Pages

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp dựa trên nền tảng nguyên lý nào?



Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến bản dự thảo Hiến Pháp đề nghị của đông đảo trí thức mà báo giới nước ngoài xem như một hình thức "cách mạng mềm" trong chính trường Việt Nam.
AFP PHOTO
Một bức tranh cổ động kêu gọi người dân Phát huy quyền làm chủ, ảnh chụp hôm 19 tháng 05 năm 2011 tại Hà Nội.

Phản ánh nguyện vọng nhân dân?

Bản dự thảo Hiến Pháp do giới trí thức đề nghị xuất hiện ngay sau khi ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc Hội Việt Nam tuyên bố "không có vùng cấm" nào đối với việc góp ý của toàn dân về việc tu chính Hiến pháp năm 1992.

Nói chung, bản dự thảo Hiến pháp của giới trí thức đề nghị bỏ lời nói đầu của bản Hiến pháp VN 1992 vì nó mang "tính chất vi hiến" là bị áp đặt dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, chứ không thực sự phản ánh nguyện vọng nhân dân; đề nghị bỏ tên nước hiện hành "CHXHCN Việt Nam "; đổi thể chế Chủ tịch sang Tổng thống chế; cho các đảng phái đối lập đúng nghĩa tham chính; bảo vệ quyền làm người; tôn trọng sở hữu tư nhân về đất đai; "rạch ròi" tam quyền phân lập; lực lượng võ trang phải bảo vệ đất nước, nhân dân, chứ không phải trung thành với đảng CS; cho trưng cầu dân ý về Hiến pháp... Còn về Điều 4 Hiến Pháp, ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước TP HCM, người ký tên trong bản kiến nghị dự thảo hiến pháp vừa nói, cho biết:

Tôi thấy rằng họ có thể ghi những điều mà dự thảo yêu cầu, nhưng nếu Điều 4 còn thì nó sẽ phủ định hết tất cả.
Ô. Huỳnh Kim Báu
“Tôi thấy rằng họ có thể ghi những điều mà dự thảo yêu cầu, nhưng nếu Điều 4 còn thì nó sẽ phủ định hết tất cả. Vì họ độc quyền lãnh đạo mà nếu họ ghi những điều đó đồng thời với Điều 4 thì Điều 4 sẽ phủ định hết tất cả những gì thay đổi.”
Qua bài "Hành trình Hiến pháp Việt Nam dưới góc nhìn khoa học", tác giả Trần Xuân Hoài nhận xét rằng tính cho tới giờ, không kể thời Trung cổ, đã có 3 bản tuyên ngôn xã hội phổ biến nhất mà các xã hội loài người dựa vào đó làm nền tảng Hiến pháp, đó là Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776, Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền Pháp 1791 và Tuyên ngôn CS 1848.
Liên quan vấn đề hiến pháp VN, theo GS Trần Xuân Hoài, thì bản Tuyên ngôn độc lập mà ông Hồ Chí Minh tuyên bố ở Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945 là bản tuyên ngôn xã hội chính thức duy nhất của VN cho đến nay, qua đó đưa những tiên đề xã hội của Tuyên ngôn độc lập Mỹ lên ngay dòng đầu của bản Tuyên ngôn độc lập Việt Nam:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyên Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Tuyên ngôn độc lập Việt Nam đã khẳng định: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”
HP19929999-200.jpg
Bìa sách Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992. Photo courtesy of chinhphu.vn
GS Trần Xuân Hoài nhận xét rằng trong gần 70 năm "hành trình" của Hiến pháp XHCN Việt Nam với các tiêu đề xã hội như bản Tuyên ngôn độc 1945 đã khẳng định thì " các quyền hiển nhiên như Độc lập, Tự do, Bình đẳng, Dân chủ là những điều khắc sâu trong lòng Việt Nam tất phải thể hiện thành lời trong Hiến pháp Việt Nam vì Hiến pháp là văn bản pháp lý tối cao, với kỳ vọng là được bắt nguồn từ những lẽ phải không ai chối cãi được". Nhưng "riêng 'Dân chủ' trong hành trình hiến pháp Việt Nam có sự biến đổi bất thường nhất. Trong các phiên bản ban đầu, 1946, 1960, phạm trù này được nhấn mạnh nhiều, sau đó thì giảm mạnh". Vấn đề là, theo GS Trần Xuân Hoài, cơ sở xây dựng hiến pháp phải vì quyền lợi của toàn dân, hiến pháp phải thực sự của toàn dân, phải được toàn dân chấp nhận; "Khi Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở những lẽ phải không thể chối cãi được, thì việc chấp thuận của toàn dân là một lẽ tự nhiên. Còn khi cơ sở là những lý lẽ dễ bị chối cãi, dù cho Hiến pháp đó bằng cách này hay cách khác tuyên bố được nhân dân chấp thuận, thì đó chỉ là sự áp đặt khiên cưỡng. Một Hiến pháp như vậy chỉ là hình thức, chỉ để tuyên truyền và tất nhiên không thể thực thi làm nền tảng cho sự phát triển hài hòa, bền vững và thịnh vượng cho quốc gia, dân tộc".

Nghệ thuật phù phép ngôn từ

TS Hà Sĩ Phu nhận thấy "những gợi ý nhẹ nhàng và khách quan" của tác giả Trần Xuân Hoài "khiến ta dễ dàng đạt tới những nhận thức vô cùng thú vị", đó là:
1/ Tần suất những chữ "Độc lập”, “Tự do”, “Bình đẳng” thì tương đối ổn định. Riêng từ “DÂN CHỦ” được nhấn mạnh trong Hiến pháp 1946, nhưng sau đó thì liên tục “giảm mạnh” ! Đúng là Nhân quyền bị “teo dần trong Hiến pháp”.
2/ Theo thời gian, sự giảm dần của yếu tố Dân chủ lại tương ứng với sự tăng dần của yếu tố Cộng sản và Chuyên chính...

Nếu ngay cả Hiến pháp cũng chỉ là bàn để cho vui thì không có cái gì trên đời này có thể được coi trọng.
GS Hà Văn Thịnh
3/ Sự định danh lại vào Hiến pháp 1980 từ nhà nước dân chủ sang nhà nước CHUYÊN CHÍNH, là một bước ngoặt lớn, hiếm có quốc gia nào có được sự tự định danh chính thức là nhà nước CHUYÊN CHÍNH như Hiến pháp 1980 của nước ta. Từ một Hiến pháp năm 1946 dựa trên những tiên đề “không ai có thể bác bỏ” đã du nhập thêm những tiên đề rất dễ bị bác bỏ, nhiều người muốn bác bỏ. Càng củng cố được quyền lực, sự Chuyên chính càng bộc lộ một cách trực diện, ngang nhiên và được pháp chế hóa thẳng thừng.
4/ Chuyên chính tăng lên thì Dân chủ giảm đi là dễ hiểu, nhưng lạ một điều càng Chuyên chính thì Hiến pháp càng tô rõ thêm hai chữ Nhân dân...
TS Hà Sĩ Phu viện dẫn một bài báo trong tờ Quân đội nhân dân tựa đề " Đừng nhầm lẫn từ 'nhân dân' trong Hiến pháp" để hiểu ngay rằng chỉ có những người đi theo đảng CS làm cách mạng mới được giới cầm quyền cho là "nhân dân", "nhân dân phải mang tính giai cấp". Nghĩa là, theo TS Hà Sĩ Phu, các khái niệm "dân chủ" và "nhân dân " đã bị đánh tráo, và hai chữ "độc tài" nghiễm nhiên hiện diện trong Hiến pháp qua hai chữ "chuyên chính" của Trung Quốc, do "nghệ thuật phù phép ngôn từ", trong khi việc nhập nhằng giữa khái niệm "nhà nước" với "chính quyền"; "quyền con người" với "quyền công dân"; "quyền độc lập của một dân tộc" với "quyền độc lập của mỗi cá nhân"...cũng là một "thủ thuật pháp lý láu cá". Và TS Hà Sĩ Phu khẳng định "chừng nào việc soạn thảo và quyết định Hiến pháp còn do một tập thể mà tuyệt đại đa số (trong tập thể ấy) là người của một phe, một đảng thì… xin đừng tranh biện làm gì cho hoài công!
000_Hkg4448557-250.jpg
Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Nhân chuyện sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, GS Hà Văn Thịnh đề cập "Vài nét về Hiến pháp Mỹ", lưu ý tới bậc tổ tiên của nhà nước Mỹ "đoan quyết rằng phải thành lập một mô hình nhà nước hoàn toàn mới, không giống với bất kỳ ai; và, quan trọng nhất, nó phải là nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Sáu chữ đó là sáu chữ vàng bởi nó trở thành nền tảng, cội nguồn, nguyên tắc bao trùm mọi nguyên tắc trong suốt quá trình soạn thảo Hiến pháp (của Hoa Kỳ)". Nhìn chung, theo GS Hà Văn Thịnh, Hiến pháp Mỹ hình thành trên cơ sở "định hướng tìm tới sự hoàn hảo cụ thể; được cụ thể hóa thành nhiều nguyên tắc lập pháp, chẳng hạn như:
-Tạo dựng nền tảng Hiến pháp trường tồn bằng cách khẳng định rõ những điều không bao giờ thay đổi như "quyền tư hữu là thiêng liêng bất khả xâm phạm; quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc; quyền người dân ủy nhiệm cho chính quyền, nhân dân có quyền bầu và bãi nhiệm chính quyền đó...".  Còn những điều có thể thay đổi thì Hiến pháp dự trù các khoản bổ sung gọi là "Tu chính án".
-Nhân dân Mỹ chọn mô hình nhà nước tam quyền phân lập giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Tòa án hoàn toàn độc lập, không bị bất kỳ áp lực nào. Nhưng cũng có thiết chế cho người dân được quyền giám sát, quyết định về phán quyết của tòa, chẳng hạn dưới hình thức Bồi thẩm đoàn.
-Thiết lập cơ chế ngăn chận mọi ý đồ thao túng và sửa đổi Hiến pháp với "mưu đồ lạm quyền" của thiểu số cầm quyền. Theo nguyên tắc này, quyền tham gia của mọi công dân là tối hậu.
-Mỗi đảng phái, trước Hiến pháp, chỉ là một tổ chức công dân, chịu sự điều chỉnh của luật pháp.v.v...
Nói chung, theo nhận xét của GS Hà Văn Thịnh, mô hình nhà nước Mỹ - nhà nước hiện đại đầu tiên trong lịch sử loài người - "chưa thể tìm thấy sự đối sánh nào khả dĩ hiệu quả hơn, đó là mô hình nhà nước chưa hề có tiền lệ, với bản Hiến pháp, cho đến nay, là độc nhất vô nhị, trường tồn, bất chấp sự thay đổi về thời gian và không gian". Thế còn VN thì sao? GS Hà Văn Thịnh mong mỏi rằng:
“Việc lấy ý kiến đó không phải là chuyện hình thức, bởi một sự thật giản dị: Nếu ngay cả Hiến pháp cũng chỉ là bàn để cho vui thì không có cái gì trên đời này có thể được coi trọng! Một bản Hiến pháp khoa học, nhân văn, phù hợp ý nguyện của toàn dân, xu thế của mọi thời đại, chắc chắn là nguyên tắc, điều kiện đầu tiên cho sự phát triển vững bền...”
Qua bài "Hiến pháp là nền tảng, còn nền tảng hiến pháp (thì sao) ?", TS Nguyễn Sỹ Phương lưu ý tới hiến pháp của các quốc gia Hồi giáo đều dựa trên nền tảng kinh Koran, với 3 chủ thể: Vai trò lãnh đạo tinh thần thuộc giáo chủ; nhà nước quyết định mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa...; người dân có bổn phận phải chấp hành, được củng cố bằng tín điều Hồi Giáo trong kinh Koran.
Trong khi nền tảng Hiến pháp Hoa Kỳ thì chính người dân chứ không phải ai hết là chủ nhân thực sự của đất nước, có toàn quyền định đoạt Hiến pháp.
Và TS Nguyễn Sỹ Phương nêu lên câu hỏi " Vậy Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ta hiện nay dựa trên nền tảng nguyên lý nào? Nguyên lý đó đã thực sự xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân không ?"
Thanh Quang xin cảm ơn và kính chào tạm biệt quý vị.

Không có nhận xét nào: