Mỹ đồng ý bán trực thăng Apache cho Indonesia (09/2012)
DR
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, vùng Đông Nam Á trở nên thu hút giới đầu tư vì có tiềm năng kinh tế to lớn. Bên cạnh đó, khu vực này còn là một thị trường béo bở đối với các nhà kinh doanh vũ khí. Bàn về chủ đề này, trang phân tích địa chính trị của nhật báo Le Monde có bài chạy tựa : «Đổ xô tìm vũ khí tại châu Á ».
Theo tờ báo, ngân sách quốc phòng của một số nước trong khu vực, dù ít, thu hút sự chú ý hơn là của anh bạn láng giềng Trung Quốc, nhưng nếu xét về tốc độ gia tăng thì không thua kém. Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Luân Đôn (IISS) đã công bố bảng thống kê thường niên về chi phí quốc phòng của các nước. Theo đó, Singapore, Thái Lan và Indonesia nằm trong số 10 nước châu Á chi cho quốc phòng nhiều nhất. Trong giai đoạn 2010-2011, ngân sách quốc phòng của Thái Lan và Indonesia tăng trên dưới 5%. Con số này tại Trung Quốc là 6,8%.
Dự phóng cho năm 2013, ngân sách quốc phòng của Indonesia có thể tăng đến 18%, đạt mức 8,1 tỷ đô la. Philippines cũng tăng tốc : Năm 2013, ngân sách quốc phòng nước này có thể lên đến 2,8 tỷ đô la, tăng 12,5% so với năm 2012. Hồi tháng 12/2012, Philippines đã thông quan một luật mới về hiện đại hóa quân đội trong 15 năm tới, trong đó ưu tiên dành cho hải quân và không quân.
Theo một chuyên gia về Đông Nam Á, một trong những ngòi nổ khiến Philippines phải tăng nhanh ngân sách quốc phòng, đó chính là cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Chuyên gia này cho biết thêm, trong 5 năm tới, Phlippines dự định tậu thêm nhiều khí tài, trong đó đáng chú ý là 12 máy bay chiến đấu, một tàu khu trục.
Trong bối cảnh đó, các cường quốc bắt đầu tăng cường chính sách hướng về khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ngoài Mỹ, Úc cũng đã khẳng định chính sách hướng đông của mình. Một quan chức lãnh đạo quân đội Úc cho biết, quân đội nước này sẽ rút khỏi Afghanistan, khu vực đảo Salomon và Đông Timor, và dự định sẽ tăng cường hợp tác với Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.
Tham vọng của Trung Quốc : Nguyên nhân bất ổn
Le Monde nhận định, tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông và sự căng thẳng đang gia tăng nhất là với Việt Nam và Philippines, chính là nguyên nhân chính của « cuộc chạy đua vũ trang » này. Một trong những đặc điểm nổi bật của cuộc đua là các nước thi nhau tậu tàu ngầm.
Tờ báo nhắc lại, từ giữa những năm 1990, Singapore đã bắt đầu trang bị tàu ngầm do Thụy Điển sản xuất. Đến hiện tại, nước này đã có 5 tàu ngầm tấn công. Malaysia cũng đã mua hai chiếc Scorpène của Pháp. Liên quan đến Việt Nam, Le Monde cho biết, hồi năm 2009, Hà Nội đã đặt mua của Nga 6 chiếc tàu ngầm với giá 2 tỷ đô la, trong đó 2 chiếc đầu tiên sẽ được giao vào tháng 8/2013. Indonesia thì đang sở hữu hai tàu ngầm « made in » Hàn Quốc.
Le Monde cảnh báo : Khu vực biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là một tuyến đường huyết mạch của giao thương hàng hải thế giới, vì thế, sự có mặt ngày càng nhiều của các tàu ngầm trong khu vực này làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực vốn đã có nhiều căng thẳng. Tình hình càng đáng lo ngại hơn khi mà, dù khối ASEAN đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến hiện tại vẫn chưa có một khung pháp lý nào để đề phòng xảy ra xung đột trong khu vực.
Bắc Triều Tiên : Bắc Kinh ngày càng xa Bình Nhưỡng ?
Bắc Triều Tiên : Bắc Kinh ngày càng xa Bình Nhưỡng ?
Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo Les Echos nhìn sang bán đảo Triều Tiên với bài viết : «Căng thẳng xung quanh Bắc Triều Tiên ».
Mở đầu bài viết, tác giả đã mỉa mai cho rằng, Bắc Triều Tiên được xem là « bậc thầy khiêu khích ». Nước này cũng vừa lên tiếng đe dọa trả đũa Hàn Quốc nếu Seoul dám ủng hộ các biện pháp trừng phạt miền bắc vừa được Liên Hiệp Quốc thông qua. Trong lời đe dọa, miền bắc đã gọi chính quyền Seoul là « nhóm bù nhìn phản bội ».
Lệnh trừng phạt nói trên của Liên Hiệp Quốc là để đáp lại việc Bắc Triều Tiên cho thử tên lửa hồi giữa tháng 12 rồi. Les Echos lấy làm tiếc khi cho rằng, đáng lẽ sự việc chỉ dừng ở đó, tức là một bên thử tên lửa và một bên tuyên bố trừng phạt, thế nhưng Bắc Triều Tiên lại có thể sắp tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân nữa. Các chuyên gia dự phóng khả năng này là hiện hữu, vì theo như hai lần thử hạt nhân hồi năm 2006 và 2009 cũng là động thái của Bắc Triều Tiên nhằm phản ứng lại lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Về thời gian tiến hành vụ thử hạt nhân sắp tới, theo các chuyên gia, có thể sẽ diễn ra vào tháng 02/2013. Đây là tháng mà tại Hàn Quốc, tổng thống mới sẽ chính thức nhậm chức. Đặc biệt, ngày 16/02 lại là sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, đồng minh gần như duy nhất của chế độ Bình Nhưỡng là Trung Quốc lại vừa lên tiếng cảnh báo. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo thuộc Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc không ngại tuyên bố : «Nếu Bắc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân nữa thì Trung Quốc sẽ không ngần ngại giảm viện trợ cho chế độ Kim Jong-un ». Les Echos nhận định, hiếm khi nào Trung Quốc cảnh báo Bắc Triều Tiên như vậy.
Ai Cập : Đất nước vẫn chìm trong bất ổn !
Hai năm sau khi chế độ bị cho là độc tài của cựu tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, hiện tại, ở Ai Cập, bất ổn vẫn hoàn bất ổn. Nhật báo Le Figaro đặc biệt chú ý đến hồ sơ này, và có bài nhận định về sự thất trách của đương kim tổng thống Ai Cập ông Mohamed Morsi.
Tờ báo nhắc lại, tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, nơi xuất thân của ông Morsi, đã hứa sẽ tiến hành một chiến dịch mang tên : « Chúng ta cùng nhau xây dựng Ai Cập », thế mà cuối tuần này, điều hoàn toàn ngược lại đã diễn ra. Ai Cập ngày càng lún sâu trong bất ổn với việc các bên có liên quan triền miên xuống đường để phản đối hoặc để ủng hộ Morsi. Các xung dột đã diễn ra, xung đột giữa người biểu tình với nhau, xung đột giữa người biểu tình với lực lượng an ninh.
Mới thứ Sáu này, các cuộc biểu tình tại Cairo, Alexandrie, Suez và Ismailia, lúc đầu có vẻ ôn hòa, nhưng sau đó đã nhanh chóng biến thành các vụ xô sát với lực lượng an ninh. Người biểu tình đã tấn công đốt trụ sở một văn phòng thuộc phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo. Hậu quả là 9 người chết và hàng trăm người bị thương.
Rồi hôm thư Bảy, sau khi công bố án tử hình đối với 21 bị cáo của vụ xung đột trên sân cỏ hồi năm ngoái tại sân vận động Port-Said, một làn sóng bạo lực đã ập đến thành phố duyên hải này, với 33 người thiệt mạng trong xung đột. Hôm qua, đoàn người đưa tang những người bị thiệt mạng hôm trước đã bị tấn công bằng súng và hơi cay. Một blogger tại Ai Cập đã phẫn nộ thốt lên trên Facebook : « Có gì khác biệt giữa Assad và Morsi ? Họ tấn công cả các đám tang ».
Đánh giá tình hình hiện tại ở Ai Cập, một giáo sư ở Cairo cho rằng : «Hai năm sau cách mạng, chúng ta đang lâm vào một kịch bản tồi tệ nhất của tiến trình chuyển tiếp chính trị … Trật tự công cộng đang xuống dốc, Nhà nước pháp quyền đang rời rã, chính quyền mới không có khả năng điều hành đất nước ». Một nhà đấu tranh tại Ai Cập lên án : « Ông ấy (Morsi) đã làm chia rẽ đất nước ».
Theo nhiều chuyên gia, tình hình bất ổn hiện tại cho thấy tổng thống Morsi đã thất bại trong việc xác lập sự đồng thuận xung quanh ông, và trong việc cải tổ các thể chế do chế độ cũ để lại. Sự thiếu đồng thuận là đến từ việc mất lòng tin đối với ông Morsi. Mà sự mất lòng tin lại là do việc ông Morsi hồi cuối năm rồi đã ban hành một sắc lệnh thâu tóm quyền lực.
Chiếu tối qua, tổng thống Morsi đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia để ban hành lệnh thiết lập tình trạng khẩn cấp thời hạn 30 ngày ở Suez, Port-Said và Ismailia. Biện pháp này sẽ kèm theo lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Thế nhưng, tờ báo cánh hữu Pháp đánh giá, hiện tại không có gì cho thấy biện pháp nói trên có thể giúp mang lại sự bình yên.
Diễn đàn Davos 2013 : Khủng hoảng đã kết thúc ?
Diễn đàn Davos 2013 : Khủng hoảng đã kết thúc ?
Diễn đàn kinh tế Davos 2013 đã bế mạc hôm qua, Chủ nhật ngày 27/01/2012. Nhìn về diễn đàn này, Le Figaro đăng bài phân tích : «Diễn đàn Davos 2013 đã quyết định chôn vùi khủng hoảng tài chính ».
Tờ báo cho biết, diễn đàn Davos 2013 với 2500 nhà lãnh đạo kinh tế tham gia, đã kết thúc trong không khí nhẹ nhõm bao trùm. Nhiều lời hoa mỹ đã được thốt ra từ miệng của các gương mặt cộm cán trên trường kinh tế thế giới.
Lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs lạc quan : «Điều xấu nhất đã kết thúc, đây là lần đầu tiên tôi nói như vậy ». Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Pierre Moscovici thì nhận thấy tương lai đang gợi mở dựa vào lĩnh vực sản xuất và việc tăng khả năng cạnh tranh, khi ông nói : «Khả năng sản xuất và cạnh tranh sẽ trở thành nguyên tắc chỉ đạo số một thay cho vòng lẩn quẩn của nợ công ». Thủ tướng Ý Mario Monti cũng chia sẻ quan điểm này khi cam kết : «Nhiệm vụ của tôi là xây dựng ở Ý và ở châu Âu một nền kinh tế xã hội có khả năng cạnh tranh cao».
Tờ báo cho biết thêm, nguyên thủ các nước châu Âu đã đến tham dự đông đảo và đã có những thay đổi quan trọng. Như việc thủ tướng Đức Angela Merkel đã có đồng thuận với thủ tướng Anh David Cameron trên hồ sơ đàm phán hiệp định tự do mậu dịch với Hoa Kỳ.
Thế nhưng, mừng vẫn mừng mà lo thì vẫn lo, bởi khó khăn vẫn còn nhiều lắm. Vấn đề cốt lõi nhất, đó là cải tổ mang tính cấu trúc ở các nước châu Âu vẫn chưa được tiến hành hiệu quả. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên khối euro « tiến hành các cải tổ trong cấu trúc hệ thống để tăng cường khả năng cạnh tranh ».
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde tỏ ra cẩn trọng khi nói : Tình hình đang rất mong manh. Thế nhưng, theo bà, đó là một nguy cơ, nhưng cũng là cơ hội để cho các nước tiến hành cải tổ cấu trúc. Bên cạnh đó, thất nghiệp cũng sẽ là một hồ sơ hóc búa mà các nước phải hết sức chú ý. Như tại Tây Ban Nha, thất nghiệp trong lớp trẻ đã lên đến mức báo động đỏ.
Diễn đàn Davos lần này còn tiếp tục chú ý đến việc trọng tâm kinh tế thế giới đã thay đổi, nó không còn ở phương Tây nữa. Một chuyên gia Singapore bàn về việc này với lời lẽ cay đắng : « Đáng tiếc, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ không nói cho người dân của họ biết là thời thế đã đổi thay ». Một minh chứng cho sự đổi thay đó : Từ năm 2007 đến nay, trong khi các nước từng được cho là « tiên tiến » phải vất vả lắm mới ổn định được sản xuất, vậy mà GDP của các nước mới nổi đã tăng đến 30%, còn ở Trung Quốc thì tăng đến 60%.
Tóm lại, niềm lạc quan có vẻ mang tính động viên lẫn nhau nhiều hơn, bởi vì ngoài những điều đã đề cập ở trên, Davos 2013 không có thông cáo chung chính thức, không có số liệu thăm dò chính thức để thuyết phục mọi người.
Quân Pháp tại Mali : Khó khăn chỉ mới bắt đầu
Báo chí Pháp hôm nay tiếp tục có nhiều bài phản ánh tình hình chiến sự tại Mali. Le Figaro dành trang nhất chạy tựa báo hỉ : « Quân Pháp tiến sát Tombouctou ».
Tờ báo cho biết, sau khi giải phóng Gao vào hôm thứ Bảy, tối hôm Chủ nhật, quân Pháp đã tiến sát thành phố Tombouctou. Thế nhưng, bên cạnh chiến thắng đó, tờ báo nêu lên nhiều thử thách qua bài xã luận cũng đăng trên trang nhất.
Tờ báo cho biết, giai đoạn I của quân đội Pháp là ngăn chặn quân Hồi giáo tiến về Bamako, giai đoạn II là chiếm lại khu vực dòng sông Niger và giải phóng các thành phố dọc con sông này. Các nhiệm vụ đã có kết quả tích cực. Đến hiện tại, quân Hồi giáo cực đoan đang co cụm lại ở vùng sa mạc.
Tuy vậy, tờ báo cho rằng, còn xa để tuyên bố chiến thắng bởi còn nhiều thử thách đang chờ đợi. Thứ nhất, là quân đội Pháp phải cư xử làm sao để không bị xem là « lực lượng chiếm đóng ».
Thứ hai, sau khi tiếp quản các nơi đã giành chiến thắng, quân đội Pháp phải làm sao đào tạo hiệu quả quân đội Mali, làm sao hạn chế tối đa các hành động trả thù trước hiện tượng các quân nhân địa phương muốn trả thù những ai bị nghi ngờ đã từng cấu kết với quân khủng bố. Trên hồ sơ này, nếu để xảy ra sơ suất, thì theo tờ báo, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của quân đội Pháp. Kế đến đó là những khó khăn trong trận chiến sắp tới khi nó diễn ra trên sa mạc.
Trong bối cảnh đó, Le Figaro cho rằng, trong khi tấn công quân nổi dậy thì cũng nên mở ra một lối đi cho giải pháp chính trị. Mục đích là làm sao « cho người Touareg có một chọn lựa khác hơn là chọn lựa liên kết với Al Qaida ».
Tờ báo nhận định, hai yếu tố then chốt quyết định chiến thắng của quân đội Pháp tại Mali là tốc độ hành động và phương tiện hành động. Bàn về phương tiện thì tờ báo tỏ ra bi quan, vì những chiến thắng ban đầu của quân đội Pháp chỉ « gây ấn tượng cho một cộng đồng quốc tế có sức tập hợp kém ». Tức là, trong giai đoạn này, đều cần thiết nhất đó là Pháp cần những sự hỗ trợ vững chắc. Thế nhưng, các nước đồng minh của Pháp vẫn luôn do dự. Tờ báo cho hay, Mỹ có lẽ đã hiểu được tầm quan trọng của vấn đề, và mong rằng « tấm gương đó sẽ được các nước đồng minh khác làm theo ».
Tóm lại, tình hình hiện tại của quân đội Pháp tại Mali cũng giống như tựa đề của bài xã luận nói trên : « Khó khăn chỉ mới bắt đầu ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét