiều người bày tỏ cả sự cảm động lẫn hoan hỉ trước hình ảnh ông Đặng Công Ngữ – Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa cúi đầu trước những người đã dũng cảm đối mặt với các chiến hạm Trung Quốc đến cướp Hoàng Sa năm 1974. Giống như nhiều người, mình cũng thấy hành động của ông Ngữ là cần và đáng trân trọng nhưng chừng đó đã đủ? Chắc chắn là không. Nó chỉ như một giọt hy vọng, giảm bớt vị đắng trong chén oan nghiệt.
Nếu vẫn nghĩ Đảng hèn, thỉnh thoảng, chúng ta sẽ nhận được một giọt hy vọng như thế. Sau đó, dù không muốn, chúng ta vẫn phải tiếp tục húp cho hết chén oan nghiệt ấy, vừa húp, vừa hy vọng sẽ có lúc được ngưng.
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét