Pages

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

HÔM NAY, VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH NƯỚC ĐÃ CÔNG BỐ LUẬT BIỂN VIỆT NAM


"Mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo"


 
(GDVN) - “Luật Biển Việt Nam khẳng định mọi cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Chiều nay, 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố 7 luật và 2 Nghị quyết của QH gồm: Luật Giá; Giám định Tư pháp; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Xử lý vi phạm hành chính; Quảng cáo; Tài nguyên nước và Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân, Nghị quyết về thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tập luyện sẵn sàng chiến đấu ở vùng 4 Hải quân

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Mục đích của việc xây dựng Luật Biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.  
Phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam gồm các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo, Luật Biển Việt Nam cũng nêu rõ việc quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định pháp luật của Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. 
Luật Biển Việt Nam khẳng định: “Theo Luật Biển Việt Nam, mọi cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển”.
Đáng chú ý, trong chương II , Luật Biển Việt Nam quy định về Vùng biển Việt Nam gồm 14 điều quy định về chế độ pháp lý của các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo. Cụ thể, nội thủy của nước ta là vùng nước nằm giữa bờ biển và đường cơ sở. Lãnh hải của Việt Nam rộng 12 hải lý kể từ đường cơ sở. Nội thủy và lãnh hải Việt Nam hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của nội thủy và lãnh hải cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vùng đặc quyền kinh tế của nước ra rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Thềm lục địa của nước ta là phần đáy biển, lòng đất dưới đất biển rộng tối thiểu 200 hải lý kể từ đường cơ sở và có thể mở rộng đến 350 hải lý theo các điều kiện và thủ tục Công ước Luật Biển năm 1982 quy định.
Điều 41 về Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài quy định: Lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam nếu tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.
Quyền truy đuổi tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dưng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành. Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng.
Quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Na, chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác. 

Luật Biển Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biển dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn lực biển.
Ngoài ra, Luật Biển Việt Nam cũng quy định rõ các lực lượng có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát trên biển gồm: các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. Các lực lượng này hoạt động theo nhiệm vụ được quy định cụ thể trong luật pháp Việt Nam và được trang bị cờ, sắc phục, phù hiệu có dấu hiệu đặc trưng. “Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp trên biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới” – ông Sơn nhấn mạnh.
Các điều cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam

Tại Điều 37 của Luật Biển Việt Nam – Quy định cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam quy định: Khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động sau đây:
1. Đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam;
2. Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép;
3. Khai thác trái phép dòng chảy, năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật khác;
4. Xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo;
5. Khoan, đào trái phép;
6. Tiến hành nghiên cứu khoa học trái phép;
7. Gây ô nhiễm môi trường biển;
8. Cướp biển; cướp có vũ trang;
9. Các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. 
Luật Biển Việt Nam được bắt đầu xây dựng từ năm 1998 trên cơ sở các quy định của Công ước Luật Biển 1982, có tham khảo  các thông lệ quốc tế, trong đó có thực tiễn của các nước và các yêu cầu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Tháng 12/2011, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận và cho ý kiến đối với các nội dung quan trọng của dự thảo Luật. Sau đó, các cơ quan chức năng của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 21-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam với 495/496 số phiếu tán thành, đạt 99,8%.

Minh An
Nguồn: Giáo dục VN.

Không có nhận xét nào: