Bà Rịa – Suốt 19 năm sống đầu đường xó chợ để khiếu kiện, bị bắt giam 15 tháng trong tù, ra tù tiếp tục khiếu kiện là chân dung tóm gọn của một trong hàng ngàn dân oan ở Việt Nam. Chị Trần Ngọc Anh!
Chị Ngọc Anh kể, lúc “giải phóng” (30.04.1975), chị mới 9 tuổi, sống ở thành phố Biên Hoà. Năm mười tuổi (1976), ba má bán nhà thu gom mọi tài sản đưa mọi người trong gia đình lên đường đi kinh tế mới theo lời gọi và hứa hẹn của đảng CSVN. Đến tuyến đường xa xôi hẻo lánh 328 thuộc huyện Xuyên Mộc, nay thuộc tỉnh bà Rịa Vũng Tàu. Lúc đó, Xuyên Mộc là nơi rừng thiêng nước độc, ai đến vùng này cũng có nguy cơ bị sốt rét rừng. Những người không may có thể bị tan xác vì bom bi.
Cuộc sống mới nhờ bác và đảng, chị Ngọc Anh cùng với gia đình sống với anh chị em sắc tộc Châu Ro. Khát thì uống nước sông suối, đói thì hái cỏ dại, đào củ chụp trong rừng ăn lót dạ. Dù khó khăn, gia đình chị cũng vượt qua, khai hoá rừng hoang lấy đất trồng trọt. Thôi mình là người dân có mảnh đất cắm dùi là được rồi.
Ai dè, năm 1986, đảng lại quy hoạch, thu hồi toàn bộ đất canh tác do mồ hôi và máu của gia đình chị và nhiều gia đình khác để làm nông trường cao su Hoà Bình, mà không đền bù một nơi sống khác. Họ lại đẩy những người vừa giã từ thị thành để nhập vai nông dân đúng 10 năm đi đến một tuyến đường khác xa hơn, sâu hơn mang số 329. Chị Ngọc Anh nói: “Dân chúng tôi không ai dám phản đối, chỉ biết chấp hành theo những gì đảng và nhà nước đã sắp xếp cho dân chúng tôi”.
Đến lộ 329, người dân lại lao vào khai phá rừng hoang để lấy đất canh tác, bất chấp nguy hiểm và gian khổ. Nhà chị Trần Ngọc Anh khai phá được 5,2 hecta đất rẫy để gieo trồng. Gia đình chị và mọi người dân ở đây đã tạm bằng lòng với nơi an cư này, và bắt đầu tính kế khởi nghiệp. Nào dè, năm 1993, UBND huyện Xuyên Mộc và lâm trường đến cưỡng chế, phá vườn điều, cho xe ủi phá tan mọi cây hoa màu ngắn hạn cũng như dài hạn, bắt dân trồng rừng cho lâm trường trên đất mình đã vất vả khai hoang. Các nông dân thuộc 294 hộ trở nên trắng tay.
Việc cưỡng chế đất gọi là trồng rừng cho lâm trường, nhưng chỉ tám năm sau (2001), hàng ngàn hecta được phân lô chia cho cán bộ, có ông được chia tới vài chục hecta. Phần nhỏ còn lại thì cho một doanh nghiệp ở Sài Gòn ra thuê với danh nghĩa trồng rừng. Chị Trần Ngọc Anh nói: “Đây là lừa dân và chơi xỏ đảng!” Chị Ngọc Anh chua chát nhận xét: “Đây là hành vi cướp đoạt trắng trợn tài sản, công sức mồ hôi, xương máu của dân, gây bất bình trong dư luận”.
Việc cưỡng chế không tuân theo bất kỳ luật pháp nào của quốc gia!
Từ đó 294 gia đình trở thành dân oan chạy tứ phương khiếu kiện, xin đủ mọi chữ ký và xác nhận từ thôn ấp đến trung ương, chầu chực từ cửa công đến nhà tư của cán bộ, bị xua đuổi như chó đến những trận đòn nhân danh công lực, bị hỏi cung, bị ghép tội, bị vu khống và bị tù tội, bệnh tật.
Đời sống dân oan lê lết từ Bà Rịa Vũng Tàu lên Võ Thị Sáu (đường Hiền Vương xưa), Sài Gòn khiếu kiện không được ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, tiếp tục khiếu kiện. Sống lây lất như dân ăn mày, nhưng vẫn phải sống. Công an cấm không cho dân chung quanh giúp gì, kể cả cho chút nước uống, nên cứ phải uống nước từ vòi tưới vườn hoa. Ngày nào không mở thì phải đi mua năm ngàn đồng một can nước máy 5 lít để uống.
Nộp đơn thì bị đuổi, khiếu kiện thì bị công an đánh, bắt dã man, chở đi rồi giữa đêm hôm ném xuống đường. Ức quá, sang ngày 05.11.2009, chị Trần Ngọc Anh mua xăng mang đến trước nhà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hà Nội, rưới xăng châm lửa tự thiêu. Việc tự thiêu không thành công, vì trước nhà thủ tướng có nhiều lính canh. Họ bắt chị rồi đưa ra toà xử 15 tháng tù giam, vì tội gây rối trật tự công cộng.
Ở tù, những vết thương do công an đánh ở Ba Đình lở loét nhiều khiến chị Ngọc Anh sốt cao, nhưng nhà tù không cho thuốc, không chữa bệnh. Ức quá, chị Ngọc Anh tuyệt thực một tuần. Quản giáo sợ chị chết, mới đưa chị đi cấp cứu. Trong tù, công an trực tiếp bạo hành và xúi những người tù hình sự tấn công khiến chị Ngọc Anh phải bốn lần tự tử, nhưng bị cứu không cho chết. Chị hói: “Tại sao các quan chức tham nhũng gây tội ác tày trời thì các ông không bảo sai, mà chỉ biết kiếm chuyện với những người dân vô tội?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét