Pages

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Đánh cá giữa vùng tranh chấp



Lý Xuân Vượng hiểu rõ nguy hiểm của Biển Nam Trung Hoa (South China Sea) hơn đa số người khác.
Khi còn trai tráng, ông từng đi đánh cá mập và có khi ở trên biển suốt ba tháng. Nhưng nay người đàn ông 50 tuổi nói vùng biển này là nơi nguy hiểm nhất ông từng gặp.

“Một con thuyền lớn thế này tốn nhiều tiền lắm và tôi không muốn để mất nó.”
“Chúng tôi sợ ra biển mà không có bảo vệ,” ông kể khi đứng trên chiếc thuyền gỗ 30 mét ở cảng Đàm Môn.

Thuyền trưởng Lý là người dạn dày chinh chiến trong các đợt va chạm gia tăng trên Biển Nam Trung Hoa dính líu nhiều nước châu Á.
Với một phần ba lượng tàu thủy thế giới qua lại, Biển Nam Trung Hoa có tầm quan trọng chiến lược.
Nhưng các tranh chấp lãnh thổ đang ngày càng nóng vì tiềm năng dự trữ dầu và khí đốt to lớn cũng như bãi cá giàu có.
Các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền với các tảng đá, bãi đá ngầm và đảo.
Nhưng các tranh chấp gia tăng này có nghĩa là các ngư dân ở Đàm Môn cần ra nơi đầu sóng ngọn gió để kiếm sống.
Năm năm trước, thuyền trưởng Lý nói con tàu của ông bị giới chức Malaysia bắt giữ theo sau một vụ đối đầu. Ông kể mình ở trong trại giam năm tháng.
Thuyền trưởng mua một con tàu khác và lại ra khơi.
Trong vụ mới nhất hồi năm ngoái, ông nói tuần duyên Việt Nam đã tấn công đoàn tàu của ông.
“Tàu Việt Nam cố tình đánh chìm một tàu nhỏ của chúng tôi,” ông nói. “Tôi đang ở trong hải phận Trung Quốc.”
“Ba người của tôi phải bám vào các hòn đá. Tôi cứu được họ. Nhưng bây giờ những người này sợ quá, không dám ra biển nữa.”
Dĩ nhiên, ngư dân ở cả khu vực đã kể về các vụ quấy rối, xâm lấn hay thậm chí bị các nước tranh chấp bắt giữ trên Biển Nam Trung Hoa.
Nhưng Trung Quốc nói nước này gia tăng các vụ tuần tiễu để bảo vệ ngư dân.
Bắt Kinh cũng dùng những cách cụ thể hơn để khẳng định chủ quyền.
Nước này đang xây một thành phố mới trên một hòn đảo ở trung tâm Biển Nam Trung Hoa.
Đầu tư đang đổ vào thành phố mới Tam Sa, gồm cả ngân sách cho một căn cứ quân sự mới.
Những diễn biến này khiến các láng giềng của Trung Quốc lo ngại, theo lời Stephanie Kleine-Ahlbrant từ tổ chức International Crisis Group.
Trung Quốc xây thành phố mới Tam Sa
“Hiện nay có rủi ro xung đột vì những tuyên bố chủ quyền trái ngược,” bà nói.
“Căng thẳng đang hình thành do lo ngại khu vực về tăng trưởng trong sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc và sự mập mờ trong ý định của nước này.”
‘Khiêu khích’
Để đáp trả, nhiều nước châu Á nhỏ hơn đang mở lại tình bạn cũ với Washington.
Nhưng giới chức Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ đang tìm cách dùng vấn đề để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngô Sỹ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, chê trách rằng việc Mỹ can dự đã làm tăng căng thẳng.
“Các nước như Việt Nam và Philippines tin rằng Washington sẽ ủng hộ họ trong mọi tranh chấp,” ông nói.
“Vì vậy họ đang khiêu khích Bắc Kinh trong vấn đề Nam Hải.”
"Tôi sẵn sàng chiến đấu. Tôi đã chờ từ lâu rồi cho cuộc đụng độ quân sự."
Lý Xuân Vượng
Trên thuyền của mình, thuyền trưởng Lý đang mất kiên nhẫn. Ông nói Trung Quốc cần dùng vũ lực để dứt điểm tranh chấp.
“Chúng tôi cần gửi quân đội để lấy lại biển của mình,” ông nói, trong lúc một chân dung của Chủ tịch Mao được treo trên tường.
“Tôi sẵn sàng chiến đấu. Tôi đã chờ từ lâu rồi cho cuộc đụng độ quân sự.”
Chính kiểu nói chuyện này làm các láng giềng của Trung Quốc vô cùng hồi hộp.
Bắc Kinh khẳng định sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ đem lại hòa bình. Nhưng sức mạnh và sự tự tin gia tăng của Trung Quốc đang làm nổi sóng khu vực.

Không có nhận xét nào: