Pages

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Tự do thông tin để chống tham nhũng


Tính minh bạch và quyền tiếp cận thông tin sẽ chống tham nhũng tốt hơn theo ĐS Herrstrom


Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Staffan Herrstrom tin rằng hiệu quả chống tham nhũng sẽ gia tăng nếu Quốc hội thông qua luật về quyền tiếp cận thông tin.

Tự do thông tin được coi là nhân tố hàng đầu để chống tham nhũng, ông nói.

Chống tham nhũng, nâng cao tính minh bạch là hai trong các chủ đề được mang ra bàn thảo tại Hội nghị Các nước cấp viện cho Việt Nam, họp tại Hà Nội ngày 7-8/12.

Trước hết ông Herrstrom cho BBC Việt Ngữ biết về thay đổi trong chương trình viện trợ của Thụy Điển đối với Việt Nam.

Staffan Herrstrom: Hội nghị các nhà tài trợ họp trong hoàn cảnh đáng để ý vì thời điểm quan trong trong bước phát triển của quốc gia này. Việt Nam vừa đạt được vị thế của nước thu nhập trung bình, và VN cần quyết định chính sách sắp tới, liên quan đến chiến lược phát triển, cách giảm nghèo, giải quyết thách thức về môi trường. Trong hoàn cảnh mới, các đối tác phát triển vẫn ở gần VN nhưng mức độ hợp tác sẽ phải thay đổi để phù hợp với thu nhập của quốc gia tăng hơn so với trước đây.

Việt Nam đang gặp thách thức về điều hành kinh tế, liên quan đến hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước. Một thách thức nữa là làm sao đẩy lùi tham nhũng, và đây là lĩnh vực chúng tôi đang trợ giúp.

BBC: Xin ông nói rõ hơn về lĩnh vực phòng chống tham nhũng Thụy Điển đang giúp Việt Nam? Đến nay đã có tiến triển gì khả quan, thưa ông?

Staffan Herrstrom: Một vài năm trước Thụy Điển được chính phủ VN chọn là đối tác phát triển để giúp phòng chống tham nhũng. Đây là chủ đề tôi nói tại hội nghị cấp viện. Giữa tháng 11 vừa qua, chúng tôi tổ chức hội thảo chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Tôi quan tâm đến lĩnh vực này. Tôi thấy chính phủ VN cũng sốt sắng với việc loại trừ tham nhũng trong đất đai, họ đã tham gia bàn thảo một cách công khai. Tôi muốn tìm hiểu chính phủ sẽ tăng tính minh bạch ra sao, qua việc công bố bộ luật mạnh mẽ hơn về quyền tiếp cận thông tin. Điều này lúc nào cũng được giới chuyên gia nhắc tới, coi đó là một trong những công cụ chống tham nhũng tốt hơn.

BBC: Thưa ông liệu quy chế “quốc gia thu nhập trung bình” của Việt Nam có ảnh hưởng đến mức viện trợ của Thụy Điển dành cho Hà Nội trong thời gian tới?

Staffan Herrstrom: Hợp tác giữa hai nước đang thay đổi một cách từ từ. Điều tốt là VN đã đạt được thành công nhất định trong lĩnh vực giảm nghèo. Quốc gia này cũng đạt được phần lớn các mục tiêu của Thiên niên kỷ. Chúng tôi muốn sự hợp tác, cộng tác giữa hai nước tiếp tục giai đoạn sau viện trợ. Đặc biệt trong lĩnh vực giảm nhẹ thay đổi khí hậu, giải quyết ô nhiễm môi trường. Cạnh đó là hợp tác trong các lĩnh vực phổ quát hơn, như dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng, bình đẳng giới, y tế, vân vân…

BBC: Trong nhiều năm Thụy Điển giúp VN khá nhiều trong lĩnh vực tăng cường thể chế, năng lực nhằm chống tham nhũng. (Ví dụ như Thụy Điển tổ chức các khóa học cho nhà báo, phòng viên viết về đề tài tham nhũng. Hoặc khóa đào tạo cho thẩm phán). Tuy nhiên chỉ số tham nhũng ở VN không giảm là bao, người dân trong nước vẫn tiếp tục quan ngại về tình trạng tham nhũng cao trong y tế, giáo dục, quản lý đất đai. Liệu đây có phải là thách thức khó vượt qua?

Staffan Herrstrom: Cơ bản mà nói tham nhũng là thách thức lớn đối với xã hội, với chính phủ tại VN. Cảm tưởng của tôi là chính phủ VN đang đối diện với thách thức này một cách công khai và nghiêm túc. Tại diễn đàn chống tham nhũng gần đây, tôi thấy khích lệ khi bộ trưởng của VN thừa nhận tham nhũng, hối lộ đang xảy ra trong quản lý đất đai. Cần phải làm cho thủ tục minh bạch hơn. Có một số quy định đã ban hành mà có thể tăng độ minh bạch, tính chịu trách nhiệm. Thụy Điển hiện đang làm việc với chính phủ VN, và các đối tác phát triển khác để các quy định này được chấp hành một cách nghiêm túc. Điều quan trọng nhất là dự luật quyền được tiếp cận thông tin cần được thông qua và đi vào cuộc sống sớm. Đồng thời giới nhà báo tại VN cần được khuyến khích bóc trần các vụ tham nhũng. Truyền thông tự do là yếu tố quan trọng hàng đầu của cuộc chiến chống tham nhũng.

BBC: Tại một số nước, tiền viện trợ của quốc tế không đến tay người nghèo, nhóm người cần trợ giúp nhất, vì tham nhũng. Điều này có xảy ra ở Việt Nam không, thưa ông?

Staffan Herrstrom: Quan niệm của Thụy Điển là tất cả nguồn lực, từ tiền thuế trong nước đến viện trợ nước ngoài, cần phải được quản lý một cách có trách nhiệm. Người dân có quyền kiểm soát hoạt động của nhóm người có chức quyền. Các tổ chức trong nước như báo chí, kiểm toán, xã hội dân sự được phép đặt câu hỏi tiền của quốc gia được quản lý như thế nào. Thụy Điển có trợ giúp đào tạo về lĩnh vực này, ví dụ chúng tôi giúp hình thành ngôi làng thí điểm ở thôn quê, trong đó người dân có quyền quyết định ngân sách địa phương sử dụng ra sao. Chúng tôi đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nhân rộng mô hình này. Cơ chế này, nếu được làm tốt, sẽ giúp giảm tham nhũng đáng kể, trợ giúp người nghèo tốt hơn.

Không có nhận xét nào: