Pages

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Hạt nhân và vũ khí, trọng tâm chuyến công du Nga của Thủ tướng Ấn Độ

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp Thủ tướng Ấn Độ
 Manmohan Singh, Matxcơva, 21/10/2013.  
REUTERS
Thanh Hà
Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh chính thức viếng thăm nước Nga trong ba ngày 20-21 và 22/10/2013. Cả New Delhi lẫn Matxcơva cùng nhấn mạnh đến hai hồ sơ chính : Hợp tác về năng lượng hạt nhân và quốc phòng.

Hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin vào trưa nay tại điện Kremly, Thủ tuớng Manmohan Singh chủ yếu tập trung vào hồ sơ vũ khí, khi biết rằng Nga vốn là nguồn cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên vị thế áp đảo đó đang bị Hoa Kỳ và Châu Âu đe dọa.

Gần đây Ấn Độ đã hoãn việc ký kết nhiều hợp đồng mua bán vũ khí với Nga. Cho dù có vấp phải một vài trở ngại, nhưng Ân Độ vẫn là một trong những thị trường vũ khí quan trọng nhất của Nga, đồng thời Matxcơva và New Delhi đang phát triển một số các dự án phát triển trang thiết bị quân sự chung, như cùng hợp tác trong lĩnh vực chế tạo máy bay trinh sát đời mới, có trang bị tên lửa hành trình …
Tháng 7/2013 Nga đã giao cho Hải quân Ấn Độ ba chiếc tàu hộ tống có trang bị tên lửa Trikand và đến tháng 11 sắp tới thì sẽ giao hàng không mẫu hạm Vikramaditya. Ngành quốc phòng Ấn dự trù nhiều tỷ đô la để hiện đại hóa quân đội.
Ngoài ra, theo các nguồn tin thông thạo, lãnh đạo Ấn Độ và Nga sẽ thảo luận thêm về khả năng New Delhi thuê tàu sân bay hạt nhân thứ nhì của Nga sau thỏa thuận thuê tàu INS Chakra vào năm ngoái.
Trong chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Nga vào cuối tháng 12/2012, hai bên đã ký kết một hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hơn 7,5 tỷ đô la, trong đó, New Delhi dành 3, 7 triệu để mua 42 chiếc chiến đấu cơ Soukhoi, máy bay trực thăng, tàu tuần duyên và tên lửa của Nga. Từ đầu năm 2000, nhập khẩu vũ khí của New Delhi đă tăng gấp 3 lần, khiến Ấn Độ trở thành quốc gia nhập thiết bị quân sự số một thế giới.
Hồ sơ thứ nhì được Thủ tướng Ấn và Tổng thống Nga đề cập đến trong khuôn khổ Thượng đỉnh song phương lần thứ 14 hôm nay tại điện Kremly là an ninh. Cả New Delhi lẫn Matxcơva cùng muốn bảo vệ những quyền lợi chiến lược tại Afghanistan, vào lúc Pakistan bắt đàu ân xá cho một số phần tử Taliban và Liên quân quốc tế đang chuẩn bị rút khỏi Afghanistan. Giới quan sát nhất mạnh : Trong vấn đề an ninh, hai ông Manmohan Singh và Vladimir Putin « chia sẻ cùng một quan điểm ». Nga và Ấn Độ đều rất lo ngại bất ổn gia tăng tại khu vực Nam Á.
Cuối cùng, trên hồ sơ hạt nhân, một vế quan trọng khác trong quan hệ giữa hai nước, ít có khả năng đôi bên san bằng được những bất đồng để xúc tiến dự án xây lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân Kudankulam tại miền nam Ấn Độ.
Đây là một dự án đã được ký kết từ năm 1988 giữa New Delhi với chính quyền Liên Xô cũ. Sau khi chế độ Cộng sản Liên Xô sụp đổ, công trình chỉ được thực sự khởi động vào năm 2002.
Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam gồm hai tổ máy lắp lò phản ứng loại VVER-1000, công suất mỗi tổ máy là 1.000 MW với sự hợp tác kỹ thuật của Nga.
Lò phản ứng số 1 dự trù bắt đầu sản xuất điện vào cuối tháng 8/2013. Lò phản ứng thứ nhì trên nguyên tắc bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, sau thảm họa sóng thần và tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima –Nhật Bản, các hế hoạch nói trên đã bị đình chỉ trong 6 tháng. Cùng thời kỳ, phía Ấn Độ đòi các đối tác Nga phải nâng cao mức bảo đảm an toàn.
Vấn đề đặt ra là do hợp đồng đã ký kết giữa đôi bên từ thời Liên Xô cũ, phía Matxcơva trả lời là những đòi hỏi về chuẩn mực an toàn hạt nhân mà phía Ấn Độ đưa ra không được quy định trong hợp đồng ban đầu. Đây là trở ngại lớn nhất đang gây bế tắc trong hợp tác song phương về năng lượng hạt nhân.
Chưa biết Nga và Ấn Độ sẽ ký kết được thêm những thỏa thuận hợp tác quân sự nào khác, nhưng dù sao việc Thủ tướng Manmohan Singh đến Matxcơva cũng tạo thuận lợi cho Nga để giành lại vị trí hàng đầu trên thị trường vũ khí Ấn Độ.

Không có nhận xét nào: