Pages

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Ngân hàng VN 'dư tiền chẳng ai muốn vay'

Báo Hà Nội Mới dẫn lời Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng trong tháng Ba chỉ đạt 1.35%, trong đó phần lớn xuất phát từ việc bán trái phiếu chính phủ. Tăng trưởng tín dụng đã giảm 0.55% và 0.65% trong hai tháng đầu năm, trong khi đó mục tiêu của chính phủ là 12-14% trong năm 2014.
Báo trong nước trích lời đại diện của các ngân hàng nói rằng vốn đang dư thừa do tiền tiết kiệm từ dân cư và như tổ chức vẫn tăng, trong khi các doanh nghiệp thì không dám vay vì sợ “nợ lại chồng nợ” bởi cầu của nền kinh tế còn quá yếu.


Tuy vậy, một báo cáo của Ngân hàng Anh Quốc HSBC cho biết lãi suất “không phải là vấn đề” vì đã được đưa về khung hợp lý và “tiền đồng đang trong tình trạng dư thừa”.
Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất huy động từ 7% xuống 6% và lãi suất tái cấp vốn từ 7% xuống 6.5% vào tháng trước, trong một nỗ lực vực dậy tăng trưởng tín dụng.
“Một khi các khoản nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết, ngân hàng sẽ khó có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay được. Điều đó có nghĩa rằng nhu cầu nội địa ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục trì trệ khiến cho tăng trưởng sẽ vẫn nằm dưới mức khuynh hướng chỉ khoảng 5,6% trong năm 2014,” HSBC cho biết.
‘Cố tình giấu nợ xấu’
"Các ngân hàng và doanh nghiệp cố tình giấu đi rất nhiều vì sợ mất uy tín và quỹ dự phòng. Chính vì vậy có nhiều con số khác nhau về nợ xấu"
PGS. TS Phạm Quý Thọ
Trao đổi với BBC hôm 10/4/2014, PGS. TS Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển (ADP) thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói ở nhiều nơi tỷ lệ nợ xấu chỉ được kê khai ở mức bằng 50% con số mà chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá.
Chuyên gia về chính sách khẳng định đang có việc 'né tránh nợ xấu' trong các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam và đề xuất Chính phủ có những biện pháp để xử lý.
“Nợ xấu của Việt Nam vẫn còn chưa minh bạch, chưa đi theo các tiêu chuẩn quốc tế như của IMF và World Bank. Các ngân hàng và doanh nghiệp cố tình giấu đi rất nhiều vì sợ mất uy tín và quỹ dự phòng. Chính vì vậy có nhiều con số khác nhau về nợ xấu. Ngân hàng thì nói là 3-4%, Thống đốc (Ngân hàng Nhà nước) nói là 7-9%, còn các tổ chức quốc tế như Moody’s lại cho rằng ít nhất là 15%,” ông Thọ cho biết.
“Sau khi thành lập công ty xử lý‎ nợ xấu thì đến nay đã mua lại một số nợ nhưng hướng giải quyết vẫn chưa rõ ràng. Kế hoạch thì nhiều, nhưng khả năng làm vẫn còn hạn chế.”
Hồi tháng Hai Ngân hàng Nhà nước và hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s đã có cuộc tranh cãi xung quanh con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Moody’s lúc đó ước tính tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng Việt Nam ít nhất là 15%, hơn gấp ba lần so với con số chính thức 4.7% của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng này sau đó đã ra thông báo phản bác, cho rằng nhiều lắm nợ xấu toàn hệ thống “chỉ là 9%” nếu “tính toán thận trọng.”
Nếu ước tính của Moody’s là chính xác, con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam gần bằng với quốc gia đang chìm trong khủng hoảng của Châu Âu là Hy Lạp (17%), và cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (2.7%), Indonesia (2.1%), hay Trung Quốc (0.9%), theo số liệu của World Bank.
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác cũng có chung nhận định với ước tính của Moody’s.
Rabobank, tập đoàn tài chính-ngân hàng của Hà Lan, cho rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam rơi vào khoảng 8-16%.

Không có nhận xét nào: