Pages

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

TQ 'bắn tin' về bãi cạn ở Trường Sa



Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói tình hình ở Hoàng Nham đã ổn định trong lúc vẫn khẳng định chủ quyền tuyệt đối của Trung Quốc tại đây

Trung Quốc bày tỏ hy vọng tình hình quanh bãi cạn Hoàng Nham ở Trường Sa “sẽ ổn định và không có thêm xung đột”, theo Bộ Ngoại giao từ Bắc Kinh được Tân Hoa Xã trích thuật hôm 28/1/2013.

Đây là phản ứng mới nhất từ Bắc Kinh kể từ sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc qua lời phát ngôn viên Hồng Lỗi “bác bỏ” chuyện Philippines đưa tranh chấp biển đảo ra trọng tài quốc tế.

Nay cũng chính ông Hồng Lỗi nói "tình hình ở đảo Hoàng Nham đã ổn định và Trung Quốc hy vọng không có thêm xung đột về vấn đề này".

Hoàng Nham là tên của Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough ở Trường Sa, địa điểm từng có căng thẳng lên cao hai bên trong năm qua.

Phát biểu của ông Hồng Lỗi được nêu ra sau khi có tin Tổng thống Philippines, Benigno S. Aquino III nói ông không thể cho phép phía Trung Quốc "đòi chủ quyền thực tiễn" tại Hoàng Nham.

Ngăn Trung Quốc lấn tiếp?

Lãnh đạo Philippines nói rằng làm như thế sẽ khiến Trung Quốc lấn sang khu vực bãi Cỏ Rong, tức Reed Bank.

Cùng lúc, ông Hồng Lỗi tái khẳng định cả Hoàng Nham và Nam Sa (Trường Sa), thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Hôm 22/1/2013, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario công bố ở Manila rằng nước ông quyết định mang tranh chấp quanh Bãi cạn Scarborough và Đường lưỡi bò của Trung Quốc ra trọng tài quốc tế.

Bãi Hoàng Nham là nơi chứng kiến nhiều va chạm giữa hải giám Trung Quốc với tàu bè của Phillipines năm ngoái

Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh khu vực từ Canberra, Úc đánh giá hôm 23/1 thì ý nghĩa to lớn đầu tiên của quyết định khiếu kiện nói trên là phản kháng lại chủ trương tuyệt đối không quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc.

"Trung Quốc có 30 ngày để phản hồi," - ông Thayer giải thích.

"Ngay cả khi Trung Quốc không có phản hồi gì, thì tòa án trọng tài vẫn có thể được thiết lập theo quy tắc của UNCLOS."

Tất nhiên, tòa án này sẽ phải cân nhắc tất cả các yêu cầu, như khiếu nại của Philippines có cơ sở pháp lý hay không, UNCLOS có thẩm quyền pháp lý với các khiếu nại đó không...

"Thế nhưng một khi các yêu cầu trên được thỏa mãn, thì tòa có thể tiến hành mà không cần phải có sự tham gia của Trung Quốc," theo Giáo sư Thayer.

Quyết định của Philippines được cho là buộc Trung Quốc phải lên tiếng, và theo luật quốc tế, Trung Quốc không được dùng vũ lực chừng nào tranh chấp bằng con đường khiến kiện chưa được giải quyết hết.

(BBC)

Không có nhận xét nào: