Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Thư hiệp thông với Giáo hội Tin Lành Mennonite tại Sài Gòn và các Giáo hội Tin Lành khác

23-12-2010

Kính thưa

- Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Hội trưởng Giáo hội Tin Lành Mennonite Việt Nam,
- Quý Mục sư, Truyền đạo cùng toàn thể tín đồ thuộc Giáo hội Mennonite,
- Quý Giáo hội Tin Lành khác tại Việt Nam.

Chúng tôi là đại diện cho Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, những người cùng là môn đệ Chúa Kitô như Quý vị và đang cùng Quý vị dấn thân tranh đấu cho tự do tôn giáo lẫn dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, xin được gởi đến Mục sư Hội trưởng cùng toàn thể Tín đồ những tâm tình như sau:

1- Qua các phúc trình thông báo gần đây của Mục sư Hội trưởng, chúng tôi biết rằng nhà cầm quyền Cộng sản tại Sài Gòn từ lâu đã coi Quý Giáo hội Mennonite như một cái gai trước mắt cần phải nhổ và như một tổ chức tôn giáo bất hợp pháp cần loại trừ, không những vì Quý vị đang sở hữu hàng ngàn mét vuông tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, vùng đất đắt giá, mà nhất là vì Quý Giáo hội còn phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh miền Nam lẫn vùng Tây Nguyên, đồng thời làm nơi nương tựa và làm tiếng nói cho nhiều bà con dân oan lẫn quần chúng cùng khổ. Cả một chiến dịch đánh phá từ lâu đã được tung ra, nhắm vào tài sản, nhân sự lẫn hoạt động của Quý Giáo hội, do từ chỉ thị mờ ám của lãnh đạo chính trị, biện pháp lươn lẹo của bộ máy hành chánh, bàn tay bạo hành của công an địa phương đến cái loa vu khống của báo chí công cụ.

2- Sáng ngày 14-12-2010, chúng tôi lại được nghe tin dữ rằng các cơ sở của Quý Giáo hội là Văn phòng trung ương tại đường Trần Não, phường Bình Khánh và Vườn Cầu nguyện tại đường Lương Định Của, phường An Khánh, đôi bên đều thuộc Quận 2 thành phố Sài Gòn, đã bị san bằng trong bạo lực và cách phi pháp bởi hơn cả ngàn công an, dân phòng, “quần chúng tự phát” và nhân viên nhiều ngành với đủ thứ dụng cụ phá hoại. Đang khi thành viên của Quý Giáo hội tại chỗ chỉ có khoảng 30 người, đa phần là phụ nữ và trẻ em, tay không tấc sắt và thái độ bất bạo động. Lực lượng của nhà nước đã hành xử một cách man rợ như bắt giữ các Mục sư cốt cán, chửi bới, đấm đá, dí roi điện, quật dùi cui, thu máy ảnh, cướp điện thoại của các tín đồ, cùng lúc dùng bạo lực áp giải các em sinh viên nam nữ từ xa đến học thần học phải về quê. Một điều thậm phi lý nữa là nhà cầm quyền còn buộc Quý Giáo hội phải trả toàn bộ chi phí lên đến hàng trăm triệu cho việc cưỡng chế (nghĩa là cướp bóc và phá hoại) cơ sở của Quý vị. So với xã hội đỏ này, giới xã hội đen đạo tặc giang hồ còn có liêm sỉ và nhân đạo hơn!

3- Chúng tôi cũng được biết tiếp rằng sau khi đoàn chiên bị giải tán, Mục sư Hội trưởng cùng gia đình đã bị dồn về chung cư tái định cư An Phú, Sài Gòn trong một căn phòng nóng nảy, chật chội và thường xuyên bị kềm chế theo dõi. Ngoài ra, một tín đồ già lão, bà Trần Thị Chuốt, một trong những nạn nhân vô tội của vụ cưỡng chế phá hoại, đã bị chết cách mờ ám tại bệnh viện 4 ngày sau đó (18-12-2010) và đã không được thân nhân lẫn tín đồ chôn cất theo đúng nghi thức tôn giáo lẫn phong tục tang lễ, do sự cấm cản của nhà cầm quyền. Thật là vô nhân đạo, hết tình người!

Cùng lúc, chúng tôi được biết thêm rằng sáng ngày 19-12-2010, khoảng 500 tín đồ thuộc Giáo hội Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hạt Thanh Hóa (dưới quyền của Quý Mục sư Nguyễn Trung Tôn và Trần Văn Kỳ), đang khi sắp tổ chức lễ mừng Giáng sinh tại thôn Hoàng Lạp, xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, thì đã bị công an, dân quân và nhiều lực lượng khác ngăn cản, chửi bới, đánh đập tàn nhẫn. Cũng chiều cùng ngày, hàng ngàn tín đồ Tin Lành Miền Bắc thuộc Hội thánh Lời Sự Sống (của Quý Mục sư Nguyễn Hữu Bảo và Ms Đích) đã đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình Hà Nội mà họ đã thuê mướn, để tham gia buổi thờ phượng hát thánh ca mừng Chúa Giáng sinh. Thế nhưng vào giờ chót, chính quyền đã đơn phương hủy hợp đồng mà không thông báo cũng chẳng xin lỗi, lại còn dùng lực lượng công an hàng trăm người với dùi cui, roi điện, vòi rồng, đàn áp, đánh đập các tín đồ và bắt đi một số khác. Thật là tráo trở và tàn nhẫn!

Chúng tôi cũng không quên rằng trước đó, vào khoảng tháng 10-2010, Hội thánh Tin lành Tư gia thuộc quận Bình Thạnh, Sài Gòn, với cái tên ý nghĩa “Hội thánh Chuồng bò”, đã bị nhà cầm quyền đàn áp triệt hạ qua việc bắt Mục sư quản nhiệm Dương Kim Khải cùng nhiều mục sư và tín đồ khác. Tiếp đó, vào tháng 11-2010, Hội thánh Tin lành Việt Nam tại Quảng Ngãi, dưới quyền Mục sư Nguyễn Luận, đã bị hơn 200 công an, cán bộ, dân quân tự vệ thình lình tấn công, đánh đập tín đồ và cướp đoạt thêm đất đai của Giáo hội.

4- Trước tất cả những hành động nói trên, chúng tôi cực lực tố cáo nhà cầm quyền CSVN vẫn luôn coi tôn giáo là kẻ thù không đội trời chung, vẫn tiếp tục duy trì chính sách cướp bóc tài sản, hành hạ nhân sự, ngăn trở hoạt động, lũng đoạn hàng ngũ, triệt tiêu tiếng nói và tha hóa bản chất của các Giáo hội. Chúng tôi ghê tởm sự phối hợp ăn ý giữa chính quyền, công an, tòa án, báo chí, mặt trận (với cả một lực lượng hết sức đông đảo, thừa mứa) trong việc vu khống, sách nhiễu, đe dọa, hành hung và cướp bóc các tôn giáo, đang khi ít thấy sự phối hợp hoàn hảo và sự đông đảo lực lượng trong việc phục vụ nhân sinh, ngăn ngừa tội ác, bảo vệ xã hội. Chúng tôi lên án ý niệm quái đản “sở hữu toàn dân” và chủ trương “đất đai do nhà nước quản lý, người dân chỉ có quyền sử dụng”. Ý niệm và chủ trương này chỉ là phương tiện giúp đảng CS thống trị nhân dân và xã hội, khống chế các lực lượng có tiềm năng thách thức sự độc tài của đảng, giúp đảng viên cướp bóc tài sản cá nhân cũng như tập thể để thu vén quyền lợi cho mình, hầu tiếp tục trung thành bảo vệ đảng.

5- Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam, cụ thể là Ủy ban Công lý Hòa bình, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn và các Tòa Giám mục toàn quốc, lên tiếng yểm trợ bênh vực các Giáo hội Tin Lành nói trên, trong tinh thần bằng hữu và đồng môn đệ. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục đặt Việt Nam vào lại danh sách “Các Quốc gia cần đặc biệt quan tâm” về việc vi phạm nhân quyền và tôn giáo (CPC) đồng thời có những biện pháp chế tài để ngăn chặn bàn tay bách hại của nhà cầm quyền CS. Chúng tôi mong ước mọi tôn giáo tại Việt Nam cùng nhau liên kết, vận dụng uy tín tinh thần và sức mạnh quần chúng của mình, để xoay chuyển tình thế, thực hiện đại cuộc “đạo cứu đời” trong đường lối bất bạo động, theo gương các Giáo hội tại Liên Xô và Đông Âu thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Bởi lẽ bao lâu chủ nghĩa Cộng sản duy vật vô thần còn đầu độc tâm trí người dân, chế độ Cộng sản chuyên chế độc tài còn tàn hại cuộc sống xã hội, chính đảng Cộng sản bạo tàn gian dối còn cai trị đất Việt, thì các tôn giáo khó thực hiện vai trò của mình là làm muối men cho xã hội cũng như lãnh đạo tinh thần cho nhân dân, và đất nước không thể vươn lên nổi.

Để kết thúc, chúng tôi xin bày tỏ lòng thông hiệp sâu xa với Quý Giáo hội Tin lành đang bị bách hại. Nỗi đau khổ của Quý Mục sư, Truyền đạo, Tín hữu, chúng tôi coi là nỗi đau khổ của chính mình. Ước gì các đau thương này là những hiến lễ quí giá dâng lên Chúa Hài Đồng để cầu cho Tổ quốc Việt Nam sớm được an bình thật sự. Nguyện xin Thiên Chúa, nhân mùa Lễ Giáng Sinh này, ban ơn bình an cho tất cả Quý vị và ban ơn thiện tâm cho tất cả những ai đang đàn áp Quý vị.

Làm tại Việt Nam ngày áp lễ Chúa Giáng sinh, 23-12-2010

Đại diện nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền:
- Linh mục Têphanô Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn
- Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế
- Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, Tổng Giáo phận Huế
- Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh


--------------------------------------------------------------------------------


Suy niệm Nhân lễ Giáng sinh 2010


Kính thưa Anh Chị Em Kitô hữu,
Kính thưa Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.

Giáng sinh lại trở về với chúng ta, với toàn thể nhân loại như một biến cố quốc tế, một lễ hội cho loài người. Nhạc Giáng sinh ngân nga, hình ảnh Giáng sinh tràn ngập, lời chúc Giáng sinh âm vang, quà tặng Giáng sinh trao gởi, và nhất là câu chuyện Giáng sinh cùng với sứ điệp của nó được nhắc lại: Thiên Chúa Tạo Hóa đã sai con của Ngài là Đức Giê-su xuống trần gian, đem đến yêu thương, an bình, hòa giải, kết hợp, như lời ca của các thiên sứ từ trời. Và trong đêm Giáng sinh đó, chính các mục đồng nghèo hèn khốn khổ lại được vinh dự làm những phàm nhân đầu tiên nhận lãnh ân phúc và sứ điệp.

Vâng, Đức Giê-su đã đem đến yêu thương, an bình, hòa giải, kết hợp, vì Ngài là hiện thân cho tình yêu của Thượng Đế, là dây nối kết trời với đất, là kẻ chia sẻ số phận phàm nhân đến tột cùng, rồi chịu chết để hòa giải Thiên Chúa với nhân loại. Và Ngài đã mong muốn loài người noi theo tấm gương ấy. Thế nhưng cho tới hôm nay, chiến tranh, hận thù và chia rẽ vẫn tiếp tục xâu xé hành tinh của chúng ta. Nào là ở Trung Đông, nào là ở Trung Á, nào là ở Nam Hải, nào là ở Hoàng Hải… Nói đâu xa, ngay trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, đã hơn 35 năm hầu như lặng im tiếng súng và thống nhất hai miền, nhưng phải chăng dân tộc được sống trong yêu thương, an bình, hòa giải, kết hợp? Hận thù và kỳ thị vẫn tiếp tục hiện diện trong tâm trí và trong cách hành xử của nhiều con cái cùng Mẹ Âu Cơ. Bị thấm nhiễm bởi một học thuyết chủ trương đấu tranh giai cấp, xã hội Việt Nam ngày càng kém tình thương, ít cảm thông, thiếu lòng trắc ẩn. Những cuộc bạo hành trên đường phố, nơi làng xóm, trong gia đình, thậm chí tại trường học… giữa kẻ xa lạ, giữa người thân thuộc, giữa những bạn bè, giữa thường dân với viên chức ngày nào cũng bôi đỏ và bôi đen các trang báo giấy và báo mạng. Ngoài ra, cuộc sống của hầu hết mọi người đều đầy những lo âu thấp thỏm, vì một nền chính trị phi dân chủ phản tự do, vì một nền pháp chế áp dụng luật rừng và luật tiền, vì một bộ máy hành chánh đầy rẫy kẻ tham nhũng, vì một mạng lưới công an cảnh sát chỉ biết hăm dọa, vì một môi trường sống ngày càng lắm ô nhiễm họa tai, vì một nền giáo dục tạo ra những thần dân khiếp nhược hay gian dối, vì một nền kinh tế thương mãi đủ thứ luật bất công, vì một kiểu quản lý xã hội không tạo cơ hội đồng đều cho mọi người, vì một nền an ninh quốc phòng ngày càng mong manh và suy giảm. Hài nhi trong dạ mẹ lo âu vì nạn phá thai, tuổi trẻ lo âu vì tương lai vô định, sinh viên tốt nghiệp lo âu vì chưa hẳn sẽ có việc làm, cha mẹ lo âu vì vật giá ngày càng đắt đỏ, vì gánh nặng học phí con cái, vì sự vô phương hướng của nền giáo dục, nông dân thị dân lo âu vì không biết đất đai nhà cửa sẽ bị giải tỏa chiếm đoạt khi nào, bệnh nhân lo âu vì giá thuốc trên trời và bệnh viện chăm sóc tồi tệ, công nhân lo âu vì đồng lương không bao giờ đủ sống, tín đồ lo âu vì niềm tin thường xuyên bị cấm cản hay xâm phạm, lãnh đạo tinh thần lo âu vì tôn giáo chẳng được độc lập tự do, các nhà trí thức lo âu vì những ý kiến đóng góp cho giới cầm quyền bị khinh bỏ, các nhà đấu tranh cho nhân quyền dân chủ lo âu vì sách nhiễu và tù ngục rình chờ… Than ôi, câu “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương, cho những ai thành tâm thiện chí” nghe như ảo tưởng, nghe sao mỉa mai trên đất nước Việt Nam này.

Thứ đến, trong đêm Giáng sinh, chính các mục đồng lại được ban vinh dự làm những người đầu tiên nhận lãnh ân phúc và sứ điệp. Đó là vì Thiên Chúa thấy đây là hạng thường chịu số phận hẩm hiu trong xã hội Do Thái đương thời. Họ là đại diện cho tất cả những kẻ nghèo về của cải, về địa vị, về văn hóa, về tình thương, nhất là về nhân quyền nhân phẩm. Và tiếc thay, cho đến hôm nay, đặc biệt tại Việt Nam, những hạng nghèo này vẫn là nạn nhân của xã hội, của chế độ. Ai mà không thấy từng đoàn nông dân bị cướp đất, bị hành hung, thậm chí bị đánh chết ở Đức Linh, Bình Thuận, ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, ở Cồn Dầu, Đà Nẵng, ở Ba Tri, Bến Tre, ở Tân Hương, Tiền Giang, ở Phước Long, Khánh Hòa, ở Lộc Hưng, Tân Bình, ở vô số nơi khác và mới nhất là ở Vụ Bản, Nam Định… Ai mà quên được hình ảnh những thanh niên nam nữ nghèo khó trở thành công nhân xuất khẩu và rồi bị bóc lột tàn tệ ở Đài Loan, ở Mã Lai, ở Jordan, ở Maldives… do sự cấu kết giữa giới trung gian vô lương tâm tại quê nhà, giới chủ nhân vô đạo đức tại xứ người và giới đại diện chính quyền vô trách nhiệm tại hải ngoại. Ai mà không chạnh lòng trước cảnh nhiều thiếu nữ thôn quê túng bấn phải đi ra nước ngoài làm vợ ngoại nhân, lấy chồng tâm thần hay già lão, không thân thích, không tình yêu, không nương tựa, không hy vọng, và lắm khi trở thành nô lệ tình dục hay bỏ thây nơi xứ người. Ai mà không đau xót trước những cộng đoàn tôn giáo bé nhỏ bị cấm cản cầu nguyện tại Thanh Hóa, bị cướp bóc đất đai tại Quảng Ngãi, bị bắt tù lãnh đạo tại Bình Thạnh, bị san bằng cơ sở tại Sài Gòn, bị ngăn cấm mừng lễ tại An Giang, bị tước đoạt thánh thất ở Định Quán, bị cấm sửa sang chùa chiền tại Thừa Thiên… Tại sao những cá nhân và cộng đoàn nghèo nàn, nhỏ bé này vẫn không được lưu tâm, nâng đỡ, vẫn không được tôn trọng, nâng cao như các mục đồng nghèo nàn xưa kia trong đêm Chúa giáng thế?

Ôi lạy Thiên Chúa trên trời, Ngài đã dựng nên con người có trái tim và bộ óc để biết yêu nhau cho phải lẽ, đã sai Thánh Tử xuống trần để mời gọi, để nêu gương, để ban sức cho loài người trên khắp hành tinh và trong mỗi quốc gia biết xây dựng những cộng đoàn trong đó nhân phẩm được đề cao, tự do được tôn trọng, công lý được dựng xây, sự thật được bênh đỡ và tình thương được nở rộ. Xin Ngài hãy lắng nghe những ước mơ tha thiết và lời cầu nguyện chân thành của chúng con trong đêm linh thiêng này, ước mơ và cầu nguyện cho những điều tốt đẹp đó được sớm thể hiện trên quê hương Việt Nam đau khổ của chúng con. Amen.

Việt Nam, mùa Giáng sinh năm 2010
Lm Phêrô Phan Văn Lợi

Không có nhận xét nào: