Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang trong tình trạng hỗn độn

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang trong tình trạng hỗn độn nhưng Trung Quốc thì không thể dạy thêm cho Việt Nam điều gì mới mẻ.

Communist China-Vietnam

Nếu chủ đề bức xúc sau đây nhắc nhở bạn về tình trạng ở Trung Quốc thì bạn hãy suy nghĩ đến Việt Nam: các cuộc thảo luận về [sửa đổi] hiến pháp; nỗ lực kiềm chế những đặc quyền của các doanh nghiệp nhà nước; người dân ngày càng giận dữ hơn về tình trạng tham nhũng; đất đai bị chính quyền chiếm đoạt không được bồi thường thỏa đáng, nghị định mới về hạn chế Internet; nhận thức về quá trình cải cách kinh tế không chỉ còn là mong muốn mà là cần thiết; và trong chính trị, bằng chứng về các cuộc đấu đá phe nhóm đang diễn ra khốc liệt giữa các lãnh đạo cao cấp [trong Đảng Cộng sản Việt Nam].

Tránh né các điểm quan trọng

Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số ít các Đảng Cộng sản vẫn còn nắm quyền trên thế giới, vì vậy hầu như không có gì ngạc nhiên khi họ phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự. Tuy nhiên, vấn đề báo động đối với cả hai đảng là sự thiếu hụt về các giải pháp một cách rõ ràng. Cả hai cuộc họp ủy ban trung ương của hai đảng sẽ diễn ra vào mùa thu này. Cả hai phiên họp được đoán trước sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và cải cách đất nước. Hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng tới. Vấn đề của Việt Nam đã đến và đi, và đưa ra vài dấu hiệu rõ ràng hơn trong tư duy đổi mới. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam dường như vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn.

Chương trình nghị sự của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang đề cao việc sửa đổi hiến pháp. Bản Hiến pháp hiện hành được thông qua hồi năm 1992 và chỉnh sửa lần cuối cùng vào năm 2001, hiện không phản ánh đúng về nền kinh tế hội nhập cũng như tình trạng xã hội mà Việt Nam đã trải qua. Một dự thảo sửa đổi đã được phân phối để lấy ý kiến công khai hồi đầu năm nay. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhận hơn 26 triệu ý kiến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề ra yêu cầu chỉnh sửa lại là những điều mà Ủy ban không muốn nghe.

Việc sửa đổi hiến pháp gồm ba điều khoản đặc biệt thu hút sự chú ý dư luận. Các tầng lớp tự do bày tỏ hy vọng rằng bản hiến pháp mới có thể đảm bảo một ngành tư pháp độc lập. Hiện nay hiến pháp hứa hẹn rằng nhà nước “không ngừng tăng cường tính hợp pháp về xã hội chủ nghĩa”. Một số người cũng đã hy vọng về sự thay đổi quy định tại Điều 4, trong đó đặt vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” trong một hệ thống độc đảng. Và điểm thứ ba mà dư luận quan tâm và cho rằng đã lỗi thời cũng như gây nguy hại là nội dung của Điều 19, trong đó nêu rằng “khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia”. Việt Nam hiện đang bị ảnh hưởng mạnh từ cuộc khủng hoảng nợ nần một phần vì sự hoang phí đến từ các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ quản lý. Tăng trưởng kinh tế ở khoảng 5% vẫn còn quá thấp để cung cấp việc làm cho một quốc gia có lượng dân số trẻ khá cao, và nền kinh tế khó có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.

Làm trong sạch khu vực kinh tế nhà nước, có lẽ bằng cách tư nhân hóa các doanh nghiệp và cắt các khoản đầu tư không mang về lợi nhuận, là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới. Nếu gia nhập thành công thỏa thuận thương mại tự do, tức Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, do Hoa Kỳ lãnh đạo thì sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam rất nhiều. Nhưng tháo gỡ “khu vực kinh tế nhà nước” đang gây lo sợ cho nhiều người. Việc lo sợ không chỉ đối với các cán bộ tham nhũng trong hệ thống kinh doanh mà còn ngay trong hệ thống chính trị độc đảng của nước này.

Sau hội nghị trung ương, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục sửa thêm các từ ngữ trong bản hiến pháp. Cho đến nay thì có nhiều điểm đã rõ ràng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục né tránh những điều mấu chốt cần sửa đổi. Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục giữ lại những đặc quyền dành cho một đảng và điều này không thể vận hành với chính sách Đổi mới được đưa ra vào năm 1986, cho phép đất nước chuyển mình nhanh chóng về kinh tế và hội nhập quốc tế.

Những ví dụ của Trung Quốc hiện nay không thể giúp ích nhiều cho trường hợp ở Việt Nam, mặc dù chủ đề về hiến pháp cũng đã từng được đưa ra thảo luận ở Trung Quốc. Sự khác biệt quan trọng là ở Trung Quốc, các nhà phê bình của đảng đơn giản chỉ muốn tiếp tục tôn trọng hiến pháp hiện hành. Hiến pháp hứa hẹn bình đẳng, quyền tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo, và tư pháp độc lập – tất cả các điều mà Đảng Cộng sản chẳng bao giờ quan tâm đến. Ngay cả vai trò lãnh đạo của đảng chỉ được nhắc đến trong lời mở đầu chứ không phải là trong phần nội dung chính. Vì vậy, trong những tháng gần đây truyền thông nhà nước Trung Quốc chính thức đưa ra các bài chống lại “chủ nghĩa hợp hiến” – một khái niệm thái quá rằng hiến pháp cần phải được tôn trọng – như cách mới nhất mà phương Tây đang thực hiện để làm suy yếu một quốc gia nào đó bằng cách đề cập đến những khái niệm tự do mà các nước độc tài cho là nguy hiểm.

Điều 4 trong Hiến pháp ở Việt Nam sẽ không phải là vấn đề nếu Đảng Cộng sản Việt Nam được người dân tôn trọng. Điều này là hậu quả của sự quản lý yếu kém đối với kinh tế trong những năm gần đây. Một phần hệ thống này phản ánh sự ghê tởm của nạn tham nhũng mà hầu như phổ biến trong mọi ngõ ngách, thậm chí ngay ở trong đầu não của chính phủ. Đây là một trong những lý do tại sao mà trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hồi mùa xuân vừa qua một phần ba đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm thấp đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều này rất khác so với tình trạng ở Trung Quốc.

Tức giận với nạn tham nhũng cũng là một trong nhiều lý do dẫn đến trường hợp đau buồn của Đoàn Văn Vườn, một nông dân nuôi cá ở phía Bắc Việt Nam bị chính quyền bỏ tù năm năm hồi tháng Tư vừa qua, và ông lập tức trở thành một anh hùng dân gian trong dư luận. Tội ác mà chính quyền cáo buộc đối với ông Vươn là chính ông đã dùng súng tự chế để bảo vệ mảnh đất của mình khi các quan chức địa phương đến cưỡng chế. Nạn cưỡng chế đất đai trái phép là một nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến nhiều cuộc biểu tình tại Trung Quốc và cải cách hệ thống đất đai nuôi dưỡng những hành vi vi phạm này có thể (hoặc, đúng hơn là cần phải) được đưa ra thảo luận tại hội nghị trung ương đảng lần này.

Đấu đá nội bộ

Ở Trung Quốc cũng vậy, những người đứng lên thường nối kết thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, các cuộc đàn áp đã liên tục diễn ra trong năm nay nhắm đến các nhân vật bất đồng chính kiến ​​trực tuyến với hàng chục người bị bắt giam nhằm giới hạn thông tin truyền đi trên mạng. Tại Việt Nam, một nghị định mới nêu rằng chỉ có “thông tin cá nhân” chứ không phải tin tức mới có thể được trao đổi trực tuyến trên mạng. Đây dường như là một nỗ lực đen tối để lấy lại sự độc quyền trong ngành thông tin đại chúng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng có trước khi người dân biết đến Internet. Ngay cả khi các cuộc đàn áp đã được thi hành thì cũng sẽ quá muộn để dập tắt sự hoài nghi đang mỗi ngày một ầm ỉ về đảng và chính phủ tại Việt Nam cũng như ở Trung Quốc .

Sự hoài nghi được thúc đẩy bởi sự nhận thức rằng các lãnh đạo cộng sản rất ít quan tâm đến lợi ích quốc gia và họ chỉ quan tâm bảo vệ quyền lực cá nhân trong cá cuộc đấu đá phe nhóm nội bộ. Tại Trung Quốc, sự sụp đổ của Bạc Hy Lai – một lãnh đạo tỉnh đầy tham vọng – đã thu hút nhiều sự chú ý hiếm hoi của công chúng liên quan đến cuộc chiến nội bộ trong giới chính trị cao cấp của nước này. Tại Việt Nam thì có các cuộc đấu đá giữa hai nhân vật cấp cao trong Đảng Cộng sản là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sự khác biệt là các cuộc đấu đá giữa các phe nhóm ở Trung Quốc đã cho thấy ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, là người đang chiến thắng rất rõ ràng. Trong khi vấn đề ở Việt  Nam thì dường như không ai biết chắc chắn người thực sự chịu trách nhiệm hay thắng thế là nhân vật nào.

Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Theo The Economist
 
 © 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào: